Hen suyễn trong thai kỳ: Dấu hiệu, Mức độ ảnh hưởng và Cách điều trị

Ngọc Anh

12-06-2024

goole news
16

Hen suyễn trong thai kỳ là tình trạng không hiếm gặp trên lâm sàng, chiếm khoảng 3 - 8% phụ nữ mang thai. Mối quan hệ giữa hen suyễn và thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. 

Hen suyễn trong thai kỳ và các dấu hiệu nhận biết

Hen suyễn trong thai kỳ là gì?

Hen suyễn trong thai kỳ là tình trạng người phụ nữ có thai có đường thở bất thường (bị sưng, viêm) khiến người mẹ khó thở. Sự nguy hiểm của bệnh nằm ở chỗ nếu người mẹ không cung cấp đủ oxy cần thiết cho thai nhi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy thai
  • Đẻ non
  • Thai nhi chậm phát triển,...

Đồng thời, người mẹ cũng có thể bị tăng huyết áp đột ngột hoặc tiền sản giật. Cần lưu ý rằng các cơn hen có thể đến bất kỳ lúc nào, thường gặp nhiều nhất vào tháng thứ 6 của thai kỳ. 

(Hình 1 - Mẹ bị bệnh hen làm tăng nguy cơ sinh mổ và đẻ non)

(Hình 1 - Mẹ bị bệnh hen làm tăng nguy cơ sinh mổ và đẻ non)

Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn trong thai kỳ?

Một số mẹ bị hen suyễn từ khi còn nhỏ hoặc phát hiện ra trước khi mang thai. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y Tế (2022) thì hen suyễn trong thai kỳ có thể xảy ra ở 8% bà bầu, bao gồm cả những người không bị hen trước đó. Triệu chứng của bệnh hen có thể xuất hiện cả vào ngày lẫn, điển hình bởi 5 dấu hiệu như sau:

  • Khó thở, thở khò khè
  • Đau tức ngực
  • Ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
  • Bất thường trong hơi thở: thở nhanh, thở gấp
  • Dễ đổ mồ hôi, mặt tái, nhợt nhạt.  

Cảnh báo cách nhận biết hen suyễn trở nặng trong thai kỳ?

Để chủ động kiểm soát cơn hen kịp thời, các thai phụ mắc hen suyễn nên nắm rõ các dấu hiệu của cơn hen nặng sau đây: 

  • Khó nói
  • Khó thở khi nằm
  • Ho khạc nhiều đờm
  • Đổ mồ hôi nhiều và đột ngột, sắc mặt tím tái
  • Xuất hiện các cơn co kéo liên tục trên cơ ức - đòn - chũm. Có thể cảm thấy nặng ngực.
  • Nhịp thở nhanh bất thường (>30 lần/ phút)
  • Nhịp tim nhanh bất thường

(Hình 2 - Kiểm soát cơn hen rất quan trọng để bà bầu tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm)

(Hình 2 - Kiểm soát cơn hen rất quan trọng để bà bầu tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm)

Bị hen suyễn có nên mang thai: Đang bị hen suyễn có bầu có ảnh hưởng không?

Nguy cơ của hen suyễn lên sức khoẻ của mẹ và thai nhi phụ thuộc vào mức độ kiểm soát hen. Mang thai không làm cơn hen nặng lên, diễn biến có thể nhẹ đi, ổn định hoặc nặng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế mức độ ảnh hưởng của bệnh hen lên thai nhi vẫn khá lạc quan:

  • ⅓ các ca hen suyễn trong thai kỳ sẽ trải qua cơn hen nặng hơn
  • ⅓ ca bà bầu bị hen suyễn nhẹ hơn bình thường
  • ⅓ trường hợp, cơn hen không thay đổi so với trước khi có thai

Ảnh hưởng của hen suyễn trong thai kỳ tới người mẹ

Tăng huyết áp

Khi mang thai nguy cơ tăng huyết áp của mẹ bầu lớn hơn người bình thường và càng lên cao nếu mẹ mắc hen suyễn trong thai kỳ. Nếu mẹ bị tăng huyết áp nghiêm trọng hoặc lâu dài sẽ làm tổn thương các cơ quan. Do đó, nó dẫn đến một số biến chứng tiềm tàng về:

  • Suy tim trái
  • Đột quỵ não
  • Tiền sản giật và sản giật
  • Suy thận
  • Hội chứng HELP (tan máu, men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp)

Tiền sản giật

Mẹ có thể bị co giật toàn thân và tổn thương đa tạng như phù phổi, suy giảm chức năng gan hoặc suy giảm chức năng thận. Đáng chú ý là tiền sản giật có thể xuất hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc 6 tuần sau sinh. Đây là biến chứng sản khoa rất nguy hiểm nếu không được điều trị nhanh chóng có thể khiến người mẹ tử vong. thai nhi chậm phát triển hoặc chết thai. 

Ngoài ra, nếu người mẹ mắc hen suyễn trong thai kỳ thì khả năng thai phụ phải sinh mổ lấy thai cũng lớn hơn. 

(Hình 3 - Tiền sản giật có nguy cơ cao hơn với sản phụ hen suyễn)

(Hình 3 - Tiền sản giật có nguy cơ cao hơn với sản phụ hen suyễn)

Ảnh hưởng của hen suyễn trong thai kỳ tới thai nhi

Sinh non, thai nhẹ cân

Những thai phụ bị hen suyễn có nguy cơ tử vong chu sinh, sinh non hoặc nhẹ cân cao hơn người bình thường 15 - 20%. Tỷ lệ này có thể lên đến 30 - 100% nếu sản phụ bị hen nặng. Vì các trường hợp mẹ bị bệnh hen thường được chỉ định sinh mổ đẻ non nên em bé sinh ra nhẹ cân khá thường gặp. Trường hợp này gia đình không cần quá lo lắng, trừ khi em bé ra đời có cân nặng dưới 2,5 kg thì mới có nhiều khả năng phải đối mặt với:

  • Nguy cơ bé dễ mắc các bệnh về phổi (ngạt, viêm phổi)
  • Sức đề kháng kém, có thể bị hạ đường huyết trong nhiều tuần
  • Suy dinh dưỡng

(Hình 4 - Sinh ra nhẹ cân có thể khiến em bé có sức khoẻ yếu)

(Hình 4 - Sinh ra nhẹ cân có thể khiến em bé có sức khoẻ yếu)

Chậm phát triển

Hen suyễn thai kỳ không được kiểm soát đúng cách sẽ làm em bé sinh ra bị chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Chẳng hạn như chỉ số thông minh, chỉ số phối hợp nhìn - vận động, mức độ đọc của em bé sẽ thấp hơn so với bạn bè. 

Làm thế nào để điều trị hen suyễn cho sản phụ

Điều trị hen suyễn trong thai kỳ bằng thuốc

Đây là cách chữa hen suyễn cho bà bầu bắt buộc. Các chỉ định và loại thuốc sẽ được chỉ định theo bậc điều trị bệnh hen. Về thuốc, mẹ có thể yên tâm sử dụng bởi các chuyên gia Bộ Y Tế đã khẳng định: Lợi ích của việc dùng thuốc đúng cao hơn rất nhiều so với nguy cơ hen mất kiểm soát mang lại. 

Theo phân loại của FDA - Cục quản lý Thực phẩm Dược phẩm Hoa Kỳ có một số thuốc hen suyễn cho phụ nữ mang thai như sau:

  • Thuốc corticosteroid dạng hít, thuốc chủ vận beta 2, montelukast hoặc theophylline không ảnh hưởng bất thường đến thai nhi.
  • Thuốc Albuterol (Salbutamol) không làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Tuy nhiên tác dụng phụ là hạ đường huyết và nhịp tim nhanh.
  • Phối hợp thuốc corticosteroid dạng hít /LABA hỗ trợ kiểm soát cơn hen tốt
  • Thuốc LTRA ưu tiên cho thai phụ có bệnh hen nhẹ, dai dẳng. 

Thăm khám hen suyễn định kỳ và nhận tư vấn từ bác sĩ

Vì độ nguy hiểm của cơn hen phụ thuộc vào mức độ kiểm soát bệnh nên mẹ phải tái khám hàng tháng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong theo dõi chặt chẽ mức độ hen để kiểm soát cơn hen hiệu quả.

Phụ nữ mang thai bị hen suyễn nên đi khám định kỳ, đặc biệt nên tái khám thường xuyên vào cuối tháng 6 của thai kỳ để chẩn đoán sớm. Để chẩn đoán đợt kích phát hen, tránh khỏi cơn hen nặng, mẹ có thể được chỉ định:

  • Đo huyết áp
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Siêu âm thai thường xuyên

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tư vấn những kiến thức kiểm soát cơn hen để hỗ trợ mẹ, tránh gây hại cho thai nhi. 

(Hình 5 - Người mẹ bị hen suyễn phải đi khám sức khoẻ trước, trong và sau thai kỳ)

(Hình 5 - Người mẹ bị hen suyễn phải đi khám sức khoẻ trước, trong và sau thai kỳ)

Nâng cao chất lượng môi trường sống

Vì bệnh hen suyễn có thể bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài như mùi hương, bụi bẩn và thay đổi thời tiết. Vì thế, mẹ cần:

  • Vệ sinh môi trường sống thường xuyên, đảm bảo không gian sạch sẽ, thông thoáng
  • Tránh tiếp xúc với động vật nuôi, ngửi nước hoa, khói bụi hay các loại hoa
  • Tuyệt đối không ở trong môi trường có khói thuốc

Vận động nhẹ nhàng

Khi mang bầu, kể cả người mắc hen suyễn trong thai kỳ cũng nên vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ lưu thông đường thở, cải thiện sức khỏe. Một số môn thể thao thai phụ có thể thử là: đi bộ chậm, tập yoga cho bà bầu,...

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Một số mẹ thắc mắc về “hen suyễn nên kiêng khi mang thai?”. Về chế độ ăn, gia đình nên chú ý:

  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, E, Omega 3 và magie: rau xanh, ngũ cốc, cá thu, cá hồi, mật ong, dầu oliu,...
  • Tuyệt đối không ăn hay uống các thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống đóng chai, rượu bia, hải sản,...

Lưu ý quan trọng dành cho bà bầu bị hen suyễn

Cần chuẩn bị gì nếu bị hen suyễn khi mang thai?

Người mẹ bị hen suyễn nên lập kế hoạch mang thai và nhận tư vấn từ bác sĩ trước để có được thai kỳ khoẻ mạnh. Tương tự như các thai phụ khác, mẹ nên tiêm phòng sởi, quai bị, rubella, HBV trước khi mang thai. Về việc dùng thuốc điều trị hen suyễn, mẹ nên xin chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý dừng thuốc trong thai kỳ. 

Ngoài ra mẹ có thể chủ động mua lưu lượng đỉnh kể để kết hợp đo tại nhà để kiểm soát tình trạng bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu bị hen suyễn nên đo 2 lần/ ngày vào sáng, tối và mỗi lần đo cách nhau 12 giờ. 

Bà bầu bị hen suyễn có sinh thường được không?

Mẹ bị bệnh hen hoàn toàn có thể sinh thường nếu bệnh hen không quá nặng và được sự cho phép của bác sĩ

Bà bầu bị hen suyễn có cho con bú bằng sữa mẹ được không?

Mẹ có thể cho con bú sữa mẹ bình thường. Hơn nữa, việc này còn được ủng hộ bởi các bác sĩ chuyên khoa rằng, các em bé sinh ra từ mẹ bị hen được bú sữa mẹ có nguy cơ bị hen thấp hơn. 

(Hình 6 - Bà bầu bị hen suyễn có thể cho con bú bình thường)

(Hình 6 - Bà bầu bị hen suyễn có thể cho con bú bình thường)

Đồng thời, sản phụ đang cho con bú vẫn có thể dùng thuốc trị hen bình thường. Mặc dù các hoạt chất trong thuốc vẫn đi vào sữa mẹ nhưng nồng độ nhỏ nên không gây hại cho em bé. 

Thuốc hen suyễn cho phụ nữ mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Bộ Y Tế Việt Nam hiện tại chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc hen suyễn lên thai nhi. Vì mục tiêu chung là kiểm soát cơn hen, đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và con nên các mẹ dùng đúng thuốc, đúng chỉ định không cần lo lắng.

Có thể nói, hen suyễn trong thai kỳ phải được kiểm soát tốt và kịp thời. Nếu không, biến chứng hen suyễn thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của con. Hơn nữa, nguy cơ mắc bệnh hen của em bé khi sinh ra cao hơn trẻ khác nên việc khám và tái khám hen suyễn thường xuyên là hết sức cấp thiết!

58

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám