Mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào? Lợi ích tuyệt vời từ quả dừa

Nguyễn Thu Hà

19-08-2021

goole news
16

Dừa là loại quả rất phổ biến, dễ tìm và giàu chất dinh dưỡng, tốt cho cả trẻ em, người già và thai phụ,... Đặc biệt là nước dừa, nhiều tác dụng là vậy nhưng mẹ bầu uống nước dừa không phải lúc nào cũng tốt, uống sai cách có thể gây sảy thai và những nguy cơ xấu với bà bầu. Vậy mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào và uống như thế nào để mang lại hiệu quả cho cả thai phụ và thai nhi?

Uống nước dừa có tác dụng gì trong giai đoạn thai kỳ

Không chỉ là một loại nước giải khát tự nhiên tốt cho sức khỏe được nhiều người yêu thích, nước dừa còn được coi là “thần dược” với phụ nữ mang thai bởi bảng thành phần “vàng” của nó. 

Chiếm hơn 95% thành phần của nước dừa là nước, ngoài ra còn có protein, canxi, sắt, vitamin C, carbohydrate, photpho cùng một số axit béo khác cần thiết cho cơ thể. Vì chứa rất nhiều vitamin khoáng chất nên mẹ bầu uống nước dừa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Cụ thể như sau: 

Cung cấp nước cho cơ thể

lợi ích từ nước dừa trong thai kỳ - cung cấp nước cho cơ thể

Nước dừa rất tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai, giúp bổ sung nước cho cơ thể

>>> Xem thêm: Bà bầu ăn ốc có được không? Ăn bao nhiêu là tốt?

Uống nước hàng ngày là điều cần thiết đối với tất cả mọi người, với phụ nữ mang thai điều này lại cực kỳ quan trọng hơn nữa. Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể sẽ giúp duy trì nước ối và tuần hoàn máu cho thai nhi đồng thời đáp ứng nhu cầu tuần hoàn máu của bà bầu. Vì thế, khi mang thai nhu cầu uống nước hàng ngày của thai phụ cũng tăng lên rất nhiều. 

Nếu như cơ thể bà bầu bị mất nước sẽ dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu, rất nguy hiểm với cả mẹ và bé yêu trong bụng. Do đó, chuyên gia Sản khoa khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 3 lít nước mỗi ngày mới đủ đáp ứng nhu cầu. 

Một trong những loại thực phẩm cung cấp nước cho cơ thể bà bầu tốt nhất đó chính là nước dừa. Như đã nói ở trên, chiếm đến 94% thành phần của nước dừa là nước do đó, khi uống nước dừa, mẹ bầu sẽ bổ sung nước cho cơ thể tạo thành nước ối nuôi dưỡng thai nhi phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, nước dừa chứa rất ít chất béo nên góp phần làm giảm tình trạng tiểu đường thai kỳ, sỏi thận… 

Bổ sung chất điện phân

Ngoài cung cấp nước cho cơ thể, nước dừa còn bổ sung chất điện giải cần thiết như canxi, kali, natri, photpho… để giữ cho cơ thể đủ nước. Những chất này giúp cân bằng chất dịch trong cơ thể, điều chỉnh PH, duy trì huyết áp và tăng cường hoạt động của các cơ. Nhờ đó mà máu và các chất dinh dưỡng được vận chuyển khắp nơi đi nuôi cơ thể mẹ bầu và thai nhi. Không chỉ vậy, uống nước dừa hàng ngày còn giúp thai phụ giảm một số triệu chứng phổ biến khi mang bầu như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, ốm nghén… 

Bổ sung nước ối

Nước ối là phần chất lỏng bao quanh em bé và giữ nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Nước ối là chất đệm cho thai nhi, giúp cho bé di chuyển, điều chỉnh nhiệt độ thai nhi, ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp các bộ phận của trẻ phát triển bình thường… 

Tuy nhiên, tình trạng nhiều mẹ bầu thiếu nước ối hay cạn ối xảy ra rất nhiều, ở bất cứ lúc nào trong thai kỳ và phổ biến ở giai đoạn sắp sinh. Vậy bà bầu thiếu ối có được uống nước dừa không và mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào? Ngoài việc cần đến bác sĩ thăm khám về tình trạng thiếu ối thì mẹ bầu nên nhanh chóng bổ sung các loại chất lỏng cho cơ thể, đặc biệt là nên uống nước dừa. Vì khi uống nước dừa ngoài việc có thể làm tăng lượng nước ối, nó còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết cho thai phụ, thai nhi và giúp máu lưu thông ổn định hơn. 

nước dừa giúp bổ sung nước ối, tăng cường khả năng miễn dịch

Nước dừa giúp bổ sung nước ối, tăng cường khả năng miễn dịch

Tăng cường khả năng miễn dịch 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong 240ml nước dừa có 0.1mg vitamin B1, 5.8mg vitamin C cùng nhiều khoáng chất khác góp phần tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh cho phụ nữ mang thai. Đây là các chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa và làm chậm hoạt động của các gốc tự do gây ảnh hưởng cho tế bào, đồng thời axit lauric trong nước dừa giúp kháng khuẩn, chống lại virus dễ gây nhiễm trùng cho thai phụ. 

Phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, hormone trong cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi kéo theo nhiều thay đổi về sự chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Từ đó khiến thai phụ rất dễ bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Ngoài những lợi ích đã nêu trên, nước dừa còn chứa hàm lượng đường thấp so với các loại thức uống khác nên được xem là sự lựa chọn hoàn hảo cho phụ nữ mang thai để giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. 

Lợi tiểu

Nước dừa tươi có chứa nhiều khoáng chất như kali và magie… nên được xem là “thuốc lợi tiểu tự nhiên” và có khả năng làm sạch đường tiết niệu, đào thải độc tố, hạn chế triệu chứng tiểu rắt hay tiểu buốt cho thai phụ. Chính những công dụng này lại rất có lợi cho thận, giúp cải thiện chức năng thận, ngăn ngừa sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, từ đó làm giảm nguy cơ sinh non.

thai phụ uống nước dừa thường xuyên sẽ ngăn ngừa các bệnh về tim mạch

 Thai phụ uống nước dừa không chỉ lợi tiểu mà còn ngăn ngừa các bệnh về tim mạch

Ngăn ngừa bệnh tim mạch 

Trong thành phần nước dừa có kali, axit lauric, magie… có tác dụng hình thành HDL-C (một loại cholesterol tốt) đồng thời bổ sung vitamin C và B1 cho cơ thể. Nên thai phụ uống nước dừa thường xuyên sẽ giúp điều chỉnh huyết áp, tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Đồng thời việc duy trì thức uống này hàng ngày còn là một cách giúp cho hệ tim mạch của phụ nữ mang thai hoạt động tốt, cải thiện lưu thông máu, tránh nguy cơ bị đột quỵ.

Nước dừa tốt cho thai nhi

Uống nước dừa không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu mà em bé trong bụng cũng được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh mỗi ngày. 

Với những tác dụng tuyệt vời như vậy, mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào và cần chú ý gì khi uống để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi?

Mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào?

Có nhiều mẹ bầu thắc mắc nên uống nước dừa khi nào mới tốt? Lời khuyên của các chuyên gia là nên hạn chế uống nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ vì hàm lượng chất béo trong nước dừa khá cao, uống nhiều sẽ gây các triệu chứng đầy bụng khó tiêu và khiến tình trạng ốm nghén, nôn mửa trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra theo Đông y, nước dừa có tính giải nhiệt, hạ huyết áp, làm mát toàn thân, làm mềm yếu gân cơ nên không phải là loại thức uống phù hợp cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. 

mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào? Khi sang tháng thứ 4 của thai kỳ

Mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào? Khi sang tháng thứ 4 của thai kỳ

Chuyển qua sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 thì mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào? Từ tháng thứ 4 trở đi là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh hơn và cần nhiều dinh dưỡng đồng thời nhau thai cũng cần phát triển hơn để phù hợp với kích thước của em bé và sự thoải mái của thai nhi trong bụng nên bà bầu có thể bổ sung nước dừa từ thời điểm này.  

Thời điểm lý tưởng để phụ nữ mang thai uống nước dừa là vào buổi sáng. Vào thời điểm này, cơ thể mẹ bầu dễ dàng hấp thu các chất điện giải và chất dinh dưỡng trong nước dừa. Hơn nữa, buổi sáng là lúc cơ thể và tâm lý mẹ bầu khỏe mạnh, sảng khoái nhất nên sẽ hấp thu mọi thứ nhanh và hiệu quả hơn.   

Các bác sĩ Sản khoa khuyên mẹ bầu chỉ nên uống 1 quả dừa tươi trong ngày và uống lượng đều đặn. Sau đó giảm dần vào 3 tháng cuối, khoảng 2 - 3 ly/tuần. 

Bà bầu uống nước dừa bao nhiêu là tốt nhất?

Ngoài việc nắm rõ mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào thì việc uống nước dừa bao nhiêu lần trong một ngày hay trong một tuần cũng quan trọng không kém. Việc ăn uống quá nhiều bất cứ thực phẩm nào đều không mang lại lợi ích cho sức khỏe và cả nước dừa cũng vậy. 

Các chuyên gia Sản khoa cho biết mẹ bầu không nên uống quá nhiều nước dừa, có thể duy trì tiêu chuẩn 1 trái hay 1 cốc/ngày (150 - 200ml) đối với những mẹ đang ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2. Không nên lạm dụng uống liên tục nhiều ngày hay uống hơn 3 - 4 trái/ngày.

Khi bước sang tam cá nguyệt cuối cùng, mẹ bầu chỉ cần duy trì 3 quả/tuần cho cơ thể. Bên cạnh đó, khi uống nước dừa, mẹ bầu chỉ nên uống từ từ từng chút một. Nước dừa tuy ngon và mát nhưng không vì thế mà thay thế nó như nước lọc hoàn toàn, không nên uống nhiều liên tục nhiều trái trong ngày. Chỉ nên thỉnh thoảng bổ sung để giải khát và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.  

Nước dừa nếu tiếp xúc với không khí rất dễ lên men và giảm giá trị dinh dưỡng nên bà bầu cần uống ngay sau khi vừa mới bổ để giữ lại các chất dinh dưỡng thiết yếu. Ngoài ra, tránh uống nước dừa sẵn tại hàng quán không đảm bảo vệ sinh,  nên uống nước dừa tươi để an toàn hơn cho mẹ và em bé. 

Mẹ bầu không nên uống nước dừa khi nào?

Bà bầu không nên uống nước dừa khi cơ thể mệt mỏi, khó chịu

Bà bầu không nên uống nước dừa khi cơ thể mệt mỏi, khó chịu

Nếu đã biết mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào thì chắc hẳn các mẹ cũng sẽ tò mò thời điểm nào phụ nữ mang thai không nên uống nước dừa? Mặc dù nước dừa tốt cho cả thai phụ và thai nhi, xong khi thưởng thức “thần dược” này, các mẹ cần chú ý những thời điểm không nên uống nước dừa, cụ thể: 

  • Trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ: Chất béo có trong nước dừa có thể khiến bà bầu cảm thấy đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu khiến tình trạng ốm nghén trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, uống nước dừa còn dẫn đến nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu bởi nó có tính giải nhiệt, làm mát, hạ huyết áp, mềm yếu gân cơ. Không chỉ vậy, hàm lượng dinh dưỡng trong nước dừa quá lớn nên uống nước dừa trong 3 tháng đầu có thể làm bà bầu bị tăng cân quá mức. 
  • Khi cơ thể bị mệt mỏi, uể oải, khó chịu: Khi cơ thể mẹ bầu không khỏe mà uống nước dừa sẽ rất dễ bị ngộ độc. Nên các bà bầu cần hết sức lưu ý vấn đề này. 
  • Khi vừa đi ở ngoài trời nắng về: Các chuyên gia cho biết khi vừa đi nắng về phụ nữ mang thai cũng không nên uống nước dừa luôn và không được uống quá nhiều vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu, ớn lạnh, gây hại đến tỳ vị, rất nguy hiểm cho đường tiêu hóa và lá lách. 
  • Không nên uống nước dừa vào buổi tối: Nước dừa có tính lợi tiểu nên nếu mẹ uống vào buổi tối sẽ làm mẹ đi vệ sinh nhiều lần, thậm chí khiến mẹ bị đau bụng, lạnh bụng và bị tiêu chảy. 
  • Có bệnh lý nền: Đối với mẹ bầu có tiền sử bị huyết áp thấp, suy nhược cơ thể nếu muốn uống nước dừa nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống. 

Những câu hỏi thường gặp về uống nước dừa khi mang thai

Bầu 5 tháng uống nước dừa được không?

Theo các bác sĩ khoa Sản tại bệnh viện Đa khoa Phương Đông, mẹ bầu không nên uống nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ vì nó sẽ làm cho tình trạng ốm nghén trở nên trầm trọng, khiến mẹ mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 (tháng 4,5,6 của thai kỳ) thì các mẹ hoàn toàn có thể bổ sung thêm loại nước uống này vào chế độ dinh dưỡng của mình. 

Bầu 5 tháng uống nước dừa được không thì câu trả lời là có

Bầu 5 tháng uống nước dừa được không? Câu trả lời là có

Vì vậy, bầu 5 tháng uống nước dừa được không thì câu trả lời là có, các mẹ nhé! Những mẹ bầu ở tháng thứ 5 của thai kỳ khi uống nước dừa sẽ có tác dụng giảm thiểu tình trạng táo bón, đầy bụng, mất nước, ợ hơi, đồng thời ngăn ngừa tình trạng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bên cạnh đó, hàm lượng axit lauric có trong nước dừa sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho thai phụ để phòng tránh các bệnh lây nhiễm do vi khuẩn, virus gây ra. 

Tuy bầu 5 tháng được uống nước dừa nhưng điều đó không có nghĩa là mẹ muốn uống bao nhiêu lần trong ngày cũng được. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo bà bầu chỉ nên uống khoảng 3 - 4 lần/ tuần hoặc 100 - 150ml trong 1 ngày. Đặc biệt, các bà bầu cần nhớ không được uống nước dừa khi cơ thể mệt mỏi hoặc vào buổi tối. 

Tháng cuối thai kỳ có nên uống nước dừa?

Khi đến giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 hay những tháng cuối thai kỳ thì mẹ bầu nên uống nước dừa ở mức độ vừa phải. Lúc này, tác dụng của nước dừa với phụ nữ mang thai vẫn vẹn nguyên giá trị nên các mẹ không cần băn khoăn về chuyện tháng cuối thai kỳ có nên uống nước dừa không nhé. 

Khoảng tuần thai thứ 36 - 37, tức là thời điểm cuối tháng thứ 8, đầu tháng thứ 9, bà bầu nên giảm tần suất uống nước dừa, thay vì 3 - 4 trái/tuần thì giảm xuống 2 - 1 trái/tuần. Uống nước dừa trong những tháng cuối thai kỳ mang lại lợi ích rất tốt, giúp cải thiện được tình trạng tóc và da bị lão hóa của mẹ bầu. Ngoài ra, nước dừa còn cung cấp rất nhiều dưỡng chất, các vitamin thiết yếu và chất béo cho cả mẹ và bé. Đồng thời khắc phục tốt vấn đề táo bón, ợ hơi, đầy bụng…

Ngoài việc uống nước dừa thì ăn cùi dừa cũng giúp bổ sung dinh dưỡng tuyệt vời trong thai kỳ. Khi kết hợp cùi dừa với gia vị khác trong món thịt kho nước dừa thì món này có tác dụng thúc đẩy trao đổi chất ở bà bầu. Các món ăn được làm từ cơm dừa như kem, chè, xôi… đều giàu dinh dưỡng và giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn. 

Ở giai đoạn tháng cuối thai kỳ, chuyện mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào, có tác dụng gì cần được quan tâm song hành cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý mới có thể vượt cạn mẹ tròn con vuông. 

3 tháng đầu có nên uống nước dừa?

Uống nước dừa 3 tháng đầu khiến tình trạng ốm nghén trở nên trầm trọng hơn

Uống nước dừa 3 tháng đầu khiến tình trạng ốm nghén trở nên trầm trọng hơn

Với những bạn nữ mới có thai thường thắc mắc 3 tháng đầu có nên uống nước dừa thì câu trả lời là không nên. Vậy tại sao phụ nữ mang thai không nên uống nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ?

  • Điều này được giải thích là do nước dừa chứa nhiều khoáng chất với hàm lượng cao, ví dụ trong 240ml nước dưuaf có 57.6mg canxi, 600mg kali, 48mg photpho, 252mg natri, 60mg magie… Mặc dù đây là những chất cần thiết cho cơ thể bà bầu trong 3 tháng đầu nhưng đặc điểm cơ thể của người mẹ lúc này khó hấp thu được hết, dẫn đến tình trạng mẹ bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón. 
  • Thêm nữa, giai đoạn này thai phụ cũng nạp khoáng chất từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau nên khi hấp thu lượng khoáng chất lớn trong nước dừa thì có thể khó hấp thu được hết. Lượng khoáng chất bị thừa “vô tình” làm tăng tình trạng táo bón thai kỳ trong tam cá nguyệt đầu tiên ở bà bầu. 
  • Không chỉ vậy, khi mang thai nồng độ hormone progesterone thay đổi làm giảm hoạt động của nhu động ruột, khiến cho hệ tiêu hóa hấp thu khoáng chất chậm hơn nên mẹ bầu dễ bị táo bón thai kỳ. 
  • Ngoài ra theo Đông y, nước dừa là loại thức uống có tính giải khát, giải nhiệt, tính hàn, không tốt cho hệ tiêu hóa, gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí dẫn đến sảy thai nếu uống nhiều. Vì vậy, bà bầu không nên uống nước dừa trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. 

Hy vọng với những thông tin trên đây, các mẹ bầu đã có câu trả lời cho vấn đề mẹ bầu nên uống nước dừa khi nào, cũng như bổ sung nước dừa đúng cách để mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé yêu trong bụng, tránh tác dụng phụ, đồng thời biến nước dừa thành một phần của chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng trong suốt thai kỳ.

Ngoài những thắc mắc về chế độ ăn uống, cách bổ sung dinh dưỡng, các vấn đề về sức khỏe trong hành trình sinh nở hay muốn tìm hiểu về dịch vụ thai sản trọn gói các mẹ hãy liên hệ tới Bệnh viện Đa khoa Phương Đông theo hotline 1900 1806 để được tư vấn kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
27,988

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám