Nhiệt miệng ở lưỡi: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Nguyễn Thị Vân Anh

03-08-2022

goole news
16

Nhiệt miệng ở lưỡi thường gặp đa số là lành tính, tuy nhiên gây xót, đau, ảnh hưởng không ít đến việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Các vết nhiệt ở lưỡi có màu trắng hoặc đỏ. Áp dụng những cách điều trị đơn giản mà BVĐK Phương Đông chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng bệnh nhanh chóng.

Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở lưỡi là do?

Nhiệt miệng ở lưỡi xảy ra khi có tổn thương dạng viêm loét xuất hiện ở niêm mạc lưỡi có màu đỏ xung quanh vết loét và trắng sữa. Nhiệt ở lưỡi thường sẽ tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày, song gây đau và tấy đỏ, ảnh hưởng đến việc ăn uống. Số ít trường hợp nhiệt ở lưỡi bội nhiễm và bị sưng viêm kéo dài cần dùng đến kháng sinh để điều trị. 

Tình trạng tổn thương thường gặp gây đau đớn có thể là nhiệt ở lưỡiTình trạng tổn thương thường gặp gây đau đớn có thể là nhiệt ở lưỡi

Ngoài cảm giác đau, tê ở lưỡi, nhiệt ở lưỡi còn khiến người bệnh có những triệu chứng khác như: khô miệng, khát nước liên tục, giảm vị giác, ngứa ở lưỡi,… Các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi vết loét hết sưng và dần thu nhỏ kích thước.

Nguyên nhân khiến bạn bị nhiệt miệng ở lưỡi gồm:

Lưỡi bị tổn thương thực thể

Nhiệt ở lưỡi có thể là do những tổn thương do đầu hoặc rìa lưỡi bị vô tình cắn trúng khi ăn hoặc nói chuyện. Lưỡi có thể bị trầy xước do các loại thức ăn xơ cứng như hải sản có vỏ, đồ khô hoặc do va chạm vật sắc, cứng trong miệng như một chiếc răng móc cài răng giả, răng bị mẻ hoặc dụng cụ niềng răng.

Nhạy cảm với thức ăn

Bạn có thể bị nhiệt ở lưỡi nếu ăn nhiều một loại thức ăn nào đó gây kích thích niêm mạc. Tùy vào loại thức ăn, loại gây bệnh chủ yếu là:

  • Các loại trái cây chứa nhiều axit như họ cam chanh, dứa, dâu tây, xoài…
  • Các loại hạt khi ăn một lúc quá nhiều.
  • Những món mặn, cay, nhất là các món chiên hoặc nướng.
  • Những thức uống như rượu, cà phê, ca cao, bia,… có thể gây nhiệt miệng.

Vệ sinh miệng chưa tốt

Miệng là nơi phát triển của nhiều loại vi khuẩn khác nhau, trong đó có cả hại khuẩn và lợi khuẩn. Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ khiến vi khuẩn gây hại phát triển, lâu dần gây ra các bệnh ảnh hưởng tới lưỡi, nướu, họng,...

Suy giảm chức năng gan

Khả năng khử độc của gan suy giảm sẽ khiến độc chất tích tụ trong cơ thể gây ra những vết lở loét ở môi, lưỡi và nhiều vị trí khác trong miệng.

Suy giảm chức năng gan gây nhiệt ở lưỡi Suy giảm chức năng gan gây nhiệt ở lưỡi 

Nhiệt ở lưỡi là bệnh lành tính có thể tự khỏi, tuy nhiên cần chú ý nếu vết loét ở lưỡi kéo dài là dấu hiệu của ung thư lưỡi hoặc miệng. Ung thư lưỡi là bệnh lý phức tạp ít triệu chứng, dễ nhầm lẫn với nhiệt ở miệng hoặc lưỡi. Do đó, nếu nhiệt ở miệng, lưỡi thường xuyên xảy ra và xuất hiện nhiều thì cần đi kiểm tra.

Căng thẳng, lo âu

Lo âu và căng thẳng kéo dài gây ra nhiều thay đổi trong hoạt động của cơ thể, bao gồm hệ miễn dịch và các hormone. Khi ở trạng thái tinh thần này, lưỡi của bạn có thể sưng đau, có những vết loét do nhiệt miệng.

Ngoài ra, thay đổi hormone theo chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra một số vấn đề cho khoang miệng như nướu răng bị đỏ, sưng tuyến nước bọt, chảy máu và nhiệt miệng, đôi khi ở lưỡi.

Lạm dụng thuốc lá, bia rượu

Tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi và khoang miệng nói chung thường xuyên xuất hiện ở người người hút thuốc hoặc người lạm dụng bia rượu.

Lệ thuộc bia rượu và thuốc lá có thể dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng khác như:

  • Răng xỉn màu, sâu răng.
  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
  • Viêm nha chu và viêm nướu.
  • Sưng tuyến nước bọt.
  • Mắc chứng lưỡi lông đen do vi khuẩn và nấm phát triển quá mức.
  • Khả năng mắc các loại ung thư trong miệng tăng lên gấp 15 lần so với người bình thường.

Thực tế cho biết có khoảng 40% số người bỏ hút thuốc bị nhiệt miệng trong 2 tuần đầu tiên, một phần là do hội chứng cai thuốc lá. Tuy nhiên giai đoạn này sẽ sớm qua và bạn có thể tận hưởng những lợi ích về sức khỏe, cuộc sống mà việc bỏ thuốc mang lại.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh gây nhiệt miệng

Một số nghiên cứu cho thấy các thuốc chẹn beta và các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid, đã hoặc đang điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị vùng đầu cổ… có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng tới nhiệt miệng.

Nhiệt miệng cũng có thể gặp phải do những loại nước súc miệng hay kem đánh răng chứa sodium lauryl sulfate gây kích ứng.

Triệu chứng của những bệnh lý ít gặp

Triệu chứng của các bệnh lý có hiện tượng các nốt nhiệt như sau:

  • Viêm gai lưỡi thoáng qua: Nhú lưỡi bị sưng gây cảm giác khó chịu tuy nhiên là một tình trạng vô hại và sẽ tự khỏi sau một vài ngày. 
  • Bệnh tay chân miệng: Bệnh có thể xuất hiện ở người lớn gây ra những mụn nước trên lưỡi, trong miệng và gây đau. Cần điều trị bệnh đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm.
  • Hội chứng miệng bỏng rát: Cảm giác nóng rát, khó chịu không rõ nguyên nhân ở lưỡi hoặc toàn bộ miệng. Các triệu chứng khác bao gồm thay đổi và khát khô hoặc mất vị giác.
  • Bệnh lichen phẳng: Đây là một bệnh mạn tính gây ra các mảng ngứa trên da, mảng trắng hoặc đỏ trên niêm mạc miệng và lưỡi, có thể kèm theo cảm giác bỏng rát,ngứa hoặc đau.
  • Hội chứng Behcet: Các mạch máu trên khắp cơ thể bị viêm có thể làm xuất hiện các vết loét trông giống như nhiệt ở lưỡi. Những triệu chứng khác bao gồm những nốt sưng giống như viêm trong mắt, mụn trên da, đau khớp, các vấn đề loét và tiêu hóa.

Cách khắc phục nhiệt miệng ở lưỡi tại nhà đơn giản

Nhiệt miệng ở lưỡi thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Dù vậy, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm cảm giác sưng đau, khó chịu cũng như hạn chế vết loét lan rộng hơn.

Dùng gel điều trị nhiệt miệng ở lưỡi

Trên thị trường hiện bán nhiều loại gel bôi tại chỗ có tác dụng chống viêm, rút ngắn thời gian hồi phục vết loét và giảm đau do nhiệt. Tuy nhiên, thuốc bôi tại chỗ có thể ảnh hưởng đến men răng, cần lưu ý khi sử dụng cho trẻ nhỏ.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Nhiều người do đau đớn vì nhiệt ở lưỡi nên lười vệ sinh răng miệng hơn, song thời điểm này cần đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng hàng ngày cùng với súc miệng để loại bỏ vi khuẩn gây hại. Từ đó, vết viêm loét ở lưỡi cũng nhanh khỏi hơn.

Súc miệng

Bên cạnh đánh răng thì súc miệng bằng dung dịch nha khoa hoặc nước muối sinh lý là cách vệ sinh tốt để ngăn ngừa và tiêu diệt sự phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa, nước muối còn giúp giảm sưng, làm khô vết loét và giảm đau hiệu quả.

Súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa và tiêu diệt vi khuẩnSúc miệng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa và tiêu diệt vi khuẩn

Chế độ ăn uống lành mạnh

Khi bị nhiệt miệng ở lưỡi, việc ăn uống trở nên khó khăn, lựa chọn các thực phẩm tốt giúp bạn nhanh khỏi và tránh bệnh kéo dài. Một trong số loại thực phẩm nên lựa chọn như:

  • Các loại đậu: Như đậu xanh, đậu đen có tính mát, giúp thanh nhiệt, chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và giảm triệu chứng nhiệt miệng.
  • Bột sắn dây tinh chế: Trong bột chứa nhiều Vitamin và khoáng chất tốt, giúp làm dịu cơn đau do viêm loét ở lưỡi gây ra và làm mát cơ thể. Uống bột sắn dây là bài thuốc trị nhiệt miệng dân gian được ông cha ta áp dụng từ rất lâu đến nay.
  • Các loại rau xanh: Rau xanh cung cấp khoáng chất, Vitamin có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm làm mát, lành tổn thương cơ thể. Ăn nhiều rau xanh giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đẩy lùi tình trạng nhiệt miệng, nhiệt lưỡi.
  • Mật ong: Tính sát khuẩn tự nhiên của mật ong rất tốt trong trị các loại bệnh viêm loét, tổn thương tiến triển. Bài thuốc dân gian giúp giảm sưng đau hiệu quả khi sử dụng mật ong bôi vào vết loét dưới lưỡi.

Những thực phẩm nào nên tránh khi bị nhiệt miệng ở lưỡi?

Để không gây kích thích khiến vết viêm loét ở lưỡi lan rộng và đau nhức hơn, nên tránh các loại thực phẩm sau:

Trái cây chứa acid

Các loại trái cây họ chanh, bưởi, cam quýt,… có vị chua và chứa nhiều acid sẽ khiến vết loét ở lưỡi nặng hơn. Do đó, khi nhiệt miệng ở lưỡi bạn nên hạn chế ăn những trái cây này.

Cà phê

Cà phê chứa nhiều acid salicylic dễ gây kích ứng mô nhạy cảm trong miệng, đặc biệt khu vực vết viêm loét ở lưỡi. Nên hạn chế cà phê nếu bạn thường xuyên bị nhiệt lưỡi, nhiệt miệng.

Thực phẩm cay nóng

Thực phẩm cay chứa nhiều thành phần dễ gây kích ứng kết hợp với nhiệt độ cao sẽ khiến vết loét nặng hơn, sưng đau và lâu lành hơn.

Thực phẩm cay nóng không chỉ ảnh hưởng tới dạ dày Thực phẩm cay nóng không chỉ ảnh hưởng tới dạ dày 

Nếu những cách điều trị tại nhà trên khiến nhiệt ở lưỡi kéo dài, không hiệu quả, tái phát nhiều lần thì người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ để nhanh khỏi hơn. Cần cẩn thận với dấu hiệu của ung thư lưỡi, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như nổi u cục, sưng lưỡi, lưỡi thiếu linh hoạt,… thì nên kiểm tra và điều trị sớm. Trường hợp ung thư lưỡi sẽ cần điều trị tích cực để kiểm soát sự phát triển của khối u và tránh gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Hi vọng bài viết trên về nhiệt miệng ở lưỡi có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu cần tư vấn thêm, Quý khách hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được hỗ trợ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
11,389

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám