Nấm miệng – Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Thu Hiền

19-12-2023

goole news
16

Nấm miệng hay nấm Candida miệng, tưa lưỡi hoặc nấm lưỡi là tình trạng viêm nhiễm do vi nấm men Candida albicans sinh sôi ở niêm mạc họng miệng gây ra. Các triệu chứng của bệnh bao gồm vết trắng, dày, như tấm màng trên bề mặt lưỡi, nướu, nội mô miệng, và họng. Vùng nhiễm nấm có thể ngứa, đau và gây khó chịu khi ăn hoặc nói. Bệnh Viện Đa Khoa Phương Đông sẽ chia sẻ thêm thông tin về bệnh nấm miệng đến các bạn thông qua nội dung bài viết dưới đây. 

Nấm miệng là gì?

Nấm miệng hay nấm Candida miệng, tưa lưỡi hoặc nấm lưỡi là bệnh lý do vi nấm men Candida albicans phát triển quá mức ở miệng. Nấm Candida miệng gây ra các tổn thương màu trắng kem, trên bề mặt lưỡi, nướu, nội mô miệng và họng.

Nấm miệng hay nấm Candida miệng, tưa lưỡi hoặc nấm lưỡi Nấm miệng hay nấm Candida miệng, tưa lưỡi hoặc nấm lưỡi 

Một số thể bệnh nấm Candida miệng, lưỡi nặng có thể lan sâu xuống hệ tiêu hóa như: Hạ họng, ruột, thực quản, gan, phổi,,... gây nên tình trạng nhiễm đa phủ tạng. Các biến chứng nghiêm trọng của nấm miệng thường xảy ra ở bệnh nhân HIV, suy thận, tiểu đường, ung thư,...

Nấm Candida miệng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là trẻ sơ sinh, trẻ em và người cao tuổi. Bệnh dễ gặp ở người bị suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính, người có sức đề kháng yếu hoặc người dùng thuốc kháng sinh dài ngày,...

Triệu chứng nấm miệng

Tùy thuộc vào đối tượng, độ tuổi và thể trạng mà người mắc nấm miệng sẽ có các triệu chứng và biểu hiện khác nhau. Cụ thể nấm Candida miệng sẽ có các biểu hiện phổ biến sau đây: 

  • Tổn thương màu trắng kem trên lưỡi, nướu, niêm mạc má,  nội mô miệng, đôi khi trên vòm miệng và amidan
  • Tổn thương nổi trong miệng có hình dáng giống miếng pho mát;
  • Niêm mạc miệng đỏ hoặc đau nhức, gây khó khăn khi ăn hoặc nuốt;
  • Khi cọ xát hoặc cào nơi bị nhiễm có thể gây chảy máu nhẹ 
  • Khóe miệng nứt và đỏ 
  • Mảng trắng xuất hiện trong miệng 
  • Cảm giác như trong miệng có bông 
  • Mất vị giác, ăn kém ngon miệng.
  • Khô miệng, khô môi
  • Cảm giác miệng có mùi khó chịu

Nguyên nhân gây nấm miệng

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng nắm miệng là do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans (C. albicans). Bình thường vi khuẩn nấm C. albicans vẫn sống trong miệng với lượng thấp và không gây hại cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch tốt, các vi khuẩn có lợi sẽ kiểm soát C. albicans. Tuy nhiên nếu hệ miễn dịch suy yếu, nấm bệnh sẽ phát triển ngoài tầm kiểm soát gây tình trạng nấm miệng, nấm lưỡi, tưa lưỡi,...

Nguyên nhân gây nên bệnh nấm miệng và nấm Candida khác có thể do hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc do uống kháng sinh, thuốc như prednisone,... làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của vi sinh vật trong cơ thể. Một số bệnh lý và tình trạng có thể gây tăng nguy cơ nhiễm nấm miệng: 

Nguyên nhân gây nên bệnh nấm miệng Nguyên nhân gây nên bệnh nấm miệng 

HIV/AIDS

Virus HIV gây suy giảm miễn dịch phá hủy các tế bào của hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nấm miệng tái đi tái lại nhiều lần, cùng một số triệu chứng khác có thể là dấu hiệu ban đầu của sự thiếu hụt miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm HIV;

Ung thư

Khi cơ thể có tế bào ung thư thì hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu do bệnh tật và điều trị hóa trị và xạ trị. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng candida như nấm miệng;

Đái tháo đường

Người bị bệnh tiểu đường không điều trị hoặc không kiểm soát tốt bệnh có nước bọt chứa một lượng lớn đường. Đây chính là tác nhân hỗ trợ sự phát triển của nấm Candida;

Nhiễm trùng nấm men âm đạo

Nấm men âm đạo gây bệnh nhiễm trùng cùng một loại nấm gây nên bệnh nấm miệng. Sản phụ đang mang thai bị nhiễm nấm âm đạo có thể lây nhiễm các loại nấm cho bé trong khi sinh.

Các nguyên nhân khác của bệnh nấm Candida

  • Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài, kháng sinh liều cao
  • Hít thuốc corticosteroid để điều trị bệnh hen suyễn;
  • Đeo răng giả, đặc biệt các đối tượng đeo răng với kích thước không phù hợp;
  • Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách hoặc không vệ sinh răng miệng
  • Miệng khô do bệnh lý hoặc thuốc đang dùng;
  • Hút thuốc;
  • Hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư.

Nấm miệng lây qua những đường nào?

Nấm Candida miệng khó lây từ người sang người trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên bệnh lý này vẫn có thể lây nhiễm qua một số đường sau: 

  • Lây nhiễm trực tiếp: Thói quen quan hệ tình dục bằng miệng, hôn người mắc nấm miệng là nguyên nhân lây lan trực tiếp sang người khác. 
  • Lây lan gián tiếp: Nấm Candida miệng có thể lây bằng việc sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân với người mắc bệnh như bàn chải, đũa, thìa,...

Biến chứng có thể gặp của nấm miệng

Nấm miệng nếu không được điều trị dứt điểm, tái đi tái lại nhiều lần có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm. Khi nấm miệng diễn tiến nặng có thể lây lan vi khuẩn nấm xuống hệ tiêu hóa như: Thực quản, ruột, dạ dày, gây nhiễm nấm phổi, máu, vòm họng,... Lâu dần dẫn đến viêm nhiễm toàn thân, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu không chống đỡ được gây tử vong. 

Biến chứng có thể gặp của nấm miệngBiến chứng có thể gặp của nấm miệng

Có thể kể đến một số biến chứng do nấm miệng thể nặng như: 

  • Nấm thực quản gây chảy máu thực quản, hẹp thực quản, thủng thực quản, lan xuống dạ dày, ruột hoặc xâm lấn vào các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Nấm dạ dày gây viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ở vị trí tổn thương
  • Nấm ruột làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của người bệnh, gây thủng ruột, dẫn tới viêm phúc mạc nguy hiểm
  • Nấm phổi có triệu chứng sốt kéo dài, ho có đờm, đau tức ngực, khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
  • Nấm xâm lấn Candida có tỷ lệ tử vong cao từ 30-80%

Các phương pháp chẩn đoán bệnh nấm lưỡi

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nấm miệng thông qua việc quan sát, thăm khám khoang miệng và phát hiện những hình thái tổn thương đặc trưng. Ở một số trường hợp bác sĩ sẽ lấy mẫu nấm miệng để nuôi cấy, soi kết quả. Hoặc tiến hành sinh thiết vùng tổn thương để xác định chẩn đoán nấm Candida ở lưỡi. Quá trình chẩn đoán sẽ đơn giản đối với tổn thương trong phạm vi miệng, họng. 

Đối với các tổn thương nấm Candida tại các khu vực khác như: Hạ họng, phế quản, thực quản, phổi, ruột, dạ dày,... bác sĩ cần tiến hành thủ thuật nội soi để lấy mẫu. Hoặc chụp thực quản để đánh giá, chẩn đoán và tiên lượng. 

Điều trị nấm miệng

Để chẩn đoán và điều trị nấm miệng bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, xét nghiệm từ đó xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và đưa ra pháp đồ điều trị phù hợp. Dùng thuốc chống nấm là là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc nấm miệng. Một số loại thuốc thường được chỉ định gồm:

Clotrimazole hoặc Miconazole

Loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của các loại nấm. Đồng thời giúp giảm các triệu chứng khó chịu như đau, ngứa, cảm giác vướng và chảy máu do nấm miệng gây ra. Thuốc được chỉ định sử dụng cho các trường hợp mắc nấm Candida nhẹ. Bệnh nhân chỉ cần thoa trực tiếp lên nốt nấm 2 lần/ngày

Fluconazole hoặc itraconazole

Được chỉ định để điều trị các trường hợp nhiễm trùng nấm miệng nặng gây nên. Thuốc này  được điều chế dưới dạng viên nang hoặc dung dịch, liều uống 1 lần/ngày.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng nấm miệng tại nhà, bạn có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản sau đây:

Thay đổi lối sống và thói quen ăn uống

Để điều trị nấm miệng người bệnh nên điều chỉnh lối sống và thói quen ăn uống như sau: 

  • Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất xơ, vitamin, khoáng chất giúp răng miệng chắc khỏe, tăng sức đề kháng
  • Hạn chế ăn tinh bột, đường, bánh kẹo, đồ ăn cay nóng, dầu mỡ,... giúp giảm thiểu vi khuẩn và nấm Candida tích tụ gây nấm miệng
  • Không ăn vặt, không ăn quá muộn gây tăng sinh nấm Candida, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày tránh tình trạng khô miệng, vi khuẩn trong miệng
  • Bổ sung lợi khuẩn bằng việc ăn sữa chua, yaourt hoặc các loại men vi sinh có lợi giúp tăng lợi khuẩn trong cơ thể
  • Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích 

Vệ sinh miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách là phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh nấm miệng hiệu quả nhanh chóng, đơn giản nhất. 

  • Đánh răng 2 lần mỗi ngày bằng kem đánh răng chứa fluoride 
  • Cạo lưỡi hàng ngày, dùng bàn chải đánh răng có mặt chải lưỡi
  • Dùng nước súc miệng để diệt khuẩn sau khi ăn
  • Dùng chỉ nha khoa, tăm nước để loại bỏ phần thức ăn thừa bám vào kẽ răng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn
  • Sử dụng bàn chải mềm, chải răng đúng cách với lực vừa phải, thời gian từ 2-3 phút, tránh đánh răng mạnh gây tổn thương nướu
  • Súc miệng với nước muối sinh lý sau khi ăn uống thực phẩm chứa đường, tinh bột

Chú ý vệ sinh răng miệng đúng cáchChú ý vệ sinh răng miệng đúng cách

Kết luận: 

Bệnh Viện Đa Khoa Phương Đông vừa chia sẻ thông tin liên quan đến nấm miệng, nấm Candida đến các bạn. Nấm miệng hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu người bệnh phát hiện và có biện pháp điều trị đúng. Tuy nhiên nếu tình trạng nấm Candida miệng tái đi, tái lại nhiều lần có thể là dấu hiệu cơ thể suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm HIV và các bệnh lý nguy hiểm khác.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 của Bệnh viện Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời, hoặc để lại thông tin tại Đặt lịch khám để đặt lịch khám tại Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,944

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám