Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh

Doan Nguyen

20-09-2023

goole news
16

Crohn là tình trạng viêm ruột xuyên thành mạn tính, còn gọi là viêm ruột từng vùng. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và ảnh hưởng tới bất kỳ bộ phận nào của đường tiêu hoá như ruột non, ruột già.

Tổng quan về bệnh Crohn

Crohn là bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease) lan sâu vào thành đường tiêu hóa gây loét, chảy máu. Bệnh có thể gặp ở tất cả lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở độ tuổi trẻ. Tình trạng viêm thường sẽ lan sâu tới các mô ruột và gây ra đau đớn, suy nhược, nhiều khi có thể biến chứng đe dọa tính mạng nếu người bệnh không sớm phát hiện và kịp thời điều trị.

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh Crohn. Các biện pháp chăm sóc và điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng.

 

Bệnh Crohn
Hình ảnh minh hoạ Bệnh Crohn - Viêm ruột từng vùng

Nguyên nhân gây bệnh Crohn

Nguyên nhân gây bệnh Crohn đến nay vẫn chưa được xác định. Bệnh từng được nghi ngờ là do chế độ ăn kiêng và tình trạng căng thẳng gây nên, tuy nhiên hiện nay các bác sĩ cho rằng dù những yếu tố này khiến tình trạng bệnh nặng hơn nhưng không phải nguyên nhân chính của bệnh. Các yếu tố di truyền và hệ miễn dịch có vai trò nhất định trong việc khiến bệnh phát triển, cụ thể:

  • Hệ miễn dịch: Nhiều giả thuyết cho rằng một số virus, vi khuẩn có khả năng kích hoạt bệnh Crohn. Khi hệ miễn dịch chống lại tác nhân xâm nhập sẽ xảy ra phản ứng bất thường và tấn công luôn cả các tế bào của đường tiêu hóa.
  • Di truyền: Căn bệnh Crohn thường xảy ra phổ biến hơn ở các gia đình có thành viên mắc bệnh, do đó các nhà nghiên cứu cho rằng gen di truyền có thể có vai trò quan trọng khiến các thế hệ kế tiếp dễ mắc bệnh hơn.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh Crohn

Triệu chứng bệnh Crohn có thể xuất hiện ở tất cả các vị trí trong ống tiêu hóa, tuy nhiên chủ yếu nằm tại cuối ruột non. Các triệu chứng này từ nhẹ đến nặng, chúng phát triển từ từ, đôi khi xuất hiện đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước hay còn gọi là khoảng lặng.

Biểu hiện phổ biến nhất khi mắc bệnh Crohn là tiêu chảy mạn tính. Khi đó người bệnh đau bụng, sốt, chán ăn, sụt cân, bụng mềm sờ vào thấy chướng.

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác của bệnh như: 

  • Mệt mỏi
  • Loét miệng
  • Chuột rút
  • Phân có lẫn máu
  • Đau gần hoặc đau quanh hậu môn
  • Viêm da, viêm mắt, viêm khớp
  • Viêm gan, viêm ống mật
  • Đối với trẻ em: chậm lớn, chậm phát triển sinh dục khi đến tuổi dậy thì 

Khi mắc Crohn cấp tính, người bệnh biểu hiện đau bụng, nhất là bên hố chậu phải do đó dễ nhầm với đau ruột thừa, viêm đại tràng mạn tính, hay sỏi niệu quản (nữ giới còn có thể nhầm với u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung), một số trường hợp sốt cao (39-40 độ C). Đau bụng do bệnh Crohn thường xảy ra sau khi ăn, kèm theo buồn đại tiện. Đau giảm hoặc hết sau khi người bệnh đi đại tiện. Phân lỏng hoặc lẫn máu trong phân. Ngoài ra người bệnh có thể buồn nôn, nôn.

Đối với Crohn mạn tính, bệnh phát triển từ từ, kéo dài lâu (khoảng hơn 2 năm). Người bệnh đau bụng âm ỉ, mệt mỏi, thiếu máu, da xanh, chán ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài gây mất nước, mất chất điện giải và chất dinh dưỡng dẫn đến gầy sút, thể trạng yếu.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Crohn

Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi và giới tính tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh Crohn như sau:

  • Độ tuổi từ 20 đến 30;
  • Nếu trong gia đình có người mắc bệnh Crohn, khả năng cao bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này;
  • Hút thuốc lá khiến tình trạng bệnh nặng hơn, làm tăng nguy cơ người bệnh phải phẫu thuật;
  • Những người đang sử dụng thuốc kháng viêm không steroid cũng có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao hơn;
  • Người sống ở nơi môi trường ô nhiễm, chế độ ăn nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn, nghiện rượu bia có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao hơn;
  • Sắc tộc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Crohn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ mắc Crohn ở người da trắng và người có gốc Đông Âu là cao nhất và hiện đang gia tăng với người da đen ở Bắc Mỹ và Anh Quốc.

Đường lây nhiễm bệnh Crohn

Crohn không phải bệnh truyền nhiễm do đó không thể lây truyền từ người bệnh sang người lành, khỏe mạnh qua bất kỳ đường lây nhiễm nào.

Tuy nhiên, giống như các bệnh viêm ruột khác, bệnh Crohn có thể lây lan nội bộ, trong đường tiêu hóa của chính người bệnh. Có thể hạn chế tình trạng này bằng thuốc chống viêm, thuốc tiêu chảy, các liệu pháp dinh dưỡng như giảm tiếp xúc với các chất kích thích có trong thực phẩm, hoặc can thiệp bằng phẫu thuật.

Biến chứng của bệnh Crohn

Bệnh crohn có thể dẫn đến các biến chứng như sau:

  • Tắc ruột. Mắc bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến độ dày của thành ruột, các bộ phận của ruột có thể thu hẹp theo thời gian tiến triển của bệnh và làm chặn dòng di chuyển thức ăn. Để khắc phục, người bệnh có thể phải phẫu thuật để loại bỏ phần ruột bị tắc.
  • Loét. Nhiễm Crohn mạn tính có thể gây loét ở bất kỳ vị trí nào trong ống tiêu hóa, cả miệng hay hậu môn.
  • Lỗ rò xung quanh hoặc gần hậu môn, nứt hậu môn.
  • Suy dinh dưỡng. Người bị bệnh Crohn thường gặp các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, kém ăn, ruột không hấp thụ được các chất dinh dưỡng dẫn tới thiếu máu, da xanh, người gầy sút, suy nhược...
  • Loãng xương, viêm khớp, bệnh túi mật hoặc gan.
  • Ảnh hưởng tới đại tràng, làm bệnh nhân tăng nguy cơ bị ung thư ruột kết
  • Phát triển các khối ung thư nhỏ: ung thư hạch, ung thư da… Biến chứng này do sử dụng thuốc điều trị bằng ngăn chặn các chức năng của hệ thống miễn dịch.

Biện pháp chẩn đoán bệnh Crohn

Crohn thường dễ bị nhầm với các bệnh đường ruột khác do triệu chứng khá giống nhau. Do đó để chẩn đoán chính xác bệnh, cần dựa vào kết quả xét nghiệm (máu, phân), nội soi, chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang chuẩn bị (thụt tháo, có thuốc cản quang), chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để quan sát chi tiết thành ruột.

Phương pháp điều trị bệnh Crohn

Tùy theo triệu chứng và mức độ của bệnh mà phương pháp điều trị có thể khác nhau. Để việc điều trị hiệu quả, bác sĩ cần xác định rõ nguyên nhân, mức độ, vị trí tổn thương để có hướng điều trị cụ thể (bằng thuốc hay can thiệp phẫu thuật), chẳng hạn như: 

  • Sử dụng thuốc chống viêm. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm nhưng cũng nhắm vào hệ miễn dịch, tạo ra chất gây viêm. Kết hợp các thuốc này lại sẽ hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng 1 loại.
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Dùng kháng sinh để làm giảm lượng nước thoát và có thể chữa lành lỗ rò hay áp xe.
  • Bổ sung chất xơ giúp làm giảm triệu chứng tiêu chảy từ nhẹ đến trung bình.
  • Với cơn đau nhẹ có thể dùng acetaminophen - không phải các thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen, naproxen natri.
  • Bổ sung sắt nếu bị chảy máu đường ruột mạn tính gây thiếu máu do thiếu sắt.
  • Tiêm vitamin B-12 nhằm ngăn ngừa thiếu máu, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bình thường.
  • Bổ sung vitamin D, canxi. 

Người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài (đau bụng, đi ngoài phân lỏng, có máu lẫn trong phân, buồn nôn, nôn…) kèm sốt cần đi khám bệnh sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách. Không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể khiến bệnh nặng hơn và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Biện pháp phòng ngừa bệnh Crohn

Để phòng ngừa bệnh Crohn, trước hết người bệnh cần thay đổi chế độ ăn và lối sống nhằm kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát bệnh. Hiện không có bằng chứng chắc chắn chế độ ăn là nguyên nhân dẫn tới bệnh Crohn, tuy nhiên một số thực phẩm có thể làm nặng thêm triệu chứng của bệnh như: sữa, thực phẩm nhiều chất béo, đồ ăn cay, rượu, nước có ga và đồ uống chứa caffeine. Bên cạnh đó, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, uống nhiều nước. Nếu trái cây tươi, rau sống làm người bệnh thấy khó chịu, có thể hấp trước khi dùng.

Bệnh Crohn cản trở ruột hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời chế độ ăn cũng bị hạn chế, người bệnh có thể cân nhắc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất. Tuy nhiên bạn cần xin ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi dùng thực phẩm bổ sung.

Hút thuốc lá làm tăng tiến triển bệnh Crohn cũng như làm tình trạng bệnh diễn biến trầm trọng hơn. Người nghiện thuốc nếu mắc Crohn sẽ có nhiều khả năng tái phát, phải dùng nhiều thuốc và dễ phải phẫu thuật lặp lại. Các bác sĩ đều khuyến cáo bỏ hút thuốc để cải thiện sức khỏe cho đường tiêu hóa và sức khỏe tổng thể nói chung.

Căng thẳng, stress cũng được xem xét là một yếu tố làm triệu chứng của bệnh Crohn trở nên nặng hơn. Để hạn chế stress và căng thẳng, người bệnh nên tìm các biện pháp như: tập thể dục như thiền, yoga, liệu pháp phản hồi sinh học (Biofeedback), thư giãn và tập hít thở sâu.

2,125

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám