Áp xe phổi: Triệu chứng, dấu hiệu và cách điều trị

Doan Nguyen

19-09-2023

goole news
16

Áp xe phổi là bệnh nhiễm trùng tại phổi, bệnh chiếm khoảng 4,8% trong tổng số các bệnh phổi. Tình trạng bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó độ tuổi trung niên chiếm tỷ lệ cao nhất. Bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như giãn phế quản, viêm màng não, ho ra máu nặng, suy kiệt các cơ quan làm đe dọa tính mạng người bệnh.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết áp xe phổi

Bệnh áp xe phổi

Bệnh áp xe phổi

Áp xe phổi hay ép xe phổi (tên tiếng Anh là Lung Abscess) là bệnh lý nhiễm trùng xảy ra ở mô phổi, tình trạng này xảy ra sau khi người bệnh mắc các viêm nhiễm cấp tính như viêm phổi, tắc mạch phổi nhiễm khuẩn… Khi mắc bệnh, nhu mô phổi bị hoại tử, lâu ngày tạo thành dịch mủ và các ổ áp xe chứa mủ, xác của bạch cầu chết và vi sinh vật gây bệnh.

Theo các chuyên gia, áp-xe phổi do nguyên nhân nào thì nó cũng tiến triển theo 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có triệu chứng đặc trưng riêng biệt, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Giai đoạn viêm (ổ mủ kín)

Ở giai đoạn này, người bệnh hầu hết đều bắt đầu rầm rộ với các biểu hiện giống bệnh viêm phổi nặng như sốt cao lên đến 39- 40 độ C, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi. Một số người còn có thể có thêm triệu chứng tiểu tiện ít, nước tiểu màu sẫm, một số ít lại lại khởi phát từ từ như bệnh cúm.

Giai đoạn 2: Giai đoạn ộc mủ

Ở giai đoạn này, các triệu chứng ép xe phổi thể hiện rõ ràng nhất nên việc chẩn đoán bệnh cũng chính xác hơn rất nhiều.

  • Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện sớm từ 5- 6 ngày, hoặc rất muộn khoảng 50 60 ngày sau giai đoạn khởi phát.
  • Người bệnh xuất hiện tình trạng ho, đau vùng ngực, ho mủ và mủ có thể ộc ra nhiều khoảng 300- 500ml trong vòng 24 giờ hoặc khạc mủ ít nhưng thời gian kéo dài.
  • Tính chất mủ: nếu tác nhân gây bệnh là do virus thì mủ sẽ có mùi thối, tác nhân do amip thì mủ có màu như socola, còn do đường mật gây vỡ thông lên phổi thì mủ sẽ có màu vàng như mật.
  • Người bệnh sau khi ộc mủ sẽ thấy triệu chứng sốt giảm dần, dễ chịu hơn. Trường hợp đã khạc mủ nhiều lần mà nhiệt độ vẫn cao thì rất có thể là do còn ổ áp xe khác chưa vỡ mủ.

Giai đoạn 3: Giai đoạn thành hang (ổ mủ mở thông với phế quản)

Ở giai đoạn này người bệnh có thể vẫn còn khạc mủ nhưng lượng mủ ít hơn. Nếu thân nhiệt người bệnh tăng lên một cách đột ngột thì rất có thể mủ dẫn lưu kém, còn ứ lại nhiều trong phổi. Lúc này người bệnh vẫn bị ho dai dẳng, ho nhiều hơn mỗi khi thay đổi tư thế hoặc có tác nhân kích thích gây ho.

Đối tượng có nguy cơ bị áp xe phổi

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên một số đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Tuổi tác: những người ngoài 60 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Người nghiện rượu bia, sử dụng ma túy, thường xuyên hút thuốc lá
  • Người có thể trạng suy kiệt, mệt mỏi, suy dinh dưỡng
  • Người mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính như u phổi, ung thư phổi, lao phổi, giãn phế quản, thuyên tắc phổi, kén phổi bẩm sinh.
  • Khó nuốt hoặc rối loạn chức năng hầu họng.
  • Người bị chấn thương ngực hở, có dị vật trong phổi
  • Sau gây mê đặt nội khí quản, mở khí quản, lưu đường truyền tĩnh mạch lâu ngày hoặc người bệnh thở máy
  • Sau khi phẫu thuật vùng tai – mũi – họng hoặc răng – hàm – mặt
  • Người sử dụng corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch gây suy giảm hệ miễn dịch
  • Người phải lưu catheter tĩnh mạch trung tâm trong thời gian dài.

Biến chứng của áp xe phổi

Áp xe phổi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ thì bệnh có thể tiến triển tốt và khỏi hoàn toàn sau thời gian để lại sẹo xơ phổi. Trường hợp bệnh không được điều trị kịp thời hoặc điều trị nhưng không đúng cách, khống áp ứng tốt thì có thể tiến triển thành áp xe mạn tính hoặc để lại hang. Khi đó người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm khuẩn máu: khi vi khuẩn trong ổ ép xe xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm trùng, cơ thể suy kiệt dần dẫn đến suy thận, suy tim và tử vong sau một vài tuần.
  • Ép xe phổi mạn tính: các đợt khạc ra mủ và giai đoạn tích mủ xảy ra kế tiếp nhau, quanh ổ áp xe hình thành những tổ chức xơ làm cho bệnh khó điều trị và không thể tự lành được.
  • Ho ra máu nặng, nhiều lần: do mạch máu bị vỡ, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi ổ áp xe ở gần rốn phổi, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Hoại tử phổi xảy ra với tốc độ nhanh, nhất là ở những người bị suy giảm miễn dịch.
  • Tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ tràn vào khoang màng phổi.
  • Các biến chứng khác như giãn phế quản, xơ phổi, áp xe não, viêm màng não, lao phổi,...

Biện pháp chẩn đoán ép xe phổi

Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ hỏi tình trạng sức khỏe, xem xét lịch sử bệnh và thăm khám các triệu chứng lâm sàng gợi ý như sốt cao, rét run, đau ngực bên tổn thương, ho khạc ra đờm mủ,.., dựa vào đó sẽ có chỉ định về phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh được chính xác nhất.

  • Xét nghiệm máu: kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng bạch cầu tăng hoặc các xét nghiệm khác như CRP-hs tăng đều thể hiện sự nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm mẫu đờm hoặc mủ: khi bác sĩ có nghi ngờ về dấu hiệu của bệnh thì sẽ chỉ định làm xét nghiệm này.
  • Chụp X-quang hoặc CT scan: nếu phổi bị áp xe thì hình ảnh điển hình trên phim Xquang sẽ là dạng hình tròn có bờ không đều, khá dày và có chứa dịch bên trong. Biện pháp này có giúp xác định chính xác vị trí của ổ áp xe.
  • Nội soi phế quản: ống nội soi nhỏ có gắn đèn và camera ở đầu sẽ được kỹ thuật viên đưa quan mũi hoặc miệng vào trong lòng khí phế quản để lấy mẫu đờm hoặc mô phổi ra ngoài. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp người bệnh điều trị bằng kháng sinh nhưng bệnh không thuyên giảm và nghi ngờ đường thở bị bít tắc hoặc hệ miễn dịch suy giảm.

Phương pháp điều trị áp xe phổi

Điều trị áp xe phổi cần sự phối hợp của nhiều biện pháp, nguyên tắc điều trị cần được tuân thủ như sau:

  • Điều trị nội khoa với kháng sinh kịp thời, tích cực và kiên trì. 
  • Chỉ định mổ sớm trước khi bệnh biến chứng như ho ra máu, áp xe mạnh tính, viêm mủ màng phổi,...xảy ra.

Phương pháp điều trị bệnh cụ thể như sau:

  1. Điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc kháng sinh

  • Phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh theo đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, dùng liều cao ngay từ đầu.
  • Ngay sau khi lấy được bệnh phẩm xét nghiệm vi sinh vật từ người bệnh, bác sĩ sẽ kê kháng sinh ngay. Liều lượng kháng sinh thay đổi dựa theo lâm sàng và kháng sinh đồ. Tuy nhiên sự thay đổi này cần có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý điều chỉnh.
  • Thời gian sẽ kéo dài ít nhất 4 tuần. Quá trình này cũng có thể kéo dài lên đến 6 tuần tùy vào khả năng đáp ứng lâm sàng và kết quảng Xquang phổi người bệnh.

Dẫn lưu ổ áp xe

  • Dẫn lưu tư thế vỗ rung lồng ngực: bác sĩ sẽ dựa vào phim chụp Xquang phổi thẳng và nghiêng để chọn tư thế dẫn lưu, vỗ rung lồng ngực cho bệnh nhân. Có thể dẫn lưu nhiều lần/ngày, để người bệnh ở tư thế dẫn lưu tốt nhất và tăng dần thời gian kết hợp với vỗ rung. Việc vỗ rung cũng tăng dần theo thời gian, có thể thực hiện 2- 3 lần mỗi ngày, lúc đầu khoảng 5 phút sau đó tăng dần lên 10- 20 phút.
  • Hút mủ ở phế quản, dẫn lưu ổ áp xe bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm. Phương pháp nội soi phế quản còn giúp phát hiện các tổn thương làm tắc nghẽn phế quản hoặc gắp bỏ dị vật trong phế quản nếu có.
  • Chọc dẫn lưu mủ qua da: phương pháp này được áp dụng với những ổ áp xe ở ngoại vi, tức là những ổ áp xe không thông với phế quản, áp xe ở sát thành ngực hoặc dính với màng phổi. Bác sĩ sẽ dùng một ống thông chuyên dụng đặt vào ổ áp xe rồi hút dẫn lưu liên tục.
  1. Điều trị phẫu thuật

Khoảng 10% trong số tổng các ca áp xe phổi được bác sĩ chỉ định thực hiện can thiệp ngoại khoa. Chủ yếu là tiến hành phẫu thuật để cắt phân thùy phổi hoặc cắt 1 bên phổi tùy vào mức độ độ tổn thương.

Những trường hợp được chỉ định phẫu thuật:

  • Ổ áp xe lớn hơn 10cm
  • Điều trị bằng nội khoa không đạt hiệu quả
  • Người bệnh ho ra máu nhiều lần, đe dọa đến tính mạng
  • Áp xe phổi kết hợp giãn phế quản gây ra khu trú nặng
  • Xuất hiện các biến chứng như rò phế quản- khoang màng phổi và điều trị nội khoa không có kết quả
  • Ung thư phổi áp xe hóa ở giai đoạn khối u vẫn còn phẫu thuật được.
  1. Điều trị hỗ trợ

  • Áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể người bệnh, đặc biệt là bổ sung thêm protein và vitamin.
  • Bổ sung nước đầy đủ, duy trì cân bằng nước và điện giải, cân bằng toan kiềm.
  • Giảm các triệu chứng đau, sốt của bệnh.
  • Nếu cần thiết nên sử dụng liệu pháp thở oxy nhằm hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Nếu là suy hô hấp cấp thì cung lượng khoảng 6 lít/phút còn suy hô hấp mạn thì thở oxy với cung lượng thấp hơn, khoảng 2 lít/phút.

Biện pháp phòng ngừa áp xe phổi

Ép xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm ở phổi, bệnh đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, phòng bệnh luôn là việc làm ưu tiên hàng đầu. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả mà bài viết chia sẻ, mọi người nên lưu ý và áp dụng:

  • Điều trị tốt các nhiễm khuẩn ở răng, miệng mũi và họng đồng thời giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm lan xuống phổi gây áp xe.
  • Chú ý giữ ấm cho cơ thể vào mùa đông, nhất là khi trời trở gió.
  • Phòng tránh các dị vật rơi vào đường thở, đặc biệt khi tiến hành các thủ thuật ở vùng răng hàm mặt, tai mũi họng.
  • Tập thể dục và tăng cường bổ sung các loại trái cây, thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C và nhóm B để tăng sức đề kháng.
  • Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt cao, đau ngực,... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Với thông tin về bệnh áp xe phổi mà bài viết cung cấp, hy vọng sẽ là những kiến thức bổ ích cho mỗi người trong việc chăm sóc sức khỏe. Để đặt lịch khám các bệnh lý hô hấp tại khoa Nội hô hấp tại BVĐK Phương Đông, vui lòng liên hệ Hotline 1900 1806 để được nhân viên hỗ trợ.

1,065

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám