Bạch sản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Bệnh bạch sản thường không gây hại, tuy nhiên nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư miệng. Với những người mắc bệnh này, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn các triệu chứng diễn biến tồi tệ hơn. Do đó, bạn đừng bỏ qua những chia sẻ trong bài viết sau đây của BVĐK Phương Đông.

Tổng quan về bệnh

Bạch sản là bệnh được đặc trưng bởi những mảng da dày, trắng trên lưỡi và cả bên trong lớp lót niêm mạc miệng. Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh này. 

Vậy bệnh bạch sản có nguy hiểm không? Trong trường hợp nhẹ, bệnh thường không gây hại và có thể tự biến mất. Các trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng nên cần điều trị kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến việc chăm sóc răng miệng để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

Bệnh bạch sản gây lở loát niêm mạc miệng, lưỡiBệnh bạch sản gây lở loát niêm mạc miệng, lưỡi

Bên cạnh đó, bạch sản cũng không lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm hơn về điều này.

Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây nên bệnh bạch sản vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh có liên quan mật thiết đến việc sử dụng thuốc lá. Hút thuốc chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh bạch sản, ngoài ra nhai thuốc lá cũng có thể gây ra bệnh bạch sản. Theo trung tâm y tế học thuật Mayo Clinic, có tới ¾ số người hút thuốc lá bị bạch sản một vài lần trong cuộc sống của họ.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện do một số nguyên nhân sau:

  • Chấn thương xuất hiện bên trong má, chẳng hạn như vết cắn.
  • Răng không đồng đều.
  • Lắp răng giả, nhất là trường hợp lắp sai kỹ thuật.
  • Cơ thể bị viêm.

Bên cạnh đó, với bệnh bạch sản lông thì virus Epstein-Barr (EBV) là nguyên nhân chính gây khởi phát bệnh.. Một khi xâm nhập vào cơ thể, EBV sẽ ở trong đó vĩnh viễn. Loại vi khuẩn này thường không hoạt động tuy nhiên nó có thể gây ra vết loét và phát triển bệnh bất cứ lúc nào. Người có HIV hoặc gặp các vấn đề miễn dịch khác có tỷ lệ phát bệnh bạch sản lông cao hơn/

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản có thể không giống nhau tùy vào mỗi người. Tuy nhiên, bệnh đều đặc trưng bởi những vết lở trông không bình thường bên trong khoang miệng. 

Các triệu chứng bạch sản bao gồm:

  • Xuất hiện vết loét trên lưỡi và có thể bên trong má, nướu răng. Các vết lở có thể mất vài tuần để phát triển và ít khi gây đau đớn.
  • Vết loét màu trắng hoặc màu xám không thể rửa sạch
  • Vết loét dày, cứng, bề mặt bị sưng.
  • Vết loét trong khoang miệng có lông (đối với bệnh bạch sản lông). Những người bị suy yếu hệ miễn dịch do bệnh tật, hoặc ảnh hưởng của thuốc đặc biệt đối với những người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc “bạch sản dạng lông”. Dạng bệnh này gây ra các mảng trắng mờ có hình dạng giống nếp gấp hoặc đường lằn ở 2 bên đầu lưỡi. Bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với nấm miệng. Đáng chú ý, nấm miệng cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.
  • Đốm đỏ là triệu chứng hiếm gặp của bệnh bạch sản. Đáng chú ý, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Vì vậy hãy bạn hãy thăm khám bác sĩ ngay khi có các vết loang xuất hiện cùng với những đốm đỏ.
  • Một số phụ nữ cũng có thể phát triển bệnh bạch sản ở bên ngoài bộ phận sinh dục hoặc trong vùng âm hộ.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh bạch sản là các vết loét trong miệng
Triệu chứng đặc trưng của bệnh bạch sản là các vết loét trong miệng

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Bệnh bạch sản thường xuất hiện nhiều hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam – nữ là 2:1. Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp bạch sản đều xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 70.

Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch sản cao nếu:

  • Hút thuốc lá: Thói quen xấu này không chỉ khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh bạch sản mà còn là bệnh ung thư miệng
  • Uống rượu kết hợp với hút thuốc.

Biến chứng của bệnh

Theo các chuyên gia, bác sĩ, bệnh bạch sản niêm mạc miệng không nguy hiểm và có thể tự biến mất mà hoàn toàn không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu như chủ quan, không điều trị và kiểm soát tốt bệnh, nó có thể dẫn đến tình trạng ung thư miệng và nhiều vấn đề sức khỏe khác liên quan. Thậm chí, dù không cảm thấy những bất tiện gì khi mắc bạch sản bạn cũng nên đến bác sĩ kiểm tra và khắc phục.

Biện pháp chẩn đoán

Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh bạch sản, bước đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám răng miệng. Trong quá trình khám, các vết loét trong khoang miệng sẽ cần kiểm tra cẩn thận để xem có phải là của bệnh bạch sản hay không. Bởi chúng ta hoàn toàn có thể nhầm lẫn tình trạng này với bệnh nấm miệng. Thông thường, các vết loét mà bệnh nấm miệng gây ra thường nhẹ hơn rất nhiều với các vết loét của bệnh bạch sản và dễ chảy máu.

Ngoài ra, bác sĩ còn làm một số xét nghiệm khác để xác nhận nguyên nhân gây ra bệnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp tìm ra phương pháp điều trị và có thể ngăn ngừa các vết loét phát triển thêm.

Nếu nghi ngờ một vết loét nào đó là do bệnh bạch sản, bác sĩ cũng có thể làm sinh thiết. Để thực hiện sinh thiết, một mẩu mô nhỏ từ một hoặc nhiều vết loét trong miệng sẽ được lấy ra. Sau đó mẫu mô này sẽ được gửi tới phòng nghiên cứu bệnh học để chẩn đoán. Mục đích của phương pháp sinh thiết chính là để tìm dấu hiệu của bệnh ung thư miệng.

Phương pháp điều trị

Mục tiêu của việc điều trị bạch sản là nhằm loại bỏ các mảng loét trong miệng, các nguyên nhân gây kích ứng. Từ đó làm biến mất hoàn toàn các mảng bạch sản biến mất.

Do vậy, nếu muốn khỏi bệnh, bạn cần áp dụng đồng thời các biện pháp điều trị bạch sản như sau:

  • Chữa trị các tác nhân gây hại cho răng miệng chẳng hạn như răng hô, bề mặt hàm răng giả, các miếng trám răng có biểu hiện bất thường càng sớm càng tốt.
  • Ngừng hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm tương tự như thuốc lá.
  • Ngừng sử dụng đồ uống có cồn.

Nếu việc loại bỏ các nguồn kích ứng gây bạch sản bằng những biện pháp trên không mang lại hiệu quả, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh bôi thuốc lên các mảng trắng hoặc phải tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ chúng. Các vết loét nhỏ có thể được lấy ra thông qua biện pháp sinh thiết mở rộng hơn bằng cách sử dụng laser hoặc dao mổ. Việc loại bỏ các vết loét bạch sản lớn chắc chắn cần phải phẫu thuật.

Đối với dạng bệnh bạch sản dạng lông ở miệng, việc sử dụng thuốc kháng virus có thể làm các mảng bám biến mất. Ngoài ra, bác sĩ còn đề nghị người bệnh  thoa thuốc lên các mảng bám. Thuốc mỡ bôi có chứa axit retinoic cũng nên đường áp dụng để làm giảm kích thước vết loét.

Biện pháp phòng ngừa bệnh bệnh bạch sản

Bạn có thể ngăn ngừa hiệu quả bệnh bạch sản nếu áp dụng đồng thời các biện pháp sau:

  • Bỏ thuốc lá: Nếu là người nghiện thuốc lá, tốt nhất bạn hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp giúp loại bỏ hoàn toàn thói quen xấu này. Trường hợp thành viên trong gia đình thường xuyên hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, bạn nên khuyên họ hạn chế và kiểm tra răng miệng thường xuyên. Bởi bệnh ung thư miệng do biến chứng bạch sản thường không gây đau cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng.
  • Không sử dụng rượu: Rượu là yếu tố có thể gây ra bệnh bạch sản và ung thư miệng. Việc kết hợp rượu và thuốc lá còn nguy hiểm hơn vì nó có thể giúp các hóa chất độc hại dễ dàng xâm nhập vào các mô trong miệng hơn.
  • Khám nha khoa định kỳ: Việc thăm khám nha khoa giúp kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng và điều trị sớm, trong đó có bệnh bạch sản.
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi: Rau xanh và hoa quả tươi có chứa các chất oxy hóa tốt, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch sản.

Như vậy bệnh bạch sản có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không gây nguy hiểm nếu chúng ta sớm có biện pháp khắc phục. Do vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu sớm của bệnh, bạn cần thăm khám bác sĩ ngay để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh bạch sản hiệu quả.

5,320

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám