Kích thước thai nhi chuẩn nhất qua từng tuần

Trần Hồng Nụ

27-01-2021

goole news
16

Theo dõi cân nặng và chiều cao của thai nhi ngay từ những tháng đầu thai kỳ giúp cha mẹ nắm bắt được sự phát triển của bé. Từ đó giúp các mẹ bầu điều chỉnh lối sống sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp và khoa học hơn. Bài viết sau chia sẻ các thông tin về bảng kích thước thai nhi theo tuần để mẹ bầu có thể tham khảo. 

Bảng kích thước thai nhi theo từng tuần tuổi

Kích thước dài rộng cũng như cân nặng chuẩn của thai nhi sẽ được xác định qua từng thời kỳ bằng cách thực hiện sau:

  • Thai nhi 8 đến 19 tuần tuổi: Chiều dài thai nhi được xác định từ vị trí đầu đến mông. Trong giai đoạn này và cả thời điểm trước đó, bé luôn ở tư thế cuộn tròn mình trong bào thai nên rất khó để đo kích thước, cân nặng của thai nhi. Chính vì vậy lúc này, chiều dài đo được còn có tên gọi khác là chiều dài đầu mông.
  • Thai nhi 20 đến 42 tuần tuổi: chiều bào thai được đo từ vị trí đầu đến gót chân. Lúc này, các bà bầu có thể quan sát thấy sự tăng dần đều về kích thước cũng như cân nặng thai nhi thông qua các hình ảnh siêu âm.

Đáng chú ý, theo các bác sĩ, từ 32 tuần trở đi, cân nặng và chiều dài của thai nhi sẽ phát triển tối đa. Bên cạnh đó, những đường nét cuối cùng trên cơ thể bé cũng đang dần được hoàn thiện.

Dưới đây là bảng kích thước thai nhi được các định theo từng tuần tuổi mà tổ chức y tế thế giới WHO vừa đưa ra. 

Kích thước thai nhi
Bảng kích thước thai nhi chuẩn theo từng tuần của WHO

Bảng kích thước thai nhi dựa trên ba cột mốc phát triển quan trọng nhất của trẻ là 12 tuần, 20 tuần và 32 tuần. Ba cột mốc này cũng tương ứng với ba giai đoạn thai kỳ của người mẹ là tam cá nguyệt thứ nhất, tam cá nguyệt thứ hai và cuối cùng là tam cá nguyệt thứ ba.

Trên thực tế, bảng chỉ số kích thước thai nhi đang dừng lại ở mức trung bình.  Chính vì vậy, trong từng trường hợp, em bé có thể nặng hơn, cao hơn hay nhẹ hơn, thấp hơn so với mức tiêu chuẩn.

Chi tiết về sự phát triển của thai nhi theo từng tuần tuổi

Thai nhi qua các tuần sẽ có sự thay đổi, dù trải qua khoảng 38 tuần trong bụng mẹ nhưng độ dài trung bình của thai kỳ sẽ được tính là 40 tuần. Lý do là bởi thai kỳ sẽ được tính từ ngày đầu tiên chu kỳ kinh cuối cùng của người mẹ, chứ không phải là ngày thụ thai, xảy ra vào khoảng 2 tuần sau đó. Dưới đây là thông tin chi tiết về kích thước thai nhi theo tuần tuổi và sự phát triển của em bé theo từng tuần.

Kích thước thai nhi thay đổi theo từng tuần tuổi

Kích thước thai nhi thay đổi theo từng tuần tuổi

  • Tuần thai 1: Thực tế, sự phát triển của thai nhi tuần đầu tiên chính là kỳ kinh nguyệt của chị em. Lý do là bởi ngày dự sinh sẽ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, vì thế tuần này sẽ được tính là một phần thai kỳ 40 tuần của bạn.
  • Tuần thai 2: Gần cuối tuần thai này, quá trình thụ tinh của tinh trùng với trứng sẽ diễn ra. 
  • Tuần thai 3: Sau khi thụ thai, hợp tử sẽ đào sâu vào niêm mạc tử cung và được gọi là phôi nang. 
  • Tuần thai 4: Em bé lúc này có kích thước nhỏ hơn một hạt gạo. Bên cạnh đó các tế bào phân chia một cách nhanh chóng để hình thành hệ thống cơ thể khác nhau. 
  • Tuần thai 5: Thời điểm này sẽ tập trung phát triển hệ thống thần kinh trung ương (gồm não và tủy sống).
  • Tuần thai 6: Em bé ở tuần thai này sẽ có kích thước chiều dài khoảng 3mm. 
  • Tuần thai 7: Phôi thai phát triển thành túi ối và nhau thai, trong đó nhau thai chui vào thành tử cung để có thể tiếp cận chất dinh dưỡng và oxy từ máu của mẹ truyền sang. 
  • Tuần thai 8: Kích thước thai nhi 8 tuần tuổi khoảng 1.3cm, trong tuần này phần tủy sống sẽ phát triển nhanh chóng.
  • Tuần thai 9: Thời điểm này miệng, mắt, lưỡi sẽ được hình thành, bên cạnh đó các cơ nhỏ sẽ cho phép phôi thai bắt đầu di chuyển.
  • Tuần thai 10: Phôi thai ở tuần này được gọi là bào thai, kích thước khoảng 2.5cm. Các cơ quan trong cơ thể được hình thành, ngón tay và ngón chân phát triển, bộ não hoạt động và có sóng não. 
  • Tuần thai 11: Trái tim của bé phát triển hơn và răng cũng đang dần xuất hiện ở trong nướu.
  • Tuần thai 12: Ở tuần thai này, mẹ bầu nên làm xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra hội chứng Down và hội chứng Edward. Thời điểm này các ngón chân, ngón tay đã có thể nhận biết được.
  • Tuần thai 13: Tuần thai này, thai nhi thường có kích thước chiều dài là hơn 7cm. 
  • Tuần thai 14: Thai nhi đã có dây thanh quản, vì thế bé có thể khóc nhẹ. Một vài em bé có thể mút ngón tay cái của mình ở tuần này. 
  • Tuần thai 15: Chiều dài thai nhi tuần này khoảng 14cm, ngoài ra lông mày, lông mi đã bắt đầu xuất hiện. 
  • Tuần thai từ 18 - 20: Trong tuần thai này, mẹ bầu có thể quan sát thấy hiện tượng nấc cụt ở thai nhi thông qua siêu âm. Ở thời điểm này, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các bất thường về cấu trúc hoặc vị trí của bánh nhau. 
  • Tuần thai 24: Em bé ở tuần thai này thường có chiều dài khoảng 33cm. Phần mí mắt hợp nhất giờ đây đã tách biệt thành mi trên và mi dưới, giúp em bé của bạn có thể nhắm và mở mắt. 
  • Tuần thai 28: Em bé của bạn thời điểm này thường nặng khoảng 1kg, và có kích thước chiều dài từ đầu đến chân khoảng 37cm.
  • Tuần thai 32: Em bé thường dành nhiều thời gian để ngủ, ngoài ra, các chuyển động của bé thường mạnh mẽ hơn. 
  • Tuần thai 36: Bé đã có chiều dài khoảng 46cm, thời điểm này bé thường néo đầu vào xương chậu của người mẹ để sẵn sàng cho sự ra đời. 
  • Tuần thai 40: Em bé sẽ có chiều dài khoảng 51cm và đã sẵn sàng cho sự chào đời. 

Những yếu tố chính tác động tới kích thước thai nhi

Yếu tố nào có thể tác động tới kích thước của thai nhi là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Trong toàn bộ thai kỳ, nhiều điều dù là khách quan hay chủ quan có thể tác động đến chiều cao, cân nặng của em bé. Trong đó có 4 yếu tố chính là:

  • Yếu tố di truyền: Gen di truyền cha mẹ quyết định nhiều đến kích thước thai nhi. Chính vì thế mà chỉ số cân nặng, chiều cao em bé sẽ có sự khác nhau tùy theo cha mẹ, dân tộc và cả quốc gia.
  • Số lượng bào thai: Nếu mẹ bầu mang song thai hay đa thai thì kích thước của bào thai thường thấp hơn khi đối chiều với bảng cân nặng chuẩn.
  • Sức khỏe của người mẹ: Nếu Người mẹ vốn dĩ không khỏe hay đang mắc một số bệnh thì kích thước thai nhi có thể không đạt chuẩn. Đáng chú ý, người bị tiểu đường hay béo phì, em bé sinh ra thường to lớn hơn bình thường. Trong trường hợp mẹ bầu tăng cân quá ít trong khi mang thai, thì bé cũng có thể bị suy dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu là yếu tố ảnh hưởng tới kích thước của thai nhi

Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu là yếu tố ảnh hưởng tới kích thước của thai nhi

  • Thứ tự sinh con: Thông thường, con đầu lòng thường nhẹ cân hơn so với với con thứ. Hoặc con thứ cũng có thể nhẹ cân hơn con đầu nếu khoảng cách giữa hai lần sinh này là quá ngắn, chưa kịp để người mẹ hồi lại sức lực.

Phải làm gì khi kích thước thai nhi theo tuần không đạt chuẩn?

Làm thế nào khi kích thước thai nhi theo tuần không đạt chuẩn là băn khoăn của nhiều mẹ bầu. Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia:

Cân nặng thai nhi vượt chuẩn

Nếu thai nhi có cân nặng vượt chuẩn thì mẹ bầu nên xem xét lại chế độ ăn uống và vận động mỗi ngày của mình. Việc ăn quá nhiều tinh bột, đồ nhiều mỡ, hay nhiều đường nhưng lại lười vận động khi mang thai chính là nguyên nhân khiến thai nhi thừa cân. 

Bên cạnh đó, thói quen này cũng không tốt cho cả chính người mẹ, bởi nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, huyết áp cao hay mỡ máu,... Thai nhi quá to cũng cản trở đáng kể tới quá trình sinh nở. Thông thường trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ sinh mổ để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.

Cân nặng thai nhi nhẹ hơn mức chuẩn

Theo các chuyên gia, thông thường những thai nhi nhẹ cân hơn bình có nguy cơ cao bị ngạt thở ngay trong quá trình sinh. Ngoài ra, khi chào đời, sức đề kháng của bé cũng yếu hơn bình thường nên rất dễ mắc các bệnh lý về máu, hô hấp. Bên cạnh đó, trẻ cũng thường kém thông minh và khả năng vận động bị chậm hơn so với các trẻ đủ cân. 

Thai nhi nhẹ cần dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp khi sinh ra

Thai nhi nhẹ cần dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp khi sinh ra

Thai nhi nhẹ cân chủ yếu xuất phát từ việc mẹ bầu không chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng. Việc ăn không đủ các dưỡng chất hoặc tẩm bổ thường xuyên nhưng lại thiếu khoa học là tình trạng mà khá nhiều bà bầu mắc phải. 

Ngoài ra, với những thai phụ mắc bệnh mãn tính, bầu đa thai cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cân nặng của thai nhi. Do vậy, để hạn chế tình trạng thai nhi có cân nặng nhẹ hơn mức chuẩn, các bà bầu nên thực hiện một chế độ ăn khoa học dinh dưỡng cũng như bổ sung các vitamin thiết yếu cho cơ thể cả mẹ và bé.

Việc khám thai định kỳ cũng là cách tốt để kiểm soát cân nặng của thai nhi. Thông qua các chỉ số đo đạc, siêu âm thai, bạn có thể phần nào phát hiện ra những vấn đề bất thường của bé để sớm khắc phục. 

Trên đây là toàn bộ những thông tin về kích thước thai nhi chuẩn nhất qua từng tuần. iệc em bé chậm tăng cân và thậm chí là không tăng trong nhiều tuần liên tiếp đều là những dấu hiệu mà bạn nên lưu tâm.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
13,782

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám