Mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Nguyễn Phương Thảo

07-12-2024

goole news
16

Bị rối loạn nhịp tim khi mang thai là tình trạng không hiếm gặp, đặc biệt trong giai đoạn cơ thể mẹ bầu phải thích nghi với những thay đổi lớn. Đây có thể là dấu hiệu bình thường, nhưng trong nhiều trường hợp, nó cảnh báo những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Làm thế nào để mẹ bầu xử lý hiệu quả và đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết, giúp mẹ bầu hiểu rõ và có biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi.

Tình trạng rối loạn nhịp tim khi mang thai là như thế nào? 

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tần số tim trở nên quá nhanh hoặc quá chậm hay có ổ phát nhịp khác ngoài nút xoang làm cho nhịp tim không còn đều. Một dạng rối loạn nhịp khác do hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim bị tổn thương khiến tim co bóp không đồng bộ, làm suy giảm chức năng tim dần hoặc giảm khả năng hoạt động của người bệnh. 

Mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim khi mang thai là một tình trạng không hiếm gặp

Mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim khi mang thai là một tình trạng không hiếm gặp 

Khi mang thai, ngoài việc phải nuôi dưỡng chính bản thân mình, người mẹ còn phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất cho thai nhi. Chính điều này đã tạo áp lực lên tim và hệ tuần hoàn. Đồng thời, lưu lượng máu tim tống đi mỗi phút cũng tăng từ 30-50% khiến cho nhịp tim của người mẹ tăng lên đáng kể. Đặc biệt vào hai thời điểm từ tuần thứ 10 và cuối thai kỳ, nhịp tim người mẹ có thể tăng thêm 10 nhịp/phút. 

Trong quá trình sinh đẻ, do áp suất và lưu lượng máu trong ổ bụng thay đổi đột ngột gây áp lực lên tim dẫn đến tim phải hoạt động nhiều hơn khiến cho mẹ bầu dễ bị rối loạn nhịp tim.

Theo nghiên cứu của Canadian (CAPERS II), đối với những mẹ bầu mắc bệnh tim mạch thì rối loạn nhịp tim là thường gặp nhất (khoảng 9,2%), suy tim (6,3%) thường xảy ra ở 3 tháng giữa thai kỳ. Các bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc có tỷ lệ rối loạn nhịp tim (2637/100.000) cao hơn nhóm bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh (210/100.000). 

Nguyên nhân mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim khi mang thai là do đâu?

Theo các bác sĩ tim mạch, nguyên nhân mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim có thể xuất phát từ nhiều lí do khác nhau, chẳng hạn như: 

Cơ thể người mẹ thay đổi tâm - sinh lý

Trong quá trình mang thai, người mẹ sẽ phải chịu không ít khó khăn và vất vả cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc mang bầu khiến cho tử cung của mẹ bầu sẽ to hơn khi thai nhi phát triển, điều này dẫn đến việc tim đập nhanh hơn so với bình thường để đủ cung cấp lượng máu cần thiết mà cơ thể cần. Nhịp tim lúc này có thể đập nhanh từ 15-20 nhịp/phút, nhanh nhất vẫn là trong giai đoạn thai kỳ tam cá nguyệt thứ ba. 

Thay đổi tâm sinh lý khiến mẹ bầu trở nên mệt mỏi trong quá trình mang thai

Thay đổi tâm sinh lý khiến mẹ bầu trở nên mệt mỏi trong quá trình mang thai

Bên cạnh đó, do có những sự thay đổi từ bên trong cơ thể nên người mẹ có thể dễ xúc động, tủi thân hay lo lắng nhiều hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu và có thể làm mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim khi mang thai. 

Mẹ bầu có tiền sử mắc các bệnh lý khác nhau

Đối với những mẹ bầu có tiền sử từng mắc các bệnh liên quan tới tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh cơ tim, suy tim, hẹp khít van động mạch chủ, van hai lá,...hoặc các bệnh lý khác về huyết học và hệ tạo máu hay tiền sản giật, rối loạn tuyến giáp, tăng áp lực phổi,...cũng có thể khiến cho mẹ bầu dễ bị rối loạn nhịp tim khi mang thai.

Để ngăn ngừa tình trạng diễn biến phức tạp và ngăn ngừa những biến chứng không đáng có, mẹ bầu cần đi thăm khám định kỳ thường xuyên và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. 

Mẹ bầu có lối sống không lành mạnh

Trong quá trình mang bầu, người mẹ có thói quen sử dụng các đồ uống có cồn, các chất kích thích có hại, hút thuốc lá, ăn uống không đủ chất,...có thể gây nên các tác động tiêu cực đến thai nhi cũng như khiến cho hệ tuần hoàn của mẹ bầu không ổn định, xuất hiện hiện tượng tim đập nhanh. 

Cơ chế bị rối loạn nhịp tim khi mang thai là như thế nào? 

Cơ chế chính xác về rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai chưa được xác định rõ ràng nhưng có thể liên quan đến các thay đổi về huyết động, nội tiết tố và các yếu tố thần kinh tự chủ khi có thai. 

Với sự gia tăng thể tích của lòng mạch khiến cho kích thước của tâm nhĩ và tâm thất tăng, đồng thời cũng tăng sức căng cơ thắt cơ nhĩ. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động điện thế màng, thay đổi dẫn truyền và thời kỳ trơ dẫn đến tăng rối loạn nhịp tim. 

Nồng độ Catecholamine dường như không thay đổi nhưng có sự gia tăng đáp ứng Adrenergic trong thai kỳ. Estrogen cũng được chứng minh có khả năng làm tăng số lượng các thụ thể Alpha - Adrenergic của tim dẫn đến tăng các rối loạn nhịp liên quan đến cơ chế tự động hoặc trigger. 

Xem thêm:

Bị rối loạn nhịp tim khi mang thai có ảnh hưởng gì tới thai nhi không?

Câu trả lời là: CÓ 

Mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim, thai nhi có thể gặp một số nguy cơ như: 

  • Giảm oxy đến thai nhi:Khi nhịp tim của mẹ không đều, khả năng bơm máu của tim có thể bị suy giảm, dẫn đến giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi qua nhau thai. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, gây ra chậm phát triển trong tử cung (IUGR).
  • Sinh non hoặc biến chứng thai kỳ: Đối với các mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim nặng, như nhịp tim nhanh hoặc rung nhĩ, có thể làm tăng nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm hoặc các biến chứng khác trong thai kỳ.
  • Tăng nguy cơ thai lưu: Trong trường hợp rối loạn nhịp tim dẫn đến suy tim hoặc thiếu máu cơ tim nghiêm trọng, nguy cơ thai lưu có thể tăng cao nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu mẹ bầu cần thăm khám ngay nếu gặp các tình trạng dưới đây: 

  • Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực kéo dài.
  • Đau ngực hoặc khó thở nghiêm trọng.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Sưng phù tăng nhanh không rõ nguyên nhân.

Mặc dù bị rối loạn nhịp tim khi mang thai nhưng, trên thực tế đối với những mẹ bầu bị mắc bệnh tim mạch vẫn có thể sinh con khoẻ mạnh nếu biết cách chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời những rủi ro trong quá trình mang thai. 

Các phương pháp điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim khi mang thai

Điều trị không sử dụng thuốc 

Điều trị rối loạn nhịp tim khi mang thai, đặc biệt là không sử dụng thuốc, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là các phương pháp thường được áp dụng:

Thay đổi lối sống và chế độ sinh hoạt

Xây dựng một lối sống lành mạnh giúp mẹ bầu phòng ngừa được tình trạng rối loạn nhịp tim

Xây dựng một lối sống lành mạnh giúp mẹ bầu phòng ngừa được tình trạng rối loạn nhịp tim 

  • Hạn chế stress, mẹ bầu cần nghỉ ngơi đầy đủ, thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu.
  • Hạn chế các chất kích thích như caffeine (trong cà phê, trà, nước ngọt) và tăng cường thực phẩm giàu kali, magie như chuối, hạt, rau xanh.
  • Giảm muối giúp giảm áp lực lên tim, hỗ trợ kiểm soát huyết áp và nhịp tim.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng (như đi bộ, bơi lội) giúp cải thiện lưu thông máu và ổn định nhịp tim, tuy nhiên cần được tư vấn bởi bác sĩ.
  • Không tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc hóa chất độc hại.
  • Hạn chế các hoạt động gây hồi hộp, căng thẳng hoặc lo âu đột ngột.
  • Sử dụng các liệu pháp liên quan tới trị liệu tâm lý có thể hỗ trợ các mẹ bầu gặp rối loạn nhịp tim liên quan đến lo âu hoặc các vấn đề tâm lý khác.

Theo dõi nhịp tim thường xuyên:

Sử dụng các thiết bị đo nhịp tim tại nhà hoặc theo dõi định kỳ tại bệnh viện để phát hiện sớm bất thường. Ghi nhận triệu chứng khi nhịp tim không ổn định để cung cấp thông tin chính xác cho bác sĩ.

Kích thích thần kinh phế vị:

Thông qua các bài tập đơn giản như kỹ thuật Valsalva thực hiện bằng cách thở mạnh khi bịt mũi và miệng, giúp làm chậm nhịp tim. Ngoài ra, bạn có thể massage xoang cảnh để kích thích thần kinh phế vị để làm giảm nhịp tim nhanh dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. 

Điều trị có sử dụng thuốc chống loạn nhịp 

Các thuốc chống loạn nhịp thường dùng: 

  • Thuốc chẹn beta ưu tiên metoprolol trừ atenolol;
  • Thuốc chẹn kênh canxi nhóm Non-DHP: Verapamil, Diltiazem;
  • Adenosin; 
  • Digoxin; 
  • Nhóm thuộc I như Lidocain, Flecainide;
  • Sotalol; 
  • Amiodarone (không nên sử dụng) 

Tác dụng của thuốc chống loạn nhịp tim đối với mẹ bầu:

  • Tăng thể tích dịch nội mạch; 
  • Thay đổi hấp thụ thuốc qua đường tiêu hoá do thay đổi tiết dịch vụ và nhu động ruột; 
  • Tăng lượng máu qua thận và tăng chuyển hóa thuốc ở gan do tăng progesterone; 
  • Giảm protein huyết thanh; 

Khi sử dụng thuốc chống loạn nhịp, có một số lưu ý: 

  • Trong 3 tháng đầu (tuần 5- 10 khi thai nhi đã hình thành các cơ quan) cần chú ý để tránh hiện tượng gây quái thai. 
  • Trong 3 tháng giữa và cuối, khi dùng cần chú ý đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, gây tác dụng phụ và nguy cơ rối loạn nhịp và trên sự co bóp của cơ tử cung. 

Điều trị bằng phương pháp xâm lấn

Trong một số trường hợp nặng như nhịp tim nhanh trên thất (SVT - supraventricular tachycardia) không đáp ứng với thuốc, bác sĩ điều trị có thể cân nhắc phương pháp đốt điện (catheter ablation) sau tam cá nguyệt đầu tiên để kiểm soát nhịp. 

Để đảm bảo an toàn cho thai nhi cũng như đạt hiệu quả cao nhất, bác sĩ thực hiện cần phải là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, sử dụng hệ thống triệt đốt 3D, phương pháp đốt không chiếu tia (zero fluro).

Liên hệ với chúng tôi nếu quý khách cần được tư vấn và hỗ trợ chi tiết về vấn đề bị rối loạn nhịp tim khi mang thai qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám trực tuyến.

 

Kết luận 

Rối loạn nhịp tim khi mang thai có thể khiến cho mẹ bầu trở nên lo lắng, nhưng với sự hiểu biết đầy đủ về nguyên nhân và các biện pháp xử lý hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể vượt qua tình trạng này một cách an toàn. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, vì sức khỏe của mẹ chính là yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Hãy duy trì lối sống khoa học và theo dõi sức khỏe định kỳ để có một thai kỳ an toàn và trọn vẹn!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
77

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám