Bệnh sán lá phổi: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị

Thu Hiền

04-09-2023

goole news
16

Bệnh sán lá phổi xuất hiện ở rất nhiều nơi tại nước ta. Bệnh hình thành bởi vì loài sán Paragonimus heterotremus ký sinh trong phổi và màng phổi. Tùy từng giai đoạn bệnh mà người bị sán ký sinh sẽ có biểu hiện khác nhau, hầu hết sẽ là đau bụng, tiêu chảy, bị tổn thương phổi và gan, thận. Nếu bạn quan tâm đến bệnh này thì đọc bài viết dưới đây của Bệnh viện đa khoa Phương Đông nhé. 

Bệnh sán lá phổi là gì?

Để hiểu rõ về bệnh, đầu tiên bạn cần nắm một số thông tin về sán lá phổi. Đây là một loài giun dẹp, sống ký sinh ở tiểu phế quản - phổi người. Sán lá phổi có tới 40 loài khác nhau, trong đó chỉ có 10 loài có thể gây bệnh ở người. Tại các nước khác, loài sán gây bệnh chủ yếu là Paragonimus westermani.

Bệnh sán lá phổi là tình trạng người bị ký sinh bởi loài Paragonimus heterotremusBệnh sán lá phổi là tình trạng người bị ký sinh bởi loài Paragonimus heterotremus

Còn ở nước ta mọi người thường bị bệnh sán lá phổi bởi vì loài Paragonimus heterotremus. Khi ký sinh vào lá phổi, sán có thể di chuyển lên hệ thần kinh trung ương dẫn tới viêm màng não. 

Đặc điểm hình thể của sán lá phổi 

  • Trứng sán lá phổi: Kích cỡ của trứng dài khoảng 80 – 120 µm, rộng 4-8 µm trứng có màu nâu sẫm, có kèm nắp, vỏ dày. Bên trong trứng chứa phôi và có hình bầu dục.
  • Ấu trùng: Trước khi trở thành sán trưởng thành, ấu trùng phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ ấu trùng lông > ấu trùng có đuôi > ấu trùng nang. 
  • Sán trưởng thành: Kích cỡ dài 7-13 mm, ngang 4-6 mm, tương đương hạt đậu phộng hoặc hạt cà phê.
  • Sinh sản: Đây là loài lưỡng tính, nên chúng cả bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái. 

Đặc điểm sinh học của sán lá phổi

  • Vật chủ chứa: Con người là vật chủ chính hay bị sán lá phổi ký sinh. Bên cạnh đó còn có một số động vật như chó, heo, mèo… cũng có khả năng nhiễm phải.  
  • Sinh lý bệnh: Sán làm tổ ở phổi để gây hoại tử khu trú nhu mô phổi hoặc tạo nang xơ. Sau đó gây bệnh tại một số cơ quan nội tạng khác nhằm gây ra áp-xe, u hạt, viêm đau.
  • Nhiễm bệnh ở người: Ký sinh vào cơ thể người 2- 15 ngày, sán sẽ tấn công và gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, sốt, đau ngực và mệt mỏi. Nhiều người còn bị ho khan, ho có đờm, ho nhuốm máu. 

Nguyên nhân gây ra bệnh sán lá phổi

Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này ở người là do Paragonimus heterotremus – một loài giun ký sinh ở ốc, cua. Mọi người có khả năng nhiễm phải bệnh sán lá phổi nếu thuộc 1 trong 2 nhóm dưới đây: 

  • Người sinh sống, làm việc trong môi trường có sán lá phổi lưu hành.
  • Người có thói quen, sở thích uống các món tái sống, nấu chưa chín các loài như ốc, cua. 

Nguyên nhân gây ra bệnh sán lá phổi là loài ký sinh Paragonimus heterotremusNguyên nhân gây ra bệnh sán lá phổi là loài ký sinh Paragonimus heterotremus

Sán lá phổi lây truyền ra sao?

Nói một cách đơn giản để bạn hiểu về cách lây truyền của bệnh sán lá phổi , dưới đây chúng tôi đã miêu tả về vòng đời sinh học của loài ký sinh này. Cụ thể như sau:

  • Người bệnh thải trứng sán lá phổi khi ho hoặc đại tiện ra ngoài. 
  • Trứng sán gặp môi trường nước sẽ nở ra ấu trùng lông. 
  • Ấu trùng lông sẽ tự mình chui vào ốc để phát triển thành ấu trùng đuôi.
  • Ấu trùng đuôi sẽ rời khỏi ốc và xâm nhập vào tôm hoặc cua nước ngọt để biến thành ấu trùng nang. 
  • Con người hoặc súc vật (chó, heo, mèo…) ăn phải tôm, cua nhiễm ấu trùng chưa nấu chín (gỏi sống, cua nướng, ăn tái) thì sán sẽ chui vào dạ dày và ruột để tiếp cận phổi, phế quản và làm tổ.
  • Khoảng 5 – 6 tuần sau khi ký sinh ở trong cơ thể người, ấu trùng lúc này sẽ phát triển thành sán lá phổi trưởng thành. Ấu trùng có thể đẻ trứng và lặp lại quy trình con người lại thải ra môi trường bên ngoài. 
  • Sán có thể tồn tại 20 năm trong phổi người, phổi các loài động vật như chó, heo và mèo. 

Con đường lây truyền của bệnh sán lá phổiCon đường lây truyền của bệnh sán lá phổi

Những triệu chứng bệnh sán lá phổi

Căn bệnh này gây ra nhiều triệu chứng phức tạp tùy vào đoạn và vị trí mà sán đang ký sinh. Cụ thể chúng sẽ ký sinh ở phổi, ngoài ra còn ký sinh ở màng phổi, gan, ruột, tinh hoàn, não, tổ chức dưới da, phúc mạc. Để bạn phát hiện và can thiệp sớm bệnh sán lá phổi, dưới đây chúng tôi đã tổng hợp lại các triệu chứng của bệnh như sau: 

  • Sốt kéo dài. 
  • Buồn nôn, nôn ói. 
  • Đau bụng và tiêu chảy.  
  • Ngứa ngáy hoặc phát ban khắp người. 
  • Đau ngực, cảm thấy khó thở. 
  • Da bụng, da chân xuất hiện nhiều vết sưng hoặc khối u. 
  • Ho khan, ho có đờm màu gỉ, ho kèm đờm và máu. 
  • Xuất hiện các cơn động kinh (nếu sán ký sinh ở não). 
  • Viêm gan, áp xe gan bởi vì sán ký sinh tại gan. 
  • Tràn khí, tràn dịch màng phổi vì vỡ ổ sán sau khi ho mạnh. 

Triệu chứng bệnh sán lá phổi bao gồm việc ho, đau bụng hoặc tiêu chảy Triệu chứng bệnh sán lá phổi bao gồm việc ho, đau bụng hoặc tiêu chảy 

Biến chứng có thể gặp khi mắc sán lá phổi

Khi con người bị ký sinh bởi sán, cơ thể sẽ có những nang sán kích thước bằng đầu ngón tay ở phổi, gan, não,... Bên trong nang sán có 02 con sán và 1 chất dịch mủ có màu đỏ. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì người bị bệnh sán lá phổi sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như:  

Với các cơ quan khác bên cạnh phổi

Khi sán không di chuyển tới phổi, chúng sẽ lang thang tại nhiều cơ quan nội tạng. Ví dụ như gan, não,… để phát triển thành sán non sau đó tạo nang và đẻ trứng ở vị trí ngoài phổi, biến chứng thành viêm, áp-xe, u hạt. 

Với phổi

Loài Paragonimus spp khi ký sinh, làm tổ ở phổi thì người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Thời gian đầu, bệnh nhân sẽ bị hoại tử khu trú nhu mô phổi. Thời gian sau bắt đầu xuất hiện nang xơ phổi để bao quanh cho sán trưởng thành. Nhiễm ký sinh 7- 8 tuần, sán sẽ bắt đầu đẻ trứng ở trong nang khiến chúng vỡ ra ở tiểu phế quản. 

Chẩn đoán bệnh sán lá phổi như thế nào? 

Thực tế căn bệnh này các bác sĩ thường nhầm lẫn với một số bệnh khác của phổi, cụ thể là bệnh giãn phế quản, lao phổi, ung thư phổi,… Việc chẩn đoán không thể dựa vào biểu hiện lâm sàng, dịch tễ và chẩn đoán hình ảnh như một số bệnh phổ thông. Hiện nay phương pháp chẩn đoán bệnh sán lá phổi thông dụng và hiệu quả nhất thường được bác sĩ chỉ định thực hiện đó là: 

Xét nghiệm đờm tìm trứng

Đây là loại xét nghiệm có thể đảm bảo độ chính xác cho bác sĩ khi chẩn đoán bệnh sán lá phổi. Hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định lấy mẫu vào buổi sáng sớm. Trước khi xét nghiệm, người bệnh phải súc miệng sạch sẽ, hít thở sâu và khạc đờm vào lọ vô trùng. Nếu bệnh nhân không tự khạc đờm thì bệnh viện có thể khí dung hoặc hút dịch nội khí quả để xét nghiệm. 

Xét nghiệm phân tìm trứng

Xét nghiệm này sẽ được thực hiện nếu bệnh nhân bị sán lá phổi không lấy được đờm. Bệnh viện sẽ xét nghiệm phân trực tiếp để tìm trứng sán, mẫu xét nghiệm sẽ lấy khi người bệnh bị tiêu chảy. Người bệnh cần tự mình lấy mẫu bằng cách đi vệ sinh vào bô, lấy phân ở chỗ có máu, có vật thể lạ, có nhầy mủ trong phân vào lọ vô trùng có nắp kín rồi đưa cho bác sĩ. 

Chẩn đoán bệnh sán lá phổi bằng cách xét nghiệm phân tìm trứngChẩn đoán bệnh sán lá phổi bằng cách xét nghiệm phân tìm trứng

Xét nghiệm dịch màng bụng, dịch màng phổi, dịch não tủy

Những xét nghiệm này cũng tương tự với việc xét nghiệm đờm. Bệnh viện sẽ xét nghiệm dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch não tủy của bệnh nhân để kiểm tra, có thấy trứng sán không. Lúc đó mới đưa ra kết luận, chẩn đoán chính xác. 

Điều trị bệnh sán lá phổi 

Bệnh được điều trị bằng 02 phương pháp chính, bao gồm việc dùng thuốc và chữa di chứng. Cụ thể: 

Điều trị bệnh sán lá phổi bằng thuốc

Điều trị bệnh bằng thuốc thường được bác sĩ chỉ định 1 trong 2 loại Praziquantel hoặc Triclabendazole. Đa phần là thuốc Praziquantel bởi vì thuốc có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn. Liều uống mà bệnh nhân bị bệnh sán lá phổi cần uống hàng ngày thường là:

  • Thuốc Praziquantel: Uống 75mg/kg/ngày, chia thành 3 lần/ngày, uống trong 2 ngày. 
  • Thuốc Triclabendazole: Uống 10 mg/kg/, chia thành 2 lần, mỗi lần uống cách nhau 6 – 8 giờ. 

Điều trị bệnh sán lá phổi bằng thuốc Praziquantel hoặc thuốc TriclabendazoleĐiều trị bệnh sán lá phổi bằng thuốc Praziquantel hoặc thuốc Triclabendazole

Bệnh nhân sán lá phổi lưu ý chỉ sử dụng 2 loại thuốc này dựa trên chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự mua, không tăng giảm liều khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Người bệnh nên ăn no, uống thuốc cách nhau tối thiểu 4-6 giờ. Thời điểm uống thuốc cần kiêng rượu bia, các chất kích thích,… 

Việc điều trị bệnh sán lá phổi bằng thuốc sẽ chống chỉ định với các đối tượng như phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu, sản phụ đang cho con bú và người bị suy gan, suy thận, có tiền sử dị ứng với thuốc. Khi sử dụng, hầu hết mọi người thường gặp một số tác dụng phụ như khó chịu hạ vị, chóng mặt, nhức đầu, sốt, ngủ gà, buồn nôn, nôn hoặc mẩn ngứa. 

Phẫu thuật 

Khi bệnh sán lá phổi xuất hiện các biến chứng ở khu vực mà sán tấn công, bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách phẫu thuật để điều trị dứt điểm. Cụ thể hình thức điều trị này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân bị: 

  • Tràn dịch màng phổi. 
  • U nang.
  • Áp xe.
  • U hạt.

Cách phòng ngừa bệnh sán lá phổi

Cách tốt nhất để mọi người không bị căn bệnh này đó là chủ động phòng tránh và ngăn ngừa việc sán ký sinh vào cơ thể. Cụ thể mọi người nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cần thiết như sau: 

  • Tuyệt đối không ăn cua sống, tôm chưa chín, ốc chưa vệ sinh, chế biến sạch sẽ. 
  • Nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Quản lý, xử lý đờm và phân chính xác, an toàn, sạch sẽ. 
  • Uống nước đun sôi để nguội, không được uống nước ao hồ. 
  • Điều trị triệt để bệnh nếu có mang mầm bệnh. 

Hy vọng bài viết này của chúng tôi đã giúp bạn nắm rõ các biểu hiện, nguyên nhân và cách chữa trị bệnh sán lá phổi. Nếu bạn lo lắng bản thân mắc bệnh thì sắp xếp thời gian tới thăm khám ở Bệnh viện đa khoa Phương Đông nhé. Chúng tôi có đầy đủ máy móc công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sĩ đầy đủ chuyên khoa đảm bảo xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho bạn. 

Nếu cần thêm tư vấn chi tiết về bệnh, quý khách hàng gọi ngay đến Hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám tại bệnh viện Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
951

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám