Áp xe má là tình trạng nhiễm trùng mô mềm vùng mặt gây sưng, đau và đôi khi kèm theo mủ. Đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến chức năng nhai, nói và thậm chí là lan sang các vùng nguy hiểm như ổ mắt, cổ hoặc não nếu không được xử lý kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ thời gian lành bệnh, các phương pháp điều trị phổ biến và hướng dẫn chăm sóc đúng cách tại nhà.
Khái quát về tình trạng áp xe má
Áp xe má là một dạng nhiễm trùng khu trú, hình thành ổ mủ trong tổ chức mô mềm vùng má, thường giới hạn trong khoang mô liên kết giữa lớp dưới da và các cơ mặt. Đây là một quá trình viêm mủ đặc trưng bởi sự tích tụ của bạch cầu trung tính, hoại tử mô và dịch viêm trong một khoang kín do hệ thống mô liên kết tạo thành. Tình trạng này là một biểu hiện cụ thể của nhiễm trùng mô mềm vùng mặt, thuộc nhóm áp xe hàm mặt, và có đặc điểm giải phẫu – bệnh học riêng biệt so với các ổ viêm mủ khác trên cơ thể.
Áp xe má có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân gây ra sự tích tụ mủ
Tuy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, áp xe má thường xuất hiện ở những người có cấu trúc mô liên kết vùng má lỏng lẻo hơn, hoặc khi có điều kiện giải phẫu tạo thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập và sinh mủ tại chỗ. Trong lâm sàng, áp xe má được xem là một tình trạng cần đánh giá kỹ lưỡng do khả năng lan rộng nhanh qua các khoang hàm mặt, ảnh hưởng đến hô hấp, thẩm mỹ và chức năng vùng mặt.
Dấu hiệu nhận biết bị áp xe má
Khi bị áp xe má, người bệnh có thể không cảm thấy đau khi chạm vào. Thông thường, áp xe sẽ xuất hiện các biểu hiện như:
- Sưng đỏ tại vị trí bị áp xe: Khoang má hai bên, kéo dài từ vòm miệng ở trên đến viền dưới của hàm và từ viên trước của cơ sau đến góc miệng trước;
- Xuất hiện vết trầy xước, rách vết thương ở bề mặt da nếu có chấn thương ngoài, bị sung huyết;
- Mặt bất đối xứng do một bên bị sưng to;
- Đau tại vùng bị áp xe, lan dần ra vùng má, mang tai và dưới hàm. Cử động miệng bị hạn chế do đau;
- Hơi thở có mùi, tiết nhiều nước bọt;
- Đau vùng nướu;
- Giai đoạn sau, người bệnh có thể xuất hiện thêm các tình trạng như: Sốt, rỉ mủ ở vùng bị áp xe, đau nhói,...
Các biến chứng áp xe má nguy hiểm
Áp xe má có thể dẫn đến các biến chứng gây viêm tủy xương hoặc viêm mô tế bào, đe dọa tính mạng nếu nhiễm trùng vào máu
Nếu không được điều trị kịp thời, áp xe má lâu dần có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể. Cụ thể:
- Nhiễm trùng máu: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Khi vi khuẩn trong ổ áp xe lan vào máu, chúng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng toàn thân, dẫn đến sốt cao, giảm huyết áp, suy đa tạng. Biến chứng này có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh, cần can thiệp y tế khẩn cấp.
- Viêm màng não: Một số trường hợp hiếm hoi, áp xe có thể dẫn đến viêm màng não. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như đau đầu dữ dội, sốt cao, cứng cổ, hay nghiêm trọng hơn là tổn thương não hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm xoang: Xảy ra khi áp xe không được xử lý, nhiễm trùng lan rộng đến các xoang, gây viêm xoang. Người bệnh có thể cảm thấy đau đầu, tắc nghẽn mũi, sổ mũi, gây áp lực mạnh lên các vùng xung quanh mắt và trán.
- Mất răng: Áp xe má bắt nguồn từ việc bị nhiễm trùng về các bệnh lý răng miệng, làm tổn thương sâu sắc tới cấu trúc xương quanh răng. Khi đó, mất răng là một biến chứng có thể xảy ra nếu viêm nhiễm lan đến các mô quanh răng làm xương không còn đủ vững để giữ răng tại chỗ.
- Gây mất thẩm mỹ: Áp xe má có thể để lại sẹo lớn ngay trên vùng mặt, gây ra tổn thương vĩnh viễn cho da mặt.
- Cử động cơ mặt bị hạn chế: Cụ thể là khi nhai, nói, cười. Đây là biến chứng có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến khả năng sinh hoạt cũng như giao tiếp của người bệnh, đặc biệt là khi nhiễm trùng kéo dài hoặc không được điều trị đúng cách.
Áp xe má bị bao lâu thì khỏi?
Thời gian khỏi hoàn toàn của áp xe má phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, mức độ lan rộng của ổ nhiễm trùng, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh cũng như phương pháp điều trị được áp dụng.
Trong các trường hợp nhẹ, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ (bao gồm dẫn lưu áp xe và sử dụng kháng sinh phù hợp), áp xe má có thể cải thiện sau 5–7 ngày và hồi phục hoàn toàn trong 1–2 tuần. Tuy nhiên, với các trường hợp nặng hơn – khi ổ áp xe lan rộng, chậm trễ trong điều trị hoặc có bệnh nền đi kèm như tiểu đường, suy giảm miễn dịch, thời gian hồi phục có thể kéo dài đến 2–4 tuần, hoặc lâu hơn nếu có biến chứng.
Xem thêm:
Phác đồ điều trị áp xe má
Việc điều trị áp xe má sớm là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị nội hoặc ngoại khoa. Cụ thể:
Điều trị nội khoa
Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị nội khoa phổ biến đối với tình trạng áp xe má do nhiễm trùng vi khuẩn. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng một loại kháng sinh phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và ngăn chặn sự lây lan. Thuốc có thể được kê dưới dạng viên uống hoặc bôi thoa, tuỳ vào mức độ nhiễm trùng.
Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen) có thể được sử dụng nhằm giảm bớt cơn đau và khó chịu do áp xe má tạo ra. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp nghiêm trọng, khi mủ tích tụ quá nhiều và không thể tự thoát ra ngoài, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp ngoại khoa. Thực hiện thủ thuật này bằng cách rạch da để dẫn lưu mủ ra ngoài, giúp giảm sưng tấy và đau đớn. Sau khi rạch, bác sĩ sẽ vệ sinh vết thương và sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Quá trình điều trị ngoại khoa cần được thực hiện trong môi trường y tế, kết hợp cùng các thiết bị chuyên dụng và thuốc tế để giảm đau. Phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp áp xe má nặng để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị đơn giản khác
Chườm ấm để giảm sưng: Nhiệt độ ấm giúp tăng cường lưu thông máu, mềm các mô, từ đó giúp giảm sự tích tụ mủ và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Bạn có thể sử dụng khăn hoặc túi chườm ấm để áp lên vùng bị áp xe khoảng 10–15 phút/lần, thực hiện 2–3 lần/ngày. Lưu ý rằng, việc chườm ấm không thể thay thế cho điều trị y tế, áp dụng tốt khi tình trạng áp xe còn nhẹ, mới chớm.
Nhiệt độ ấm từ túi chườm giúp làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến vùng bị ảnh hưởng, hỗ trợ quá trình chữa lành và giảm viêm
Vệ sinh vùng da bị áp xe sạch sẽ: Việc này giúp loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn, mủ thừa để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Người bệnh nên rửa mặt nhẹ nhàng với nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không nên chà xát lên khu vực bị sưng tấy. Chỉ nên sử dụng bông tẩy trang hoặc khăn sạch để lau khô vùng bị áp xe, đảm bảo vị trí này luôn được khô thoáng.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Một số lưu ý bạn cần biết để phòng ngừa áp xe má tái phát
Mặc dù có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm, áp xe má vẫn có nguy cơ tái phát cao nếu không được chăm sóc đúng cách sau điều trị. Dưới đây là những lưu ý quan trọng để phòng ngừa tái phát:
- Điều trị triệt để nguyên nhân răng miệng gốc rễ: Áp xe má thường bắt nguồn từ nhiễm trùng tủy răng, sâu răng tiến triển, viêm quanh răng, viêm nha chu…Sau khi dẫn lưu mủ, nếu không điều trị triệt để răng nguyên nhân (như chữa tủy, nhổ răng, lấy cao răng), ổ nhiễm trùng vẫn còn tồn tại và sẽ nhanh chóng bùng phát trở lại.
- Tuân thủ phác đồ kháng sinh của bác sĩ: Nếu tự ý ngưng thuốc sớm hoặc dùng sai liều lượng dễ khiến vi khuẩn kháng thuốc, tạo ổ nhiễm trùng mới nguy hiểm hơn.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên: Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem có chứa fluor, dùng chỉ nha khoa và súc miệng kháng khuẩn mỗi ngày. Vệ sinh không kỹ răng hàm, kẽ răng, vùng có phục hình (mão, cầu răng…) có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tái phát ổ áp xe.
- Tái khám đúng hẹn để theo dõi diễn tiến: Sau điều trị, nên tái khám theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo ổ mủ không tái hình thành, mô mềm vùng má lành hoàn toàn. Đặc biệt với trường hợp viêm tủy hoặc điều trị nội nha chưa hoàn tất, cần theo dõi sát quá trình hàn ống tủy, kiểm tra hình ảnh học (X-quang quanh chóp).
- Không tự ý nặn hoặc đắp thuốc dân gian lên vùng áp xe: Nhiều người bệnh có thói quen đắp tỏi, gừng, muối hoặc rượu thuốc để "giảm sưng", nhưng hành động này có thể gây bỏng da, hoại tử mô, khiến tình trạng nhiễm trùng lan rộng hoặc nhiễm trùng thứ phát. Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt ngay khi có dấu hiệu sưng, đau, nhức răng, vùng má phồng lên.
- Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia: Nicotine và cồn làm giảm lưu thông máu tại mô mềm, giảm khả năng hồi phục vết thương, và ức chế miễn dịch tại chỗ, làm tăng nguy cơ tái phát áp xe.
- Chủ động khám răng định kỳ mỗi 6 tháng: Khám răng định kỳ giúp phát hiện sớm các nguyên nhân hàng đầu gây áp xe má. Đồng thời, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng phù hợp với tình trạng răng và bệnh nền (nếu có).
Kết luận
Thời gian khỏi áp xe má thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng, phương pháp điều trị và cách chăm sóc sau điều trị. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ, kết hợp chăm sóc vệ sinh miệng – mặt sạch sẽ và nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ quá trình phục hồi. Phát hiện sớm, xử lý đúng cách và chủ động chăm sóc là chìa khóa giúp bạn thoát khỏi áp xe má một cách nhanh chóng và an toàn.