Điều gì xảy ra khi chúng ta không may mắc bệnh động mạch vành? Chắc chắn điều đầu tiên mà chúng sẽ làm là mất hàng giờ tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết về căn bệnh này. Thấu hiểu được điều đó, bài viết dưới đây của chúng tôi chính là cái nhìn tổng quát nhất về động mạch vành cũng như cung cấp cho bệnh nhân thông tin, dấu hiệu, phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả.
Thế nào là động mạch vành?
Có thể hiểu đơn giản động mạch vành hay suy mạch vành là tình trạng những mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị hẹp đi hoặc nghẽn do mảng xơ vữa. Từ đó, khiến lưu lượng từ máu đến tim giảm đi.
Động mạch vành bao gồm hai thể là bệnh động mạch vành mạn và hội chứng động mạch vành cấp:
- Hội chứng động mạch vành cấp: được xem là tình trạng bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định kết hợp nhồi máu cơ tim, xảy ra do mạch vành của người bệnh bị tắc nghẽn hoàn toàn hay do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối của bệnh nhân.
- Còn bệnh mạch vành mạn thường sẽ xảy ra âm thầm và phát triển trong nhiều thập kỷ. Triệu chứng xuất hiện và tăng dần khi hẹp mạch vành nặng lên trong một khoảng thời gian dài.
Động mạch vành có những nguyên nhân nào?
Nguyên nhân mà người bệnh thường gặp nhất của bệnh này chính là do mảng xơ vữa làm tắc nghẽn lòng động mạch vành. Những yếu tố thường được xem là nguy cơ chính dẫn đến tăng xơ vữa động mạch gồm: Hút thuốc lá, Rối loạn lipid ở máu, Tình trạng huyết áp của người bệnh cao,...
Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên bệnh
Dấu hiệu người mắc động mạch vành thường gặp
Những cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức hoạt động là dấu hiệu thường gặp nhất trong bệnh động mạch vành. Bệnh nhân sẽ có cảm giác nghẹn, nặng, bó, thắt, bóp nghẹt trong lồng ngực, thường ở sau xương úc hoặc bên ngực trái. Những tình trạng này xảy ra khi bệnh nhân gắng sức, đi bộ leo dốc cao, căng thẳng trong công việc, stress nặng và cơn đau kéo dài vài phút (từ 5-7 phút). Cơn đau sẽ thường lan đến cổ, hàm đến hai vai rồi cánh tay trái hay lan sau lưng. Đặc biệt các cơn đau thuyên giảm khi ngậm thuốc nitrate hoặc ngồi nghỉ.
Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút trở lên hoặc xảy ra lúc nghỉ thì bệnh nhân có khả năng bị nhồi máu cơ tim cấp và cần đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Ngoài ra còn vài dấu hiệu khác bao gồm:
- Bị hụt hơi
- Bị chóng mặt tức khắc
- Hồi hộp trong vấn đề nào đó khiến tim đập không đều,
- Khó thở hoặc gần ngất đi
Nghẹt ở ngực được xem là một dấu hiệu của bệnh
Vậy đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành?
Theo những thống kê của nhiều chuyên gia y tế trên thế giới, đối tượng dễ mắc bệnh này chủ yếu là nam giới trên trong độ tuổi 50 tuổi trở lên và nữ giới ở độ trên 55 tuổi. Thông thường nam giới sẽ dễ mắc bệnh mạch vành hơn phụ nữ. Nhưng sau khi mãn kinh xong, phụ nữ lại có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh động mạch vành
Động mạch vành có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho người mắc phải nó, cụ thể là:
- Đột tử: khoảng 30-50% người bệnh nhồi máu cơ tim cấp sẽ bị đột tử mà không kịp đến bệnh viện.
- Bệnh suy tim: đây là biến chứng nặng do bị đứt dây chằng van tim, sa lá van hay tâm thất trái cơ thể co bóp bất thường. Sau cùng làm cho tim của người bệnh ngày càng to ra và suy tim tiến triển nặng thêm.
- Hở van tim: sẽ nặng do đứt dây chằng ở van tim, sa lá van, ở dãn vòng van hay tâm thất trái co bóp một cách bất thường. Cuối cùng khiến tim của bệnh nhân ngày càng to ra và suy tim trở nên nặng thêm.
- Rối loạn nhịp tim
Biện pháp chẩn đoán động mạch vành
Để có thể chẩn đoán bệnh động mạch vành bác sĩ sẽ tiến hành hỏi tiểu sử của người bệnh, đưa ra các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh, đề nghị khám lâm sàng, nghe tim phổi cuối cùng kết hợp với những cận lâm sàng chuyên biệt nhằm giúp chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Những cận lâm sàng mà bệnh nhân cần làm để đánh giá cũng như chẩn đoán động mạch vành bao gồm: Đo điện tâm đồ, siêu âm tim Doppler màu, chụp X-quang tim phổi, chụp cắt lớp động mạch vành có cản quang, trắc nghiệm gắng sức, thông tim hay tiến hành chụp động mạch vành.
Các phương pháp để điều trị bệnh động mạch vành
Để điều trị bệnh động mạch vành bằng phương pháp nào sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh. Mọi phương pháp điều trị đều nhằm hướng đến mục tiêu cung cấp máu cho tim của người bệnh. Thêm vào đó còn làm giảm triệu chứng và kéo dài đời sống của bệnh nhân, bao gồm:
- Điều trị cơ bản trong mọi giai đoạn của bệnh là thay đổi lối sống hàng ngày và dùng thuốc phù hợp.
- Điều trị can thiệp bệnh gồm có những phương pháp như: nong, đặt stent mạch vành hay mổ bắc cầu mạch vành
Thay đổi lối sống hàng ngày
Bệnh nhân phải bỏ đi những thói quen xấu như ngừng hút thuốc lá hay hút vape, giảm rượu bia, thường xuyên tập thể dục đều đặn từ 1-2 tiếng các ngày trong tuần, tiến hành giảm cân nếu cận nặng dư hay béo phì, lên cho mình một chế độ ăn phù hợp với tim mạch.
Điều trị bằng thuốc phù hợp
Nếu phải điều trị bằng thuốc thì cần uống thuốc đều đặn và lâu dài, bao gồm những loại thuốc như: thuốc phòng chống kết tập tiểu cầu, thuốc nhằm hạ mỡ máu cũng như giảm xơ vữa động mạch, thuốc điều trị những bệnh đi kèm theo như cao huyết áp hay đái tháo đường hoặc thuốc chống thắt ngực…
Tiến hành can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent
Stent động mạch vành là các khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào bên trong lòng mạch với mục đích mở rộng lòng mạch bị hẹp cũng như giữ nó không hẹp lại.
Thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Với phương pháp này sẽ tiến hành dùng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch làm cầu nối để bắc qua vị trí mạch vành bị tổn thương cũng như nối phía sau đoạn hẹp; như vậy máu của bệnh nhân sẽ được cung cấp đến vùng cơ tim bị thiếu máu.
Sau khi đặt stent hoặc tiến hành mổ bắc cầu bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn. Ngoài ra cũng cần thay đổi lối sống để tránh bị tái hẹp hoặc tắc trong stent hay cầu nối mạch vành.
Cách phòng tránh bệnh động mạch vành
Duy trì lối sống lành mạnh
Như đã nói ở trên thì đây là cách phòng tránh hữu hiệu nhất để phòng các bệnh lý tim mạch mà trong đó bao gồm bệnh động mạch vành:
- Ngừng hẳn việc hút thuốc lá hay vape, tránh hút thuốc lá thụ động và giảm rượu bia
- Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu từ 1-2 tiếng mỗi ngày, các ngày trong tuần. Có thể luyện tập nhiều hình thức như: chạy bộ, đi bộ, chạy xe đạp, bơi, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền, bóng bàn, golf, tập thể dục nhịp điệu hoặc yoga, thiền,.. Và tiến hành lựa chọn tùy vào tình trạng sức khỏe mỗi người. Ngoài ra cần tránh căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày và công việc.
- Tiến hành giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì kết hợp một chế độ ăn tốt cho tim mạch của bệnh nhân.
Chạy bộ tăng cường sức khỏe để phòng chống động mạch vành
Phải điều trị tốt những bệnh lý đi kèm
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu bệnh nhân bị đái tháo đường
- Điều trị ổn định mỡ máu và huyết áp trong cơ thể
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh động mạch vành
Người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành không?
Có thể thấy đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người lớn tuổi, nhưng theo nhiều chuyên gia nghiên cứu gần đây nhóm đối tượng trẻ tuổi (đặc biệt là người ở trong độ tuổi từ 40-45) ngày càng mắc bệnh nhiều hơn. Nguyên nhân được chuyên gia đưa ra chủ yếu là do không luyện tập thể dục hàng ngày, tình trạng béo phì hay thừa cận diễn ra nhiều hay nhiều bạn trẻ hút thuốc và hút vape thường xuyên.
Người trẻ tuổi mắc bệnh thì cần dùng những loại thuốc nào?
Cũng giống như người ở độ tuổi trung niên mắc bệnh, giới trẻ cũng có thể sử dụng những loại thuốc như: thuốc phòng chống kết tập tiểu cầu, thuốc nhằm hạ mỡ máu cũng như giảm xơ vữa động mạch, thuốc điều trị những bệnh đi kèm theo như cao huyết áp hay đái tháo đường hoặc thuốc chống thắt ngực…
Những môn thể thao nào nên chơi khi mắc bệnh động mạch vành
Người mắc bệnh động mạch vành tùy vào tình trạng sức khỏe của bản thân có thể chơi những môn thể thao như: tập xe đạp, bơi, đánh cầu lông, tennis, đánh bóng chuyền, bóng bàn, golf hay tập thể dục nhịp điệu hoặc yoga.
Đạp xe đạp tăng cường sức khoẻ
Có thể thấy rằng, nhiều trường hợp bệnh động mạch vành không hề có triệu chứng rõ ràng nên lúc phát hiện đã muộn và thậm chí còn có thể gây tử vong do nhồi máu cơ tim. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để theo dõi sức khỏe tim mạch của bản thân, nhờ đó có thể phát hiện được bệnh cũng như điều trị sớm nhất.
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông bao gồm nhiều chuyên gia cùng các bác sĩ có chuyên môn cao về bệnh động mạch vành. Đồng thời Bệnh viện Phương Đông còn có hệ thống máy móc hiện đại giúp tìm ra bệnh chính xác. Ngoài ra còn hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật để diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, khách hàng có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông để được hỗ trợ nhé. Để đặt lịch khám, quý khách hàng vui lòng điền thông tin tại phần hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806.