Đa u tủy xương nguy hiểm như thế nào? Tiên lượng sống ra sao?

Ngọc Anh

10-07-2025

goole news
16

Đa u tủy xương là bệnh lý máu ác tính với tỷ lệ 3 - 4/ 100.000 dân, chiếm 1 - 2% các bệnh lý hiểm nghèo. Bệnh thường gặp ở người hơn 40 tuổi, ở nam nhiều hơn nữ và có tiên lượng rất xấu, chỉ có thể điều trị duy trì trong 2 - 5 năm. 

Đa u tủy xương là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Đa u tủy xương (multiple myeloma) là bệnh ung thư máu ác tính, đặc trưng bởi sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào plasma (tương bào) trong tủy xương. Tương bào bình thường sản xuất kháng thể để chống nhiễm trùng, nhưng khi nó tăng sinh mất kiểm soát sẽ tạo thành các kháng thể đơn dòng trong máu gây tổn thương xương, thận và hệ miễn dịch. 

Tại Viện Huyết học và Truyền máu TW, mỗi năm có khoảng 150 người bệnh được chẩn đoán ung thư máu mới và khoảng 700 - 800 người bệnh đang điều trị ngoại trú. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong sau 2 - 5 năm bởi các biến chứng nguy hiểm như gãy xương, suy thận, nhiễm trùng máu, đái tháo đường, đột quỵ,...

Đây là bệnh nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh

Đây là bệnh nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh

Đa số bệnh chỉ phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp khá nhiều khó khăn. Phương pháp chẩn đoán hiệu quả nhất là xạ hình xương. Đặc biệt, phương pháp mới, đạt hiệu quả cao trong điều trị đa u tuỷ xương hiện nay là ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. 

Nguyên nhân của bệnh đa u tuỷ xương

Theo các bác sĩ của Viện Huyết học và Truyền máu TW, chưa tìm ra nguyên nhân bệnh đa u tủy xương. Một số nhân tố có thể thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh bao gồm tiếp xúc với phóng xạ, hoá chất độc hại thuốc trừ sâu,... 

Đồng thời, với các phương pháp hiện đại ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây ra các đột biến gen là nguyên nhân gây ra bệnh đa u tuỷ xương làm tăng sinh tương bào ác tính. 

Triệu chứng của bệnh đa u tuỷ xương

Đây là bệnh ung thư máu xuất hiện với các biểu hiện đa dạng. Bạn có thể cảm thấy đau xương, đau thắt lưng, mệt mỏi và hay bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, các triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, suy thận mạn,...

Thiếu máu là triệu chứng điển hình của K máu

Thiếu máu là triệu chứng điển hình của K máu

Ba biểu hiện đặc trưng của bệnh đa u tủy xương là thiếu máu, đau xương và suy thận, cụ thể như sau: 

  • Đau xương (80% bệnh nhân) âm ỉ đến dữ dội ở bất kỳ xương nào nhưng hay gặp nhất ở xương vùng lưng, xương sườn và xương chậu. Ngoài ra, khi kiểm tra, bạn có thể có triệu chứng loãng xương toàn thân, gãy xương tự nhiên hoặc xuất hiện các khối u xương
  • Thiếu máu (70% bệnh nhân) ở các mức độ khác nhau, dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, da tái xanh do giảm hồng cầu
  • Suy thận (20% bệnh nhân) , trong đó ½ bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo
  • Khó thở, có biểu hiện của thiếu máu cơ tim thoáng qua, huyết khối tĩnh mạch sâu, chảy máu võng mạc, mũi do tăng độ quánh máu
  • Nhiễm trùng tái phát như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu,...

Ngoài ra, khi kiểm tra chuyên sâu các bác sĩ có thể phát hiện ra các triệu chứng của hệ thần kinh như chèn ép rễ - tuỷ sống, bệnh lý thần kinh ngoại biên, thâm nhiễm thần kinh TW. Một số biến chứng nặng có thể phát hiện đồng thời như khối u chèn ép tuỷ sống. 

Chẩn đoán bệnh đa u tủy xương như thế nào?

Nếu bị nghi ngờ mắc ung thư máu, bạn sẽ phải trải qua hàng loạt các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán bệnh như sau:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Điện di protein huyết thanh
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Sinh thiết tủy xương 
  • Chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X Quang, chụp xạ hình xương, MRI, CT để xác định rõ mức độ tổn thương và xâm lấn (nếu có)

Bằng hàng loạt các chỉ định trên, bác sĩ sẽ loại trừ được ung thư máu với u xương do di căn ung thư, bệnh tiêu xương, loãng xương và bệnh máu có biểu hiện ở xương. 

Xét nghiệm máu là chỉ định không thể bỏ qua

Xét nghiệm máu là chỉ định không thể bỏ qua

Điều trị bệnh đa u tủy xương như thế nào?

Vì đa u tủy xương là bệnh hiểm nghèo không thể điều trị được nên mục tiêu của các phương pháp điều trị là kiểm soát diễn biến bệnh, giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống. 

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương pháp điều trị mới đã đem lại hiệu quả đẩy lùi bệnh lý hiệu quả, hỗ trợ đưa người bệnh trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường. 

Điều trị ban đầu

Trong giai đoạn đầu, đa số bệnh nhân sẽ được chỉ định hoá trị nhẹ và kết hợp dùng thuốc. Các loại thuốc được chỉ định bao gồm thuốc ức chế proteasome, điều hoà miễn dịch, kháng thể đơn dùng và corticoid,... Với những người bệnh có thể trạng tốt, bạn có thể được gạn ghép tế bào gốc tạo máu để lui bệnh. 

Điều trị tấn công - Ghép tế bào gốc tạo máu

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu vào cơ thể người bệnh. Đây là loại tế bào đặc biệt có chức năng tăng sinh, thay thế các tế bào cũ mất chức năng bằng các tế bào mới đầy đủ chức năng. Với bệnh nhân đa u tuỷ xương, ghép tế bào gốc tạo máu mới sẽ giúp khôi phục tế bào sống trong tuỷ xương sau quá trình điều trị diệt tuỷ để loại bỏ tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. 

Bệnh nhân có thể ghép tế bào gốc tạo máu từ tuỷ xương, máu ngoại vị hay máu dây rốn của mình. Hoặc bạn có thể được ghép tế bào gốc phù hợp từ người thân hoặc người có HLA phù hợp trong cộng đồng. 

Ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị hiện đại

Ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị hiện đại

Nếu may mắn đủ điều kiện ghép tế bào gốc và tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp, bệnh nhân sẽ được hoá trị liều cao trước để loại bỏ các tế bào bị tổn thương của cơ thể và suy yếu hệ miễn dịch để cơ thể không tấn công tế bào mới sau cấy ghép. Sau đó, bệnh nhân sẽ được thu thập tế bào gốc từ cơ thể chính mình hoặc người hiến và xử lý trước khi tiến hành cấy ghép. 

Quá trình cấy ghép tế bào gốc tạo máu tương tự như truyền máu. Các bác sĩ sẽ tiêm tế bào gốc vào tĩnh mạch gốc trung tâm của người bệnh. Khi vào đến cơ thể, các tế bào này sẽ di chuyển đến tủy xương, tạo ra các thành phần tạo máu mới để phục hồi tuỷ xương trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần theo dõi sát sao sau khi ghép để hạn chế các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu hoặc kích hoạt phản ứng đào thải của cơ thể. 

Điều trị tái phát

Trong một số trường hợp có tái phát, bệnh nhân sẽ được thực hiện điều trị theo phác đồ cá nhân hoá.

Chăm sóc người bệnh đa u tuỷ xương như thế nào

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, bạn nên chú ý chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh theo các chỉ dẫn sau đây: 

  • Giảm đau: Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định, cho người bệnh nghỉ ngơi, hạn chế vận động nếu cảm thấy đau nhiều. Tuyệt đối không xoa bóp, vận động mạnh tại các vị trí đau.
  • Thiếu máu: Nếu bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, hãy báo với bác sĩ càng sớm càng tốt và cho bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường
  • Xuất huyết: Nếu xuất hiện các nốt xuất huyết nhỏ trên tay, chân, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi tuyệt đối và tránh báo lại bác sĩ
  • Nhiễm trùng: Sốt 38 độ, môi khô, lưỡi bẩn, bạn nên lau người cho bệnh nhân bằng nước ấm và gọi bác sĩ

Dinh dưỡng cho người bệnh đa u tuỷ xương

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn vào quá trình phục hồi sức khoẻ của người bệnh. Với người bệnh ung thư máu luôn cảm thấy mệt mỏi và có biểu hiện thiếu máu thường trực, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm dưới đây vào bữa ăn cho bệnh nhân, bao gồm:

  • Chất đạm từ thịt gà, cá, trứng, sữa ít béo, đậu nành và các sản phẩm đậu nành. Nguyên nhân là các nguyên liệu này rất giàu acid amin giúp bệnh nhân hồi phục các tổn thương do bệnh gây ra và hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hệ miễn dịch
  • Rau quả giàu các chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và chất xơ cũng rất tốt cho bệnh nhân đang điều trị ung thư
  • Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, ngũ cốc, gạo lứt rất với thành phần chính là carbonhydrat. Thành phần này sẽ cung cấp năng lượng cần thiết cho bệnh nhân duy trì các hoạt động của cơ thể, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng suy kiệt.
  • Chất béo lành mạnh từ thực vật, cá cũng nên được ưu tiên để hỗ trợ cơ thể hấp thu tốt các loại vitamin tan trong đầu như A,D,E,K,...
  • Canxi từ thịt, cá, trứng, sữa, mỡ, củ cải và vitamin D 

Bạn nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu chất đạm

Bạn nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu chất đạm

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, tạm thời bạn không nên ăn các thực phẩm sau:

  • Thức ăn cay nóng, món ăn nhiều gia vị
  • Đồ sống như sushi, sashimi, hải sản sống, thịt sống,... có thể dễ khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn
  • Đồ uống có cồn và chứa các chất kích thích như rượu, bia,...
  • Thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều muối

Những lưu ý khác khi chăm sóc người bệnh đa u tuỷ xương

Trong cuộc sống hàng ngày, người bệnh nên ưu tiên nghỉ ngơi và điều dưỡng sức khoẻ. Không nên vận động nặng, mang vác nặng và nghỉ ngơi ngay nếu đau nhiều. Trong trường hợp được điều trị tại nhà, bạn vẫn phải uống thuốc đầy đủ và tái khám theo lịch hẹn, tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. 

Đồng thời, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để giữ trạng thái tinh thần tốt nhất. 

Có thể nói, đa u tủy xương là bệnh lý ác tính, vô cùng nguy hiểm và phải được phát hiện để kiểm soát sớm. Đặc biệt, với liệu pháp ghép tế bào gốc tạo máu hiện nay đã và đang đem đến hy vọng điều trị hiệu quả cao và trở lại cuộc sống bình thường.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Phường Đông Ngạc, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

92

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám