Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Bệnh bạch hầu đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Lời khuyên từ chuyên gia
Bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được. Hãy tiêm phòng đầy đủ cho bản thân và gia đình, giữ vệ sinh cá nhân tốt và đi khám bác sĩ kịp thời khi có triệu chứng để bảo vệ sức khỏe.
ThS. Bác sĩ: Vũ Thị Kim Xuyên - Phụ trách chuyên môn - Trung tâm tư vấn tiêm chủng Vắc xin Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
Bệnh bạch hầu là bệnh lây truyền theo đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Cách điều trị bệnh tốt nhất là chữa trị bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu kết hợp độc tố. Khi chưa mắc bệnh thì khuyến khích mọi công dân thực hiện tiêm phòng vắc xin bạch hầu để phòng bệnh hiệu quả.
Bệnh bạch hầu là bệnh gì?
Lưu ý rằng, bạch hầu là bệnh nguy hiểm. Bởi tiên lượng của nó phụ thuộc rất lớn vào thời gian điều trị. Bệnh có tỷ lệ tử vong 2,8% và có thể cao hơn nếu người bệnh đến Bệnh viện muộn. Có khoảng 79% bệnh nhân tử vong khi đến BV muộn ≥ 4 ngày sau khởi phát.
Đặc điểm chung và sự phân bố bệnh bạch hầu
- Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên
- Bệnh lây theo đường hô hấp và gây thành dịch
- Vi khuẩn khu trú trong mũi họng, thanh quản
- Biểu hiện tại chỗ: hình thành màng giả
- Biểu hiện toàn thân: nhiễm độc thần kinh gây liệt và viêm cơ tim
- Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu kết hợp kháng độc tố
- Phòng bệnh hiệu quả bằng tiêm vắc xin
Nguyên nhân dẫn đến bệnh bạch hầu
Như đã đề cập đến ở trên, vi khuẩn Corynebacterium diphtheria (trực khuẩn bạch hầu) là căn nguyên của bệnh lý này. Bất kể người bệnh nhiễm vi khuẩn nào trong 3 tuýp Gravis, Mitis và Intermedius của vi khuẩn bạch hầu nào thì theo cơ chế, chúng đều có thể tiết ra các độc tố làm tổn thương các hệ cơ quan trong cơ thể.
Người bình thường chỉ cần tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch: nước bọt, nước mũi,... của bệnh nhân gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng của bệnh nhân đều có thể mắc bệnh. Đây cũng là lý do bệnh lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheria là nguyên nhân chính gây bệnh bạch hầu.
Dịch tễ học bệnh bạch hầu
Nguồn lây: chủ yếu là người bệnh
- Người bệnh bài tiết vi khuẩn từ cuối thời kì ủ bệnh cho đến khi khỏi về lâm sàng
- Người lành mang vi khuẩn đến hàng tuần
Phương thức lây: Chủ yếu qua đường hô hấp
- Giọt bắn chất tiết hô hấp
- Chất tiết từ tổn thương da
- Gián tiếp qua các vật dụng
Mọi đối tượng chưa có miễn dịch đều có thể bị bệnh (nhất là trẻ 1-7 tuổi)
Triệu chứng nhận biết của bệnh bạch hầu theo từng thể thường gặp
Bệnh nhân mắc bạch hầu thường biểu hiện các triệu chứng đầu tiên sau 2-5 ngày nhiễm vi khuẩn. Tùy vào vị trí vi khuẩn lây nhiễm mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. Theo các chuyên gia Hô hấp của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, bệnh bạch hầu chia ra làm các thể bệnh với tỷ lệ tương ứng dưới đây:
1. Các thể bạch hầu:
-
Bạch hầu họng (70%): Đây là dạng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến họng và amidan. Triệu chứng có thể bao gồm đau họng, sốt và màng giả bao phủ amidan và họng, có thể gây khó thở.
-
Bạch hầu thanh quản (20%): Các triệu chứng như khàn giọng, ho ông ổng và khó thở. Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng nó có thể nghiêm trọng và dẫn đến tắc nghẽn đường thở.
-
Bạch hầu mũi (4%): Dạng này ảnh hưởng đến khoang mũi và có thể gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, có thể lẫn máu, và sốt nhẹ. Thường ít nghiêm trọng hơn nhưng có thể góp phần vào sự lây lan của bệnh.
-
Bạch hầu mắt (<3%): Dạng hiếm này ảnh hưởng đến mắt, dẫn đến các triệu chứng như đỏ, sưng và chảy dịch. Nó có thể gây viêm kết mạc và trong trường hợp nghiêm trọng, gây tổn thương cho mắt.
-
Bạch hầu da (<3%): Gây ra các vết loét hoặc lở loét ở da, thường được bao phủ bởi một lớp màng xám.
Hình ảnh thể hiện các thể bạch hầu thường gặp
2. Bạch hầu họng thể thông thường
2.1 Thời gian ủ bệnh : 2 - 5 ngày
2.2 Thời gian khởi phát: 1 - 2 ngày.
Giai đoạn này, bệnh nhân mới có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng hơn như:
- Sốt nhẹ, mệt, khó chịu, quấy khóc, da xanh
- Ngạt chảy mũi
- Họng hơi đỏ, có điểm trắng mờ một bên amidan
- Xuất hiện màng giả dễ bong nhưng lại mọc ra ngay
- Có hạch nhỏ ở cổ
2.3 Thời gian toàn phát: 2 - 3 ngày.
Bệnh nhân có sự chuyển biến trong triệu chứng thành:
- Sốt cao (từ 38 - 38,5 độ C)
- Khi nuốt cảm thấy đau, da dẻ xanh xao, mệt mỏi trong người
- Xuất hiện màng giả màu trắng ngà, dính chặt mô bên dưới, chảy máu khi bóc, bóc xong lại mọc nhanh. Các mảng này lan nhanh ra 1 - 2 bên amidan và có xu hướng lan rộng hơn.
- Cố có hạch cứng, di động
3. Bạch hầu ở họng thể ác tính
Nếu mắc phải bạch hầu họng thể ác tính, bệnh nhân dễ có các dấu hiệu bệnh lý rõ ràng với mức độ nặng nề hơn như:
- Sốt cao, mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau.
- Mệt mỏi, tình trạng sức khoẻ tổng thể suy sụp nhanh
- Màng giả trên niêm mạc hầu họng khá dày, xám và lan rộng
- Lớp niêm mạc hầu họng bị phù nề, xung huyết
- Phát hiện có nhiều hạch cổ, dính khối, không di động, cổ bong
- Dịch mũi có kết cấu đặc lẫn máu tươi
Giả mạc màu trắng là biểu hiện bệnh bạch hầu.
4. Bạch hầu thanh quản
Với thể bạch hầu bắt nguồn từ thanh quản, một trong các triệu chứng dễ nhận biết nhất là các lớp màng giả lan xuống cả thanh quản. Cũng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thanh quản nên người bệnh sẽ phải trải qua:
Giai đoạn khàn giọng, mất tiếng khoảng 1 - 2 ngày.
- Các triệu chứng kèm theo: sốt nhẹ, khàn giọng, mất tiếng, ho ông ổng.
Giai đoạn khó thở: theo từng cơn hoặc gặp khó khăn trong hô hấp trong liên tục vài giờ.
- Khó thở chậm, khó thở vào.
- Có tiếng thở rít khi hít vào.
- Rút lóm hố trên ức, thượng đòn, liên sườn.
Giai đoạn ngạt thở với các biểu hiện
- Thở nhanh nông
- Mạch nhanh nhỏ
- Môi và da tím
Các thể bạch hầu còn lại như bạch hầu mũi, bạch hầu da khá hiếm gặp.
Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?
Xét về cơ chế lây nhiễm của bệnh bạch hầu, các chuyên gia Tai Mũi Họng đều xác định nguồn lây chủ yếu là người bệnh, trong đó:
- Bệnh nhân bài tiết vi khuẩn từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến khi khỏi bệnh
- Người bình thường tiếp xúc nên mang trực khuẩn bạch hầu đến hàng tuần
Với phương thức lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Trong vòng 6 tuần đầu kể từ khi nhiễm bệnh. Bệnh nhân có thể lây truyền bệnh cho những người xung quanh dù họ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng gì, cụ thể như sau:
Qua đường hô hấp (giọt bắn trong không khí)
Đây là đường lây nhanh và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu. Người khoẻ mạnh có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn bạch hầu, nếu:
- Tiếp xúc với giọt bắn chứa mầm bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi. Ở cự ly gần, người bình thường có thể hít phải các giọt bắn li ti này và khiến vi khuẩn xâm nhập vào qua đường hô hấp.
- Tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết tổn thương da như vết thương hở, màng nhầy của bệnh nhân hoặc người nghi ngờ đang mang mầm bệnh. VD: hôn người bệnh, dùng chung đồ dùng khăn mặt, bàn chải đánh răng,...
Bệnh bạch hầu thường lây qua đường hô hấp.
Qua vật dụng chứa mầm bệnh
Đây là cách lây truyền gián tiếp của bệnh lý này. Nguyên nhân là trực khuẩn bạch hầu vẫn có thể sống sót trên các đồ vật trong vài giờ, thậm chí vài ngày nếu môi trường ẩm ướt. Do đó, việc sử dụng chung các vật dụng bị nhiễm khuẩn như cốc, bát, đũa, thìa, giấy ăn… cũng có thể lây khiến bạn mắc bệnh.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu
Mọi đối tượng chưa có miễn dịch đều có thể bị bệnh bạch hầu (nhất là trẻ từ 1 - 7 tuổi). Tuy nhiên, các đối tượng sau đây dễ mắc bệnh hơn:
- Người chưa tiêm phòng vắc xin bạch hầu (người lớn và trẻ nhỏ).
- Những người sống chung với bệnh nhân mắc bạch hầu.
- Người sống trong tập thể đông đúc, giữ vệ sinh kém.
- Người đi qua, lưu trú tại khu vực đang có dịch.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạch hầu là bệnh lây truyền nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao. Chính vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ như:
- sốt cao kéo dài
- đau sưng họng dữ dội
- sưng hạch bạch huyết ở cổ
- khó thở, sốt, ớn lạnh
- xuất hiện giả mạc 2 bên thành họng với màu trắng ngà, xám đen, dai dính.
Chẩn đoán bạch hầu như thế nào?
Để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:
Dựa vào yếu tố dịch tễ:
- Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với người bệnh không?
- Bệnh nhân có di chuyển qua các vùng có dịch hay không?
- Đã tiêm vắc xin phòng bệnh hay chưa?
Biểu hiện lâm sàng: Khai thác các triệu chứng hiện có:
- người bệnh có sốt, mệt mỏi, có hạch cổ hay không?
- Khám lâm sàng tai mũi họng có quan sát thấy giả mạc không?
Thực hiện các chẩn đoán xác định: cấy được C. diphtheriae
Bệnh bạch hầu là bệnh lý cấp tính, người bệnh cần chẩn đoán nhanh để được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng, nhuộm soi và nuôi cấy để tiết kiệm thời gian.
Xét nghiệm soi trực tiếp (ngoáy họng)
Xét nghiệm soi trực tiếp là phương pháp chẩn đoán bạch hầu nhanh và chính xác.
Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi để chẩn đoán bệnh bạch hầu. Nhân viên y tế sẽ dùng tăm bông vô khuẩn ngoáy hầu, họng, amidan chỗ có giả mạc hoặc chỗ viêm để lấy mẫu.
Sau đó, bệnh phẩm này có thể được nhuộm qua Albert hoặc Methylen để phát hiện cũng như theo dõi sự phát triển của vi khuẩn. Trên tiêu bản trực khuẩn, bạch hầu bắt màu Gram dương có hình truỳ (phình to) ở một hoặc hai đầu. Nếu vi khuẩn được định danh là trực khuẩn bạch hầu, bệnh nhân sẽ được kiểm tra kỹ hơn và điều trị theo phác đồ phù hợp với tiến triển bệnh.
Xét nghiệm sinh học phân tử (PCR)
Phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử (tên quốc tế là Real time PCR) được áp dụng khá phổ biến nhằm chẩn đoán bệnh bạch hầu. Tương tự với phương pháp xét nghiệm soi trực tiếp, bác sĩ sẽ tiến hành lấy bệnh phẩm để xét nghiệm và phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn bạch hầu.
Bên cạnh 2 xét nghiệm trên, một số phương pháp khác có thể được áp dụng để chẩn đoán, đó là: xét nghiệm nuôi cấy, phân lập, định danh.
Biến chứng của bệnh Bạch hầu
- Biến chứng tim mạch: nặng nhất là viêm cơ tim – nguy cơ tử vong cao
- Biến chứng thần kinh ngoại vi
- Suy thận
- Tắc nghẽn đường thở dẫn đến tử vong
Các biện pháp điều trị bệnh bạch hầu
Các phương pháp điều trị bệnh bạch hầu sẽ tập trung vào chữa căn nguyên gây bệnh bằng cách dùng kháng sinh phù hợp, kháng độc tố (SAD) bạch hầu cho các trường hợp nặng. Đồng thời, bệnh nhân cũng được điều trị biến chứng bổ sung (nếu có).
Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân ngay từ khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh bạch hầu.
Dưới đây là những phương pháp điều trị bạch hầu:
Kháng sinh
Đối với trường hợp nghi ngờ cần tiêm bắp sâu Penicillin G: 50.000 - 100.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần, tiêm bắp 10-14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
- Hoặc Erythromycin uống: trẻ em 30-50mg/kg/ngày; người lớn 500mg x 4 lần/ngày dùng 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
- Hoặc Azithromycin: trẻ em: 10-12 mg/kg/ngày, người lớn: 500mg/ngày x 14 ngày.
Kháng độc tố
Ngay khi nghi ngờ mắc bệnh, cần dùng ngay kháng độc tố bạch hầu. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ bệnh chứ không phụ thuộc vào lứa tuổi, cân nặng. Cần test trong da để phòng ngừa dị ứng, sốc phản vệ…(có thể sử dụng phương pháp Besredka)
- Bạch hầu hầu họng, thanh quản: 20.000 - 40.000 UI
- Bạch hầu mũi họng: 40.000 - 60.000 UI
- Bạch hầu ác tính: 80.000 - 100.000 UI
Đối với các bệnh nhân thể nặng, có thể truyền tĩnh mạch SAD. Pha toàn bộ SAD trong 250-500ml nước muối 0,9% truyền tĩnh mạch chậm trong 2-4 giờ. Trong quá trình truyền, cần theo dõi các dấu hiệu phản vệ và sẵn sàng cấp cứu nếu sốc phản vệ xảy ra.
Hỗ trợ hô hấp
Không sử dụng liệu pháp oxy trừ khi có tắc nghẽn đường thở. Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu như thở rút lõm ngực nặng, bứt rứt (khó thở thanh quản độ II) cần chỉ định mở khí quản.
Một số bệnh nhân mắc bạch hầu cần tới sự hỗ trợ hô hấp.
Điều trị hỗ trợ
- Nếu trẻ sốt >39 độ C, mệt mỏi: dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau
- Khuyến khích trẻ ăn uống, nghỉ ngơi
- Trẻ gặp vấn đề ở hầu họng gây khó nuốt, có thể nuôi ăn qua ống sonde mũi dạ dày
- Hạn chế thăm khám và thực hiện các thủ thuật xâm lấn khi không thực sự cần thiết.
Theo dõi
Theo dõi bệnh nhân mỗi 3 giờ/lần và bác sĩ cần đánh giá tình trạng của trẻ 2 lần/ngày, đặc biệt là tình trạng hô hấp để phát hiện sớm được dấu hiệu tắc nghẽn đường thở.
Tiên lượng bệnh bạch hầu
- Tỷ lệ tử vong 2,8%
- Nguy cơ tử vong:
- Đến muộn, 79% tử vong đến BV muộn ≥ 4 ngày sau khởi phát
- Có viêm cơ tim
- Tuổi < 15
Những biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu
Vì tính chất lây lan nhanh chóng, diễn biến thầm kín nên các bác sĩ khuyến khích toàn dân thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đặc biệt, bạch hầu còn là một trong số các bệnh lý nằm trong chương trình phòng bệnh bằng tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì thế, cách tốt nhất là bạn nên chủ động tiêm phòng vắc xin bạch hầu.
Tiêm phòng
Trên thực tế, trước khi thực hiện tiêm phòng bạch hầu, bạn cần lưu ý. Bởi trẻ nhỏ từ 2 - 3 - 4 tháng tuổi thường đã được tiêm vắc xin 3 trong 1 kết hợp bạch hầu - uốn ván - ho gà. Mũi thứ 4 được tiêm khi em bé tròn 18 tháng tuổi.
Tiêm phòng chính là biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất.
Trong khi đó, người trưởng thành mới là đối tượng được các bác sĩ đồng ý rằng dễ bị lây nhiễm hơn trong bối cảnh dịch bạch hầu có nguy cơ bùng phát. Bởi người trưởng thành hay người cao tuổi nói chung thường không nhớ bản thân đã tiêm phòng bệnh hay chưa. Đồng thời, số lượng người lớn thực hiện tiêm nhắc lại bạch hầu mỗi 10 năm không nhiều.
Vắc xin bạch hầu đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên khi tiêm có thể gây ra một số tác dụng phụ như trẻ quấy khóc, buồn ngủ, sốt nhẹ, đau tại vết tiêm… Để tránh các rủi ro sức khỏe cho bản thân và gia đình, bạn hãy sắp xếp thời gian và thực hiện tiêm phòng bệnh tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt!
Ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu
Khi dịch bạch hầu bùng phát mạnh mẽ, việc xác định nhanh, cách ly kịp thời và điều trị triệt để chính là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan. Bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân, cần theo dõi chặt chẽ những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu chủ quan với vấn đề phòng chống dịch, dịch bạch hầu có thể bùng phát, lây lan nhanh chóng và rất khó có thể kiểm soát.
Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh bằng cách đảm bảo vệ sinh chung:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh mũi họng hằng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bạch hầu.
- Đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng.
- Nếu nghi ngờ mắc bệnh cần thăm khám, khai báo sớm để được cách ly và điều trị kịp thời.
Câu hỏi thường gặp về bệnh Bạch hầu
1. Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?
Bệnh bạch hầu có thể nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Biến chứng của bệnh có thể dẫn đến tử vong.
2. Bệnh bạch hầu có lây không?
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
3. Làm thế nào để chăm sóc người bệnh bạch hầu tại nhà?
Người bệnh bạch hầu cần được nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm. Người chăm sóc cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
4. Tôi có thể tiêm vắc xin bạch hầu ở đâu?
Vắc xin bạch hầu có sẵn tại các cơ sở y tế dự phòng trên toàn quốc.
Tại Hà Nội, bạn có thể tham khảo tiêm vắc xin bạch hầu tại Trung tâm Tư vấn & Tiêm chủng vắc-xin Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.
Đây là cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao. Trung tâm được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho việc tiêm chủng.
Để được tư vấn và tiêm vắc xin bạch hầu tại Trung tâm Tư vấn & Tiêm chủng vắc-xin Bệnh viện Phương Đông, bạn có thể:
Trung tâm Tiêm chủng BVĐK Phương Đông là nơi quy tụ đỗi ngũ y bác sĩ chuyên môn cao.
Bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được. Hãy nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách tiêm phòng đầy đủ, giữ vệ sinh cá nhân tốt và đi khám bác sĩ kịp thời khi có triệu chứng.
Hy vọng những thông tin cung cấp trong bài viết trên đã giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.