Bệnh tả và những điều bạn cần biết

Nguyễn Phương Thảo

31-10-2024

goole news
16

Tiêu chảy dữ dội, nôn mửa liên tục, mất nước trầm trọng... đó có thể là những dấu hiệu của bệnh tả. Bệnh tả không còn xa lạ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Vậy, bệnh tả là gì, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng ra sao và làm thế nào để phòng tránh? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

Bệnh tả là gì?

Nhận biết bệnh tả

Nhận biết dấu hiệu bệnh tả

Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguyên nhân mắc bệnh bắt nguồn từ vi khuẩn Vibrio cholerae (hay còn gọi là phẩy khuẩn) bởi chúng có hình cong dấu phẩy, không bắt màu gram, không sinh nha bào, di động ngờ một cọng lông. Môi trường để vi khuẩn Vibrio cholerae phát triển chính là trong nước, thức ăn, hải sản,...Tuy nhiên, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 5 phút bởi hóa chất (Cl 1mg/lít) và môi trường axit, khô hanh hay ánh nắng mặt trời trực tiếp nhưng có thể tồn tại rất lâu trong phân, đất ẩm, nước, thực phẩm từ 20 - 150 ngày.

Phẩy khuẩn tả có khoảng 140 nhóm huyết thanh đã được xác nhận, nhưng chỉ có nhóm huyết thanh O là nguyên nhân gây nên bệnh.  

Vi khuẩn gây bệnh bằng độc tố ruột, gắn vào niêm mạc ruột non, hoạt hóa enzym adenylcyclase dẫn đến tăng AMP vòng, giảm hấp thu Na, tăng tiết Cl và nước gây tiêu chảy cấp tính. 

Bệnh tả lây qua con đường nào?

Bệnh tả lây chủ yếu qua các con đường sau:

Môi trường ô nhiễm là một trong những con đường lây lan bệnh tả

Môi trường ô nhiễm là một trong những con đường lây lan bệnh tả

  • Lây qua đường tiêu hóa: Thông qua nguồn nước và thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae. Nước có thể bị ô nhiễm từ phân người mắc bệnh hoặc từ nguồn nước không vệ sinh. Thực phẩm không được nấu chín kỹ, đặc biệt là hải sản sống hoặc thực phẩm bị ô nhiễm trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, có thể chứa vi khuẩn gây bệnh tả.
  • Lây qua tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường ô nhiễm: Người bị bệnh tả thải vi khuẩn qua phân. Nếu không xử lý phân đúng cách, vi khuẩn có thể lây lan ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm. Bên cạnh đó, việc vệ sinh cá nhân không sạch sẽ hoặc sống trong môi trường không vệ sinh (thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước không đảm bảo) cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Lây qua tay bẩn hoặc dụng cụ bị ô nhiễm: Nếu bắt tay hoặc dùng chung bát, đĩa, thìa, dao kéo hoặc cốc nước với người bệnh, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể khiến dịch tả lây lan.
  • Lây qua ruồi muỗi hoặc côn trùng: Bởi ruồi có thể mang vi khuẩn Vibrio cholerae từ phân hoặc môi trường ô nhiễm sang thực phẩm hoặc nước uống, làm lây lan bệnh tả.

Bệnh tả lây qua các con đường chủ yếu liên quan đến nước và thực phẩm bị ô nhiễm, vì vậy việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh môi trường và sử dụng nguồn nước sạch là rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh.

Bệnh dịch tả nguy hiểm như thế nào?

Bệnh dịch tả rất nguy hiểm, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời. 

Mất nước nghiêm trọng và nhanh chóng

  • Bệnh tả gây tiêu chảy rất nặng, thường được mô tả là phân nước trong như nước gạo. Người mắc bệnh có thể mất tới khoảng 20 lít nước/ngày qua phân. Bên cạnh đó, sự mất nước và muối (điện giải) từ cơ thể xảy ra rất nhanh, dẫn đến các triệu chứng như khô miệng, yếu sức, giảm huyết áp, và mạch đập nhanh.

Suy thận và suy tim

  • Nếu không được bù nước và điều trị kịp thời, mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận cấp, một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Đồng thời hệ tim mạch bị ảnh hưởng, khiến tim phải làm việc quá mức để duy trì huyết áp, dẫn đến suy tim.

Bệnh tả có thể khiến cho người bệnh gặp tình trạng suy tim khẩn cấp nguy hiểm

Bệnh tả có thể khiến cho người bệnh gặp tình trạng suy tim khẩn cấp nguy hiểm

Tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị

  • Tỷ lệ tử vong của bệnh tả có thể lên tới 50-60%. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được bù nước và điện giải đúng cách, tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 1%. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên nếu không được điều trị.

Tốc độ lây lan nhanh

  • Bệnh tả lây lan rất nhanh qua nước uống và thực phẩm bị ô nhiễm, đặc biệt ở những nơi có hệ thống vệ sinh kém hoặc trong các vùng bị thiên tai khi nguồn nước không đảm bảo. Đây được xem là “thời điểm vàng” để các ổ dịch tả phát triển mạnh mẽ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng. Nhân chứng sống còn có thể dễ thấy nhất chính là một trong những đại dịch lớn nhất bùng phát vào thế kỷ 19, lan từ Ấn Độ sang nhiều nước khác.

Xem thêm: 

Triệu chứng bệnh tả cụ thể là gì?

Bệnh tả có triệu chứng chính liên quan đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, và dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh tả:

  • Tiêu chảy dữ dội: Tiêu chảy cấp tính là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh tả. Phân có dạng lỏng, trong như nước vo gạo, và thường không có mùi hôi. Bệnh nhân có thể đi ngoài từ 10- 20 lần/ngày, làm mất một lượng lớn nước và muối khoáng ra khỏi cơ thể. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể mất từ 5 - 20mL/ ngày.
  • Mất nước nghiêm trọng: Người mắc bệnh tả thường cảm thấy cực kỳ khát do cơ thể mất nước quá nhanh. Da trở nên khô và nhăn nheo, mất độ đàn hồi. Khi dùng lực nhấn vào, da sẽ không trở lại trạng thái ban đầu nhanh chóng. Ngoài ra, mắt của người bệnh trở nên trũng sâu, miệng và lưỡi khô, môi nứt nẻ, huyết áp giảm mạnh, tăng nhịp tim, mạch đập nhanh chuột rút cơ do cơ thể mất quá nhiều muối điện giải như kali và natri.
  • Nôn mửa không kiểm soát: Người bệnh có thể nôn nhiều lần trong ngày. Nôn không chỉ làm mất nước qua đường miệng mà còn gây suy giảm thêm điện giải, khiến tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn.
  • Suy nhược cơ thể: Do tiêu chảy và mất nước nghiêm trọng, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, không có sức lực và choáng váng, đứng không vững có thể bị ngất.

Điều trị bệnh tả bằng cách nào? 

Điều trị bệnh tả là quá trình khẩn cấp để ngăn ngừa tử vong do mất nước và các biến chứng nghiêm trọng khác. Dưới đây là các phương pháp điều trị đầy đủ và chi tiết nhất cho bệnh tả:

Người bệnh được điều trị bằng kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ

Người bệnh được điều trị bằng kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ

  • Bù nước và điện giải bằng đường uống (ORS - Oral Rehydration Solution): Phương pháp này giúp thay thế lượng nước và muối mất đi do tiêu chảy nặng. ORS chứa muối, đường và các chất điện giải khác, dễ dàng được cơ thể hấp thụ qua đường tiêu hóa. Uống với liều lượng từng ít một nhưng thường xuyên. Người lớn có thể cần uống từ 5-7 lít dung dịch ORS mỗi ngày tùy theo mức độ mất nước.
  • Bù nước qua đường tĩnh mạch (IV): Khi bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng, không thể uống ORS hoặc trong tình huống khẩn cấp, việc truyền dịch qua đường tĩnh mạch là cần thiết để nhanh chóng phục hồi phục hồi nhanh chóng thể tích máu và cân bằng điện giải. Và các dung dịch như Ringer’s lactate hoặc dung dịch muối đẳng trương chính là sự lựa chọn phù hợp để thực hiện điều này. .
  • Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh không phải là bắt buộc cho mọi trường hợp bệnh tả, nhưng có thể giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy và giảm lượng vi khuẩn trong cơ thể. Điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp bệnh nặng hoặc người có nguy cơ biến chứng cao, tuy nhiên không được tự ý sử dụng nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Các loại kháng sinh thường được sử dụng như Ciprofloxacin 1g/ngày, Norfloxacin 800mg/ngày, Ofloxacin 400mg/ngày, Azithromycin (liều 20mg/kg)
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Sau khi đã qua giai đoạn cấp tính, bệnh nhân nên bắt đầu ăn lại bằng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều dinh dưỡng, mềm và dễ nhai như cháo, súp loãng, chuối, khoai tây, và các loại thực phẩm giàu năng lượng khác.
  • Theo dõi và giám sát tình trạng bệnh: Các bác sĩ và nhân viên y tế cần giám sát sát sao các triệu chứng mất nước của bệnh nhân như da khô, mắt trũng, huyết áp thấp, mạch đập nhanh. Theo dõi lượng nước tiểu có thể giúp xác định mức độ mất nước và hiệu quả của việc bù nước.

Biện pháp phòng ngừa bệnh tả 

Phòng ngừa bệnh tả là điều rất quan trọng vì đây là bệnh lây lan nhanh qua nguồn nước và thực phẩm bị ô nhiễm. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa bệnh tả hiệu quả nhất:

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn giúp ngăn chặn bệnh tả lây lan

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn giúp ngăn chặn bệnh tả lây lan

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng. Đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc ngăn chặn vi khuẩn lây lan.
  • Sử dụng nguồn nước sạch. Nước uống phải được đun sôi hoặc đã được qua xử lý bằng các thiết bị lọc để loại bỏ vi khuẩn Vibrio cholerae. Nước từ ao hồ, sông suối hoặc các nguồn nước không rõ ràng dễ bị ô nhiễm, cần tránh sử dụng.
  • Chế biến thực phẩm sạch sẽ và an toàn. Rửa tay và dụng cụ sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn. Thực phẩm phải được nấu chín kỹ và hạn chế ăn thức ăn tái sống chưa được chế biến đúng cách. Đối với các thực phẩm còn dư cần được bảo quản kỹ, cất tủ lạnh tránh côn trùng như ruồi tiếp xúc.
  • Đảm bảo chất thải sinh hoạt, đặc biệt là phân, được xử lý đúng quy trình. Không xả thải để bừa bãi để giảm thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn tả.
  • Tiêm vaccine phòng bệnh tả giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn gây bệnh trong một khoảng thời gian nhất định. Vaccine có sẵn dưới dạng uống và được khuyến cáo sử dụng cho những người đi đến hoặc sống ở các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch tả cao. Đặc biệt khuyến cáo với nhân viên y tế, khách du lịch đến vùng có dịch tả, hoặc người sống ở khu vực thiếu vệ sinh và nước sạch.
  • Tăng cường nhận thức về bệnh tả, nâng cao hiểu biết về nguy cơ và cách phòng ngừa. Các tổ chức y tế địa phương cần truyền thông và cung cấp thông tin về tầm quan trọng của vệ sinh, xử lý nước, thực phẩm an toàn và cách xử lý khi có triệu chứng. Hướng dẫn người dân cách làm sạch và xử lý nước uống và thực phẩm hàng ngày, đặc biệt ở các khu vực dễ xảy ra dịch bệnh.
  • Trong trường hợp có ổ dịch, cần thiết lập khu vực cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời. Người dân cần tránh đi đến vùng có dịch. Nếu bắt buộc phải đến, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, bao gồm tiêm vắc xin và sử dụng nước uống sạch.

Liên hệ qua hotline 1900 1806 của Bệnh viện Phương Đông nếu bạn cần được tư vấn chi tiết thêm về bệnh tả và các biện pháp phòng ngừa an toàn.

Kết luận

Bệnh tả là một căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Bằng cách thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, uống nước sạch, và tiêm phòng vaccine khi cần thiết, bạn có thể bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
49

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám