Đau bụng tiêu chảy là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Hoàng Hải

05-12-2022

goole news
16

Đau bụng tiêu chảy có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, đau bụng và khá bất tiện. Nếu triệu chứng ấy đã xảy ra trong một thời gian dài, rất có thể là do một loại bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, bạn hãy chú ý và nên đến bệnh viện ngay để tìm rõ nguyên do, nếu để lâu sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Đau bụng tiêu chảy là bệnh gì?

Đau bụng tiêu chảy là một trong những bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa thường gặp nhất, xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh này rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đi ngoài nhiều lần, ở dạng phân lỏng kèm nước bất thường.

Tuy nhiên,bạn cần phân biệt rõ với việc đi đại tiện nhiều ở dạng phân lỏng hoặc phân đặc, vì cả hai trường hợp này đều không phải là bệnh tiêu chảy. Đây là một loại bệnh lý có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng hơn và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Nếu bạn nhận thấy mình đang có dấu hiệu rối loạn nên chủ động đi khám ngay, tránh những tác động tiêu cực đến sức khỏe về sau.

Nguyên nhân gây ra đau bụng tiêu chảy

Hiện tượng đau bụng tiêu chảy có thể do nguồn nước không sạch sẽ, an toàn, không đủ vệ sinh, chế độ ăn uống không lành mạnh và một số nguyên do khác:

Rối loạn vi sinh thường trú ở đường ruột

Tình trạng này xảy ra do thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh quá nhiều, điều này sẽ vô tình tiêu diệt các loại vi khuẩn có lợi, gây ra sự mất cân bằng hệ vi sinh ở đường ruột. Vì vậy, cơ thể bị giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tăng nhu động ruột và dẫn đến hiện tượng đi ngoài nhiều lần, ở dạng phân lỏng, sống hay không thành khuôn.

Nhiễm vi sinh vật gây ra bệnh đường ruột

Những vi sinh vật này (virus, vi nấm, vi trùng, ký sinh trùng) đi từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích lên các mô ở trong đường tiêu hóa, gây ra bệnh viêm nhiễm. Đây cũng chính là một trong những nguyên do gây ra bệnh tiêu chảy, đặc biệt là khi bạn ăn phải các thực phẩm không an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, hay thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, ăn gỏi, đồ sống, đồ tái, rau sống,... sẽ làm tăng khả năng lây truyền ký sinh trùng và vi khuẩn.

Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy. Tình trạng này có thể xuất hiện với các dấu hiệu rõ ràng như: sốt cao, nôn mửa, ỉa chảy, đi ngoài nhiều sau khi ăn,... Thậm chí, có một vài trường hợp xuất hiện hiện tượng co giật dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

nguyên nhân bị đau bụng tiêu chảy

Ngộ độc thực phẩm là một trong những lý do khiến bạn bị đau bụng tiêu chảy

Viêm đại tràng

Đa số các người bệnh viêm đại tràng đều gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, trong đó có tình trạng ỉa chảy. Bệnh này do các vi khuẩn (Samonelia, Shigella,...), nấm, ký sinh trùng,... xâm nhập vào cơ thể từ bên ngoài và gây hại.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích xảy ra không phải do nhiễm trùng mà là do thói quen ăn uống bị thay đổi, hoặc sau khi ăn đồ lạ, sử dụng một số loại thuốc điều trị. Lúc này, nhu động ruột bị kéo dài và co thắt quá mức, khiến thức ăn ở đường tiêu hóa phải di chuyển nhanh hơn, nước không được tái hấp thụ lại hoặc tiết ra quá nhiều từ niêm mạc thành ruột và gây ra tình trạng tiêu chảy đột ngột.

Không hấp thụ đường

Đây cũng là tình trạng tiêu chảy không phải do nhiễm trùng. Nhiều người gặp phải bệnh này thì cơ thể sẽ không có khả năng hấp thụ các loại đường như: Fructose, Lactose, Glucose-Galactose,... từ sữa, các thực phẩm chế biến từ sữa, trái cây, mật ong,... Vì vậy, đã gây ra hiện tượng tiêu chảy kéo dài nếu ăn phải những loại thực phẩm này.

Bên cạnh đó, cơ thể bị thiếu men Lactase, Sucrase-isomaltase,... cũng là lý do dẫn đến bệnh ỉa chảy mà ta thường thấy.

Không vệ sinh sạch sẽ

Việc không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng là một trong những nguyên do hàng đầu làm tăng sự lây lan của những vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng. Chính vì vậy, việc vệ sinh đồ dùng cá nhân, thức ăn, cơ thể, không gian sống xung quanh là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, còn có một số nhóm nguyên nhân quan trọng mà bạn cũng phải chú ý, đó là ngộ độc hóa chất, áp lực, tâm lý căng thẳng, rối loạn thần kinh thực vật,...

Biểu hiện của bệnh đau bụng tiêu chảy

Biểu hiện của việc bị bệnh đau bụng và tiêu chảy là đi ngoài nhiều lần ở dạng phân lỏng và kèm nước, khoảng trên 3 lần trong 1 ngày, là biểu hiện phổ biến và dễ nhận thấy nhất. Bên cạnh đó, nó còn xuất hiện với những triệu chứng kèm theo khác, ví dụ như:

  • Bị chuột rút.
  • Cảm giác bị đầy bụng, sôi bụng
  • Nôn ra thức ăn, nước trong hay màu vàng nhạt.
  • Đi ngoài nhiều lần, ỉa chảy liên tục, lúc đầu phân ở dạng lỏng, lúc sau ở dạng nước.
  • Cảm giác cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi.
  • Bị mất nước từ nhẹ đến nặng: da khô và nhăn nheo, cảm thấy khát nước, mắt trũng, cơ thể hốc hác, huyết áp bị hạ, chân tay lạnh, mạch đập nhanh, vô niệu hoặc tiểu tiện ít,...

biểu hiện đau bụng tiêu chảy

Biểu hiện thường thấy nhất của tiêu chảy là đi ngoài nhiều lần ở dạng phân lỏng kèm nước

Nếu bị đau bụng tiêu chảy nên làm gì?

Nếu bạn đang bị đau bụng và tiêu chảy trên 3 ngày hoặc tình trạng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong 24 giờ hay có các biểu hiện đi kèm theo thì cần đến gặp bác sĩ ngay:

  • Đi ngoài và trong phân có máu.
  • Hay bị khát và khô miệng quá mức.
  • Bị co giật.
  • Sốt cao trên 38 độ C.
  • Bị mất ý thức và rối loạn tâm thần.
  • Bị mất khả năng nói hoặc nhìn.
  • Ăn vào nhưng cơ thể không giữ được thức ăn.
  • Cảm giác buồn và nôn với tần suất nhiều.
  • Bị vàng da và mắt.
  • Bộ phận sinh dục có dấu hiệu bị sưng tấy.

Đối với những trường hợp trên thì cần phải đi khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, chế độ ăn uống, lối sống và tiền sử bệnh. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm cấy phân ở phòng thí nghiệm để kiểm tra có virus, ký sinh trùng hay vi khuẩn hay không.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số kiểm tra khác để có sự chẩn đoán rõ ràng và chính xác hơn như:

  • Chụp X-quang đường tiêu hóa: để kiểm tra có vật cản ở đường tiêu hóa không và cũng như các tình trạng khác.
  • Nội soi tá tràng và dạ dày thực quản: để kiểm tra mức độ viêm loét và biểu hiện của bệnh Celiac.
  • Nội soi đại tràng: để kiểm tra các dấu hiệu bị tổn thương và một số bệnh tật khác.

Nếu nguyên do của việc đau bụng tiêu chảy là các bệnh lý, bác sĩ sẽ căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để đưa ra phác đồ chữa trị thích hợp.

cần khám bác sĩ khi bị đau bụng tiêu chảy

Nếu bị đau bụng, tiêu chảy kéo dài cần đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời

Các cách trị đau bụng tiêu chảy tại nhà

Đau bụng tiêu chảy nên ăn gì hay đau bụng tiêu chảy uống gì là những câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Phụ thuộc vào mỗi nguyên nhân gây bệnh mà bạn có thể lựa chọn các cách điều trị tiêu chảy và đau bụng khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp mà bạn có thể áp dụng để điều trị tại nhà đối với những trường hợp bị nhẹ:

Uống nhiều nước

Đây cũng là một biện pháp để trị đau bụng và tiêu chảy tại nhà. Vì bị tiêu chảy trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước. Nếu bạn bị tiêu chảy ở mức độ nhẹ, bạn có thể bổ sung nước bằng cách uống nước lọc. Hoặc bạn có thể thay thế bằng nước ép táo, một ít nước trà,.. thì sẽ tốt hơn.

Bù nước và chất điện giải

Đây là một biện pháp mà bạn nên thực hiện ngay khi bị tiêu chảy. Bệnh nhân nên sử dụng dung dịch Oresol (ORS - Oral Rehydration Salts). Đây là một loại hỗn hợp bao gồm muối, nước sạch và đường, nó sẽ được ruột non hấp thụ để bù lại lượng nước và điện giải đã mất. Nếu người bệnh đang bị buồn nôn hoặc đau dạ dày không thể uống thì nên áp dụng phương án truyền dịch qua tĩnh mạch.

Uống nước vo gạo

Đây là một cách trị tiêu chảy tại nhà khá nhanh và đem lại hiệu quả tốt. Cách thực hiện lại rất đơn giản và nhanh chóng. Bạn chỉ cần đun sôi 1 cốc gạo với 2 cốc nước trong vòng 10 phút, đun cho đến khi nước có màu đục, sau đó lọc gạo ra và chắt lấy nước uống.

Nước vo gạo có công dụng là cung cấp chất lỏng cho cơ thể, giúp cơ thể ngăn ngừa mất nước và làm giảm thời gian bị tiêu chảy rất hiệu quả. Ngoài ra, nó còn có tác dụng là giúp phân rắn chắc hơn và liên kết lại trong đường tiêu hóa.

Uống thuốc đau bụng tiêu chảy

Có một số trường hợp chỉ bị tiêu chảy nhẹ trong vòng 24 giờ, không gặp vấn đề gì quá lo ngại về sức khỏe và nó có thể tự hết. Uống thuốc tiêu chảy là một trong những cách điều trị tại nhà nhanh nhất, nên bạn hãy dự trữ sẵn một số loại thuốc trị tiêu chảy. 

Bạn có thể mua một số loại thuốc như Pepto-Bismol, Imodium có các thành phần lần lượt là bismuth subsalicylate và loperamide. Sau khi dùng thuốc, nó sẽ có tác dụng ngay tức thì sau lần uống đầu tiên, làm giảm tình trạng đi ngoài phân lỏng, hoặc sẽ hết tiêu chảy đối với các trường hợp ở mức độ nhẹ.

Ăn lá ổi

Đây là một phương pháp điều trị tiêu chảy tại nhà mang lại hiệu quả tốt và được lưu truyền trong dân gian từ lâu. Lá ổi có thể trị bệnh tiêu chảy trong khoảng thời gian ngắn và cũng mang lại nhiều lợi ích cho đường tiêu hóa. Vì lá ổi có chứa tanin giúp săn niêm mạc, kháng khuẩn và làm giảm sự tiết dịch ở ruột.

Gừng nướng

Gừng nướng cũng chính là một trong những cách chữa trị tiêu chảy được lan truyền trong dân gian. Đối với những người bệnh tiêu chảy, cảm giác buồn nôn do bị ngộ độc thực phẩm thì gừng có thể cải thiện được tình trạng này khá tốt. Bạn thực hiện bằng cách nướng củ gừng tươi, cạo lớp vỏ, sau đó thái thành những lát mỏng và hâm nước uống, nó không chỉ trị bệnh tiêu chảy mà còn rất tốt cho tiêu hóa.

gừng có tác dụng làm giảm chứng đau bụng tiêu chảy

Gừng tươi sau khi nướng, thái lát hâm với nước nóng có tác dụng rất tốt cho tiêu hóa

Chế độ ăn kiêng BRAT

Đây là một chế độ ăn kiêng có công dụng hạn chế tình trạng đau bụng do tiêu chảy. BRAT là nhóm thực phẩm bao gồm bánh mì nướng, gạo, táo và chuối. Phương pháp ăn kiêng này đem lại hiệu quả cao do có ít chất xơ, giàu tinh bột và tính nhạt. Những loại thực phẩm này có thể liên kết trong đường tiêu hóa, cải thiện tình trạng phân lỏng.

Cách phòng tránh bệnh đau bụng tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy là một loại bệnh dễ lây lan, có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn có thể phòng tránh nó ngay từ bây giờ. Sau đây là một vài phương pháp đơn giản có thể thực hiện như:

  • Bảo vệ nguồn nước luôn được sạch sẽ.
  • Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch sẽ cho việc sinh hoạt hàng ngày.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện việc ăn chín uống sôi.
  • Hạn chế các thực phẩm sống như rau sống, gỏi,...
  • Vệ sinh môi trường, không gian sống xung quanh và thân thể mỗi ngày.
  • Cập nhật các kiến thức mới nhất về sự lây lan của các vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy.
  • Áp dụng các phương pháp xử lý đúng cách nếu có người bị bệnh tiêu chảy cấp.

 

Đảm bảo việc ăn chín, uống sôi để phòng tránh các bệnh về tiêu hóa

Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn. Bị đau bụng và tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ai giống ai. Vì vậy, nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu tiêu chảy trên 3 ngày, hãy nên đi bệnh viện và gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác, rõ ràng và được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau liên quan tới sức khỏe.

Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một bệnh viện y khoa uy tín và có trình độ chuyên môn về lĩnh vực khám chữa bệnh liên quan đến đường tiêu hóa mà bạn có thể tham khảo.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,858

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám