Mặc dù không mong muốn nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý nặng tại cơ quan sinh sản sẽ được chỉ định cắt tử cung. Phương pháp này gồm 3 hình thức: cắt tử cung bán phần, cắt tử cung toàn phần, và cắt tử cung toàn phần kèm phần phụ (vòi trứng và buồng trứng). Trong nội dung này, bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn hiểu rõ về phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung bán phần.
Cắt tử cung bán phần là gì?
Cắt tử cung bán phần là phương pháp phẫu thuật với mục đích cắt bỏ phần thân tử cung nhưng giữ lại cổ tử cung và các phần phụ liên quan gồm ống dẫn trứng và buồng trứng. Đây là phương án y khoa được chỉ định để điều trị các bệnh lý liên quan đến buồng tử cung. Cụ thể:
Chỉ định
- U xơ tử cung, đặc biệt trong trường hợp khối u tiến triển nhanh gây chèn ép xung quanh.
- Polyp buồng tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Loạn sản cổ tử cung.
- Xuất huyết tử cung bất thường.
Cắt tử cung bán phần chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị u xơ tử cung
Chống chỉ định
- U xơ tử cung có kích thước quá lớn.
- Người bệnh mắc bệnh lý nội khoa cấp tính đang điều trị.
- Mắc đồng thời bệnh lý về máu, bệnh nhiễm khuẩn hay một số bệnh lý khác chống chỉ định với can thiệp phẫu thuật.
- Mắc bệnh lý chống chỉ định nội soi ổ bụng.
- Bị thoát vị cơ hoành, ruột chướng.
Chống chỉ định tương đối
- Phụ nữ bị béo phì.
- Đã từng phẫu thuật ổ bụng nhiều lần.
Các phương pháp cắt tử cung bán phần
Để thực hiện cắt bán phần tử cung, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng thể chất của bệnh nhân và tình trạng bệnh lý thời điểm hiện tại để chỉ định phương án phù hợp. Hiện nay để cắt bán phần của tử cung có thể thực hiện một trong ba hình thức phẫu thuật sau:
- Phẫu thuật qua đường bụng: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường tại vùng bụng dưới, tiếp cận tử cung qua đường này và tiến hành xử lý cắt bỏ, đưa ra ngoài.
- Phẫu thuật qua đường âm đạo: m đạo thông với tử cung qua cổ tử cung nên bác sĩ sẽ thực hiện tiếp cận tử cung qua con đường này. Thông qua một vết rạch bên trong âm đạo, tử cung sẽ được cắt bỏ và đưa ra ngoài. Tuy nhiên do kích thước vết rạch này nhỏ và nằm bên trong nên không gây quá nhiều đau đớn và thời gian hồi phục cũng nhanh hơn. Tuy nhiên phương pháp phẫu thuật này chống chỉ định với trường hợp tử cung người bệnh có kích thước quá lớn
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch 2-3 vết rạch nhỏ ở bụng để luồn ống nội soi tử cung và đưa dụng cụ phẫu thuật vào bên trong. Sau đó cắt bỏ tử cung một phần rồi đưa ra ngoài qua vết rạch hoặc âm đạo.
Có 3 phương pháp cắt bỏ tử cung được áp dụng hiện nay
Hiện nay phương pháp phẫu thuật cắt tử cung bán phần được ưu tiên sử dụng đó là mổ nội soi. Vì cách phẫu thuật này sẽ không gây đau và can thiệp rạch thành bụng nhiều như mổ mở qua đường bụng. Ngoài ra còn giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng, dính ruột, tắc ruột sau mổ và rút ngắn thời gian nằm viện, phục hồi hậu phẫu. Tuy nhiên không phải bệnh viện nào cũng có thể thực hiện được cuộc phẫu thuật này vì trình độ chuyên môn của bác sĩ chưa cao, thiếu thiết bị y tế hỗ trợ. Bởi vậy, người bệnh cần thăm khám và điều trị tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để đảm bảo thành công và an toàn cho cuộc phẫu thuật.
Quy trình cắt tử cung bán phần bằng nội soi
Mỗi bệnh viện sẽ có một quy trình thực hiện phẫu thuật cắt tử cung bán phần khác nhau. Dưới đây là các bước tham khảo của một quy trình phẫu thuật cơ bản:
Bước chuẩn bị
-
Bệnh nhân cần được thăm khám kỹ và nhận tư vấn về cuộc phẫu thuật cũng như những tác động về sức khỏe hậu phẫu.
-
Người bệnh lý cam kết đồng ý thực hiện mổ.
-
Chuẩn bị tâm lý thật tốt trước phẫu thuật.
Bên cạnh đó, phía bệnh viện sẽ sẵn sàng thực hiện ca mổ với sự thực hiện của bác sĩ có chuyên môn cao cùng sự hỗ trợ của đội ngũ y sĩ giàu kinh nghiệm. Trang phục, dụng cụ, thiết bị y tế và cần được vô trùng trước khi tiến hành phẫu thuật.
Dụng cụ gồm có:
- Thuốc gây mê.
- Hộp chống sốc và thuốc hồi sức.
- Dịch và máu dự phòng để truyền cho bệnh nhân.
- Máy thở, dụng cụ đặt nội khí quản.
- Hệ thống cung cấp khí CO2.
- Bộ dụng cụ nội soi.
Người bệnh cần thăm khám kỹ lưỡng trước khi đồng ý can thiệp phẫu thuật cắt tử cung
Kỹ thuật thực hiện
- Bác sĩ sẽ tiến hành sát khuẩn ổ bụng và đặt sonde tiểu (ống thông tiểu).
- Gây mê toàn thân, dùng máy thở cho bệnh nhân.
- Tiến hành phẫu thuật.
Kỹ thuật mổ được thực hiện qua 7 bước:
Bước 1: Tiến hành chọc trocar và cho bơm CO2 vào ổ bụng
- Rạch một đường nhỏ cách rốn từ 5-10mm (tùy thuộc kích thước đèn nội soi khi đưa vào để tiếp cận tử cung).
- Nâng cao thành bụng để chọc kim. Dùng nước vô trùng nhỏ vào đốc kim để kiểm tra tình trạng đầu kim đã nằm trong ổ bụng hay chưa.
- Bơm CO2 với tốc độ bơm 3 lít/phút vào ổ bụng. Nếu áp lực bơm là 15-20mm thì sẽ đặt cảm ứng tự động.
- Chọc trocar ở 2 bên hố chậu, gần mào chậu, không chọc vào mạch máu, rồi đưa đèn soi vào ổ bụng, kiểm tra trocar đã vào ổ bụng chưa.
Bước 2: Kiểm tra tử cung và tạng trong ổ bụng
- Quan sát toàn bộ tử cung, phần phụ, tiểu khung, dạ dày, gan và đánh giá tổn thương tại tử cung.
- Dùng dao 2 cực đốt cầm máu trước khi tiến hành cắt tử cung.
Bước 3: Tiến hành cắt hai cánh bên của tử cung
- Sử dụng dao 2 cực để đốt cầm máu dây chằng với đường kính khoảng 1cm. Cắt giữa 2 chỗ đốt.
- Nếu trường hợp chỉ cắt buồng tử cung, bảo tồn buồng trứng thì tiến hành giải phóng dây chằng giữa từ cung với buồng trứng ngay giữa chỗ đốt, đoạn gần tử cung. Nếu không bảo tồn buồng trứng thì sẽ đốt cầm máu và cắt dây chằng thắt lưng buồng trứng.
Lưu ý: Chỉ nên cắt buồng trứng trong trường hợp có các tổn thương nặng hoặc người bệnh không có ý định sinh đẻ.
Bước 4: Bóc tách bàng quang
- Bóc tách sát eo tử cung để động mạch tử cung lộ rõ.
- Bóc tách phúc mạc đoạn dưới, đưa đáy bàng quang xuống thấp.
- Đốt và khâu động mạch tử cung (ngang với đoạn tử cung). Cắt 2 cuống động mạch tử cung 2 bên.
Bước 5: Cắt bỏ tử cung và khâu
- Tiến hành cắt tử cung tại vị trí ngang eo tử cung.
- Khâu mỏm cắt.
Bước 6: Kiểm tra vị trí cắt
- Đánh giá tình trạng sau mô tại các vết cắt đoạn cuống mạch, mỏm cắt. Nếu xuất huyết cần cầm máu tại các vị trí này.
- Kiểm tra huyết áp từng thời điểm, đặc biệt là khi kiểm tra cầm máu.
- Sử dụng huyết thanh ấm đã chuẩn bị để rửa sạch lại ổ bụng.
- Kiểm tra xuống mạch đảm bảo không còn chảy máu, nước rửa trong là ổn định.
Bước 7: Khâu vết rạch
- Tháo ống bơm CO2 và rút trocar tại hố chậu trước. Ở vị trí rốn cắm trocar có đèn soi sẽ rút cuối cùng.
- Khâu da từ trong ra ngoài theo từng lớp giải phẫu.
Quá trình phẫu thuật được thực hiện an toàn theo quy trình
Biến chứng có thể gặp sau cắt tử cung bán phần
Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt tử cung bán phần, người bệnh có thể gặp phải một số các biến chứng như:
Xuất huyết sau phẫu thuật
Đây là một biến chứng gây ra bởi một trong số các nguyên nhân như bệnh nhân bị rối loạn đông máu, tụt cuống mạch, chảy máu từ mỏm cắt do khâu cầm máu không tốt. Bệnh nhân khi bị xuất huyết có biểu hiện tụt huyết áp, choáng váng, đau đầu, dẫn đến tràn máu ổ bụng, thiếu máu cấp,..
Máu tụ ngoài phúc mạc
Biến chứng này gây ra bởi nguyên nhân cầm máu không tốt trong khi phẫu thuật. Khi này bác sĩ sẽ theo dõi và điều trị để xử lý nội khoa trước, đồng thời theo dõi kích thước khối máu tụ để đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.
Đường tiết niệu bị tổn thương
Bàng quang và niệu quản có khả năng bị tổn thương dẫn tới viêm nhiễm hay co chạm trong khi cắt u xơ tử cung bán phần. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và có thể chỉ định mổ lại để xử lý tổn thương.
Viêm phúc mạc ổ bụng
Trường hợp xảy ra biến chứng phúc mạc ổ bụng bị viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lại để rửa làm sạch ổ bụng và cần thiết sẽ đặt ống dẫn lưu. Đồng thời tiến hành kháng sinh toàn thân kết hợp hồi sức.
Ngoài những biến chứng trên, sau quá trình cắt tử cung bán phần, người bệnh cũng có khả năng gặp phải các hiện tượng như dính cổ tử cung vào nhau hoặc dính vào các bộ phận lân cận. Điều này có thể dẫn tới khó khăn trong việc mang thai về sau, do đó những ai có nguy cơ này cần được thăm khám kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật.
Cắt tử cung bán phần có thai được không?
Cắt bán phần cổ tử cung có thai không? Cắt tử cung bán phần là phương pháp can thiệp trực tiếp vào cấu trúc của tử cung, cắt bỏ đi buồng tử cung và chỉ giữ lại phần cổ tử cung. Trong chức năng sinh lý của phụ nữ, buồng tử cung chính là nơi mà trứng sau khi thụ tinh sẽ làm tổ tại niêm mạc ở đây, lớn dần và phát triển thành bào thai, được nuôi dưỡng đến khi đứa trẻ chào đời. Do đó sau khi phẫu thuật cắt tử cung bán phần và toàn phần sẽ phá dỡ đi “ngôi nhà” của phôi thai, vì vậy người phụ nữ sẽ không thể mang thai sau đó.Cùng với thắc mắc cắt tử cung bán phần có kinh nguyệt không thì câu trả lời cho bạn là không.
Sau khi cắt tử cung toàn phần và bán phần đều không thể mang thai
Chính vì lý do này mà trước cuộc phẫu thuật mang tính chất quan trọng này, các bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng để bệnh nhân và người thân trước khi quyết định. Đồng thời bệnh viện sẽ xem xét và đánh giá liệu có phương pháp điều trị thay thế nào có hiệu quả tốt mà không phải mổ cắt tử cung bán phần hay không để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Các phương pháp khác có thể kể đến đó là phẫu thuật bảo tồn tử cung, mổ bóc nhân xơ,... Những cách điều trị này sẽ phù hợp với người chưa có con hoặc đang có ý định sinh thêm con. Tuy nhiên còn cần phải căn cứ vào sức khỏe của chị em là ưu tiên trước nhất, nếu phương án cắt tử cung vẫn là cách điều trị tốt nhất thì vẫn nên xem xét.
Cắt tử cung bán phần có ảnh hưởng gì không?
Ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng mang thai, sau khi thực hiện cắt tử cung, cơ thể phụ nữ sẽ cần thời gian để hồi phục. Thời gian trung bình của phương pháp phẫu thuật nội soi là 2-3 tuần, trong khi đó nếu mổ mở đường bụng thì sẽ mất 6-8 tuần để ổn định cơ thể.
Bên cạnh đó, sau khi mổ, nếu cắt tử cung bán phần giữ lại vòi trứng và buồng trứng thì cơ thể không có quá nhiều thay đổi. Chức năng và ham muốn tình dục vẫn bình thường. Không xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, bốc hỏa, mệt mỏi… Tuy nhiên nếu can thiệp cắt bán phần cổ tử cung kèm cắt hai phần phụ thì chị em sẽ suy giảm dần ham muốn tình dục, thường xuyên gặp phải tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, bốc hỏa.
Chị em có thể mất ngủ và nóng nảy sau khi cắt tử cung
Tuy không phải là phương pháp điều trị y khoa được ưu tiên thực hiện, tuy nhiên cắt tử cung bán phần trong nhiều trường hợp vẫn là cách giải quyết bệnh tật triệt để nhất cần xem xét. Để đảm bảo quá trình phẫu thuật không xảy ra bất cứ sai sót nào, đồng thời giảm thiểu nguy cơ biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật do tay nghề của bác sĩ, bạn hãy đến với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông - Nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ và chuyên gia hàng đầu trong ngành cùng sự hỗ trợ tối đa từ máy móc hiện đại, đảm bảo hiệu quả tối ưu cho quá trình phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, giúp giảm bớt thời gian nằm viện và phục hồi cho bệnh nhân.