Bệnh trĩ ngoại là gì?
Bệnh trĩ ngoại là căn bệnh khá phổ biến và gây đau đớn cho người bệnh
Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ được hình thành ở dưới lớp da vùng hậu môn - nơi có nhiều dây thần kinh cảm giác nên thường có xu hướng gây đau đớn, khó chịu. Biểu hiện của bệnh trĩ ngoại thường gặp là hậu môn bị chảy máu, nứt và người bệnh có cảm giác ngứa, rát.
Các biện pháp điều trị bệnh trĩ ngoại tại nhà có thể chữa lành hầu hết tổn thương và bệnh sẽ thuyên giảm sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh càng nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc làm mềm phân để bạn có thể đi đại tiện dễ dàng hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ búi trĩ.
Dựa vào các biểu hiện nặng nhẹ khác nhau mà bệnh trĩ ngoại được phân thành 4 cấp độ: trĩ ngoại độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4.
Các cấp độ của bệnh trĩ ngoại
Trĩ ngoại độ 1
Trĩ ngoại cấp độ 1 là tình trạng nhẹ nhất. Khi này búi trĩ đã hình thành và bắt đầu lòi ra ngoài ống hậu môn khiến người bệnh có cảm giác cộm, hơi khó chịu.
Trĩ ngoại độ 2
Khi bệnh trĩ ngoài chuyển sang giai đoạn cấp độ 2 thì búi trĩ đã phát triển kéo dài hơn ở ngoài hậu môn. Khi đi đại tiện sẽ xuất hiện dấu hiệu chảy máu và sau khi đại tiện người bệnh thấy ngứa phần hậu môn, cảm giác khó chịu tăng lên.
Trĩ ngoại độ 3
Ở giai đoạn cấp độ 3, búi trĩ đã phát triển lớn hơn, bệnh ngày càng nặng hơn và rất dễ phát hiện bởi chảy máu nhiều hơn khi đi đại tiện, búi trĩ đã sa ra ngoài hậu môn khó dùng tay đẩy vào được. Người bệnh cảm thấy đau rát và ngứa hậu môn, cảm giác rất khó chịu.
Trĩ ngoại độ 4
Cấp độ 4 là giai đoạn nặng nhất khi bị trĩ ngoại. Lúc này, búi trĩ bắt đầu viêm nhiễm khiến người bệnh đau, rát, ngứa và cảm thấy ẩm ướt.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ ngoại
Triệu chứng điển hình nhất của bệnh trĩ ngoại đó là gây ngứa và đau vùng hậu môn, thậm chí khi dùng tay chạm vào khu vực quanh hậu môn bạn còn cảm thấy được búi trĩ. So với vùng da ở xung quanh búi trĩ ngoại có màu hơi hồng hơn.
Đi ngoài ra máu
Đi ngoài ra máu là một trong những biểu hiện của bệnh trĩ ngoại mà nhiều người thường gặp. Đây là lý do khiến bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế khám bệnh. Thông thường, máu sẽ xuất hiện trên bề mặt phân, có màu đỏ tươi vì chảy trực tiếp từ búi trĩ ngoại bị tổn thương chứ không phải máu từ cơ quan khác trong đường tiêu hóa. Khi đi đại tiện, người bệnh sẽ thấy lượng máu chảy là không nhiều nhưng nếu thấy có nhiều máu khi đi đại tiện, hãy đi bệnh viện để được thăm khám ngay lập tức.
Các bác sĩ cho biết, không phải 100% người mắc bệnh trĩ ngoại đều đi đại tiện ra máu. Nhiều người bị bệnh trĩ mà không xuất hiện triệu chứng này. Đây là một dấu hiệu cho thấy bạn có tình trạng này nhưng không chắc chắn bạn sẽ nói.
Bệnh trĩ ngoại thường sẽ bị đi đại tiện có máu
Cục máu đông bên trong búi trĩ
Ngoài xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu, các chuyên gia còn cho biết thêm 1 biểu hiện của bệnh trĩ ngoại nữa đó là cục máu đông bên trong búi trĩ hay còn được gọi là trĩ huyết khối. Sự hình thành của trĩ huyết khối là do các tĩnh mạch bị phình ra bên trong búi trĩ có cục máu đông. Dẫn đến hậu quả là dòng máu không lưu thông được và người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu.
Tuy nhiên, cơ thể con người thường có cơ chế làm tiêu biến huyết khối, giúp giảm bớt triệu chứng bệnh và cảm giác đau. Khi trĩ huyết khối biến mất, búi trĩ ngoại đôi khi sẽ để lại lớp da thừa quanh hậu môn. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và có thể đề nghị người bệnh phẫu thuật cắt bỏ phần da dư này bởi chúng dễ bị dính phân và khó làm vệ sinh sạch sẽ.
Tại sao mắc bệnh trĩ ngoại?
Bệnh trĩ có 3 loại: trĩ nội, trĩ ngoại và sa búi trĩ. Để phân biệt các chuyên gia sẽ nhìn vị trí của búi trĩ và một người có thể mắc nhiều loại bệnh trĩ cùng một thời điểm:
- Bệnh trĩ nội hình thành bên trong thành trực tràng, thường không gây đau nhưng có thể chảy máu khi đi đại tiện.
- Bệnh trĩ ngoại là tình trạng mà vị trí búi trĩ xuất hiện ở ngoài hậu môn và có xu hướng gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh nhiều hơn so với trĩ nội.
- Sa búi trĩ là tình trạng xuất phát từ trĩ nội nhưng lại tiến triển phình ra ngoài hậu môn. Tùy từng mức độ mà cần có lực tác động để đẩy búi trĩ vào hoặc chúng có thể tự co lại vào trong.
Béo phì, thừa cân, ăn uống thiếu chất xơ rất dễ mắc bệnh trĩ
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ ngoại, cụ thể là:
- Thói quen ngồi nhiều, ít vận động, lười đứng, lười mang vác nặng.
- Thói quen ăn uống nhiều đồ cay nóng như hạt tiêu, ớt… ăn thiếu chất xơ, uống ít nước gây táo bón và giãn phình tĩnh mạch trĩ, từ đó dẫn tới bệnh trĩ.
- Tình trạng béo phì, thừa cân
- Phụ nữ đang mang thai và sau sinh đẻ. Khi có thai, mẹ bầu rất dễ bị táo bón và sức khỏe sẽ yếu hơn so với bình thường dẫn đến hệ thống tĩnh mạch cũng yếu hơn.
- Hiện tượng báng bụng (cổ trướng). Đây là tình trạng tích tụ chất lỏng gây áp lực lên ruột và dạ dày.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ ngoại
Có rất nhiều người thắc mắc bệnh trĩ ngoại có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, mức độ nguy hiểm của trĩ ngoại còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Mức độ của bệnh càng cao, càng nặng thì càng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
Nhiễm khuẩn búi trĩ
Biến chứng này xảy ra do búi trĩ sa ra bên ngoài hậu môn có kích thước lớn, không tự co lại được. Khi chúng cọ sát với quần áo sẽ bị tổn thương, đồng thời chất dịch nhầy tiết ra ngày càng nhiều kết hợp với máu khiến vùng da xung quanh luôn ẩm ướt 24/24. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động mạnh và gây ra nhiễm trùng.
Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy vùng hậu môn bị sưng, tấy đỏ, đau đớn, thậm chí còn kèm theo triệu chứng sốt. Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh đau đớn mà còn mất tự tin trong sinh hoạt thường ngày.
Sa nghẹt hậu môn
Biến chứng sa nghẹt hậu môn
Khi búi trĩ có kích thước lớn, phình to sẽ làm nghẹt ống hậu môn và gây ra biến chứng sa nghẹt hậu môn. Tình trạng này khiến người bệnh không đi đại tiện được và cảm thấy khó chịu. Đồng thời, phần trong của búi trĩ có thể bị nhiễm khuẩn nặng và kèm theo dấu hiệu sưng, tấy đỏ, đau hậu môn. Biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh.
Tắc mạch trĩ
Tắc mạch trĩ xảy ra khi các mạch máu của búi trĩ bị tắc, sưng phồng to, khiến bệnh nhân đau đớn quằn quại. Nếu không can thiệp sớm thì máu sẽ không thể lưu thông đến phần búi trĩ gây hoại tử, viêm nhiễm và lan rộng ra các vùng xung quanh.
Nhiễm trùng máu
Biến chứng nhiễm trùng máu ở bệnh trĩ ngoại là một trong những tình trạng khá nguy hiểm, khó điều trị và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Nguyên nhân xảy ra biến chứng này là do búi trĩ bị viêm nhiễm nặng, hoại tử, vi khuẩn xâm nhập trong máu gây nhiễm trùng máu.
Ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh trĩ ngoại
Nếu hỏi bệnh trĩ ngoại có nguy hiểm không thì câu trả lời là có, nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn 4 và không được điều trị đúng cách khiến viêm nhiễm nặng, lâu dần hình thành khối ung thư trong trực tràng. Ung thư trực tràng là một dạng biến chứng nghiêm trọng nhất của trĩ ngoại. Mắc ung thư như một “bản án tử” đối với người bệnh nên rất khó điều trị và trị khỏi được.
Biện pháp chẩn đoán bệnh trĩ ngoại
Phương pháp nội soi đại tràng giúp chẩn đoán bệnh trĩ ngoại
Dựa vào các biểu hiện lâm sàng của người bệnh và các xét nghiệm đi kèm để chẩn đoán và phân biệt bệnh trĩ ngoại với các bệnh lý có biểu hiện tương tự.
Về lâm sàng:
- Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh trĩ ngoại bằng cách nhìn vào khu vực trĩ với biểu hiện rõ nhất là búi trĩ xuất hiện phình to ở hậu môn, có màu đỏ sẫm như cục máu đông, có lớp da che phủ và có các mạch máu chồng chéo lên nhau.
- Bệnh nhân có những biểu hiệu của bệnh trĩ ngoại như nóng rát, ngứa ngáy hậu môn, đau tức khi đi đại tiện hoặc đứng, ngồi lâu
- Triệu chứng không bắt buộc nhưng khá thường gặp đó là đi ngoài ra máu.
Về xét nghiệm: Phương pháp nội soi đại tràng và đại tràng sigma là 2 phương pháp cần thiết để xác nhận mọi chẩn đoán và giúp loại trừ các nguyên nhân khác như: viêm ống hậu môn, nứt ống hậu môn, polyp hậu môn - trực tràng, khối u hậu môn, trực tràng, đặc biệt là ung thư đại tràng.
Phương pháp điều trị trĩ ngoại
Để điều trị bệnh trĩ ngoại, tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể điều trị tại nhà hoặc phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh trĩ ngoại tại nhà
Ngâm hậu môn giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh trĩ ngoại
Để điều trị bệnh trĩ tại nhà, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Ngâm hậu môn: Mỗi ngày, người bệnh có thể dành ra 10 - 15 phút để ngâm hậu môn bằng nước ấm và lau khô một cách nhẹ nhàng sau đó. Tuyệt đối không dùng khăn lau có tẩm cồn hoặc nước hoa để lau vùng hậu môn vì có thể làm tăng khả năng kích ứng.
- Chườm đá: Bệnh trĩ có thể khiến cho những cơn đau rát, khó chịu kích hoạt ở vùng hậu môn. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể áp dụng cách chườm đá hoặc ngâm nước mát. Nhiệt độ lạnh giúp cải thiện nhanh tình trạng sưng nóng, viêm đỏ và đau nhức. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp sát trùng tổn thương và ngăn không cho búi trĩ bị viêm nhiễm cản trở quá trình hồi phục.
- Sử dụng các thuốc giảm đau: Một số các loại thuốc giảm đau cũng có thể được lựa chọn như acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen tạm thời để giúp giảm bớt sự khó chịu của bạn.
- Sử dụng kem bôi trĩ: Áp dụng một số loại kem hoặc thuốc bôi chữa bệnh trĩ không kê đơn có chứa hydrocortisone để giảm đau và cải thiện các triệu chứng của bệnh trĩ ngoại.
- Xông hơi hậu môn: Ngoài cách chườm đá thì người bệnh cũng có thể tiến hành xông hơi hậu môn bằng các loại thảo dược thiên nhiên như ngải cứu, lá sung, rau diếp cá… Những loại thảo dược này có tác dụng tốt trong việc điều trị bệnh trĩ ngoại.
Dùng thuốc Tây y
Kem bôi trị trĩ giúp người bệnh giảm đau
Để điều trị bệnh trĩ ngoại và kiểm soát các biểu hiện của bệnh, bác sĩ chuyên khoa có thể kê cho người bệnh đơn thuốc chứa một trong những loại thuốc điều trị sau:
- Thuốc bôi trĩ: Hầu hết những trường hợp mắc trĩ ngoại đều được chỉ định dùng thuốc bôi trĩ. Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm, làm co búi trĩ, chống nhiễm khuẩn, đồng thời cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, đau rát cho người bệnh. Ngoài ra, trong thành phần của những loại thuốc bôi trĩ còn chứa các hoạt chất có khả năng làm giảm tiết dịch và chảy máu hậu môn. Những loại thuốc bôi thường được chỉ định như: Rectostop, Hydrocortison, Proctolog, Cotripro, Titanoreine…
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể được sử dụng trong thời gian điều trị bệnh trĩ như: Ibuprofen, Acetaminophen. Loại thuốc này phù hợp cho những người bệnh bị trĩ ngoại nhưng không có đáp ứng tốt với thuốc bôi. Chúng có tác dụng làm giảm cảm giác đau rát, khó chịu ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
- Thuốc đặt hậu môn: Đối với những trường hợp bị trĩ do táo bón hoặc không có đáp ứng tốt với kem bôi trĩ thì có thể được yêu cầu sử dụng các loại thuốc đặt hậu môn để cải thiện triệu chứng của bệnh. Các thành phần có trong thuốc đặt hậu môn có tác dụng làm mềm phân, hạn chế táo bón, đồng thời làm giảm tình trạng ngứa ngáy hậu môn và tiết dịch do bệnh trĩ ngoại.
- Thuốc chứa rutin: Một số loại thuốc uống chứa rutin được chỉ định với mục đích làm bền thành mạch, hạn chế tình trạng đại tiện ra máu từ đó phòng ngừa bệnh thiếu máu do trĩ.
Dùng thuốc Đông y
Dùng cây lá bỏng chữa bệnh trĩ ngoại
Với những người mắc bệnh trĩ ngoại ở mức độ nhẹ có thể áp dụng bài thuốc từ cây lá bỏng để chữa trĩ tại nhà. Theo Đông y, cây lá bỏng có tác dụng tiêu thũng, giải độc, cầm máu và giảm đau rất tốt. Mặt khác, trong thành phần của cây lá bỏng có chứa nhiều hoạt chất có dược tính cao như oxalic, một số hợp chất phenolic, acid malic, acid nitric…
Chữa bệnh trĩ bằng cây lá bỏng sẽ có tác dụng làm giảm sưng viêm, cầm máu hiệu quả, đồng thời hỗ trợ làm co búi trĩ một cách tự nhiên, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị khoảng 3 - 4 lá của cây lá bỏng cùng với ít muối hạt
- Đem lá cây đi ngâm rửa với nước muối loãng rồi để chỗ ráo, sạch sẽ
- Sau đó dùng cối giã nát lá cùng với 1 ít muối hạt
- Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, lau khô nhẹ nhàng rồi đắp thuốc lên
- Để im khoảng 20 phút thì gỡ ra và rửa lại cho sạch.
- Sau 7 - 10 ngày kiên trì thực hiện bài thuốc này sẽ thấy triệu chứng của bệnh thuyên giảm rõ rệt.
Có thể áp dụng bài thuốc từ lá cây bỏng và lá trầu không để trị trĩ ngoại
Dùng lá trầu không chữa bệnh trĩ
Theo Đông y, lá trầu không có đặc tính sát trùng, tiêu viêm và cầm máu hiệu quả. Vì vậy, có thể dùng loại thảo dược này để hỗ trợ điều trị cả bệnh trĩ ngoại và trĩ nội ở mức độ nhẹ.
Khi áp dụng bài thuốc này đúng cách sẽ làm giảm tình trạng ngứa hậu môn, cải thiện viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng, làm mềm niêm mạc và giãn nở không gian của trực tràng. Từ đó giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng mà hậu môn không bị đau rát hay chảy máu.
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 nắm lá trầu không tươi sau đó đem ngâm rửa sạch với nước muối loãng.
- Đun sôi 3 lít nước, vò nhẹ lá trầu rồi thả vào nồi nước, đun thêm 5 phút.
- Đổ nước ra chậu rồi chờ cho nguội bớt
- Dùng nước này để ngâm rửa hậu môn từ 15 - 20 phút trước khi đi đại tiện
- Kiên trì áp dụng bài thuốc này từ 7 - 10 ngày sẽ thấy các triệu chứng của bệnh thuyên giảm rõ rệt.
Can thiệp ngoại khoa
Theo các chuyên gia, phẫu thuật loại bỏ búi trĩ ngoại trong vòng 72 giờ từ khi nó xuất hiện có khả năng giảm đau hiệu quả hơn so với những phương pháp điều trị khác. Người bệnh cần gây tê tại chỗ để thực hiện phẫu thuật.
Biện pháp phòng ngừa bệnh trĩ ngoại
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi giúp phòng ngừa bệnh trĩ ngoại
Để phòng ngừa bệnh trĩ ngoại, điều đầu tiên bạn cần nhớ là phải hạn chế không bị táo bón, tránh làm cho phân khô, cứng, khó đi ra ngoài. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh trĩ ngoại mà bạn có thể áp dụng như:
- Chế độ ăn luôn cần có đủ chất xơ bao gồm: rau, trái cây tươi, ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, tối thiểu 2 lít/ngày với người trưởng thành bởi nước tiểu bình thường nên có màu vàng nhạt.
- Vận động thể dục, thể thao thường xuyên, không nên ngồi một chỗ quá lâu để giúp tăng cường nhu động ruột tự nhiên.
- Không ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh để đọc báo, chơi game hay lướt mạng… Đây là thói quen nên bỏ.
- Nếu thường bị táo bón hoặc bệnh trĩ tái phát lại thường xuyên thì bạn nên đi khám và nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra cách điều trị hiệu quả nhất
Có thể thấy, bệnh trĩ ngoại có khả năng tự chữa lành nhưng để quá trình đó diễn ra nhanh hơn thì bạn cần tránh căng thẳng khi đi đại tiện đồng thời thực hiện các biện pháp để giảm táo bón. Khi nghi ngờ có biểu hiện của bệnh trĩ ngoại kèm theo những cảm giác khó chịu, đau đớn thì bạn nên đến gặp bác sĩ và điều trị theo chỉ định. Quý khách có nhu cầu tư vấn, thăm khám và điều trị bệnh trĩ ngoại cùng các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm lĩnh vực hậu môn - trực tràng của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, vui lòng liên hệ số hotline 19001806 để được tư vấn miễn phí.