Bệnh bạch biến là gì? Bệnh bạch biến có chữa được không?

Phan Ngọc Linh

05-01-2023

goole news
16

Bệnh bạch biến khiến một số vùng da trên cơ thể chuyển sang màu trắng do mất chất hắc tố da melanin. Những vùng da bị mất màu có thể tăng lên theo thời gian, làm cho bệnh nhân trở nên lo lắng, mất tự tin. Hiểu rõ hơn về bệnh sẽ giúp bạn có những cái nhìn tích cực và phương pháp điều trị phù hợp.

Tổng quan về bệnh bạch biến

Bệnh bạch biến là một bệnh da liễu thường gặp, trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy khiến cho màu da một số vùng thay đổi. Biểu hiện là có những mảng da giảm sắc tố với những vùng da xung quanh, không gây ngứa, không đóng vảy. Tuy nhiên, do thiếu mất sắc tố da nên những vùng bị bạch biến không thể bảo vệ trước tia tử ngoại và có nguy cơ cao là bị ung thư da. Bệnh này lành tính, không lây nhiễm nhưng sẽ có nhiều ảnh hưởng về tính thẩm mỹ. 

Bệnh bạch biến thường xuất hiện ở người da màu

Bệnh bạch biến thường xuất hiện ở người da màu

Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng lứa tuổi thường gặp nhất là từ 10-30 tuổi, hơn 50% người mắc bệnh là dưới 20 tuổi. Bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia, phân bố nhiều ở các vùng nhiệt đới và những chủng tộc người da màu.

Bệnh có tính chất di truyền nhưng chưa có một nguyên cứu chính thức nào về tính di truyền của bệnh. Bệnh bạch biến làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh, đặc biệt là sự phức tạp về nguyên nhân cũng như các chữa trị.

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến

Sự phá hủy các tế bào sắc tố da gây nên bệnh bạch biến

Sự phá hủy các tế bào sắc tố da gây nên bệnh bạch biến

Nguyên nhân về bệnh hiện vẫn chưa có lời giải. Tuy nhiên, chỉ có một điều chắc chắn là bệnh xuất hiện do sự suy giảm số lượng và chất lượng các tế bào sắc tố da ở vùng bị bệnh. Một số giải thuyết về nguyên nhân của bệnh như:

  • Nguyên nhân gây bệnh là do yếu tố di truyền gen hoặc phát sinh trong quá trình phát triển.
  • Do đột biến ở gen DR4, B13 hoặc BW35 của HLA.
  • Do chất phá hủy hoặc ức chế hoạt động của các tế bào sắc tố da, khiến cho quá trình sản xuất sắc tố melanin cũng giảm theo. 
  • Do hình thành các kháng thể tự chống lại các kháng nguyên của tế bào sắc tố, tế bào tuyến giáp, tuyến thượng thận, gan tụy,..gây độc cho tế bào và làm giảm melanin.
  • Do tiếp xúc với các chất hóa chất độc hại như Thiol, Phenol,...gây tác động xấu lên các tế bào sắc tố da.
  • Do ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, stress, trầm cảm
  • Do bệnh nhân mắc những bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch biến

Bạch biến là một loại bệnh rất dễ nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:

  • Trên da xuất hiện những mảng, những vết mất sắc tố hình tròn hay hình bầu dục, giới hạn rõ và có khuynh hướng phát triển ngoại vi và liên kết với nhau. Vị trí xuất hiện thường là những vùng hở, có tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời như tay, chân, mặt, cổ,..
  • Các vùng da bị bạch biến vẫn như bình thường, không teo, không đóng vảy, không đau ngứa, không mất cảm giác trên vùng da đó.
  • Lông hay tóc trên các vùng tổn thương cũng có thể bị mất sắc tố. Lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc thường sẽ không xuất hiện thương tổn. 

Những mảng bạch biến ở nhiều nơi trên cơ thể

Những mảng bạch biến ở nhiều nơi trên cơ thể

Ngoài ra, phụ thuộc vào thể bạch biến mà các vùng bị mất sắc tố cũng xuất hiện theo những cách khác nhau:

Thể bạch biến toàn thân Thể bạch biến phân đoạn Thể bạch biến khu trú
Đây là thể bệnh phổ biến nhất ở người bệnh. Các mảng mất sắc tố thường sẽ xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể và có tính chất đối xứng Thể này có xu hướng phát triển ở bệnh nhân trẻ tuổi và thường chỉ xuất hiện ở một bên hoặc một vùng trên cơ thể Thể này chỉ xảy ra ở một vài vị trí nhỏ trên cơ thể

Rất khó để dự đoán được sự phát triển của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, các mảng bị mất sắc tố da sẽ lan rộng ra xung quanh. Khi bệnh tiến triển lên mãn tính thì các tổn thương sẽ trở nặng vào mùa hè và giảm đi vào mùa đông. 

Bệnh nhân càng trẻ, có tiên lượng tốt thì thời gian bị bệnh càng ngắn và có nhiều hy vọng khỏi bệnh. Ngược lại, đối với người đã có tuổi thì thời gian mắc bệnh sẽ kéo dài, kết quả điều trị cũng kém hơn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch biến

Bệnh xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau

Bệnh xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau

Bệnh bạch biến xảy ra ở mọi giới tính và ở mọi độ tuổi khác nhau; ở trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ bị mắc bệnh nếu như:

  • Các thành viên trong gia đình có tiền sử bị bệnh bạch biến
  • Các thành viên trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh tự miễn như: thiếu máu ác tính,...
  • Có khối u ác tính về da hoặc ung thư hệ bạch huyết (u lympho khong Hodgkin)
  • Có sự biến đổi cụ thể trong gen có liên quan đến bạch biến.
  • Sốc về tình cảm, cháy, rám nắng, chấn thương,..

Những biến chứng của bệnh bạch biến

Bệnh bạch biến là một bệnh lành tính và không gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, những biến chứng liên quan của bệnh có thể gây nên các vấn đề về mắt như viêm lớp giữa của mắt, viêm mống mắt hay mất đi một phần thị giác.

Ngoài ra, bệnh ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý của người bệnh và thẩm mỹ của người bệnh, khiến họ cảm thấy mất tự tin, ngại giao tiếp, nói chuyện.

Biện pháp chẩn đoán bạch biến

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa chủ yếu vào việc khai thác các tiền sử và những triệu chứng lâm sàng của bệnh. Bởi, da bị mất màu nhìn sẽ rất rõ ràng khi khám, các tổn thương da sẽ nhìn thấy rõ hơn dưới ánh đèn Wood.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm thêm một vài xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán kỹ hơn như:

  • Mô bệnh học: là tình trạng giảm hoặc không có tế bào sắc tố thượng bì
  • Phản ứng DOPA: xét nghiệm này để phân biệt hai loại bạch biến với nhau, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiên lượng và điều trị bệnh. Nếu DOPA âm tính thì bệnh nhân không có tế bào sắc tố. Còn nếu DOPA dương tính thì bệnh nhân có tế bào sắc tố.
  • Xét nghiệm để định lượng hormon tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận và insulin.

Phương pháp điều trị bệnh bạch biến

Do nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được làm rõ nên hiện vẫn chưa có phương án điều trị đặc hiệu của bệnh. Điều trị bệnh này vẫn còn khó khăn, việc điều trị chỉ mới dừng lại ở việc giải quyết các triệu chứng. 

Sử dụng các loại thuốc tây

  • Sử dụng nhóm thuốc có chức năng tăng cường cảm với ánh sáng như meladinin, melagenin, kết hợp với việc chiếu các tia cực tím với bước sóng ngắn (dài) tại vùng bị bạch biến. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nhóm thuốc này là chán ăn, vàng da, tăng men gan. Nếu thuốc dùng để bôi thì có thể khiến cho vùng da bị tổn thương đỏ rát, phỏng nước, do đó nên kết hợp các loại thuốc chống viêm, dị ứng,..để điều trị bệnh. Thuốc chỉ được kê toa đối với bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên.
  • Corticosteroid là thuốc bôi được ưu tiên lựa chọn để phối hợp với các phương pháp điều trị khác như UVB phổ hẹp, Laser CO2 hay dẫn xuất vitamin D3…giúp giải quyết các triệu chứng tốt hơn, nhất là đối với thể bạch biến khu trú. Ngoài tác dụng chống viêm, bệnh còn có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của người bệnh bằng cách làm giảm số lượng các cytokine. Corticosteroid có nhiều nhóm thuốc khác nhau, nên tùy vào vị trí xuất hiện mảng sắc tố mà bác sĩ sẽ kê những loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, thuốc bị hạn chế sử dụng đối với trẻ em bị bệnh và không nên sử dụng kéo dài trên 2 tháng.
  • Sử dụng thuốc chống nắng: khi bị mắc bệnh, số lượng cũng như chất lượng của tế bào sắc tố da giảm, do đó cần bảo vệ cơ thể trước tác hại của ánh sáng mặt trời. Ngoài việc sử dụng các loại kem chống nắng ngoài da, người bệnh cũng nên kết hợp viên uống chống nắng để tránh sự cháy nắng ở vùng da bị bệnh. 

Điều trị bằng biện pháp tư vấn tâm lý

Bệnh bạch biến gây ra những tác động lên tâm lý của người bị bệnh, làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Một số vấn đề mà người bệnh phải đối mặt bao gồm sự bất thường về tâm sinh lý, băn khoăn, lo lắng, khó khăn về tình dục,..

Do đó, vai trò của việc tư vấn tâm lý cho người bệnh rất quan trọng, cần nhấn mạnh để người bệnh hiểu rõ là bệnh chỉ ảnh hưởng bên ngoài và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu tích cực điều trị sẽ giảm thuyên giảm các triệu chứng ngoài da. 

Cấy tế bào sắc tố da

Đây là phương pháp mới trong việc điều trị bệnh lý này. Với khoa học công nghệ hiện đại, cho phép người bệnh có thể tách mô và cấy vào các vùng bị bệnh. Tuy nhiên, chi phí để sử dụng phương pháp này là cao và đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn giỏi nên nó không được áp dụng rộng rãi.

Sử dụng phương pháp cấy tế bào sắc tố da để điều trị bệnh

Sử dụng phương pháp cấy tế bào sắc tố da để điều trị bệnh

Biện pháp phòng ngừa bệnh bạch biến

Những thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp bạn phòng tránh và hạn chế những diễn biến của bệnh:

  • Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và duy trì các lối sống tích cực, hạn chế stress, căng thẳng.
  • Tránh dùng những loại nước có chất kích thích như cafe, bia, rượu; không thức khuya.
  • Khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận, mặc quần áo dài tay và đeo khẩu trang.
  • Bôi kem chống nắng để hạn chế sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi sức khỏe, phát hiện một số bệnh liên quan như tuyến yên, tuyến thượng thận,..

Bệnh bạch biến sẽ không gây ra những biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhưng về tính thẩm mỹ thì nó sẽ gây ra sự kém tự tin, lo lắng ở người bệnh. Nếu bạn cần tư vấn thêm về bệnh thì hãy liên hệ với bệnh viện đa khoa Phương Đông để được chẩn đoán và có phương án điều trị thích hợp.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
7,821

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám