Mất khứu giác nguy hiểm như thế nào? Có điều trị khỏi được không?

Ngọc Anh

22-04-2025

goole news
16

Khứu giác đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống giác quan, không chỉ giúp con người cảm nhận mùi hương mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cơ thể và duy trì chất lượng sống. Mất khứu giác có thể là triệu chứng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ viêm nhiễm đơn giản đến các tổn thương thần kinh phức tạp. Việc chẩn đoán sớm, xác định nguyên nhân cụ thể và lựa chọn phương pháp điều trị sẽ tăng cơ hội phục hồi khứu giác cho bệnh nhân. 

Mất khứu giác là gì?

Mất khứu giác là tình trạng giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng cảm nhận mùi – một rối loạn tưởng chừng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Theo Hiệp hội Tai Mũi Họng Việt Nam (2025), hiện có khoảng 1–2% dân số đang gặp phải tình trạng này với nhiều mức độ khác nhau.

Mất khứu giác là gì? Đây là tình trạng mất một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận mùi

Mất khứu giác là gì? Đây là tình trạng mất một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận mùi

Tình trạng này được phân loại thành các trường hợp như sau:

  • Giảm khứu giác (hyposmia): chỉ còn cảm nhận một phần mùi.
  • Mất khứu giác hoàn toàn (anosmia): không còn cảm nhận bất kỳ mùi nào.
  • Khứu giác sai lệch (parosmia): cảm nhận mùi không chính xác
  • Ảo khứu (phantosmia): ngửi thấy mùi không tồn tại.

Lý giải cho tình trạng mất khứu giác, cơ chế cảm nhận mùi bắt đầu từ các tế bào thụ cảm ở niêm mạc mũi, truyền tín hiệu qua dây thần kinh khứu đến não. Biết rằng, mũi người có khoảng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi và khoảng 1000 gen khác nhau và mỗi thụ thể chỉ phân tích, ngửi được một số mùi nhất định. Trong khi đó, bất kỳ tổn thương nào trong chuỗi tế bào thụ cảm - dây thần kinh - gen đều có thể dẫn đến rối loạn khứu giác.

Dù thường bị xem nhẹ, nhưng mất khứu giác có thể khiến người bệnh khó thưởng thức món ăn, giảm khả năng phát hiện nguy hiểm như khói, gas hay phân biệt thực phẩm hỏng. Đáng chú ý, nghiên cứu từ Đại học Y Hà Nội (2/2025) cho thấy người bị mất khứu giác có nguy cơ trầm cảm cao hơn 27%.

Nguyên nhân phổ biến gây mất khứu giác

Theo nghiên cứu từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương năm 2025, hơn 70% trường hợp mất khứu giác có thể được xác định nguyên nhân cụ thể và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.

Các nguyên nhân phổ biến được nhắc đến như sau:

Tắc nghẽn niêm mạc bên trong mũi

Một trong những lý do phổ biến khiến bạn không còn ngửi thấy mùi là do niêm mạc bên trong mũi bị viêm hoặc sưng. Khi đó, các phân tử mùi không thể đi đến vùng cảm nhận mùi trong mũi, làm giảm hoặc mất khả năng nhận biết mùi hương.

Viêm mũi dị ứng là một trong số các nguyên nhân phổ biến nhất gây mất khả năng ngửi

Viêm mũi dị ứng là một trong số các nguyên nhân phổ biến nhất gây mất khả năng ngửi

Tình trạng này thường gặp nhất ở người bị viêm mũi dị ứng – khi cơ thể phản ứng với các chất như phấn hoa, lông thú cưng hay bụi nhà. Mũi sẽ bị sưng lên, tiết nhiều dịch nhầy và gây nghẹt mũi. Theo thống kê của Viện Tai Mũi Họng năm 2025, có tới 32% trường hợp mất khứu giác tạm thời là do phản ứng dị ứng gây ra.

Ngoài ra, cảm lạnh, cúm, viêm xoang cũng có thể làm niêm mạc mũi bị viêm, làm tăng tiết dịch và gây nghẹt mũi. Một số loại virus như Rhinovirus – thủ phạm gây cảm lạnh có thể làm mất khứu giác kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, dù các triệu chứng khác đã khỏi hẳn.

Cản trở đường mũi

Ngoài vấn đề niêm mạc, mất khứu giác cũng có thể đến từ các cản trở vật lý trong mũi, chiếm khoảng 25% trường hợp. Khi luồng khí không thể lưu thông dễ dàng, các phân tử mùi không tiếp cận được vùng khứu giác và bạn sẽ không ngửi thấy mùi rõ như bình thường.

Vẹo vách ngăn mũi là bất thường giải phẫu phổ biến nhất. Vách ngăn bị lệch sẽ làm luồng khí vào mũi bị lệch theo, ảnh hưởng đến khả năng ngửi mùi. Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, có đến 18% người trưởng thành bị lệch vách ngăn, và khoảng 5% trong số đó gặp vấn đề với khứu giác.

Các loại polyp, bất thường vách ngăn mũi có thể khiến người bệnh tạm thời không ngửi thấy mùi hương

Các loại polyp, bất thường vách ngăn mũi có thể khiến người bệnh tạm thời không ngửi thấy mùi hương

Polyp mũi cũng là thủ phạm không thể bỏ qua. Đây là các khối u lành tính mọc trong mũi do viêm mạn tính hoặc dị ứng kéo dài. Nếu chúng phát triển lớn, có thể che chắn hoàn toàn vùng khứu giác, khiến việc nhận biết mùi trở nên vô cùng khó khăn.

Tổn thương não hoặc dây thần kinh

Khứu giác hoạt động được là nhờ dây thần kinh khứu giác truyền tín hiệu từ mũi lên não. Nếu những cấu trúc này bị tổn thương, bạn có thể mất khứu giác lâu dài hoặc thậm chí vĩnh viễn.

Chấn thương đầu là nguyên nhân khá thường gặp. Khi bị va đập mạnh, các sợi thần kinh nối mũi với não có thể bị tổn thương hoặc đứt. Theo Hội Thần kinh học Việt Nam, khoảng 15–20% người bị chấn thương sọ não ở mức độ trung bình đến nặng sẽ gặp vấn đề với khứu giác.

Bên cạnh đó, các bệnh lý thần kinh như Parkinson hoặc Alzheimer cũng gây suy giảm khứu giác – thậm chí có thể là dấu hiệu đầu tiên xuất hiện trước khi có các triệu chứng khác. Nghiên cứu từ Viện Khoa học Thần kinh cho thấy hơn 85% người bệnh Parkinson và 70% người mắc Alzheimer giai đoạn đầu đều bị giảm khả năng ngửi mùi.

Các nguyên nhân khác

Một số yếu tố khác ít phổ biến hơn nhưng vẫn cần được chú ý, đặc biệt trong quá trình thăm khám như sau:

  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc như kháng sinh nhóm macrolide, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), hoặc thuốc điều trị huyết áp có thể ảnh hưởng đến khả năng ngửi mùi. 
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Làm việc trong môi trường có nhiều formaldehyde, benzene hoặc kim loại nặng có thể làm tổn thương tế bào khứu giác. Người lao động tiếp xúc thường xuyên với hóa chất có nguy cơ bị rối loạn khứu giác cao hơn tới 37% so với người bình thường.

Triệu chứng nhận biết mất khứu giác

Dấu hiệu rõ ràng nhất là bạn không ngửi được mùi hoặc không ngửi thấy mùi quen thuộc như trước. Ban đầu, có thể bạn chỉ gặp khó khăn khi phân biệt các mùi nhẹ như mùi trái cây, mùi nước hoa… nhưng về sau sẽ không còn ngửi thấy cả mùi thức ăn hay mùi hóa chất.

Thức ăn trở nên nhạt vị cũng là một biểu hiện thường gặp. Nhiều người cho biết họ phải thêm rất nhiều gia vị hoặc thay đổi thói quen ăn uống vì không còn cảm thấy ngon miệng như trước, do khứu giác đóng vai trò lớn trong việc cảm nhận hương vị.

Một số trường hợp còn bị rối loạn khứu giác (parosmia), nghĩa là mùi hương quen thuộc lại bị biến đổi thành mùi khó chịu. Ví dụ, mùi cà phê có thể bị cảm nhận như mùi cháy khét hoặc mùi rác. Hiện tượng này thường xuất hiện nếu người bệnh đang trong quá trình hồi phục sau khi bị nhiễm virus đường hô hấp.

Phương pháp chẩn đoán mất khứu giác

Để đánh giá chức năng khứu giác của bệnh nhân, bác sĩ có thể thực hiện các chỉ định nyhuw sau:

  • Nội soi tai mũi họng: Giúp bác sĩ quan sát rõ tình trạng niêm mạc, phát hiện các bất thường như viêm, polyp, hay vẹo vách ngăn.
  • Các bài kiểm tra khứu giác chuyên biệt như UPSIT hoặc Sniffin’ Sticks giúp đo mức độ nhận biết mùi, từ đó đánh giá chính xác tình trạng khứu giác.
  • Chẩn đoán hình ảnh (CT scan hoặc MRI): Trong những trường hợp nghi ngờ tổn thương sâu bên trong, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp này. CT giúp đánh giá cấu trúc mũi xoang, còn MRI có thể phát hiện tổn thương ở não hoặc dây thần kinh khứu giác. 

Bác sĩ có thể đánh giá khả năng ngửi của bệnh nhân vào các bài kiểm tra 

Bác sĩ có thể đánh giá khả năng ngửi của bệnh nhân vào các bài kiểm tra 

Đối tượng dễ bị mất khứu giác

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng có một số nhóm người có nguy cơ cao hơn:

  • Người cao tuổi: Quá trình lão hóa tự nhiên làm giảm độ nhạy của khứu giác. 
  • Người làm việc trong môi trường độc hại: Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hoặc bụi kim loại, khả năng bị tổn thương khứu giác tăng lên đáng kể.
  • Người mắc bệnh lý mạn tính: Các bệnh viêm mũi mạn tính, viêm xoang,... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thần kinh, từ đó làm giảm khả năng nhận biết mùi.

Ngoài ra, nữ giới có nguy cơ bị mất khứu giác lớn hơn nam giới.

Các phương pháp điều trị mất khứu giác

Việc điều trị mất khứu giác sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nặng nhẹ của tình trạng. Theo hướng dẫn mới nhất từ Hội Tai Mũi Họng Việt Nam năm 2025, mỗi người bệnh cần được thăm khám và đánh giá tình trạng khứu giác để có phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu mất khứu giác do các bệnh lý như viêm xoang hay dị ứng, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc xịt chứa corticosteroid, thuốc kháng histamine hoặc thuốc giảm sung huyết để giảm viêm và giúp phục hồi lại chức năng ngửi.

Với những trường hợp khứu giác bị ảnh hưởng do cấu trúc trong mũi bị cản trở, như polyp mũi hay vẹo vách ngăn, thì phẫu thuật thường là lựa chọn hiệu quả. Phẫu thuật nội soi giúp làm thông thoáng đường thở, từ đó tăng cường khả năng nhận biết mùi cho người bệnh.

Cách phòng ngừa mất khứu giác

Bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh mất khứu giác bằng các biện pháp như sau:

  • Rửa mũi bằng nước mũi sinh lý, chủ động giữ ẩm cho niêm mạc mũi
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm như khói thuốc lá, khí thải xe cộ, hóa chất... 
  • Đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi ô nhiễm, và tuyệt đối tránh khói thuốc lá, kể cả hút chủ động hay bị động.

Ngoài ra, việc điều trị kịp thời các bệnh lý như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp trên cũng rất quan trọng. Nếu để các bệnh này kéo dài, chúng có thể làm tổn thương lớp niêm mạc mũi và khiến khứu giác bị ảnh hưởng lâu dài. 

Bác sĩ có thể đánh giá khả năng ngửi của bệnh nhân vào các bài kiểm tra

Bác sĩ có thể đánh giá khả năng ngửi của bệnh nhân vào các bài kiểm tra

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn bỗng nhiên mất khứu giác mà không có lý do rõ ràng, đặc biệt là không kèm theo các dấu hiệu cảm cúm hay viêm mũi xoang, thì đó là lúc cần đi khám ngay.

Một trường hợp khác cũng cần chú ý là khi tình trạng mất khứu giác kéo dài hơn 2 tuần, ngay cả khi các triệu chứng cảm hay viêm mũi đã hết. Thông thường, khứu giác sẽ hồi phục trong khoảng 7-14 ngày sau khi khỏi cảm. Nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn có thể tiềm ẩn các nguyên nhân sâu xa.

Ngoài ra, nếu bạn bị mất khứu giác kèm theo các dấu hiệu lạ như đau đầu dữ dội, mờ mắt, chảy dịch mũi chỉ một bên, hay có những thay đổi trong hành vi, cảm xúc... thì cần đi khám gấp. Đây có thể là biểu hiện của những tình trạng nghiêm trọng như u não, chấn thương sọ não hoặc nhiễm trùng thần kinh trung ương, không nên chậm trễ.

Câu hỏi thường gặp

Mất khứu giác có chữa khỏi được không?

Câu trả lời là có, nhưng còn tùy vào nguyên nhân cụ thể. Nếu mất khứu giác do viêm mũi xoang, dị ứng hay tắc nghẽn cơ học, khả năng phục hồi là rất cao. Những người bị mất khứu giác do viêm nhiễm thường phục hồi tốt khi dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh hoặc thuốc giảm dị ứng. 

Ngược lại, nếu mất khứu giác bẩm sinh thì người bệnh hầu như không có khả năng ngửi được suốt đời. 

Mất khứu giác bị cảm bao lâu mới hết?

Thông thường, khứu giác sẽ bắt đầu trở lại sau khoảng 7 đến 14 ngày tính từ khi các triệu chứng cảm cúm đã hết. Nhưng thời gian hồi phục cũng có thể thay đổi tuỳ vào thể trạng mỗi người, mức độ viêm và cách chăm sóc sau đó. Nếu bạn thấy tình trạng này kéo dài hơn, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng hơn nhé.

Không ngửi được mũi là bị gì?

Đây là biểu hiện điển hình của tình trạng mất khứu giác hoàn toàn, do nhiễm trùng cảm lạnh hoặc cảm cúm,...

Có thể nói, mất khứu giá là tình trạng không thể xem nhẹ, bởi nó ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Do đó, việc giữ gìn sức khỏe mũi xoang, tránh các yếu tố gây hại và đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường là rất quan trọng giúp bạn  bảo vệ khứu giác và nâng cao chất lượng sống mỗi ngày.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

84

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKI

MAI VĂN NGHĨA

Bác sĩ Tai mũi họng
19001806 Đặt lịch khám