Viêm ruột thừa là gì
Ruột thừa là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già), dài khoảng vài centimet. Đây là bộ phận có vai trò quan trọng trong sản xuất kháng thể.
Viêm ruột thừa là hiện tượng phần ruột thừa bị viêm. Đây là tình huống cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm do tiến triển của bệnh rất nhanh, từ ổ viêm sẽ tích tụ dịch mủ dẫn đến vỡ mủ tràn ra đường ruột và nội tạng. Biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng khoang bụng, thủng ruột, nhiễm trùng huyết gây tử vong.
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất là nam giới trong độ tuổi tử 10 - 30 tuổi. Tỷ lệ mắc ở nam/nữ là 1,3:1.
Hình ảnh mô phỏng ruột thừa bị viêm.
Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?
Viêm ruột thừa cấp tính thường vỡ mủ sau 24 giờ, một số trường hợp có thể vỡ mủ sau 12 giờ. Có trường hợp sau 6 giờ kể từ lúc bệnh nhân khởi phát cơn đau là đã có tình trạng vỡ mủ tràn ra nội tạng. Vì vậy, không thể đoán trước được khi nào thì phần bị viêm sẽ vỡ mủ.
Nếu cấp cứu chậm, bệnh sẽ diễn biến xấu với các biến chứng như:
- Vỡ mủ: Lây lan nhiễm trùng khắp bụng, viêm phúc mạc đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này cần phải mổ ngay lập tức để cắt bỏ vùng tổn thương và làm sạch khoang bụng.
- Áp xe (hình thành túi mủ ở trong bụng): Đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ dẫn lưu mủ ra ngoài bằng ống thông qua thành bụng vào đến ổ áp xe. Khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi, bác sĩ sẽ phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa. Một số trường hợp, việc dẫn lưu ổ áp xe và cắt bỏ ruột thừa được tiến hành cùng một lúc.
Tiên lượng của tình trạng viêm ruột thừa cấp phụ thuộc vào các yếu tố như: tuổi tác của bệnh nhân, thể lâm sàng của bệnh, các bệnh lý nội khoa kèm theo,...
Viêm ruột thừa là trường hợp khẩn cấp, cần can thiệp phẫu thuật kịp thời.
Triệu chứng viêm ruột thừa
Đau ruột thừa có thể xảy ra ở bất cứ ai với những dấu hiệu điển hình như: đau bụng, buồn nôn và sốt. Khi tình trạng viêm, sưng trở nên nghiêm trọng hơn, thành bụng liền kề sẽ bị kích thích, dẫn đến những cơn đau ở vùng hạ sườn phải. Ở trẻ em dưới 3 tuổi, triệu chứng này thường không nhận thấy.
Cụ thể, cách nhận biết viêm ruột thừa đặc trưng nhất là đau âm ỉ quanh rốn hoặc trên rốn. Sau vài giờ đau chuyển sang vùng hạ sườn phải. Thành bụng lúc này đã trở nên rất nhạy cảm với áp lực nhẹ, sờ vào là thấy đau. Cơn đau dữ dội hơn khi cử động, ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra bệnh nhân còn có các dấu hiệu như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi toàn thân, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa có thể ngắn hoặc kéo dài trong nhiều giờ liền tuỳ vào tình trạng của mỗi người. Thông thường là 1 – 12 tiếng. Nếu không được cấp cứu sẽ dẫn đến vỡ ruột thừa và nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian đau của viêm ruột thừa kéo dài bao lâu cũng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thể trạng của từng người, cơn đau có thể ngắn nhưng cũng có người đau âm ỉ rồi chuyển dữ dội kéo dài đến 12 tiếng khiến người bệnh rất khó chịu. Lúc này cần tới bệnh viện ngay để được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời.
Nguyên nhân viêm ruột thừa
Bệnh có thể xảy ra do những nguyên nhân điển hình, chẳng hạn như: tắc nghẽn chất thải, sự xâm nhập của vi sinh vật, khối u, cụ thể:
- Do sỏi gây tắc nghẽn lòng ruột thừa, tắc nghẽn do phân tích tụ
- Do có giun, sán
- Có khối u
- Do tăng sản hạch bạch huyết - một rối loạn hiếm gặp
- Nhiễm khuẩn ở thành ruột thừa do loét ở niêm mạc
- Xuất hiện vi khuẩn trong đường tiêu hoá như E.coli, Bacteroides Fragilis
Vi khuẩn cũng là nguyên nhân dẫn đến ruột thừa bị viêm.
Những thể viêm ruột thừa đặc biệt thường gặp
Căn cứ vào nguyên nhân tắc nghẽn thì có viêm ruột thừa nhiễm trùng, do chất thải, do ký sinh trùng,... Dựa trên thời gian tiến triển thì có viêm ruột thừa cấp và mãn tính. Dưới đây là một số thể ở những đối tượng đặc biệt gồm:
Viêm ruột thừa ở trẻ em
Trẻ em bị viêm ruột thừa thường rất khó để chẩn đoán bởi trẻ chưa có khả năng miêu tả chính xác vị trí cơn đau nên ba mẹ dễ nhầm lẫn với đau bụng thông thường. Ở trẻ bệnh còn có diễn biến phức tạp và tiến triển nhanh. Mặt khác, ruột thừa có thể bị vỡ mủ hoặc thủng dễ dàng nếu không can thiệp sớm, nếu đã vỡ có thể gây viêm phúc mạc.
Nhận biết đau ruột thừa ở trẻ là đau vùng bụng dưới bên phải, kèm sốt nhẹ, rối loạn tiêu hoá, chướng bụng, bị táo bón hoặc tiêu chảy, trẻ chán ăn, quấy khóc, môi khô và mệt mỏi. Cha mẹ nên quan sát biểu hiện của con kịp thời.
Viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai
Ruột thừa bị viêm ở phụ nữ mang thai khó nhận biết hơn vì điểm đau ruột thừa không điển hình như người bình thường. Đặc biệt nếu xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ, sát thời điểm chuyển dạ, bởi cơn gò tử cung thường làm mờ đi dấu hiệu đau.
Viêm ruột thừa cấp thường gặp nhất trong hai quý đầu của thai kỳ. Khi thai nhi lớn dần, chẩn đoán sẽ khó khăn hơn do ruột thừa đi ra ngoài và lên trên.
Việc mổ ruột thừa trong khi mang thai sẽ có nguy cơ đẻ non từ 10-15%. Tỷ lệ tử vong của thai nhi trong tình huống này là 3-5% và tăng lên đến 20% khi phần viêm bị thủng hoặc bị viêm phúc mạc.
Phụ nữ mang thai cũng có thể bị đau ruột thừa.
Viêm ruột thừa ở người già
Viêm ruột thừa ở người già ít gặp hơn nhưng lại có nhiều biến chứng nặng nề với các tai biến bệnh lý kèm theo như tim, phổi.... Với người cao tuổi, 2 thể lâm sàng thường gặp là bán tắc ruột và thể u.
Khám gì để biết viêm ruột thừa?
Để chẩn đoán viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cận lâm sàng, dựa vào triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể như việc ấn nhẹ lên vùng bị đau, khi có tác động đột ngột, cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn, dấu hiệu này cho thấy phúc mạc cũng đang bị viêm.
Ngoài ra bác sĩ còn kiểm tra độ cứng của bụng, kiểm tra trực tràng dưới.
Các xét nghiệm cần làm như xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu để phát hiện nhiễm trùng (nếu có); xét nghiệm nước tiểu để loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
Chẩn đoán hình ảnh được chỉ định gồm: Chụp X-quang vùng bụng, siêu âm bụng, chụp CT,... để xác định chính xác tình trạng viêm ruột thừa.
Xem thêm:
Điều trị viêm ruột thừa
Việc phẫu thuật khi bị viêm ruột thừa là cần thiết để loại bỏ phần ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Cách điều trị ruột thừa bị viêm cụ thể gồm:
Mổ mở hoặc mổ nội soi
Phẫu thuật viêm ruột thừa có thể là cuộc mổ mở được thực hiện bằng cách rạch 5-10cm phần da vùng bụng. Hoặc phẫu thuật nội soi thông qua một vài vết rạch da nhỏ ở bụng, thông qua một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dùng bác sĩ sẽ cắt bỏ ruột thừa.
Thông thường, mổ nội soi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, ít đau và vết thương ít để lại sẹo. Nhưng nếu ruột thừa đã bị vỡ và mủ viêm đã lan ra ngoài ruột thừa hoặc đã có áp xe, bác sĩ có thể sẽ phẫu thuật mở bụng để cắt ruột thừa và đồng thời làm sạch khoang bụng.
Mổ mở hoặc mở nội soi được áp dụng cho bệnh nhân viêm ruột thừa.
Dẫn lưu áp xe trước khi phẫu thuật cắt ruột thừa
Đây là trường hợp áp dụng nếu bệnh nhân có áp xe, ống dẫn lưu sẽ được đặt thông qua thành bụng và dẫn mủ từ ổ áp xe ra ngoài. Sau đó việc mổ cắt ruột thừa được tiến hành.
Điều trị không phẫu thuật
Viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không? Nếu bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng nhẹ và bác sĩ xét thấy bệnh nhân không cần phẫu thuật ngay lập tức thì có thể được điều trị bằng kháng sinh để theo dõi tình hình. Tuy nhiên, trường hợp viêm ruột thừa nhẹ và không phức tạp, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể có hiệu quả nhưng có khả năng tái phát bệnh.
Cách phòng ngừa viêm ruột thừa
Không có giải pháp phòng ngừa bệnh tuyệt đối nhưng một số nghiên cứu cho thấy người có chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bạn nên tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm này ở hoa quả, rau xanh, các loại đậu, bột yến mạch, gạo lứt hay ngũ cốc nguyên hạt khác.
Viêm ruột thừa gặp ở bất kỳ ai và bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Vì vậy, bạn cần sớm nhận biết dấu hiệu bệnh và đi khám để xử lý kịp thời. Điều đó giúp việc chữa trị nhanh và dễ dàng hơn.
Để biết thêm thông tin về bệnh bạn có thể gọi vào số 19001806 để chuyên gia bác sĩ bệnh viện Phương Đông trực tiếp giải đáp hoặc vui lòng điền thông tin tại phần để có thể đặt lịch khám tại Phương Đông.