Các bệnh về tai mũi họng: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Trần Hồng Nụ

10-07-2021

goole news
16

Các bệnh về tai mũi họng bao gồm viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm mũi dị ứng và viêm xoang. Mặc dù xảy ra phổ biến và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nhưng không phải ai cũng nắm rõ được nguyên nhân và cách phòng tránh các bệnh này.

Các bệnh thường gặp ở tai mũi họng

Tai mũi họng là nhóm bệnh xuất hiện cực kỳ phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân là tai, mũi và họng đều là các bộ phận phải chịu nhiều tác động từ yếu tố môi trường, thời tiết, nhất là khi khí hậu ẩm ướt hoặc nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển.

Các bệnh về tai mũi họng thường gặp ở trẻ em hơn do đây là đối tượng có đề kháng yếu, hệ miễn dịch cũng chưa phát triển hoàn thiện. Điều này không có nghĩa là người lớn có ít nguy cơ mắc bệnh. Trong trường hợp sinh hoạt, ăn uống không không điều độ, đúng cách, bạn cũng có thế mắc bệnh Tai Mũi Họng bất cứ lúc nào.

Các bệnh về tai mũi học thường gặp bao gồm: Viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm mũi dị ứng và viêm xoang.

Viêm họng

Viêm họng là một trong các bệnh về tai mũi họng thường gặp nhất. Đây là tình trạng niêm mạc hầu họng bị viêm, sưng gây đau rát, khó chịu và vướng víu ở cổ khi nhai nuốt. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh này đều do tác nhân virus. Một số người bệnh cũng có thể khởi phát bệnh do vi khuẩn xâm nhập, dị ứng hoặc yếu tố kích thích khác. Viêm họng do vi khuẩn chiếm thường gây ra các triệu chứng nặng nề nhất và dễ phát sinh biến chứng nếu như không can thiệp điều trị kịp thời.

Viêm họng là một trong các bệnh về tai mũi họng thường gặp
Viêm họng là một trong các bệnh về tai mũi họng thường gặp

Viêm họng phát triển qua 2 giai đoạn chính là cấp tính và mãn tính. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh này đều thuyên giảm sau khoảng 7 – 10 ngày sử dụng thuốc và nghỉ ngơi dưỡng sức. Tuy nhiên vẫn có khoảng 20% trường hợp bệnh tiến triển thành viêm họng mãn tính, gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng hô hấp và chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng:

  • Ngứa trong cổ họng hoặc đau họng. Cảm giác đau trầm trọng hơn khi nhai nuốt hoặc nói chuyện.
  • Khó khăn khi nhai nuốt thức ăn và lúc nuốt nước bọt.
  • Đau, sưng hạch ở vị trí cổ hoặc hàm
  • Amidan sưng to và đỏ.
  • Xuất hiện các màng trắng hoặc hốc mủ trên amidan
  • Khàn giọng.
  • Khi họng bị nhiễm trùng, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng: Sốt, ho, sổ mũi, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, buồn nôn.

Biến chứng:

  • Biến chứng tại chỗ: Áp-xe họng, amidan và thành họng.
  • Biến chứng tại cơ quan lân cận: Viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm thanh - khí- phế quản hoặc viêm phổi.
  • Biến chứng tại cơ quan khác: Viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...

Điều trị:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây viêm amidan và một số thuốc điều trị triệu chứng.
  • Đốt viêm họng hạt.
  • Thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể,...

Viêm amidan

Amidan là tổ chức ở họng, giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút. Tuy nhiên, bộ phận này cũng rất dễ bị viêm nhiễm khi có quá nhiều tác nhân gây hại tấn công. Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi,trong đó trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên bị xếp vào nhóm người dễ mắc bệnh nhất.

Hình ảnh viêm amidan quá phát
Hình ảnh viêm amidan quá phát

Triệu chứng:

  • Giai đoạn cấp tính: Viêm amidan gây ra hàng loạt các triệu chứng đặc trưng như đau họng, sốt, chảy nước mũi, amidan sưng to, vùng họng viêm đỏ… Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác đau nhói vùng họng, thỉnh thoảng còn xảy ra tình trạng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi...Các triệu chứng này có xu hướng gia tăng nặng hơn khi bệnh chuyển qua giai đoạn mãn tính.
  • Viêm amidan mãn tính: Bệnh tái đi tái lại nhiều lần trong năm với các triệu chứng như giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên amidan, lúc này đã sưng to đến nỗi có thể cản trở đường ăn uống, gây khó thở đồng thời dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác.

Biến chứng: Viêm amidan mãn tính thành nhiều đợt cấp tính, trung bình từ 5-6 lần trong một năm. Bệnh có thể gây ra những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc thấp tim, viêm khớp và viêm cầu thận.

Cách điều trị:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Cắt amidan trong trường hợp amidan mãn tính, tái phát nhiều lần trong năm.
  • Thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi dưỡng sức, uống nhiều nước.

Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một trong các bệnh viêm tai mũi họng phổ biến. Đây là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm trong niêm mạc tai giữa. Nguyên nhân có thể là do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai. Trong đó phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis. Ngoài ra việc tai bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường cũng dễ khiến bệnh viêm tai giữa khởi phát.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm tai giữa
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm tai giữa

Viêm tai giữa cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm sẽ phát triển thành bệnh mạn tính. Lúc này người bệnh có thể gặp phải các biến chứng ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sức khỏe.

Viêm tai giữa thường xảy ra nhiều ở trẻ em. Vì đây là đối tượng có vòi nhĩ ngắn, hẹp, và hơi nằm ngang, trong khi đó cơ quan này lại nối liền tai giữa với vòm họng, giúp dẫn lưu dịch tiết trong hòm nhĩ về họng. Trong trường hợp vòi nhĩ bị tắc, dịch nhầy chắc chắn sẽ bị ứ đọng lại trong tai giữa và gây viêm.

Triệu chứng:

  • Đau tai, ngứa tai và có cảm giác ẩm ướt trong tai do dịch nhầy bị ứ đọng.
  • Sốt cao 39 - 40 độ C.
  • Rối loạn tiêu hóa: Đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy xuất hiện đồng thời với triệu chứng sốt.

Chú ý: Trẻ bị viêm tai giữa phụ huynh sẽ nhận thấy bé quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật, thường xuyên dụi vào tai cho đỡ ngứa.

Biến chứng: Bệnh viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra khá nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính.
  • Viêm xương chũm.
  • Thủng màng nhĩ.
  • Liệt mặt ngoại biên.
  • Giảm hoặc mất thính lực.
  • Biến chứng nội sọ ( viêm não, áp xe màng não,viêm màng não, áp xe não, tắc tĩnh mạch não..).
  • Viêm tai cholesteatomax.

Cách điều trị:

  • Biện pháp điều trị nội khoa: Dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc chống phù nề, corticoid, thuốc nhỏ mũi, bơm hơi vòi nhĩ nhằm cải thiện thính lực tạm thời.
  • Đối với điều trị ngoại khoa: Đặt ống thông khí hoặc tiến hành nạo, cắt amidan khi bệnh khởi phát cùng triệu chứng viêm amidan và viêm mũi họng tái đi tái lại.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được xem là loại bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về tai mũi họng. Bệnh có thể gây ra hàng loạt các dấu hiệu và triệu chứng giống như chứng cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như sổ mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, hắt hơi và tăng áp lực xoang.

Đúng như tên gọi, bệnh khởi phát do cơ thể con người phản ứng dị ứng với các chất gây dị ứng ngoài trời hoặc trong nhà. Trong đó phổ biến nhất là phấn hoa, lông động vật, bụi mịn, hóa dược phẩm, thức ăn dễ gây dị ứng,..

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng
Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng thường chỉ gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và không tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên nếu bệnh phát triển thành dạng mãn tính, tái phát nhiều lần có thể gây ra một số biến chứng làm giảm chức năng của hệ hô hấp.

Triệu chứng:

  • Hắt hơi liên tục, nhất là khi gặp phải tác nhân gây dị ứng
  • Sổ mũi; ngứa mũi, nghẹt mũi.
  • Ngứa mắt, cổ họng, da hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Ngứa họng, viêm họng, đau họng.
  • Chảy nước mắt; bọng mắt bị thâm.
  • Thường xuyên đau đầu.
  • Nổi phát ban trên da.
  • Cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
  • Trường hợp người bệnh có tiền sử hen suyễn, chàm hoặc viêm da dị ứng, nổi mày đau khi đi nội soi mũi còn nhận thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi nhiều và trong.

Biên chứng:

  • Viêm xoang cấp và mạn tính do dịch mũi bị ứ đọng tạo thành các ổ viêm
  • Lỗ thông xoang bị tắc nghẽn khiến giảm khả năng hô hấp.
  • Polyp mũi - xoang.

Điều trị:

  • Sử dụng phương pháp điều trị đặc hiệu.
  • Dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin, kháng cholinergic, thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào hay thuốc kháng leukotriene tùy từng trường hợp bệnh.
  • Phẫu thuật dành cho người bệnh có biến chứng polyp mũi - xoang hoặc bị thoái hóa cuốn mũi. Ngoài ra, phương pháp điều trị này cũng được áp dụng cho người có một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.

Viêm xoang

Viêm xoang là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi gây phù nề gây tăng tiết nhầy ở xoang. Bệnh lý này khởi phát do các sự phát triển mạnh mẽ của virus, vi khuẩn kết hợp với yếu tố thời tiết làm xoang bị tổn thương.

Hình ảnh xoang bị viêm
Hình ảnh xoang bị viêm

Bệnh xoang nếu diễn ra trong thời gian ngắn và khỏi chỉ sau 4 tuần khởi phát thì gọi là viêm xoang cấp tính. Ngược lại, nếu bệnh không được điều trị đúng cách và kéo dài dai dẳng trên 3 tháng thì gọi là viêm xoang mạn tính.

Triệu chứng:

  • Triệu chứng xoang ở giai đoạn khởi phát: Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi. Dịch tiết ở mũi có thể trong hoặc mang màu vàng, xanh do viêm.
  • Triệu chứng xoang ở giai đoạn nặn: Sốt, ho, nặng mặt, đau nhức vùng trán gần mũi, thái dương hoặc gò má, khả năng cảm nhận mùi bị suy giảm, thậm chí còn mất hoàn toàn khứu giác.

Biến chứng:

  • Viêm đường hô hấp dưới: Viêm phế quản, giãn phế quản...
  • Biến chứng ở mắt: Viêm túi lệ, viêm ổ mắt, áp xe mí mắt, viêm tấy ổ mắt...
  • Biến chứng ở tai: Tắc vòi tai, viêm tai giữa, viêm tai thanh dịch..
  • Các biến chứng khác tại nội sọ hoặc mạch máu...

Điều trị:

  • Xịt nước muối sinh lý.
  • Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng histamin, thuốc co mạch
  • Rửa xoang bằng phương pháp Proetz.
  • Phẫu thuật là kỹ thuật điều trị ngoại khoa được áp dụng trong trường hợp sử dụng các phương pháp nội khoa không khỏi hoặc bệnh viêm xoang gây thoái hóa niêm mạc xoang, polype mũi, hoặc khởi phát do vẹo vách ngăn gây nghẹt mũi, bất thường về cấu trúc mũi.

Nguyên nhân gây bệnh tai mũi họng

Nhìn chung, nguyên nhân sâu xa dẫn đến các bệnh tai mũi họng chính là yếu tố thời tiết, môi trường. Bên cạnh đó lối sống, sinh hoạt không khoa học, lành mạnh cũng là tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc nhóm bệnh này. Cụ thể:

  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Việc uống nước đá, ngủ điều hòa thường xuyên hay đi bơi ở những bể bơi tồn dư nhiều clo.. là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm tai mũi họng phát sinh và phát triển.

Uống nước đá thường xuyên làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng
Uống nước đá thường xuyên làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng

  • Vệ sinh cá nhân kém: Vệ sinh cá nhân kém, cụ thể là chăm sóc răng miệng không đúng cách là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về răng miệng và hô hấp.
  • Nghe tai nghe với âm lượng lớn: Trên thực tế, có khá nhiều người bệnh đã tìm đến bác sĩ chuyên khoa trong tình trạng tai bị chấn thương thói quen nghe tai nghe với âm lượng quá cao. Vấn đề này nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến tai tai bị giảm dần thính lực dẫn đến bị điếc. Ngoài ra, không ít người cũng đã bị viêm tai giữa do sử dụng tai nghe thường xuyên mà không vệ sinh sạch sẽ.
  • Hút thuốc, sử dụng nhiều bia, rượu: Thuốc lá là tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về hô hấp, nghiêm trọng nhất là ung thư vòm họng. Còn việc lạm dụng rượu có thể khiến thanh quản bị kích ứng mạnh gây bỏng. Điều này đã tạo cơ hội để rất nhiều loại virus, vi khuẩn tấn công vùng họng gây viêm họng, viêm amidan...
  • Lạm dụng thuốc Tây: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh thường khiến cơ thể bị “lờn” thuốc. Tình trạng này khiến các bệnh tai mũi họng tăng nguy cơ tái phát do việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc quá liều lượng, không đúng cữ, không tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, sử dụng toa thuốc cũ,...cũng là nguyên nhân có thể khiến bệnh tai mũi họng tái phát nhiều lần.

Bệnh tai mũi họng có nguy hiểm không?

Bệnh ở tai mũi họng hay bất cứ bệnh nào khác đều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như tính mạng của bạn. Trong trường hợp không điều trị dứt điểm bệnh sẽ tiến triển thành thể mạn tính và gây ra nhiều căn bệnh khác. Chẳng hạn như người bị viêm mũi họng thường có các chất xuất tiết như: đờm, dãi, nước mũi,....Đây đều là những ổ vi khuẩn, khi nuốt vào trong cơ thể sẽ gây rối loạn tiêu hoá.

Với bệnh viêm amidan mạn tính, bản thân bộ phận này đã trở thành một lò viêm tiềm tàng. Khi không có biện pháp điều trị phù hợp, bệnh sẽ thường xuyên tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi thời tiết thuận lợi thông qua cơ chế tự miễn dịch. Từ đó, hàng loại các bệnh lý khác có liên quan cũng tăng nguy cơ khởi phát như viêm cầu thận, viêm khớp hay các bệnh về tim mạch.

Các bệnh về tai mũi họng nếu không được điều trị dứt điểm cũng có nguy cơ gây ra biến chứng
Các bệnh về tai mũi họng nếu không được điều trị dứt điểm cũng có nguy cơ gây ra biến chứng

Với viêm xoang, bệnh lý này khi tiến triển nặng thành thể mạn tính có thể gây nhiễm trùng ổ mắt. Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa đến thị lực, thậm chí là tính mạng người bệnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tai mũi họng là cửa ngõ của đường thở nên khi bộ phận này gặp trục trặc có thể khiến người bệnh bị tắc thở nhanh chóng. Đó là lý do vì sao những người mắc nhóm bệnh này thường bị chứng ngưng thở khi ngủ.

Chính bởi sự nguy hiểm tiềm ẩn của các bệnh về tai mũi họng trên mà bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Hãy chủ động đến bệnh viện để thăm khám nếu như nhận thấy cơ thể mình có những dấu hiệu bất thường tại một trong số những cơ quan này.

Cách phòng tránh bệnh tai mũi họng

Tùy từng đối tượng trẻ em hay người lớn mà bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh viêm tai mũi họng khác nhau.

Đối với trẻ em:

  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho bé ăn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, ăn uống hợp vệ sinh và uống đủ nước.
  • Không cho và trẻ tiếp xúc với các môi trường bụi bặm, ẩm thấp và chứa nhiều khói thuốc.
  • Giữ ấm cho trẻ khi tiết trở lạnh, đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến hàng loạt các bệnh về tai mũi họng.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế nuôi thú cưng trong nhà.
  • Rèn luyện cho trẻ thói quen đánh răng, rửa mặt, súc miệng đúng cách để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào khoang miệng.
  • Luôn đeo khẩu trang cho trẻ khi bé ra khỏi nhà.

Trẻ em khi ra ngoài cần được đeo khẩu trang để ngăn chặn các tác nhân gây hại
Trẻ em khi ra ngoài cần được đeo khẩu trang để ngăn chặn các tác nhân gây hại

Đối với người lớn:

  • Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, nhất là vùng tai, miệng và cổ.
  • Đeo khẩu trang hoạt tính mỗi khi ra đường để ngăn ngừa bụi bẩn, vi khuẩn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Rửa mũi, vệ sinh tai thường xuyên.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng việc ăn đủ chất, chăm chỉ rèn luyện thể dục, thể thao.
  • Không tự ý sử dụng thuốc khi thấy các biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh về tai mũi họng hay cảm cúm thông thường.

Vừa rồi là các bệnh về tai mũi họng mà bạn cần nắm rõ để chủ động phòng tránh. Nhóm bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi dễ dàng mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là bạn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc, thói quen ăn uống và vệ sinh cá nhân.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,225

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Trẻ bị viêm họng cấp: mẹ đừng lơ là các dấu hiệu nguy hiểm

Trẻ bị viêm họng cấp thực chất chỉ là viêm nhiễm của đường hô hấp trên. Tuy nhiên, mẹ chớ chủ quan bởi bệnh dễ biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.

19001806 Đặt lịch khám