Bị cúm phải làm sao? Các cách điều trị và phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả

Thao Tran

07-08-2023

goole news
16

Bệnh cúm rất dễ lây nhiễm và hầu hết ai cũng từng bị cúm ít nhất một lần nào đó trong cuộc đời. Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai và người có bệnh lý nền mạn tính không nên chủ quan vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vậy khi bị cúm phải làm sao để nhanh khỏi và có những cách phòng ngừa bệnh nào hiệu quả, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu ngay.

Bệnh cúm là gì?

Bệnh cúm là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến do virus cúm lây nhiễm ở mũi, họng và phổi.  Virus cúm phát triển mạnh khi tiết trời nhiệt độ hạ thấp. Theo các nghiên cứu dịch tễ học cúm tại Việt Nam cho thấy bệnh cúm thường xuất hiện quanh năm nhưng đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9, tháng 10 hằng năm và có xu gia tăng trong khoảng thời gian mùa đông và mùa xuân. 

bệnh cúmBị bệnh cúm phải làm sao là mối quan tâm của rất nhiều người

Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người cao tuổi hoặc người mắc các bệnh mạn tính về phổi, tim, thận, thiếu máu, hệ miễn dịch suy giảm… thì bệnh có diễn tiến nặng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Mọi người mọi lứa tuổi đều có thể bị cúm tấn công, tỷ lệ này ở người trưởng thành là 5 - 10% và trẻ em là 20-30%. Đặc biệt, nếu không được kiểm dịch tốt, bệnh cúm có thể lan rộng gây nên đại dịch. Thực tế, trên thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm vô cùng đáng sợ như:

  • 1957- 1959: đại dịch cúm từ Châu Á lan sang các châu lục khác, làm 40% dân số thế giới mắc bệnh. Tại miền Bắc Việt Nam, năm 1957 ghi nhận gần 1 triệu người nhân và năm  1959 gần 2 triệu người bệnh. 
  • 1968-1970: dịch cúm từ Hồng Kông lan ra khắp thế giới. Đầu năm 1970, cúm lan ra khắp các tỉnh miền Bắc Việt Nam chỉ trong vòng  3 - 4 tuần và thống kê được có khoảng 1.6 triệu người bệnh. 

Triệu chứng của bệnh cúm

Bệnh cúm có thể gây ra những triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Không ít người nhầm lẫn cúm và cảm lạnh vì những biểu hiện ban đầu giống nhau như đau họng, hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, cảm lạnh thường diễn tiến chậm trong khi bệnh cúm đến rất đột ngột. Bạn có thể bắt đầu cảm nhận thấy các dấu hiệu của bệnh cúm sau 2- 4 ngày (ít nhất là 24H) sau khi tiếp xúc với virus. 

triệu chứng bệnh cúmMột số triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh cúm 

Triệu chứng ban đầu của bệnh cúm thường gặp là đột ngột sốt cao 39-40°C cùng nhiều dấu hiệu sau:

  • Mệt mỏi, ăn ngủ kém.
  • Môi khô, lưỡi bẩn.
  • Mạch nhanh, huyết áp dao động.
  • Nước tiểu vàng.
  • Sổ mũi, hắt hơi, rát họng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
  • Khàn tiếng, ho khan, ho khạc đờm trắng dính.
  • Đau tức ngực, khó thở.
  • Đau đầu liên tục, đau nhiều vùng thái dương, vùng trán, đôi khi dội lên từng cơn kèm theo hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
  • Đau mỏi toàn thân, đau khớp, đau cơ bắp,, đau dọc sống lưng, đau ngang thắt lưng và đỡ đau khi xoa bóp khớp.

Bệnh cúm không chỉ phát triển trong những tháng có nhiệt độ thấp trong năm mà còn có thể xảy ra ngoài mùa cúm điển hình. Ngoài ra, cũng có nhiều loại virus khác gây ra những bệnh đường hô hấp tương tự cúm. Chính vì thế, không thể chắc chắn rằng bạn đã bị cúm nếu chỉ dựa vào những triệu chứng nêu trên. Để chắc chắn bàn có bị cảm cúm hay không thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán.

Những nguyên nhân gây ra bệnh cúm

Virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae là nguyên nhân gây ra bệnh cúm ở người. Bệnh cúm ở nước ta thường do virus cúm chủng A, B và C gây ra, trong đó A, B là 2 chủng phổ biến nhất.

  • Cúm A (cúm mùa) được tìm thấy ở nhiều loài động vật khác nhau. Virus cúm A thường xuyên thay đổi tạo ra nhiều biến chủng mới, được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch vì có khả năng lây nhiễm cao. Các phân nhóm của cúm A đang lưu hành hiện nay gồm A (H1N1) và A (H3N2).
  • Cúm B: Virus cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa như cúm A. Tuy nhiên, virus cúm B thay đổi chậm hơn về đặc tính duy truyền và kháng nguyên so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người, không phân chia theo nhóm như cúm A, cũng không bùng phát thành đại dịch lớn.
  • Cúm C: Virus cúm C được tìm thấy ở người nhưng gây ra các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so cúm A và cúm B, ít dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

virus cúm nguyên nhân gây bệnh cúmVirus cúm (Influenza virus) là nguyên nhân gây ra bệnh cúm 

Biến chứng có thể gặp của bệnh cúm

Ở những người có nền tảng sức khỏe tốt, bệnh cúm thường không gây ra quá nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau nhiều nhất 2 tuần mà không để lại các tác động lâu dài.

Thế nhưng, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc người cao tuổi hay người có sức khỏe yếu, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi do cúm hoặc bội nhiễm vi khuẩn, viêm màng não, viêm não, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai, viêm cơ hay hủy cơ vân, tổn thương đa cơ quan như suy hô hấp hay suy thận và làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mạn tính như hen suyễn, suy tim sung huyết hay đái tháo đường. Trong đó, viêm phổi là một trọng những vấn đề nặng nề nhất, đặc biệt viêm phổi do cúm có thể đe dọa tính mạng của người cao tuổi và người bị bệnh mạn tính.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu bị nhiễm cúm thì cúng rất nguy hiểm. Bởi vì, đây là giai đoạn cơ thể thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận nên nếu người mẹ không may mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ thai nhi bị dị tật, thai lưu hoặc sảy thai.

Bệnh cúm có lây không?

Bệnh cúm có lây không hay bệnh cúm lây qua đường nào là thắc mắc được khá nhiều nhiều người quan tâm. Câu trả lời là bệnh cúm không chỉ có lây mà còn có thể lây lan rất nhanh. Theo hầu hết các chuyên gia, virus cúm lây lan chủ yếu qua các giọt nước nhỏ khi người bị cúm nói chuyện, ho hoặc hắt hơi và người bị cúm có thể lây cho người khác trong bán kính 1.83m. Tuy hiếm gặp nhưng một số người có thể bị cúm khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể có virus cúm, sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của họ.

bệnh cúm có lây khôngBạn có thể nhiễm cúm khi đừng gần hoặc tiếp xúc với người bệnh

Vậy những ai dễ bị lây bệnh cúm thì bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, tuy nhiên những đối tượng sau có nguy cơ cao:

  • Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ nhiễm cúm rất cao nếu chưa được tiêm vacxin cúm. Đối với trẻ sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao và diễn tiến nặng.
  • Trẻ em: Đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao, trong đó có bệnh cúm mùa.
  • Người lớn trên 65 tuổi có các bệnh lý nền mạn tính như suy thận hoặc suy gan, tiểu đường, suy giảm miễn dịch… 
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: Khi mang thai hay trải quá trình sinh nở thì sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng của người phụ nữ cũng bị suy giảm, tạo điều kiện cho virus cúm tấn công.

Cách chẩn đoán bệnh cúm

Chẩn đoán xác định

Bên cạnh dựa trên các biểu hiện lâm sàng và yếu tố dịch tễ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để hỗ trợ cho quá chẩn đoán xác định bệnh cúm:

Số lượng bạch cầu máu ngoại vi bình thường hay giảm và Lymphocyte tăng.

Chẩn đoán xác định mầm bệnh dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu:

  • Phản ứng Hirst. 
  • Phản ứng kết hợp bổ thể.
  • Phản ứng miễn dịch huỳnh quang.
  • Phân lập virus.
  • Các kỹ thuật xét nghiệm: PCR, RT- PCR, Elisa, Mac- Elisa, kính hiển vi điện tử … được tiến hành nhằm xác định các chủng virus cúm, đặc biệt khi xuất hiện chủng virus cúm mới.

Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt bệnh cúm với các bệnh lý sau:

  • Viêm mũi họng do vi khuẩn.
  • Các bệnh viêm đường hô hấp do những loại virus khác gây ra.
  • Sốt xuất huyết Dengue.
  • Viêm phổi cấp hay viêm phế quản… do vi khuẩn gây ra.

Cách điều trị bệnh cúm

Hiện vẫn chưa có cách điều trị bệnh cúm triệt để, các phương pháp chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.

Nguyên tắc điều trị

Đối với bệnh nhân bị cúm thể thông thường, việc điều trị cần tuân thủ nguyên tắc:

  • Cách ly nghỉ ngơi tại giường đến khi hết sốt đề phòng các biến chứng có thể gặp phải.
  • Ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và tăng cường bổ sung các loại sinh tố.
  • Cho người bệnh thuốc an thần: rotunda, seduxen… thuốc giảm ho long đờm như tecpincodein, sirocodein…
  • Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.

Đối với người mắc bệnh cúm thể nặng (ác tính), nhiều virus cúm:

  • Phải cách ly với bệnh nhân nghi ngờ.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt, ngay từ những ngày đầu.
  • Hồi sức chống suy hô hấp cấp là nguyên tắc cơ bản.
  • Điều trị bội nhiễm và biến chứng suy đa phủ tạng.

điều trị bệnh cúmNên đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu của bệnh cúm để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phụ hợp

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Thuốc kháng virus được chỉ định cho những trường hợp nặng, các loại thuốc thường được sử dụng gồm:

Tamiflu ( Oseltamivir)

Trẻ từ 1 - 13 tuổi thì dùng dung dịch uống dựa theo trọng lượng của cơ thể:

  • Dưới 15kg: 30mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
  • Từ 16- 23kg : 45mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
  • Từ 24- 40kg : 60mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.

Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn: 75mg x 2 lần/ ngày x 7 ngày.

Trong thời gian sử dụng thuốc cần theo dõi chức năng thận và gan để có sự điều chỉnh phù hợp.

Amatadine

  • Trẻ em từ 1-9 tuổi : 50mg x 2 lần/ ngày x 7 ngày.
  • Người trên 9 tuổi : 100mg x 2 lần/ ngày x 7 ngày.

Ribavirin (viên 400mg)

  • Trẻ em từ 1-9 tuổi : 1 viên x 3 lần/ ngày x 7 ngày.
  • Người trên 9 tuổi : 2- 3 viên x 3 lần/ ngày x 7 ngày.

 Gammaglobulin chống cúm (được lấy từ huyết thanh người cho máu)

  • Trẻ em : 1-3ml tiêm bắp thịt 1-2 lần.
  • Người lớn : 1- 6ml tiêm bắp thịt 1 lần.

Huyết thanh khô chống cúm dạng bột của Nga, phun vào mũi 1- 2 lần.

InTerferon bảo vệ những tế bào chưa bị virus phá huỷ.

Điều trị cúm theo cơ chế bệnh sinh

Điều trị suy hô hấp cấp bằng thở oxy 1- 5 lít/phút để SPO2> 90% hoặc thở oxy cao áp.

Thông khí nhân tạo khi 2 biện pháp thở oxy trên không cải thiện được tình trạng hô hấp của người bệnh. 

Truyền dịch bù nước điện giải: Trung bình 1200 – 1500ml/ ngày cho người bệnh lớn tuổi.

Cocticoid có thể dùng các thuốc như:

  • Methylprenisolon: 0,5-1,0 mg/kg/ngày x 7 ngày và tiêm tĩnh mạch chậm.
  • Hydrocortisone: 100mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
  • Depersolon: 30mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
  • Prednisolon: 0,5-1,0 mg/kg/ngày x 7 ngày.

Kháng sinh: Liều cao phối hợp để phòng ngừa và điều trị bội nhiễm vi khuẩn như các thuốc nhóm Quinolon, Cephalosporin…

Bảo đảm chế độ dinh dưỡng, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nếu người bệnh không ăn được.

Chống loét bằng cách cho bệnh nhân nằm đệm nước, thường xuyên xoa bóp và thay đổi tư thế. 

Chăm sóc hô hấp: Giúp người bệnh ho, hút đờm, khạc vỗ rung vùng ngực…

Tiêu chuẩn để ra viện là:

  • Hết sốt 7 ngày sau khi ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus.
  • Xét nghiệm máu và X- quang tim phổi ổn định.

Lưu ý khi chăm sóc người bệnh cúm

Người bị bệnh cúm thường chỉ cần chăm sóc, uống thuốc đầy đủ, đúng liều và đúng loại theo chỉ dẫn của bác sĩ từ 3 -5 ngày các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn. Những người chăm sóc bệnh nhân bị cúm cần đảm bảo theo 2 nguyên tắc:

  • Chăm sóc để người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh trong thời gian nêu trên.
  • Người chăm sóc không bị lây nhiễm cúm.

chăm sóc trẻ bị cúm tại nhàHầu hết các mẹ đều lo lắng nên chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà như thế nào

Chính vì vậy, khi chăm sóc người bị bệnh cúm thì người chăm sóc cần phải lưu ý:

  • Đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người cảm cúm bằng nước rửa tay diệt khuẩn, nhỏ mũi thuốc sát khuẩn.
  • Bồi dưỡng thêm chất bổ để đảm bảo sức khỏe khi chăm người bệnh cảm, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi và các loại gia vị làm ấm cơ thể, có tính kháng khuẩn như gừng, tỏi…
  • Nên uống 1 ly trà gừng ấm hoặc 1 ly tỏi băm nhuyễn pha nước mỗi ngày để hạn chế tối đa nguy cơ bị lây cúm.
  • Đồ dùng của người bị cúm như cốc, chén, thìa, đũa… hàng ngày nên luộc sôi, rửa sạch, tốt nhất là nên dùng riêng.
  • Tuyệt đối, không ăn các thức ăn thừa của người bệnh.
  • Khăn giấy của người bệnh đã sử dụng nên cho vào túi, xử lý với các loại rác thải.
  • Khi có dấu hiệu bị cúm như sốt, nhức đầu, sổ mũi… phải cách ly, khám và điều trị ngay.

Các phòng tránh bệnh cúm

Để chủ động phòng ngừa bệnh cúm, mọi nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, đồng thời vệ sinh mũi - họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, đeo không trang khi đến những khu vực công cộng tập chung đông người.
  • Luôn giữ ấm cho cơ thể, xây dựng một đế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất kết hợp với thường vận động thể chất, tập luyện thể dục thể thao nâng cao thể trạng.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc các trường hợp nghi ngờ bị cúm nếu không thật sự cần thiết.
  • Không tự ý mua thuốc, sử thuốc kháng virus (như Tamiflu) nếu không có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. 
  • Đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh cúm để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
  • Tiêm phòng vacxin cúm theo mùa để tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống cúm.

Bệnh cúm có thể lây lan nhanh và bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát. Chính vì vậy, bảo vệ bản thân trước nguy cơ nhiễm cúm là bước bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Nếu có còn thắc mắc khác hoặc nhu cầu khám sức khỏe cùng bác chuyên khoa hoặc đặt lịch tiêm phòng vacxin cúm,  vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 1806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được hỗ trợ.

419

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám