Tiêu chảy là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý đường ruột, trong đó có bệnh tả. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tiêu chảy đều là bệnh tả. Vậy, bệnh tả có gì khác biệt so với các loại tiêu chảy thông thường? Phân biệt hai bệnh này như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tả, so sánh sự khác biệt, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về hai bệnh lý này
Tổng quan về bệnh tả và bệnh tiêu chảy
Bệnh tả
Bệnh tả bắt nguồn từ vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae (là vi khuẩn hình cong dấu phẩy không sinh nha bào, di động nhanh nhờ có một cọng lông) gây nên. Đây được xem như là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây truyền theo đường tiêu hoá thông qua các thức ăn hay nước uống đã bị nhiễm khuẩn. Tiếp xúc với gia đình của bệnh nhân bị bệnh tả có thể sẽ bị nhiễm trùng, tuy nhiên khả năng ít xảy ra bởi vì phải có một số lượng vi khuẩn rất lớn để truyền nhiễm trùng.
Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm do virus Vibrio cholerae gây nên
Bệnh tả được đánh giá là loài đặc hữu ở các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi, Nam - Trung Mỹ và bờ vịnh Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, bệnh tả xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1850 với 2 triệu người bệnh.
Từ năm 1910- 1938, hàng năm số bệnh nhân mắc bệnh được thông báo dao động từ 5.000 - 30.000 người. Tiếp đến năm 1964 với 821/20.009 người mắc bệnh tử vong do bệnh tả EL Tor khi chúng chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên.
Từ 1964- 1975, ở khu vực miền Trung - Nam, bệnh xuất hiện dưới dạng lưu hành với hàng trăm người mỗi năm. Đến năm 1994, khu vực Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện với 1.459 ca bệnh. Sau năm 1975, bệnh đã lây lan ra khu vực miền Bắc do thông thương giữa hai miền, rải rác ở Hải Phòng.
Từ 1993- 2004, dịch bùng phát mạnh mẽ ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam với hàng nghìn ca bệnh/năm. Tuy nhiên, tình hình mắc bệnh không bùng phát thành dịch lớn và không xảy ra trường hợp tử vong.
Năm 2005- 2006, cả nước may mắn không ghi nhận ca bệnh nào. Cuối năm 2007, dịch bùng phát trở lại ở 19 tỉnh/thành phố phía Bắc với hàng nghìn người bị bệnh và may mắn khi không có ai bị tử vong.
Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy (tên tiếng anh: diarrhea) là tình trạng bệnh rất phổ biến ở người lớn và trẻ em. Đây là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước hơn 3 lần/ngày và thường tự khỏi sau 1-3 ngày mà không cần can thiệp. Tình trạng phát triển từ nhẹ thành nặng và có thể đe doạ sức khoẻ nếu không được kiểm soát kịp thời.
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh tiêu chảy. Đáng lo ngại hơn, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 4 triệu trẻ em, trong đó 80% các trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
Dựa vào tình trạng bệnh, tiêu chảy được phân thành 4 loại khác nhau.
- Theo thời gian: Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính
- Theo cơ chế bệnh học: Tiêu chảy thẩm thấu và tiêu chảy xuất tiết.
- Theo nguyên nhân: Tiêu chảy nhiễm trùng và tiêu chảy không nhiễm trùng.
Phân biệt giữa bệnh tả và bệnh tiêu chảy
Để trả lời cho câu hỏi “Bệnh tả có phải bệnh tiêu chảy không?”, dưới đây sẽ là bảng thông tin chi tiết của từng loại bệnh, giúp người bệnh có thể phân biệt chính xác tình trạng hiện tại.
Bệnh tả
|
Bệnh tiêu chảy
|
Tác nhân gây bệnh:
Do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) hay còn gọi là phẩy khuẩn - một loại trực khuẩn gram âm ngắn, cong, di động nhanh. Loài vi khuẩn này dễ nuôi cấy trong môi trường nghèo nàn dinh dưỡng, pH kiềm (pH từ 8,5 - 9,0) và mặn.
Sau khi xâm nhập, Vibrio cholerae xâm chiếm lớp biểu mô của ruột và tiết ra độc tố dịch tả. Độc tố gắn vào niêm mạc ruột non, hoạt hóa enzym adenylcyclase dẫn đến tăng AMP vòng, giảm hấp thu Na, tăng tiết Cl và nước gây tiêu chảy cấp tính.
|
Tác nhân gây bệnh:
Nhiễm virus như rotavirus , vi khuẩn salmonella, ký sinh trùng giardia, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium (trường hợp hiếm).
Sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc kháng axit có chứa magie, caffeine, thuốc chống ung thư, nhiều loại kháng sinh, colchicine, quinine, tá dược lactose trong dịch chiết rượu.
Ngộ độc thực phẩm do ăn phải những thực phẩm chứa phụ gia độc hại, nguồn nước bị ô nhiễm.
Môi trường sống không được vệ sinh sạch sẽ, nguy cơ lây lan nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Không thể dung nạp đường lactose có trong tất cả các loại sữa.
|
Dấu hiệu của bệnh:
Thời kỳ ủ bệnh là từ 1- 3 ngày. Bệnh tả có thể bán cấp, tiêu chảy nhẹ và không xảy ra biến chứng hoặc tử vong.
Triệu chứng ban đầu thường là đau bụng, tiêu chảy cấp và nôn mửa. Mất nước qua phân > 1L/h, chứa chất lỏng trắng như nước vo gạo.
Mất nước và điện giải trầm trọng dẫn đến khát, thiểu niệu (nước tiểu ra <500mL trong 24h/người lớn, trẻ nhỏ <1mL/h), chuột rút cơ, suy nhược cơ thể và mất độ đàn hồi của da, mắt trũng và nếp véo da.
Giảm thể tích máu, cô đặc máu, thiểu niệu và vô niệu, nghiêm trọng hơn là nhiễm toan chuyển hóa, suy giảm kali, trụy mạch và hôn mê. Giảm thể tích máu kéo dài có thể gây nên tình trạng hoại tử ống thận cấp tính.
|
Dấu hiệu của bệnh:
Dễ nhận biết nhất chính là hiện tượng đi ngoài nhiều, phân lỏng và kèm nước. Tần suất đi vệ sinh nhiều hơn 3 lần/24h, tình trạng này thường kéo dài 1 tuần.
Nôn liên tục do tiêu chảy tụ cầu, làm mất nước và chất điện giải. Với trẻ em sẽ thường chán ăn, chỉ uống nước, quấy khóc đôi khi bị co giật hoặc mệt lả nằm li bì.
Mất nước tiêu chảy cấp có thể dẫn đến tử vong.
- Nhẹ là chưa khát nước, mắt không bị trũng.
- Vừa là giảm cân nặng, khát nước nhiều, da mất tính đàn hồi, thở nhanh, miệng khô.
- Nặng là người mệt mỏi, lờ đờ, mạch đập nhanh và tụt huyết áp
|
Con đường lây truyền:
Bệnh tả lây theo đường tiêu hoá, nước hoặc phân động vật, thực phẩm bị nhiễm bẩn, không được chế biến kỹ càng.
Đối với những khu vực có đời sống xã hội và dân trí thấp có phong tục tập quán lạc hậu, thời tiết nóng ẩm, thiếu nước sạch, môi trường sống thiếu vệ sinh.
|
Con đường lây truyền:
Tương tự như bệnh tả, con đường lây lan của bệnh tiêu chảy cũng bắt nguồn từ những thực phẩm hay nguồn nước ô nhiễm, nhiễm khuẩn.
Dùng chung dụng cụ ăn uống với người bệnh hay chỉ đơn giản là thực hiện hành động bắt tay.
|
Tuy hai căn bệnh này không giống nhau, song các triệu chứng lại có điểm tương đồng và có sự liên hệ với nhau. Tiêu chảy chính là một trong những hệ quả của bệnh tả và bệnh tiêu chảy phân - nước kéo dài bao gồm cả bệnh tả.
Điều trị và cách phòng ngừa bệnh tả
Cách điều trị
Điều trị bệnh tả chủ yếu tập trung vào việc bù nước và điện giải nhanh chóng để ngăn ngừa tình trạng mất nước nghiêm trọng. Ngoài ra, kháng sinh cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp để giảm thời gian bệnh.
Người bệnh cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để tránh lây nhiễm
- Uống Oresol (ORS) - là dung dịch chứa nước, muối và đường, giúp cơ thể là bù lại lượng nước và muối khoáng bị mất qua phân, đặc biệt hấp thụ nhanh hơn so với nước thường. Oresol có thể được pha tại nhà hoặc mua sẵn tại các hiệu thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân mất nước nặng hoặc không thể uống dung dịch bù nước, cần phải truyền dịch qua tĩnh mạch để nhanh chóng phục hồi thể tích dịch.
- Sử dụng kháng sinh giúp giảm lượng vi khuẩn trong cơ thể, từ đó giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh tả. Một số kháng sinh thường được sử dụng là nhóm fluoroquinolon (Ciprofloxacin 1g/ngày, Norfloxacin 800mg/ngày, Ofloxacin 400mg/ngày) uống chia hai lần/ngày. Đặc biệt lưu ý rằng chỉ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng để tránh tình trạng kháng thuốc.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất sau khi bắt đầu hồi phục, cần duy trì chế độ dinh dưỡng tốt để giúp cơ thể lấy lại sức. Các món ăn lỏng như cháo, súp sẽ dễ tiêu hóa và bù lại năng lượng đã mất.
- Theo dõi dấu hiệu mất nước nếu cảm thấy khô miệng, da nhăn, đi tiểu ít, cảm thấy khát nước liên tục, nhịp tim nhanh hoặc thở gấp,...cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ..
- Phòng ngừa lây lan bằng cách cách ly bệnh nhân và tuân thủ vệ sinh nghiêm ngặt.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sử dụng nước sạch và giữ vệ sinh môi trường sống là cách hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm.
- Nếu bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng, tình trạng nặng hơn hoặc có biến chứng, cần nhập viện để điều trị chuyên sâu. Truyền dịch và theo dõi liên tục sẽ giúp cứu sống bệnh nhân trong những trường hợp nguy cấp.
>>> Liên hệ qua hotline 1900 1806 nếu bạn cần được tư vấn chi tiết thêm về bệnh tả và các biện pháp phòng ngừa an toàn.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh tả hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:
Lựa chọn thực phẩm tươi sạch để phòng ngừa bệnh tả
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hoặc tiếp xúc với các bề mặt công cộng, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc môi trường ô nhiễm.
- Uống nước đun sôi hoặc nước đã được lọc kỹ: Tránh sử dụng nước từ nguồn không đảm bảo an toàn. Nước dùng cho ăn uống phải được đun sôi hoặc lọc sạch.
- Vệ sinh thực phẩm: Chọn thực phẩm tươi sạch. Tránh ăn thức ăn sống hoặc không nấu chín kỹ, đặc biệt là hải sản.
- Vệ sinh môi trường: Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, xử lý chất thải đúng quy trình, đặc biệt là chất thải phân để tránh lây nhiễm qua nguồn nước.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh tả: Đây là biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt quan trọng đối với những người sống hoặc làm việc ở khu vực có nguy cơ bùng phát dịch tả cao.
- Giáo dục cộng đồng về phòng chống bệnh tả: Cần tổ chức các chương trình giáo dục về cách phòng tránh bệnh tả, cung cấp thông tin về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh và cách xử lý các triệu chứng ban đầu.
- Hạn chế di chuyển tới vùng có dịch bệnh: Nếu biết có dịch tả bùng phát ở một khu vực, hạn chế di chuyển đến đó nếu không thực sự cần thiết. Nếu buộc phải di chuyển, cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng ngừa.
Các biện pháp trên không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tả mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể và ngăn chặn lây lan của nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Tham khảo thêm: Thông tin chi tiết về vắc xin phòng tả Morcvax
Kết luận
Tóm lại, bệnh tả và tiêu chảy là hai bệnh lý đường ruột có nhiều điểm khác biệt. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, chúng ta cần nâng cao kiến thức về bệnh tả và các bệnh tiêu chảy khác. Bằng cách thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, uống nước sạch, và tiêm phòng vaccine, chúng ta có thể phòng ngừa hiệu quả các bệnh này. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.