Khó thở hụt hơi có nguy hiểm không?
Khó thở hụt hơi là gì?
Khó thở hụt hơi (Shortness of breath) là trạng thái thở khó khăn, mất nhịp thở hoặc thở không kịp. Các triệu chứng đi kèm là thiếu oxy, mệt mỏi, tức ngực, hô hấp khó khăn và thở đứt quãng.
(Hình 1 - Người bị hụt hơi khó hô hấp hơn người bình thường)
Triệu chứng khó thở hụt hơi có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, từ tạm thời đến khi kéo dài. Để đánh giá được đây là hiện tượng sinh lý bình thường hay xuất phát từ các nguyên nhân khác, cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng này là chẩn đoán và điều trị đúng nguyên nhân.
Triệu chứng khó thở hụt hơi có nguy hiểm không?
Tuy là tình trạng thường thấy nhưng bệnh nhân không nên chủ quan. Nguyên nhân là khó thở hụt hơi xảy ra khi oxy trong máu giảm khiến cơ thể bị thiếu oxy. Nếu tình trạng này kéo dài, lượng oxy cung cấp cho não có thể sẽ không đủ dễ diễn biến thành suy giảm nhận thức tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đồng thời, nguy cơ các tổn thương của não: hoại tử não, đột quỵ não,... cũng lớn hơn bình thường.
7 triệu chứng khó thở hụt hơi phổ biến
Bạn có thể tự nhận biết triệu chứng khó thở hụt hơi qua các biểu hiện dưới đây:
- Thở gấp
- Đau tức ngực
- Nhịp thở nhanh, thở nông
- Tim đập nhanh bất thường
- Thở khò khè
- Ho
- Có cảm giác khó hoặc ngạt thở
Trong một số trường hợp, nếu vừa tập thể dục, mang vác vật nặng hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp thì bạn có thể thở chậm và khó hô hấp hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ không cảm thấy bị hụt hơi.
(Hình 2 - Người bị khó thở thường bị đau tức vùng ngực)
Nguyên nhân gây khó thở hụt hơi
Khó thở được cho là bình thường nếu bạn vừa vận động mạnh, tập thể thao quá sức. Nếu bị khó thở trong trường hợp này, khó thở hụt hơi sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, nếu khó thở xảy ra đột ngột mà không có lý do thì được coi là bất thường. Như đã đề cập đến ở trên, hiện tượng này xảy ra do hai nhóm nguyên nhân chính:
Nguyên nhân cơ học
- Stress, căng thẳng kéo dài
- Dị ứng với thực phẩm, thời tiết,... từ các tác nhân bên ngoài
- Tiếp xúc với CO do môi trường ô nhiễm, thoát ra từ nhà máy, công xưởng hoặc từ các đồ gia dụng: lò sưởi, lò nung, bếp lò, bếp than,...
- Bị nghẹn hoặc có dị vật gây cản trở đường thở
Nguyên nhân bệnh lý
Viêm phổi
Khi người bệnh bị viêm phổi tức virus và vi khuẩn đã xâm nhập, gây ra tình trạng sưng và viêm nhiễm ở các phế nang. Khi hệ hô hấp có vấn đề, người bệnh sẽ có xu hướng ho, khó thở hụt hơi. Cơn khó thở do viêm phổi gây ra còn kèm theo đau tức ngực khi hít thở sâu và hít thở ngắn.
Cần lưu ý rằng nếu bạn bị hụt hơi do viêm phổi thì rất nguy hiểm. Bởi nếu phổi không cung cấp đủ lượng oxy cho máu và không loại bỏ được CO2, bạn có thể bị suy hô hấp kéo theo suy nội tạng: tim, thận, gan,...
Thiếu máu
Thiếu máu xuất hiện khi người bệnh có ít hồng cầu hoặc hồng cầu không đủ hemoglobin - hoạt chất chịu trách nhiệm mang oxy từ phổi đến mọi cơ quan của cơ thể. Nếu nồng độ hemoglobin xuống thấp, người bệnh sẽ có xu hướng khó thở hụt hơi.
Đây là triệu chứng hàng đầu ở bệnh nhân thiếu máu bên cạnh hơi thở ngắn, mệt mỏi, chóng mặt, da tái nhợt và đau ngực.
(Hình 3 - Một số nguyên nhân thường gặp gây ra nhịp thở ngắn, hụt hơi)
Huyết áp thấp
Huyết áp là bệnh liên quan đến hệ tim mạch - cơ quan cung cấp oxy cho cả cơ thể. Khi huyết áp thấp, lượng oxy cung cấp cho cơ thể có thể không đủ. Hậu quả là phổi và tim phải tăng cường hoạt động để hỗ trợ hô hấp. Do đó, tim đập nhanh hơn bình thường khiến bệnh nhân khó thở, thở nhanh và thở không sâu.
Nếu gặp vấn đề liên quan đến đường thở do huyết áp thấp thì bệnh nhân nên tránh những nơi đông người, không khí ngột ngạt.
Thuyên tắc phổi
Đây là tình trạng các cục máu đông được hình thành từ tĩnh mạch chân hay cánh tay gây tắc mạch máu trong phổi. Triệu chứng khó thở hụt hơi của bệnh nhân bị thuyên tắc phổi là hơi thở ngắn, lo lắng, đau ngực và sưng tấy bắp chân.
Các trường hợp thuyên tắc phổi nặng sẽ cản trở sự lưu thông của tim đến phổi gây ra huyết áp thấp, ngất hoặc tử vong. Một số bệnh nhân có khả năng bị thuyên tắc phổi cao hơn bình thường, bao gồm:
- Phụ nữ có thai
- Bệnh nhân ung thư
- Người vừa phẫu thuật vùng đầu, gãy xương hoặc bất động trong thời gian dài
- Béo phì
(Hình 4 - Thuyên tắc phổi khiến phổi tổn thương, gây ra rối loạn nhịp thở)
Tràn khí màng phổi
Một số bệnh nhân sau tai nạn, va chạm hoặc chấn thương thể thao có thể bị tràn dịch màng phổi. Đồng thời, người bệnh mắc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay bệnh nhân AIDS cũng dễ bị tràn khí màng phổi hơn.
Các biểu hiện của tràn khí màng phổi, bao gồm khó thở hụt hơi, đổ mồ hôi nhiều, đau ngực đột ngột,...
(Hình 5 - Triệu chứng của bệnh nhân COPD bao gồm hụt hơi khó thở)
Bệnh lý tim mạch
Bên cạnh các bệnh về phổi liên quan trực tiếp đến hô hấp, bệnh tim như nhồi máu cơ tim cấp, thông liễn nhĩ, hẹp 2 lá, suy tim mạn,... cũng gây khó thở. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ mắc các bệnh tim mạch khiến nhịp tim nhanh, tức ngực, khó hô hấp và mệt mỏi cả ngày lẫn đêm.
Thoái hoá đốt sống cổ
Tưởng chừng như vô lý nhưng nếu bị thoái hoá đốt sống cổ sẽ khiến các dây chằng, mạch máu, dây thần kinh bị chèn ép do thoái hoá. Từ đó, máu không được lưu thông đến các cơ quan cần thiết khiến người bệnh bị khó thở hụt hơi, đau đầu, chóng mặt, ù tai.
Bệnh lý nguy hiểm khác
Một số bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, lao phổi, phù phổi, hen suyễn, Covid 19,... cũng gây tổn thương phổi dẫn đến hụt hơi.
Ai dễ bị khó thở hụt hơi?
Mặc dù triệu chứng khó thở hụt hơi là không hiếm thấy nhưng các đối tượng sau đây dễ mắc bệnh hơn:
- Phụ nữ trong thai kỳ: Khi mang thai, cơ hoành dải mô ngăn cách giữa tim và phổi với bụng tăng lên khiến thay đổi quá trình hô hấp. Đồng thời, nồng độ progesterone tăng cao khiến thai phụ phải thở nhanh hơn để lấy dưỡng khí cho thai nhi. Do đó, sản phụ hay bị hụt hơi.
- Người có tiền sử bệnh mạn tính: Các bệnh về gan, thận, phổi, đái tháo đường, huyết áp,... khiến người bệnh có thể gặp chứng khó thở.
- Trẻ sơ sinh: Bệnh đường hô hấp, dị tật đường thở, hít phải dị tật hay viêm nắp thanh quản sẽ khiến bé bị hụt hơi.
(Hình 6 - Phụ nữ trong thai kỳ là đối tượng dễ bị khó thở)
Khó thở nên làm gì?
Khó thở hụt hơi nên làm gì?
Nếu bị khó thở bạn có thể xử trí tạm thời tại nhà bằng cách:
- Thở sâu: Nằm ngửa, đặt 2 tay lên bụng và tập hút sau qua mũi, phình bụng để dồn không khí vào phổi. Nín thở sâu trong vài giây, thở chậm cho đến khi hết không khí. Lặp lại từ 5 - 10 phút.
- Thở mím môi
- Thả lỏng tư thế, nhô người về phía trước
- Hút hơi nước nóng, thêm vài giọt tinh dầu và xông để giúp thông mũi, thở dễ dàng hơn.
(Hình 7 - Nếu bị khó thở, người bệnh nên thở sâu để kiểm soát hơi thở)
Khi nào nên đi khám?
Tuy nhiên đây chỉ là cách xử lý tạm thời. Đối với trường hợp khó thở hụt hơi, bạn nên đi khám ngay nếu:
- Cảm thấy khó thở trong thời gian dài mà không rõ nguyên nhân
- Khó thở đột ngột nhưng rất nghiêm trọng
- Mất khả năng hoạt động
- Đau tức ngực
- Buồn nôn
- Không thở được khi thay đổi tư thế
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
- Sốt, ớn lạnh và ho
- Thở khò khè
Triệu chứng khó thở hụt hơi là của bệnh gì? Làm thế nào để chẩn đoán?
Chỉ riêng triệu chứng khó thở hụt hơi thì chưa thể đánh giá được cụ thể về tình trạng bệnh lý. Để chẩn đoán nguyên nhân, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện:
- Chụp X quang phổi sẽ đánh giá được tình trạng phổi và phát hiện các nguyên nhân gây khó thở như tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phổi,...
- Chụp CT phổi phản ánh rõ ràng các mặt cắt của phổi và mức độ tổn thương. Do đó, các bác sĩ được hỗ trợ chẩn đoán chính xác về khối u, tình trạng phế quản và các bệnh lý màng phổi liên quan.
- Điện tâm đồ (ECG) tìm kiếm nguyên nhân của triệu chứng khó thở từ tim.
- Xét nghiệm đo xoắn ốc bổ trợ đo dung tích phổi và đo lường đường không khí để xác định các vấn đề liên quan đến hô hấp.
- Xét nghiệm máu đánh giá nồng độ oxy trong máu và khả năng vận chuyển oxy của máu.
(Hình 8 - Chụp CT phổi 128 dãy cho bệnh nhân tại BVĐK Phương Đông)
Cách điều trị triệu chứng khó thở hụt hơi
Thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt
Đây sẽ là biện pháp hỗ trợ bên cạnh các can thiệp y khoa, cụ thể người bệnh cần:
- Duy trì cân nặng, tránh béo phì, thừa cân
- Xây dựng thực đơn lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ nước. Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều gia vị và đồ ăn chứa chất kích thích
- Tập thể dục nhẹ nhàng 15 - 30 phút/ ngày với tần suất 3 ngày/ tuần.
Phục hồi chức năng phổi
Đây là chỉ định dành cho bệnh nhân COPD hoặc có một số bất thường về phổi khác. Bạn có thể phải thở oxy kết hợp liệu trình phục hồi chức năng phổi như kỹ thuật thở,... giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.
Phục hồi chức năng tim
Nếu nguyên nhân khiến bạn khó thở hụt hơi là do chức năng tim hay tim bạn quá yếu thì bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện phương pháp này.
Làm thế nào để không bị khó thở hụt hơi?
Bạn có thể chủ động phòng tránh khó thở, bằng cách thực hiện các biện pháp phòng tránh đơn giản tại nhà như
- Không hút thuốc lá: Trong khói thuốc có hơn 7000 chất độc với ít nhất 69 chất có thể gây ung thư cho phổi, phế quản.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Đánh giá chức năng và trạng thái của các cơ quan trong cơ thể là hết sức cần thiết để chẩn đoán chính xác và điều trị dứt điểm khi các bệnh lý còn chưa diễn biến phức tạp.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại: Hãy đeo khẩu trang và đồ bảo hộ khi ra đường. Đồng thời hạn chế đi lại, làm việc ở môi trường có chất lượng không khí kém.
(Hình 9 - Đeo khẩu trang khi ra đường, đi làm, đi đến nơi công cộng là hết sức cần thiết)
Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ khám hô hấp uy tín tại Hà Nội thì Khoa Hô hấp BVĐK Phương Đông là một sự lựa chọn sáng giá. Quy trình khám lâm sàng, xét nghiệm, đọc kết quả và lấy thuốc nhanh chóng giúp giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.
Đồng thời, hệ thống trang thiết bị y tế hàng đầu và đội ngũ bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ phối hợp đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, phù hợp với từng bệnh nhân. Nếu bạn đang lo lắng về chi phí thì Phương Đông thường xuyên hỗ trợ khách hàng qua các chương trình ưu đãi, chính sách thanh toán kết hợp bảo hiểm giúp người bệnh đảm bảo quyền lợi tối đa khi thăm khám.
Tóm lại, khó thở hụt hơi là dấu hiệu thường gặp khi mắc các bệnh lý tim phổi. Các trường hợp khó thở đột ngột hoặc khó thở lâu ngày không rõ nguyên nhân nên đi thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa theo sát và điều trị dứt điểm.