Bệnh trĩ nội: Đặc điểm, nguyên nhân và cách điều trị

Nguyễn Thu Hà

10-03-2021

goole news
16

Trĩ là một trong những căn bệnh mang đến nhiều phiền toái cho không ít người hiện nay. Trong đó, trĩ nội xảy ra khá phổ biến vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng không phải ai cũng có đủ hiểu biết về bệnh này để có cách chữa trị kịp thời. Bệnh trĩ nội thường gây khó khăn hơn trong việc điều trị do đó nếu để bệnh kéo dài sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Bệnh trĩ nội là gì? 

Bệnh trĩ là một trong những căn bệnh xảy ra ở vị trí hậu môn trực tràng. Đây là bệnh khá phổ biến, hầu hết các trường hợp điều trị bệnh đều khá muộn do tâm lý e ngại, chủ quan của người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến trĩ là do vùng hậu môn trực tràng chịu áp lực lớn, máu không lưu thông dẫn đến ứ đọng, các tĩnh mạch căng giãn quá mức. Tình trạng trên kéo dài dẫn đến việc hình thành các búi trĩ.

bệnh trĩ nội có đặc điểm như thế nào

Mắc bệnh trĩ nội sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện

Bệnh trĩ được chia thành 3 loại, gồm: trĩ nội, trĩ ngoại và hỗn hợp. Trong đó, bệnh trĩ nội phát sinh ở khoang dưới niêm mạc, trên đường lược, có nguồn gốc từ đám rối trĩ nội.

Trĩ nội khó phát hiện do không nhìn thấy. Các búi trĩ ngoại sẽ xuất hiện ở các lớp niêm mạc biểu mô lát tầng và lòi ra ngoài hậu môn. 

Trĩ nội thường có các biểu hiện như đau rát, ngứa ngáy khó chịu, chảy máu, sa búi trĩ. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tắc ống hậu môn do sa nghẹt búi trĩ, nhiễm trùng hay hoại tử búi trĩ. 

Bệnh trĩ nội có mấy cấp độ 

các cấp độ của bệnh trĩ nội

Bệnh trĩ nội được chia làm 4 độ, mỗi phân độ đều có những biểu hiện khác nhau

Các chuyên gia Ngoại tiêu hóa đã chỉ ra trĩ nội được phân làm 4 cấp độ khác nhau: 

Độ 1: Đây là giai đoạn đầu khi búi trĩ mới hình thành trên đường lược ống hậu môn. Xuất hiện các triệu chứng như viêm, sưng nhẹ. Khi đại tiện có thể thấy có giọt máu lẫn là biểu hiện rõ rệt nhất để phát hiện bệnh ở cấp độ này. Ở giai đoạn này nếu không phát hiện ra dấu hiệu bệnh trĩ nội sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ nặng hơn và khó điều trị hơn.

Độ 2: Vào giai đoạn này, búi trĩ đã có sự phát triển to hơn về kích thước. Người bệnh thấy đau rát vùng hậu môn. Khi đại tiện, búi trĩ có thể sa ra ngoài nhưng sau đó sẽ co lại vào trong dù không có tác động nào. Máu sẽ dần chảy ra nhiều hơn khi đại tiện. 

Độ 3: Đến giai đoạn này, các cảm giác đau, khó chịu sẽ xuất hiện nhiều hơn. Tình trạng sa búi trĩ, chảy máu hậu môn nặng hơn. Các búi trĩ không thể tự động thụt vào mà cần có sự tác động của tay.

Độ 4: Đây là lúc tình trạng bệnh nặng nhất. Búi trĩ sưng to gây nhiều đau đớn và sa hẳn ra ngoài hậu môn. Lúc này, dù có dùng lực của tay thì búi trĩ cũng không thể nhét lại vào trong. Các cục máu đông lớn được hình thành, có thể dẫn đến tình trạng viêm, nhiễm trùng, lở loét hoặc hoại tử búi trĩ. 

Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nội 

nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nội

Ngồi bồn cầu quá lâu là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành trĩ nội. Một số nguyên nhân gây ra bệnh phổ biến nhất hiện này bao gồm: 

Mắc bệnh táo bón

Ngày nay, khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn thì việc ăn uống đúng giờ cũng trở thành vấn đề khó thực hiện. Khi đó, táo bón là một bệnh mà ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, với những người bị táo bón thường xuyên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ. Do mỗi khi táo bón, người bệnh luôn cố rặn để đẩy phân ra ngoài, kèm theo đó là các khối phân to, khô gây xay xát, khiến các tĩnh mạch ở hậu môn bị tổn thương, lâu ngày sẽ dẫn đến búi trĩ nội được hình thành. 

Thời gian ngồi bồn cầu quá lâu 

Một trong những nguyên nhân mà ít ai ngờ đến gây bệnh trĩ nội là tình trạng ngồi bồn cầu quá lâu khi đại tiện. Thời gian lâu khiến bạn cố rặn mạnh, do đó vùng hậu môn chịu áp lực và tổn thương, gây ra trĩ.

Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Với việc cơ thể không được bổ sung lượng nước cần thiết hay chế độ ăn có hàm lượng xơ thấp, ăn nhiều đạm, dầu mỡ hay đồ cay nóng... là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh trĩ nội.

Ngồi quá nhiều hoặc đứng quá lâu

Do tính chất công việc hoặc một số nguyên nhân bắt buộc khác mà nhiều người phải đứng, ngồi quá lâu và liên tục. Do đó, nhân viên văn phòng; lái xe; đứng gác.... là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ. Bởi việc đứng hay ngồi lâu khiến trọng lượng cơ thể dồn xuống phía dưới khiến vùng hậu môn chịu áp lực lớn.

Làm các công việc nặng như khuân vác

Công việc khuân vác các vật nặng khiến toàn bộ áp lực của người và vật đè lên vùng xương chậu, các tĩnh mạch hậu môn sẽ chịu tác động và giãn ra dẫn đến trĩ.

Phụ nữ mang thai thời kỳ cuối

Phụ nữ mang thai thời kỳ cuối cũng có khả năng mắc bệnh trĩ bởi thai lớn dần và ngày càng tác động đến vùng xương chậu. Đặc biệt tình trạng này có thể xảy ra với các mẹ mang thai ở ba tháng cuối vì lúc này kích thước của thai dần đạt đến tối đa. 

Ngoài ra còn có thể có một số nguyên nhân khác như người thường xuyên chịu căng thẳng, áp lực, người lười vận động, tuổi cao, không vệ sinh hậu môn sạch sẽ, quan hệ qua hậu môn, tổn thương hậu môn do tác động từ bên ngoài....

Các biện pháp điều trị bệnh trĩ nội 

các biện pháp điều trị bệnh trĩ nội

Ăn nhiều rau xanh giúp đầy lùi bệnh trĩ

Khi mắc bệnh trĩ nội, bạn không nên quá lo lắng, nóng vội có thể khiến bệnh nặng hơn. Hãy thật bình tĩnh và thực hiện một số biện pháp sau để hạn chế sự tiến triển của bệnh: 

  • Gạt bỏ tâm lý xấu hổ, ngại ngùng, đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị bệnh. 
  • Tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ cũng như mọi tư vấn và lời khuyên về tình trạng bệnh của mình.
  • Đại tiện đúng giờ, không cố rặn mạnh hay ngồi quá lâu.
  • Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, lưu ý nên hỏi bác sĩ khi sử dụng các loại dung dịch vệ sinh, nước rửa.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, vitamin, hạn chế dầu mỡ, cay nóng, các chất kích thích, đồ có cồn, bia, rượu...
  • Xây dựng thói quen luyện tập thể thao thường xuyên và có chế độ vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe, tránh vận động mạnh, quá sức 
  • Với những người có tính chất công việc đứng hay ngồi nhiều thì nên dành khoảng thời gian thư giãn, vận động nhẹ nhàng tối thiểu từ 10 - 15 phút sau khi làm việc.
  • Để hạn chế được tình trạng đau rát do bệnh trĩ nội gây ra, bệnh nhân có thể ngâm hậu môn với nước ấm khoảng 15 phút mỗi ngày giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.

Nhiều bệnh nhân bị trĩ thường xấu hổ về căn bệnh của mình. Tuy nhiên, bệnh trĩ nội sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính vì vậy khi có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ, đặc biệt là dấu hiệu đại tiện ra máu.

Bạn cần phải nên nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế chất lượng để được khám và tư vấn điều trị sớm. Người bệnh không được tự ý tìm đến các phương pháp dân gian chưa có căn cứ để tránh tình trạng bệnh nặng hơn và khó khăn trong điều trị bệnh.

Quý khách có nhu cầu tư vấn, thăm khám và điều trị bệnh trĩ nội cùng các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm lĩnh vực hậu môn - trực tràng của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, vui lòng liên hệ số hotline 19001806 để được tư vấn miễn phí.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,302

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám