Addison là một căn bệnh hiếm gặp, chỉ xảy ra với tỉ lệ 1/100.000 người. Đáng chú ý, Tổng thống Hoa kỳ John F. Kennedy cũng đã mắc căn bệnh này. Triệu chứng Addison rất đa dạng, từ nhẹ tới nặng. Tuy nhiên những người mắc bệnh này vẫn có thể có cuộc sống bình thường nếu duy trì dùng thuốc và xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Tổng quan về bệnh
Một cách để cơ thể con người giữ cân bằng là sử dụng các hormone để điều chỉnh các chức năng khác nhau. Phía trên mỗi quả thận của có chứa một tuyến thượng thận nhỏ. Những tuyến này có nhiệm vụ tiết ra các hormone cần thiết để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh. Khi tuyến này vì nguyên nhân nào đó mà không tạo ra đủ các hormone sẽ gây ra bệnh Addison.
Như vậy, bệnh Addison chính là bệnh suy thượng thận nguyên phát. Thận của những người bệnh này đã không tạo ra đủ một lượng hormone gọi là cortisol và aldosterone.
Addison chính là bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát
Chức năng quan trọng nhất của hormone cortisol chính là giúp cơ thể bạn đáp ứng với căng thẳng, điều chỉnh việc sử dụng protein, carbohydrate cùng các chất béo của cơ thể. Bên cạnh đó, nó giúp duy trì huyết áp và chức năng tim mạch và kiểm soát quá trình viêm.
Hormone Aldosterone giúp thận điều chỉnh lượng muối và nước trong cơ thể. Điều này cũng giúp cơ thể chúng ta điều chỉnh lượng máu và kiểm soát huyết áp ổn định. Khi nồng độ aldosterone giảm quá thấp, thận không thể giữ cân bằng lượng muối và nước. Do đó, huyết áp của cơ thể cũng bị giảm xuống.
Ngoài suy tuyến thượng thận nguyên phát (bệnh Addison) còn có cả suy tuyến thượng thận thứ phát. Theo các chuyên gia, bác sĩ có sự khác biệt về hai hormon tuyến thượng thận (cortisol và aldosterone) giữa hai thể bệnh trên. Theo đó cả hai thường thiếu trong suy thượng thận nguyên phát, trong khi chỉ một mình hormone cortisol bị thiếu trong suy thượng thận thứ phát. Điều này đã dẫn đến một vài sự khác biệt về triệu chứng đặc trưng giữa hai thể bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính được các nhà khoa học xác định gây ra bệnh Addison chính là do tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả. Những tuyến nằm ngay sau vùng thận có chứng năng sản xuất hormone để duy trì hoạt động của các cơ quan và các mô trong cơ thể. Tuy nhiên, khi tuyến thượng thận bị tổn thương, lượng hormon cortisol và aldosterone sản xuất ra đã bị suy giảm đáng kể.
Các yếu tố gây ra tổn thương tuyến thượng thận nguyên phát thường bao gồm:
- Hệ miễn dịch tấn công các tuyến thượng thận do chúng nhận “nhầm” đây là những tuyến gây nguy hiểm cho cơ thể;
- Sự tác động của các bệnh nhiễm trùng như lao, HIV hoặc nhiễm nấm;
- Các khối u hoặc hiện tượng xuất huyết ở tuyến thượng thận.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Tùy vào thể trạng, tình hình sức khỏe mà bệnh nhân Addison sẽ các dấu hiệu và triệu chứng bệnh khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là:
- Cơ thể yếu ớt, mệt mỏi hoặc khó chịu ở dạ dày. Triệu chứng này có thể kèm theo hiện tượng sụt cân, biếng ăn, huyết áp thấp, có sự biến đổi ở tóc và da, thậm chí là trầm cảm.
- Sạm da ở vùng khớp ngón tay, khuỷu tay đầu gối hay ngón chân hoặc môi. Đôi khi triệu chứng này cũng kèm theo dấu hiệu nếp nhăn ở lòng bàn tay và niêm mạc.
- Những trường hợp suy thượng thận xuất hiện đột ngột do căng thẳng, chẳng hạn như trong quá trình phẫu thuật, bị chấn thương hoặc bệnh tật thì các triệu chứng bệnh thường bao gồm buồn nôn nặng, nôn mửa, tiêu chảy, huyết áp giảm xuống quá thấp, tình trạng đau nhức ở cẳng chân hoặc dạ dày và hôn mê.
Bệnh addison gây sạm da bất thường
Như vậy, chúng ta có thể liệt kê những dấu hiệu và triệu chứng bệnh Addison, như sau: Sạm da, hoặc da tối màu hơn; cơ thể mệt mỏi; sụt cân; xuất hiện các vấn đề về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng; chóng mặt, ngất xỉu; đau cơ hay khớp.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Những đối tượng có nguy cơ mắc Addison bao gồm:
- Bệnh nhân bị lao, AIDS, giang mai: Những bệnh này có nguy cơ làm viêm nhiễm, hoại tử thượng thân, từ đó chức năng của cơ quan này cũng bị suy giảm.
- Bệnh tự miễn: Là các bệnh thường gây thâm nhiễm lymphocyte vào vỏ tuyến thượng thận, khiến tuyến thượng thận teo nhỏ.
- Người cắt bỏ tuyến thượng thận: Những đối tượng sẽ không còn tuyến thượng thận để sản xuất các hormon glucocorticoid hoặc mineralocorticoid nên có nguy cơ cao mắc Addison.
- Người bị suy tuyến yên: Tuyến yên bị suy yếu nên không sản xuất đủ hormon ACTH để điều hòa quá trình bài tiết hormon tuyến thượng thận từ đó gây suy thượng thận.
- Ung thư (tiêu hóa, phổi, vú, thận) di căn đến vỏ thượng thận: Những bệnh lý này làm cho đáp ứng cortisol dưới mức bình thường đối với ACTH.
Biến chứng của bệnh
Khủng hoảng Addisonian được xem là là biến chứng của Addison. Nếu đã điều trị bệnh Addison, bạn hoàn toàn có thể bị khủng hoảng Addison do hậu quả của căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh tật.
Tuyến thượng thận thường sản xuất gấp 2 - 3 lần lượng cortisol mỗi ngày để đáp ứng với căng thẳng về thể chất. Với người bị suy thượng thận, việc không thể tăng sản xuất cortisol khi bị căng thẳng hoàn toàn có thể làm xuất hiện các triệu chứng như khi cai thuốc.
Khủng hoảng addisonian cũng có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh bằng việc gây ra huyết áp thấp, hạ đường huyết và tăng nồng độ kali trong máu. Đáng chú ý, những người mắc bệnh Addison thường mắc các bệnh tự miễn liên quan.
Biện pháp chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh Addison được dựa trên sự thăm hỏi bệnh kỹ càng của bác sĩ về tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình họ cũng các triệu chứng khiến bệnh nhân khó chịu phải đi khám. Ngoài ra, bác sĩ cũng kết hợp thêm biện pháp thăm khám hệ thống và xác định nồng độ hormon trong máu.
Một số xét nghiệm có thể cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh Addison bao gồm:
- Cortisol máu
- ACTH máu
- Test Corticosyn/Synacthen
- Test hạ đường huyết bằng insulin
- Tự kháng thể thượng thận
- Công thức máu
- Điện giải đồ
- Glucose máu
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể cân nhắc thêm các công cụ hình ảnh học để hỗ trợ chẩn đoán, chẳng hạn như X-quang phổi, chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến yên hay chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng.
Phương pháp điều trị
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị Addison sau đây:
- Điều trị thay thế glucocorticoid tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất bằng glucocorticoid nhân tạo suốt đời.
- Điều trị thay thế bằng mineralocorticoid nếu người bệnh bị suy thượng thận nguyên phát nặng.
- Điều trị cơn suy thượng thận cấp bằng cách bù đủ dịch, điều chỉnh điện giải, glucose máu.
- Xử trí khi người bệnh có stress (trường hợp phẫu thuật, nhiễm trùng, chấn thương…) bằng cách tăng liều hydrocortisone (một glucocorticoid).
Suy tuyến thượng thận có điều trị khỏi được không còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là khả năng đáp ứng với thuốc điều trị, tình trạng sức khỏe, bệnh lý đi kèm và mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân,… Có những trường hợp người bệnh có thể phải điều trị với thuốc suốt đời để bù lượng hormone thiếu hụt.
Để hỗ trợ điều trị bệnh Addison hiệu quả, người bị suy tuyến thượng thận tuân thủ chế độ ăn khoa học, hợp lý như sau:
Ăn đồ ăn có lượng đạm cao: Cơ thể bệnh nhân bị suy thượng thận bị thiếu hụt glucose. Do đó, thực đơn hàng ngày của họ cần bổ sung protein và các chất béo tốt. Bởi đây là nguồn năng lượng quan trọng có khả năng chuyển hóa thành glucose, giúp cơ thể hoạt động bình thường. Các thực phẩm có hàm lượng protein cao bao gồm cá, thịt, trứng, sữa,...
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C: Hệ miễn dịch suy giảm khiến cơ thể luôn mệt mỏi là những đặc điểm thường thấy ở người bị bệnh Addison. Do đó, khẩu phần ăn hàng ngày của họ nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như xoài, táo, cam, đu đủ,... Dưỡng chất này sở hữu tác dụng làm tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, thúc đẩy sản xuất cortisol cho cơ thể.
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B, cụ thể là B5 và B6 là dưỡng chất vô cùng quan trọng với người mắc Addison bởi chúng tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất ra hormon tuyến thượng thận. Vitamin nhóm 5 có nhiều trọng các loại đậu, bơ, yến mạch,...
Uống đủ nước: Người bị Addison cần đảm bảo uống đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày. Ngoài nước lọc, bệnh nhân hoàn toàn có thể uống thêm nước râu ngô, trà hay nước ép hoa quả để nâng cao sức đề kháng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Cho tới nay, bệnh Addison vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể áp dụng các cách giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Không sử dụng các thuốc glucocorticoid trong thời gian dài.
- Điều trị sớm và tích cực các bệnh có thể gây suy tuyến thượng thận như lao, nhiễm virus, giang mai, HIV…
- Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Như vậy bệnh Addison không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra những triệu chứng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh. Do vậy, mỗi chúng ta cần tìm hiểu kỹ những thông tin về bệnh này và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa tích cực.