Nhiệt miệng ở má trong là một trong những tình trạng tổn thương niêm mạc miệng phổ biến, gây cảm giác đau rát, vướng víu và khó chịu khi ăn uống, nói chuyện. Dù không quá nguy hiểm, nhưng nếu không xử lý đúng cách, vết loét có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí gây viêm nhiễm hoặc tái phát thường xuyên. Hiểu rõ các dấu hiệu đặc trưng, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp bạn nhanh chóng kiểm soát tình trạng này và phòng ngừa hiệu quả.
Nhiệt miệng ở má trong là tình trạng như thế nào?
Nhiệt miệng ở má trong là một dạng loét niêm mạc miệng, xảy ra tại mặt trong của má. Về mặt y khoa, tình trạng này thuộc nhóm loét áp-tơ tái phát, trong đó các vết loét nông, hình tròn hoặc bầu dục xuất hiện trên nền niêm mạc không sừng hóa, như mặt trong má, môi, sàn miệng hoặc lưỡi. Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nhiệt miệng ở má trong thường gây ra cảm giác đau rát, khó chịu khi ăn uống hoặc nói chuyện, ảnh hưởng đến chất lượng sống hàng ngày của người bệnh.
Nhiệt miệng ở má thường gây ra cảm giác đau rát và khó chịu xuất hiện dưới dạng các vết loét nhỏ, có màu trắng hoặc vàng, viền đỏ
Vị trí niêm mạc má trong là nơi thường xuyên tiếp xúc với các hoạt động nhai nuốt, dễ bị sang chấn cơ học từ răng, thức ăn hoặc cử động cơ miệng, do đó đây là một trong những vị trí phổ biến nhất mà tổn thương nhiệt miệng hay xảy ra. Các tổn thương này thường đơn độc, nhưng ở một số trường hợp có thể xuất hiện nhiều ổ loét cùng lúc, tạo thành dạng nhiệt miệng đa ổ.
Mặc dù không lây nhiễm và không gây biến chứng nghiêm trọng, nhưng nếu xảy ra liên tục, nhiệt miệng ở má trong có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nội khoa tiềm ẩn như rối loạn miễn dịch, thiếu dinh dưỡng, hoặc stress mãn tính.
Nguyên nhân nào dẫn đến nhiệt miệng ở má trong?
Nhiệt miệng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân do cơ thể nóng trong. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được làm rõ chính xác.
Một số nguyên nhân được các chuyên gia nhận định dẫn đến nhiệt miệng ở má trong như:
- Cơ thể thiếu hụt các chất như vitamin B12, C, A protein, axit folic, kẽm, sắt;
- Dị ứng với thành phần natri lauryl sulfate có trong một số loại kem đánh răng;
- Thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ;
- Kích ứng với các loại thực phẩm như cacao, phomai, cà phê, một số loại hạt và trái cây họ cam quýt;
- Niêm mạc bị tổn thương do đánh răng mạnh, bị tổn thương vật lý, vô tình cắn phải má khi ăn thực phẩm cứng;
- Bị stress, căng thẳng, lo âu;
Dấu hiệu nhận biết triệu chứng của nhiệt miệng ở má trong
Nhiệt miệng xuất hiện cùng những vết loét nhỏ, nông tại lớp niêm mạc ở khoang miệng. Ngoài khu vực má trong, người bệnh có thể bị nhiệt ở dưới lưỡi, rìa lưỡi, nướu, bờ trong của môi, sàn miệng, vòng họng,...
Các nốt nhiệt có kích cỡ nhỏ khoảng vài milimet, hình hơi tròn, vết loét có màu hơi vàng/trắng/xám ở giữa, xung quanh bờ thường tấy đỏ gây cảm giác khó chịu, đau rát cho người bệnh khi ăn uống hoặc nói chuyện.
Xem thêm:
Bị nhiệt miệng ở má trong có nguy hiểm không?
Nhiệt miệng có thể gây ra sự khó chịu đáng kể và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Theo các chuyên gia, các vết loét có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong khoảng 2 tuần nhưng nếu tình trạng này kéo dài không thuyên giảm thì có thể nó đang phản ánh sức khỏe của bạn không được bình thường, trong đó bao gồm đau loét họng và miệng trong ung thư. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu sau, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời:
- Vết loét kéo dài trên 3 tuần;
- Bề ngoài vết loét có dấu hiệu bất thường với các vết loét khác mà người bệnh đã từng bị trước đây. Chẳng hạn như nó có kích thước lớn hơn bình thường,...;
- Nhiệt miệng tái phát liên tục không rõ nguyên nhân dù bạn không dùng thuốc có tác dụng phụ gây nhiệt miệng, không có tác động bên ngoài, không có tình trạng dị ứng với thực phẩm,...
- Nhiệt miệng ở má trong kèm sốt, nổi hạch hay vùng đầu cổ có cảm giác khó chịu - dấu hiệu nhận biết việc bị nhiễm trùng;
- Vết loét không lành và có biểu hiện ngày càng lan rộng sang vị trí xung quanh.
- Ngoài ra, nếu nhận thấy vết loét xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể như da, bộ phận sinh dục cũng cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Cách xử trí khi bị nhiệt miệng ở má trong
Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng bị nhiệt miệng má trong có thể ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Việc điều trị tập trung vào việc xử lý nguyên nhân gây loét, giảm đau nhức khó chịu và tạo điều kiện vết loét được nhanh chóng hồi phục. Cụ thể:
- Tránh ăn thực phẩm cay nóng, mặn, chua để vết nhiệt miệng được nhanh lành;
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý/dung dịch baking soda sau khi vệ sinh răng miệng để sát khuẩn được hiệu quả;
- Ngậm đá viên có thể giúp người bệnh cảm giác dễ chịu hơn, giảm cảm giác đau đớn tạm thời;
- Ăn nhiều rau xanh, ưu tiên các thực phẩm mềm, dễ nhai, dễ nuốt;
- Cung cấp đầy đủ vitamin, protein, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể;
- Sử dụng gel bôi nhiệt miệng có chứa lidocain hoặc benzocaine để giúp giảm đau và khó chịu;
- Dùng dầu dừa, mật ong hay nước trà để kháng khuẩn. Uống các loại nước nấu chung với thảo dược như cỏ mực, cam thảo, rau má, đậu bắp, đậu đen,...
Biện pháp phòng ngừa tình trạng nhiệt miệng tái phát
Duy trì vệ sinh răng miệng tốt là rất quan trọng, bao gồm đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám.
Để phòng ngừa tình trạng nhiệt miệng má trong tái phát, bạn cần lưu ý một số yếu tố sau:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, sạch sẽ. Ưu tiên chọn những bàn chải lông mềm, sử dụng nước súc miệng không cồn để giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc. Hạn chế dùng tăm xỉa răng để tránh làm xước lợi và má trong.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, kiểm soát căng thẳng. Tập thể dục đều đặn, hoặc các hoạt động thư giãn để giảm nguy cơ bị nhiệt miệng;
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, chẳng hạn như vitamin B, C, kẽm, sắt để duy trì sức khỏe niêm mạc cũng như tăng cường sức đề kháng.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thực phẩm bổ sung.
Nhiệt miệng ở má trong tuy là vấn đề nhỏ nhưng lại ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Việc nhận diện sớm dấu hiệu, xác định đúng nguyên nhân và áp dụng cách điều trị hợp lý sẽ giúp vết loét lành nhanh hơn, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Đừng chủ quan với những vết loét tưởng chừng đơn giản, chăm sóc đúng cách sẽ giúp bạn giữ gìn sức khỏe khoang miệng một cách toàn diện.