Viêm màng ngoài tim cấp: Đối tượng nào dễ mắc bệnh? Điều trị bằng cách nào?

Nguyễn Phương Thảo

08-01-2025

goole news
16

Viêm màng ngoài tim cấp là một tình trạng nguy hiểm, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch. Đây không chỉ là một căn bệnh gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những nhóm đối tượng dễ mắc viêm màng ngoài tim cấp, các phương pháp điều trị hiệu quả và cách phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe tim mạch toàn diện.

Viêm màng ngoài tim cấp là gì? 

Viêm màng ngoài tim cấp là tình trạng viêm đột ngột của lớp màng bao bọc quanh tim gây đau ngực và có thể dẫn đến tích tụ dịch trong khoang màng ngoài tim. 

Viêm màng ngoài tim cấp có thể phát triển nhanh chóng gây tràn dịch màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim cấp có thể phát triển nhanh chóng gây tràn dịch màng ngoài tim

Màng ngoài tim gồm hai lớp: lá tạng và lá thành, giữa chúng chứa một lượng nhỏ dịch để giảm ma sát khi tim co bóp. Khi viêm xảy ra, lượng dịch này có thể tăng lên, gây tràn dịch màng ngoài tim và, trong một số trường hợp, dẫn đến chèn ép tim. 

Viêm màng ngoài tim cấp là một loại bệnh phức tạp, tỷ lệ tái phát lên đến 20- 30% trường hợp, đối với những trường hợp đã từng bị bệnh tỷ lệ tái phát khá cao khoảng 50%. Hiện nay, các nghiên cứu dịch tễ học về bệnh màng ngoài tim chưa được đầy đủ, tỷ lệ lưu hành vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đã có ghi nhận khoảng 0.1- 0.2% bệnh nhân nhập viện và 5% bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì triệu chứng đau ngực do thiếu máu cục bộ. Tại khu vực đô thị miền bắc nước Ý, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng ngoài tim cấp tính là 27,7 trường hợp trên 100.000 người/năm. 

Chính vì vậy, việc nhận biết và điều trị kịp thời viêm màng ngoài tim cấp là quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, và trong một số trường hợp, cần can thiệp y khoa để loại bỏ dịch thừa trong khoang màng ngoài tim. 

Ai dễ mắc bệnh viêm màng ngoài tim cấp?

Những nhóm đối tượng điển hình có nguy cơ mắc viêm màng ngoài tim cao bao gồm:

  • Nhóm người bị nhiễm trùng, có sức đề kháng kém;
  • Người nhiễm vi khuẩn (lậu, tụ cầu vàng, lao);
  • Người bị nhiễm nấm và các tình trạng nhiễm khuẩn khác;
  • Người bị nhiễm ký sinh trùng (sán dây, sốt rét);
  • Người mắc bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp);
  • Người mắc bệnh lý ác tính (ung thư tuỵ, ung thư phổi,..);
  • Người bị suy thận;
  • Người có bệnh lý tim mạch: Nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, bị chấn thương ngực, từng can thiệp/phẫu thuật tim.  

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm màng ngoài tim cấp 

Căn nguyên bệnh viêm màng ngoài tim vẫn chưa được xác định chính xác, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: 

  • Vô căn
  • Virus: Coxsackie A,B (thường gây nên bệnh tay chân miệng); quai bi; Adenovirus (gây bệnh ở nhiều cơ quan như hệ hô hấp, mắt, tiêu hoá, tiết niệu); virus gây bệnh viêm gan; 
  • Vi khuẩn: Liên cầu, phế cầu, tụ cầu khuẩn,...;
  • Vi trùng lao (Mycobacterium tuberculosis); 
  • Nấm: Chủng Histoplasmosis, Aspergillosis, Coccidioidomycosis;
  • Ký sinh trùng;
  • Hội chứng Dressler, bệnh mô liên kết, lupus ban đỏ, hội chứng sau nhồi máu cơ tim muộn, viêm khớp dạng thấp;
  • Tác dụng của một số loại thuốc: Procainamide, isoniazid, hydralazine;
  • Ung thư nguyên phát, thứ phát và sau xạ trị;
  • Tăng hàm lượng ure trong máu, tăng cholesterol, suy giáp, bệnh gout;
  • Chấn thương ngực kín, vỡ đại động mạch, vỡ tim;
  • Bóc tách động mạch chủ;

Triệu chứng của bệnh viêm màng ngoài tim cấp 

Bệnh viêm màng ngoài tim cấp tính thường bao gồm các triệu chứng như đau ngực, tiếng cọ màng ngoài tim, sốt, kèm theo khó thở. Ban đầu, các dấu hiệu có thể tụt áp, sốc hoặc phù phổi thấp. Cụ thể:

Triệu chứng về cơ năng

Đau ngực trong viêm màng ngoài tim cấp là triệu chứng đa số người bệnh gặp phải (>95 trường hợp). Dấu hiệu này xuất hiện thường khá đột ngột, cơn đau thường tập trung ở phía sau xương ứng. Cảm giác đau có thể âm ỉ kéo dài suốt cả ngày và lan lên vùng cổ hay sau lưng. Triệu chứng thường đi kèm với sốt, đau mỏi cơ tương tự như khi mắc virus thông thường. 

Viêm màng ngoài tim cấp tính gây đau ngực, sốt và tiếng cọ màng ngoài tim kèm theo khó thở

Viêm màng ngoài tim cấp tính gây đau ngực, sốt và tiếng cọ màng ngoài tim kèm theo khó thở

Ngoài ra, bệnh nhân có thể trải qua cảm giác khó thở, thường xuất hiện sau  khi bệnh tiến triển và dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim. 

Cảm giác không thoải mái, căng thẳng, tinh thần mệt mỏi buồn bã cũng là những triệu chứng có thể xuất hiện. 

Triệu chứng về thực thể 

Bệnh nhân có thể sẽ cảm nhận được tiếng cọ phát ra từ màng ngoài tim khi nghe. Vị trí tốt nhất để nghe thấy tiếng là phía thấp của bờ trái xương ức là khi bệnh nhân ngồi hơi cúi về phía trước và nín thở sau khi hít một hơi thật sâu.

Viêm màng ngoài tim cấp có nguy hiểm không?

Viêm màng ngoài tim cấp tính là một bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng nguy hiểm bao gồm: 

  • Tụ máu trong màng ngoài tim: Nhiễm trùng và viêm nhiễm trùng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng sản xuất chất lỏng trong màng ngoài tim, gây áp lực và tụ máu, làm giảm khả năng hoạt động của nó. 
  • Viêm màng ngoài tim mạn tính: Tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian dài và gây ra những biến chứng nguy hiểm đi kèm các vấn đề sức khỏe liên quan. 
  • Suy tim: Viêm màng ngoài tim cấp tính có thể gây suy yếu chức năng tim. Đây là một tình trạng khiến tim không thể bơm máu hiệu quả và không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. 

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim cấp đều có thể được kiểm soát và cơ hội phục hồi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Quan trọng là người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị một cách chặt chẽ và nghiêm túc để đảm bảo quá trình chữa bệnh. 

Xem thêm:

Chẩn đoán viêm màng ngoài tim cấp bằng cách nào?

Chẩn đoán qua triệu chứng 

Bước đầu, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và gia đình. 

Thông thường, người bệnh sẽ cảm nhận được các cơn đau ngực điển hình, mức độ đau sẽ tăng lên từ từ. Đặc biệt là khi người bệnh hít thở sâu và giảm khi họ nằm xuống hoặc cúi ra trước. 

Tiếng cọ màng ngoài tim là một trong những dấu hiệu khác. Khi quan sát trên điện tâm đồ (ECG), có thể thấy đoạn ST chênh lên lan toạn hoặc PR chênh xuống. 

Siêu âm tim sẽ có biết sự xuất hiện của tràn dịch màng ngoài tim mới hoặc mức độ bệnh nặng hơn. 

Chẩn đoán qua các xét nghiệm 

  • Điện tâm đồ: Đây là xét nghiệm giúp xác định, chẩn đoán phân biệt và đánh giá các giai đoạn của viêm màng ngoài tim. Nếu bị viêm màng ngoài tim cấp, bệnh nhân có thể có dấu hiệu điện thế giảm và dấu hiệu so le điện thế. 

Điện tâm đồ cung cấp góc nhìn khác nhau xung quanh tim nhờ cách bố trí 12 điện cực tạo ra 12 vector khác nhau

Điện tâm đồ cung cấp góc nhìn khác nhau của tim nhờ bố trí 12 điện cực tạo ra 12 vector khác nhau

  • Cấy đờm, cấy máu và hút dịch dạ dày: Giúp chẩn đoán các trường hợp mắc bệnh phức tạp như do lao, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết; 
  • Xét nghiệm máu: Tăng bạch cầu, máu lắng tăng, tăng men creatine phosphokinase MB;
  • Siêu âm tim: Cách này thường được chỉ định trong giai đoạn sau của bệnh khi có biến đổi huyết động. Dấu hiệu có thể gặp trên siêu âm là khoảng trống siêu âm do màng dịch ngoài tim gây ra. Hiếm gặp hơn khi có dấu hiệu màng ngoài tim dày hơn so với bình thường. Đối với những trường hợp nghi ngờ bị tràn dịch màng tim, siêu âm giúp đánh giá sự tiến triển của bệnh viêm màng ngoài tim cấp. 
  • Xét nghiệm khác: Siêu âm tim qua thực quản, chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể áp dụng trong một vài trường hợp cá biệt để nghiên cứu kỹ hơn về màng ngoài tim. 

Chẩn đoán phân biệt 

Triệu chứng đau ngực do bóc tách thành động mạch chủ, viêm phổi hay nhồi máu cơ tim. 

Biến đổi điện tâm đồ (ECG) cần phân biệt với các biến đổi do thiếu máu cơ tim gây ra. Diễn biến của đoạn ST và sóng T có thể phân biệt trong đại đa số trường hợp. Tuy nhiên, ST chênh lan toả của chuyển đạo cần làm siêu âm để chẩn đoán loại trừ nguy cơ nhồi máu cơ tim. 

Điều trị viêm màng ngoài tim cấp thế nào?

Hầu hết các trường hợp bị bệnh viêm màng ngoài tim cấp không xuất hiện biến chứng thường có thể tự khỏi và đáp ứng tích cực với phác đồ điều trị y khoa. Tuy nhiên, có những trường hợp xuất hiện triệu chứng tràn dịch màng ngoài tim hoặc viêm màng ngoài tim co thắt thì quá trình điều trị có thể phức tạp hơn, đòi hỏi sự quản lý chuyên sâu từ các bác sĩ chuyên khoa. 

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa tập trung chủ yếu vào việc giải quyết nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Hầu hết những bệnh nhân này đều có những phản ứng vô cùng tích cực với phác đồ điều trị. 

Một số loại thuốc bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân bao gồm: 

  • Ibuprofen, Indomethacin: Sử dụng trong khoảng thời gian 3 tuần; 
  • Trường hợp không đáp ứng được thuốc kháng viêm không steroid hoặc bị tái phát có thể sử dụng Prednisone; 
  • Nặng hơn có thể cân nhắc dùng đường tiêm tĩnh mạch với Methylprednisolone; 
  • Một số nghiên cứu cho rằng Colchicine cũng mang lại hiệu quả cao trong điều trị viêm màng ngoài tim cấp. 

Điều trị ngoại khoa

Với những trường hợp đặc biệt hơn, xuất hiện những vấn đề huyết động như khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh hoặc có nghi ngờ về nhiễm trùng hay sự xuất hiện của u tân sinh, có bằng chứng cho viêm màng ngoài tim co thắt có thể cần phải điều trị bằng những biện pháp có xâm lấn như dẫn lưu hoặc mở màng ngoài tim. 

Mở dẫn lưu màng ngoài tim dưới xương ức chỉ được xem xét trong tình huống bệnh nhân bị ung thư

Mở dẫn lưu màng ngoài tim dưới xương ức chỉ được xem xét trong tình huống bệnh nhân bị ung thư

Điều trị trường hợp tràn dịch màng tim có ép tim

Phương pháp chọn dẫn lưu dịch màng ngoài tim qua da chỉ được chỉ định trong các tình huống có sự tràn dịch nhiều gây ảnh hưởng đến huyết động hoặc chọc để chẩn đoán nguyên nhân. Chọc dẫn lưu với gây tê tại chỗ hoặc đặt dẫn lưu trong trường hợp dịch chảy nhiều, tái phát liên tục. 

Đặt lịch khám tại Bệnh viện Phương Đông, Quý khách hàng có thể liên hệ qua hotline 1900 1806 hoặc đặt lịch trực tiếp tại đây. Đội ngũ tư vấn sẽ hỗ trợ khách hàng sớm nhất.

Câu hỏi liên quan

1. Chi phí khám chữa bệnh viêm màng ngoài tim?

Chi phí điều trị tùy thuộc vào thời gian nằm viện cũng như bệnh viện đó là tư nhân hay công lập, có thể bảo hiểm y tế hay không?

  • Đối với bệnh nhân có thẻ BHYT, khám và điều trị tại các cơ sở công lập, chi phí có thể dao động từ 1-5 triệu đồng. 
  • Đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT, khám và điều trị ở các cơ sở công lập, chi phí có thể từ 5-8 triệu đồng. 

Nếu bệnh nhân lựa chọn thăm khám và điều trị ở các bệnh viện tư nhân thì chi phí tùy thuộc vào dịch vụ yêu cầu. 

2. Người bị viêm màng ngoài tim cấp nên ăn gì? 

Người bị viêm màng ngoài tim cần một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng để hỗ trợ giảm viêm, tăng cường miễn dịch và cải thiện sức khỏe tim mạch. Các thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung:

  • Thực phẩm giàu Omega-3: cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó;
  • Trái cây giàu vitamin và rau củ: cam, bưởi, dâu tây, kiwi, rau cải bó xôi, cải xoăn, cà chua, cà rốt;
  • Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, lúa mì nguyên cám, gạo lứt;
  • Các loại hạt và đậu: hạnh nhân, hạt điều, đậu xanh,...
  • Dầu thực vật lành mạnh: dầu hạt cải, dầu ô liu;
  • Uống đủ nước để duy trì huyết áp và ngăn mất nước.
  • Sữa ít béo hoặc sữa hạt.
  • Thực phẩm cần tránh
  • Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo bão hòa;
  • Đồ uống có cồn;

Kết luận 

Viêm màng ngoài tim cấp không phải là căn bệnh xa lạ, nhưng nhận thức đúng đắn về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và phương pháp điều trị lại là yếu tố sống còn để kiểm soát bệnh hiệu quả. Bằng cách quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch, thăm khám định kỳ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và duy trì một trái tim khỏe mạnh.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

53

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám