Bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em
Viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em là một tình trạng rối loạn lành tính ở bề mặt lưỡi. Bình thường lưỡi được bao phủ bởi nhú lưỡi, màu trắng hồng, ngắn và mịn. Ở người bị viêm lưỡi bản đồ, bề mặt lưỡi không có nhú lưỡi, thay vào đó là một khoảng đỏ, nhăn, có viền bao quanh đồ.
Ban đầu chỉ có một vết nhỏ sau đó lan rộng ra, các vết này liên tục thay đổi vị trí, hình dạng và kích thước, không có hình dạng nhất định, những gờ hình ngoằn ngoèo nên gọi là viêm lưỡi bản đồ (địa lý) hoặc viêm lưỡi di cư lành tính.
Viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em là một tình trạng rối loạn lành tính ở bề mặt lưỡi
Viêm lưỡi bản đồ là bệnh không biến chứng, không ảnh hưởng đến sức khỏe, không truyền nhiễm và không phải là triệu chứng của nhiễm trùng hay ung thư nhưng có thể gây khó chịu và tăng độ nhạy cảm của lưỡi với một số chất, chẳng hạn như gia vị, muối, ớt… thậm chí là đồ ngọt.
Nguyên nhân bệnh viêm lưỡi bản đồ
Trẻ bị viêm lưỡi bản đồ có thể là do những sự thay đổi khi mọc răng sữa
Nguyên nhân gây viêm lưỡi bản đồ ở trẻ hiện vẫn chưa được tìm ra nên chưa có biện pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị lưỡi bản đồ như:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh viêm lưỡi bản đồ
- Người có bệnh nền là bệnh vảy nến, tiểu đường, thiếu máu, hen suyễn…
- Cơ thể trẻ thiếu các vitamin nhóm B như vitamin B1, B2, B6 và B12
- Sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể trẻ phản ứng quá mạnh
- Trẻ bị nhiễm giun cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của bệnh viêm lưỡi bản đồ.
- Trẻ bị viêm lưỡi bản đồ có thể là do những sự thay đổi khi mọc răng sữa. Khi bé mọc xong răng sữa bệnh sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, nếu bệnh không khỏi sau khi bé mọc răng thì là do nguyên nhân khác gây bệnh.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm lưỡi bản đồ
Để chẩn đoán bệnh viêm lưỡi bản đồ, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của bệnh đồng thời thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để phân biệt với một số bệnh ở khoang miệng.
Dấu hiệu lâm sàng
Khi bị viêm lưỡi bản đồ nhiều người sẽ xuất hiện kèm theo tình trạng nứt lưỡi
Dấu hiệu lâm sàng của bệnh viêm lưỡi bản đồ bao gồm:
- Những vết có màu đỏ, hình dáng bất thường ở rìa lưỡi hoặc đầu lưỡi.
- Những vết không có tính cố định, thường xuyên thay đổi vị trí, hình dáng, kích thước.
- Xuất hiện kèm theo tình trạng nứt lưỡi. Có khoảng 40% bệnh nhân gặp triệu chứng này, đây là tình trạng xuất hiện những rãnh sâu trên bề mặt lưỡi.
- Các tổn thương có ranh giới viền màu trắng rõ ở giữa màu đỏ và trụi gai nhú ở bề mặt lưỡi. Viền gờ màu trắng này có ngày di chuyển đến ở phần sau lưỡi, có ngày ở gần đầu lưỡi. Hình dạng bất thường giống như bản đồ.
- Khi ăn các thức ăn cay, nóng, mặn, chua hoặc ngọt sẽ có cảm giác bỏng rát, đau, khó chịu. Tuy nhiên, có những trường hợp người bệnh không bị ảnh hưởng tới vị giác, không cảm thấy đau hay khó chịu hay không gặp phiền toái về đồ ăn nhiều gia vị.
Dấu hiệu cận lâm sàng
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân nhân gây bệnh do nấm. Trong đó, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp soi nấm để loại trừ nhiễm nấm candida.
Bệnh viêm lưỡi bản đó có nguy hiểm không?
Nhiều phụ huynh khi thấy con mình mắc bệnh đều lo lắng, sốt ruột không biết viêm lưỡi bản đồ có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bé không? Các chuyên gia cho biết, bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em là bệnh lành tính, không nguy hiểm và không gây biến chứng cho trẻ.
Tuy nhiên, tùy theo thể trạng, cơ địa của từng bé mà xảy ra tình trạng viêm dẫn đến nhiễm trùng, khiến lưỡi của bé bị nứt, gây đau rát, khó chịu, dẫn đến trẻ lười ăn, bỏ ăn và suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, bệnh viêm lưỡi bản đồ là một rối loạn lành tính, không liên quan đến vi khuẩn, virus hay nấm nên không có tính chất lây lan cho người khác.
Điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ
Cà tím rất an toàn và đạt hiệu quả cao trong việc chữa bệnh viêm lưỡi bản đồ
Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị viêm lưỡi bản đồ đặc hiệu ở trẻ. Nếu trẻ ăn uống bình thường, không đau, không khó chịu thì không cần điều trị, chỉ cần chú ý vệ sinh răng miệng hàng ngày, định kỳ lấy cao răng 6 tháng một lần, trong chế độ ăn uống cần hạn chế đồ ăn nóng, kích thích, nhiều gia vị, tránh đồ uống có cồn.
Trường hợp trẻ bị đau, ngứa, khó chịu, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ điều trị và kê đơn thuốc điều trị triệu chứng như: thuốc giảm đau, chống viêm, nước súc miệng có gây tê hay chất kháng histamin.
Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em, còn có nhiều cách chữa viêm lưỡi bản đồ bằng dân gian từ các dược liệu có sẵn trong tự nhiên như rau ngót, cà tím…
- Chữa viêm lưỡi bản đồ bằng rau ngót: Rau ngót là loại cây có công dụng thanh nhiệt cơ thể, diệt khuẩn, khắc phục tình trạng lở loét, viêm nhiễm, tái tạo và hồi phục các tế bào tổn thương… Trong rau ngót còn chứa nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể và sức như vitamin C, canxi, photpho, acid amin… Do đó, rau ngót được áp dụng như một bài thuốc lành tính, hiệu quả trong việc điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em.
Cách làm như sau: rửa sạch rau ngót, để ráo sau đó đem đi giã hoặc xay nát rau ngót. Có thể cho thêm vài hạt muối để tăng tính sát khuẩn. Sau khi hoàn thành việc giã nát rau, thêm một ít nước đun sôi để nguội để trộn hỗn hợp. Lọc lấy nước cốt rau ngót. Sau đó sử dụng gạc y tế để lấy nước hỗn hợp, chấm gạc xuống nước rau ngót vừa chắt, nhẹ nhàng lau sạch miệng cho trẻ. Thực hiện phương pháp này từ 3 - 4 lần sau khi ăn và trước khi đi ngủ để bé mau khỏi bệnh.
- Cách chữa viêm lưỡi bản đồ bằng cà tím: Thành phần của cà tím có chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng cho cơ thể như vitamin B6, vitamin C, kali rất dồi dào, có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường sức khỏe tim mạch và răng miệng rất tốt. Do đó, phụ huynh hoàn toàn yên tâm khi áp dụng cách chữa viêm lưỡi bản đồ bằng dân gian này tại nhà đơn giản và rất an toàn cho trẻ.
Cách làm như sau: Cà tím rửa sạch, bỏ cuống, để nguyên vỏ rồi cắt thành các lát mỏng. Sau đó, cho cà tím vào nồi nước, đun sôi từ 10 - 15 phút đến khi cà tím nhừ. Vớt ra để nguội sau đó cho vào máy xay để ép lấy nước, bỏ bã. Mẹ có thể cho trẻ uống bát nhỏ nước cà tím mỗi ngày để nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng của bệnh viêm lưỡi. Kiên trì thực hiện tối thiểu 2 tuần sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt.
Ngoài ra, cha mẹ nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày của bé các loại trái cây, rau xanh, sinh tố... ăn đồ nguội, lỏng như cháo súp để giúp bé đỡ đau và mau lành tổn thương.
Bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào cũng có thể mắc viêm lưỡi bản đồ. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện của bệnh, nên đưa trẻ đi khám để xác định chính xác, loại trừ các bệnh lý khác và điều trị nếu trẻ đau, khó chịu, bỏ ăn.
Phân biệt viêm lưỡi bản đồ và ung thư lưỡi
Ở khoang miệng có rất nhiều bệnh lý có thể xảy ra, trong đó có ung thư lưỡi và viêm lưỡi bản đồ. Do ở cùng một vị trí nên rất nhiều người có sự nhầm lẫn 2 bệnh lý này với nhau. Trên lâm sàng, viêm lưỡi bản đồ và ung thư lưỡi là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng xuất hiện trên mỗi người bệnh là khác nhau nên đôi khi vẫn có sự nhầm lẫn trong chẩn đoán.
Dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi
Để phân biệt hai bệnh này, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm như sau:
- Hình ảnh viêm lưỡi bản đồ hay gặp là trên mặt lưỡi có những vệt màu trắng, không có hình dạng nhất định, đan xen nhau như bản đồ. Còn ung thư lưỡi sẽ xuất hiện vết loét đáy cứng, bờ sần sùi, không đau, xuất hiện bên hông lưỡi và không tự lành sau 2 tuần.
- Viêm lưỡi bản đồ không gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh nhưng khi bị ung thư lưỡi sẽ có cảm giác đau lưỡi, đau tăng khi nhai hay hoạt động lưỡi. Có thể kèm theo cảm giác đau họng và tình trạng hôi miệng, khó chịu.
- Với ung thư lưỡi, các mảng trắng sẽ tăng sinh theo thời gian, nếu trường hợp nặng có thể bị chảy máu mà không liên quan đến vết xước hay gặp tổn thương ở khoang miệng.
- Viêm lưỡi bản đồ có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài rồi tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ung thư lưỡi lại trái ngược hoàn toàn. Nếu để bệnh tiến triển sang giai đoạn di căn, các tế bào ung thư sẽ lây lan đến các bộ phận khác trong cơ thể, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, khó điều trị.
Có thể thấy, viêm lưỡi bản đồ và ung thư đều là các bệnh lý hay gặp nhưng có sự khác nhau rõ rệt về biểu hiện lâm sàng. Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, dù đau hay không đau, nặng hay nhẹ, người bệnh cũng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh viêm lưỡi bản đồ. Dù là tình trạng viêm lưỡi lành tính nhưng bệnh có thể tái phát nhiều lần và không có biện pháp điều trị triệt để. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có biểu hiện giống với viêm lưỡi bản đồ, phụ huynh có thể áp dụng các cách điều trị viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em đã nêu ở trên. Nếu sau 3 - 5 ngày không đỡ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để xác định chính xác bệnh, loại trừ các bệnh lý khác và điều trị bệnh kịp thời nếu bệnh khiến trẻ bị đau và bỏ ăn. Mọi thắc mắc cần được giải đáp cũng như đăng ký tư vấn khám vui lòng gọi 1900 1806.