Xương ống đồng, hay còn gọi là xương chày, là một trong những xương dài và quan trọng nhất trong cơ thể con người. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương do va chạm, tai nạn hay luyện tập sai cách. Theo dõi bài viết dưới đây của đội ngũ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để cập nhật những thông tin chi tiết về xương ống đồng nhé!
Xương ống đồng là gì?
Xương ống đồng, còn gọi là xương chày (tibia) là một trong hai xương chính ở cẳng chân, bên cạnh xương mác (fibula). Đây là xương dài chịu trách nhiệm nâng đỡ và duy trì trọng lượng khi di chuyển. Các chấn thương ở xương ống đồng thường là do va chạm mạnh trong thể thao hay do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông,....

Minh hoạ hình ảnh của xương chày
Vị trí, cấu tạo và chức năng của xương ống đồng
Về vị trí, như đã nói ở trên, xương ống đồng là xương nằm ở phía trước và trong của cẳng chân, kéo dài từ khớp gối đến khớp cổ chân. Đây là một phần của cẳng chân, nằm sát da nên dễ bị tổn thương khi va chạm.
Về cấu tạo, xương ống đồng là xương dài thuộc phần thân dưới. Đầu trên xương có hai mấu chày hình thành khớp gối, kết nối với xương đùi. Thân xương gồm phần giữa dài, có ba mặt (mặt trước, mặt trong, mặt ngoài) và được bao bọc bởi cơ bắp cẳng chân. Đầu dưới xương tạo thành mắt cá chân trong, kết nối với xương bàn chân qua khớp cổ chân.

Xương chày là xương chịu trách nhiệm nâng đỡ thân trên, kết nối với xương đùi
Chức năng chính của xương bao gồm:
- Nâng đỡ sức nặng của cơ thể khi đứng, đi, chạy và tham gia các hoạt động khác
- Hỗ trợ khớp cổ chân và khớp gối vận động linh hoạt
- Là điểm bám cho các cơ, dây chằng, đảm bảo sự ổn định cho cẳng chân và bàn chân
Vì vị trí và chức năng có phần đặc thù, xương ống đồng thường gặp một số vấn đề như:
- Gãy xương: Đây là các chấn thương thường gặp, bao gồm các trường hợp gãy kín có di lệch hoặc gãy hở không có di lệch. Với các trường hợp gãy xương, bệnh nhân thường phải nẹp bó bột và phẫu thuật điều chỉnh ổ gãy.
- Đau nhức xương ống đồng: Biểu hiện này thường xảy ra khi bệnh nhân tập luyện quá sức, gặp chấn thương hoặc là biến chứng của bệnh lý khác.
- Rạn xương ống đồng: Tổn thương do ngoại lực tác động hình thành các vết nứt, rạn trên bề mặt xương, xương có thể lệch ra khỏi vị trí ban đầu hoặc không.
Gãy xương ống đồng là gì?
Gãy xương ống đồng là tình trạng xương chày bị nứt, vỡ hoặc gãy hoàn toàn do chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông, thường kèm theo gãy xương mác. Gãy có thể là gãy kín (da còn nguyên) hoặc gãy hở (xương đâm xuyên da), với mức độ từ nứt nhẹ đến gãy nhiều mảnh, gây đau đớn và hạn chế vận động.

Người vừa trải qua tai nạn giao thông có thể bị chấn thương ở xương ống đồng
Có rất nhiều cách phân loại chấn thương ở xương chày, tuỳ thuộc vào vị trí gãy xương, kiểu gãy xương (gãy ngang, gãy dọc, gãy xéo) và mức độ tổn thương vùng da.
Các nguyên nhân phổ biến gây ra gãy xương chày chủ yếu đến từ:
- Va chạm giao thông: Xương chịu chấn thương mạnh từ bên ngoài, gãy ra các mảnh nhỏ thậm chí các mảnh xương vụn xuyên qua da hoặc xuyên xuống các xương khác gây tổn thương cơ, gân, dây chằng xung quanh
- Chấn thương thể thao trong các môn đối kháng như trượt tuyết, đua xe,...do các cầu thủ va chạm với nhau. Xương có thể gãy theo trục, do lực xoắn gây ra và dẫn đến xương gãy xiên hoặc gãy hình xoắn ốc
Nếu bạn không may bị gãy xương cẳng chân, bạn có thể cảm nhận được ngay lập tức qua các triệu chứng điển hình như sau:
- Không đi, đứng được do thân dưới mất điểm tựa
- Xương bị biến dạng hoặc mất ổn định
- Da bị lún tại vị trí xương bị gãy hoặc xương nhô lên để đẩy bề mặt da lên
- Mất cảm giác ở bàn chân
Phương pháp điều trị ở gãy xương ống đồng
Bệnh nhân được chẩn đoán xương ống đồng bị gãy thường được áp dụng các phương pháp điều trị như sau:
- Nẹp hoặc bó bột cho các ca bệnh gãy kín, không di lệch hoặc di lệch nhẹ. Bó bột hoặc nẹp cố định xương trong 10 - 12 tuần để hỗ trợ xương tự lành.
- Phẫu thuật đối với các trường hợp gãy phức tạp (gãy hở, nhiều mảnh, di lệch nặng). Bệnh nhân sẽ được nắn chỉnh ổ gãy và cố định ổ gãy bằng đinh nội tuỷ hoặc nẹp vít.
- Đóng đinh nội tủy: Bác sĩ sẽ đưa đinh thép vào lòng tủy để định hình lại xương, hạn chế tổn thương sau phẫu thuật và rút ngắn thời gian phục hồi.
- Nẹp vít: Đĩa và vít sẽ được đưa vào để cố định các mảnh xương, thường thực hiện với các trường hợp gãy phức tạp.
Với những bệnh nhân cần phẫu thuật, bạn có thể sinh hoạt trở lại ngay sau mổ và sẽ mất khoảng 6 - 8 tuần để hồi phục hoàn toàn sau mổ. Bên cạnh đó, bạn có thể được chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau, kháng sinh (nếu gãy hở), và theo dõi định kỳ bằng X-quang.

Một số bệnh nhân bị chấn thương nặng có thể phải nẹp vít
Chế độ phục hồi sau khi bị chấn thương ống đồng
Để quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, điều tiên quyết là bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, hãy giảm tối đa trọng lượng đặt lên chân bị thương trong 6 - 8 tuần đầu. Bạn có thể sử dụng nạng hoặc xe lăn để thay thế.
Đồng thời, bạn nên phối hợp với chuyên gia vật lý trị liệu để luyện tập các bài tập phục hồi chức năng đầy đủ, đúng cách. Theo thời gian, bạn sẽ khôi phục được sức mạnh cơ bắp và tăng cường phạm vi vận động trở lại.
Bên cạnh đó, bạn hãy ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D và protein để tái tạo lại xương và tăng cường sức mạnh tổng thể. Đặc biệt, hãy đi khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra tiến độ lành thương và đưa ra các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Có thể nói, xương ống đồng là xương chày lớn nhất cơ thể, chịu trách nhiệm duy trì thăng bằng, hỗ trợ người bệnh đi lại. Nếu vừa trải qua chấn thương mạnh, bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt để phòng tránh các chấn thương có thể xảy ra.