Nhịp tim chậm là bao nhiêu? Làm gì để khắc phục?

Trần Hồng Nụ

28-04-2021

goole news
16

Có thể bạn sẽ khá bất ngờ khi con người cũng có thể mắc chứng nhịp tim chậm. Bệnh lý này mặc dù hiếm gặp nhưng lại gây nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe người bệnh, thậm chí làm tăng nguy cơ đột tử. Vậy nhịp tim chậm là bao nhiêu? Phải làm gì để khắc phục? bài viết ngay sau đây sẽ có lời giải đáp chi tiết cho bạn.

Nhịp tim chậm là bao nhiêu?

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, tim sẽ đập từ 60-100 lần một phút. Do vậy với thắc mắc nhịp tim chậm là bao nhiêu thì câu trả lời thích hợp nhất chính là dưới 60 lần/phút.

Nhịp tim chậm có thể biểu hiện bất thường của hệ thống dẫn truyền xung điện tại tim. Nghĩa là nút xoang - vị trí phát xung điện tự nhiên của tim đang hoạt động không tốt hoặc hoặc con đường dẫn truyền xung điện bị thương tổn, không còn nguyên vẹn do một nguyên nhân nào đó.

nhịp tim chậm
Nhịp tim dưới 60 nhịp/phút được coi là chậm

Vậy nhịp tim chậm có nguy hiểm không? Tình trạng này có thể là biểu hiện sinh lí ở những vận động viên thể dục thể thao. Tuy nhiên, nó cũng có thể khởi phát do nguyên nhân bệnh lý. Trong trường hợp nặng, tức tim đập rất chậm thì lưu lượng máu tuần hoàn cũng rất thấp. Lúc này cơ thể không được cung cấp đủ lượng máu để duy trì hoạt động, do đó sẽ có khá nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh. Cụ thể là suy kiệt sức lực, mệt mỏi, suy tim, ngất và đột tử.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc chức nhịp tim chậm là:

  • Người lớn tuổi.
  • Bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường.
  • Người nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
  • Người sử dụng trong thời gian dài một số loại thuốc như: Các thuốc chống loạn nhịp tim, digoxin, chẹn beta giao cảm,...

Nguyên nhân, triệu chứng nhịp tim chậm

Việc nhận biết sớm nguyên nhân, triệu chứng nhịp tim chậm sẽ giúp quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.

Nguyên nhân

Nhịp tim chậm có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là:

  • Quá trình lão hóa của cơ thể: Sự già đi của cơ thể sẽ gây ra những thay đổi lớn trên cấu trúc tim, qua đó làm ảnh hưởng đến tính dẫn truyền tim.
  • Hệ thống điện trong tim bị hư hỏng: Tình trạng này xuất phát từ bệnh mạch vành, các bệnh lý nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc hay viêm cơ tim.
  • Bệnh tuyến giáp.
  • Suy nút xoang.
  • Sự mất cân bằng điện giải số trong máu có chứa quá nhiều kali.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Gồm thuốc chẹn beta, thuốc chống rối loạn nhịp tim và digoxin.

nhịp tim chậm
Bệnh cường giáp có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim

Triệu chứng

Nhịp tim chậm nếu mới ở mức độ nhẹ thường không có triệu chứng, bởi vậy mà người bệnh khó phát hiện. Chỉ khi tim đập chậm dưới 45 nhịp/phút mới gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác, đặc biệt là não bộ. Cụ thể:

  • Cảm thấy chóng mặt, người mất trọng lực, không thể đứng vững.
  • Thở hụt hơi hoặc hơi thở ngắn.
  • Cơ thể mệt mỏi, mất hết sức lực.
  • Đau ngực hoặc xuất hiện triệu chứng đánh trống ngực.
  • Tụt huyết áp đột ngột không rõ nguyên nhân.

Chú ý:

  • Nếu nhận thấy mình có triệu chứng chóng mặt, choáng váng hay đau ngực liên tục, thường xuyên thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để kiểm tra và phòng ngừa rủi ro nếu mắc bệnh lý về tim.
  • Các biến chứng có thể phải khi bị chứng nhịp tim chậm mà không điều trị kịp thời có thể là chấn thương do ngất xỉu đột ngột, động kinh hoặc thậm chí là tử vong.

Phương pháp chẩn đoán nhịp tim chậm

Có rất nhiều phương pháp mà bác sĩ có thể áp dụng để chẩn đoán chứng nhịp tim chậm. Cụ thể:

  • Đo điện tâm đồ: Là phương pháp đơn giản nhưng cần phải thực hiện đầu tiên để chẩn đoán nhịp tim chậm. Kết quả đo điện tâm đồ sẽ giúp bác sĩ xác định được số nhịp đập của tim trong một phút đồng thời phát hiện ra bệnh tim thiếu máu hay bệnh block nhĩ thất và cả dấu hiệu bị ngộ độc digoxin,…
  • Holter điện tim: Với cách chẩn đoán này, bác sĩ sẽ quan sát, theo dõi điện tim cẩn thận trong suốt 24h để xác định chính xác những dấu hiệu bất thường của nhịp tim, hay chứng suy nút xoang,…
  • Siêu âm tim: Phương pháp này thường được thực hiện cuối cùng trong khâu chẩn đoán nhằm mục đích ra được nguyên nhân gây ra các bất thường tại tim.

nhịp tim chậm
Đo điện tâm đồ giúp chẩn đoán nhịp tim chậm

Điều trị nhịp tim chậm

Phương pháp điều trị nhịp tim chậm được áp dụng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cả mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà bạn gặp phải. Trong trường hợp bệnh lý này không gây ra ảnh hưởng gì cho sinh hoạt và sức khỏe thì bạn không phải tới bệnh viện điều trị mà chỉ cần thay đổi lối sống ăn uống, sinh hoạt tại nhà sao cho phù hợp hơn.

Ngược lại, nếu nhịp tim chậm đã phát ra triệu chứng thì tốt nhất bạn cần tới bệnh viện để thăm khám và được điều trị kịp thời. Một số phương pháp chữa bệnh này có thể được bác sĩ áp dụng gồm:

Dùng thuốc

Mục tiêu của việc dùng thuốc điều trị chậm nhịp tim là làm tăng nhịp đập tim lên mức phù hợp để bộ phận này có thể cung cấp đủ lượng máu đi nuôi cơ thể. Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà bạn có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau. Cụ thể:

  • Nhịp tim chậm do mắc bệnh tim mạch: Ngoài kiểm soát tốt chứng nhịp tim chậm, lúc này người bệnh cũng cần phải điều trị cả bệnh lý về tim đi kèm bằng loại thuốc tây phù hợp.
  • Nhịp tim chậm do suy nút xoang cấp: Thuốc thường được chỉ định là Atropin hay Isoproterenol.
  • Nhịp tim chậm do chức suy giáp hoặc mất cân bằng điện giải: Nhịp tim chậm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu bạn khắc phục được những bệnh lý này.
  • Nếu nhịp tim chậm tác dụng phụ của thuốc: Lúc này, người bệnh cần điều chỉnh loại thuốc sử dụng sao cho phù hợp, qua đó hiện tượng nhịp tim chậm có thể được khắc phục ngay.

Đặt máy tạo nhịp tim

Nếu tim đập chậm do hệ thống điện trong tim bị hư hỏng từ bệnh lý suy nút xoang cấp ở mức độ nặng thì có thể bạn phải đặt máy tạo nhịp tim. Đây là một thiết bị đặc biệt được đặt dưới da nhằm điều chỉnh ổn định nhịp đập của tim.

nhịp tim chậm
Vị trí đặt máy tạo nhịp tim

Bạn không cần quá lo lắng bởi hầu hết những người có gắn máy tạo nhịp tim trên cơ thể đều có cuộc sống bình thường. Điều khác biệt duy nhất là bạn nên tránh xa những thứ có từ trường mạnh và điện bởi chúng có thể làm cho thiết bị này hoạt động bất ổn.

Sau khi đặt máy tạo nhịp tim, việc tái khám định kỳ là cần thiết. Bởi thiết bị này có tuổi thọ khoảng 10 - 15 năm và cũng có thể bị hỏng hóc trong quá trình sử dụng.

Bạn hãy liên hệ ngay nếu thấy biểu hiện bất thường như:

  • Nhịp tim đập nhanh hoặc chậm quá mức, có lúc bỏ nhịp, rung nhĩ.
  • Cơ thể có hiện tượng chóng mặt, thở dốc.

Thay đổi lối sống phù hợp

Chứng nhịp tim chậm cũng có thể khắc phục được nhờ chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt khoa học, điều độ. Một số lời khuyên dành cho bạn là:

  • Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, cá tươi và các loại thực phẩm ít béo, ít đường.
  • Tránh làm việc, vận động gắng sức. Chỉ nên tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe.
  • Giảm cân ngay nếu đang bị thừa cân, béo phì.
  • Tránh xa toàn bộ các chất gây nghiện hoặc kích thích thần kinh, phổ biến nhất là rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
  • Nếu đang bị bệnh về tim mạch hay các bệnh lý khác có ảnh hưởng đến cơ quan này, chẳng hạn như suy tuyến giáp thì bạn cần được điều trị ngay.

Nhịp tim chậm là bệnh lý đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện nay. Dù khởi phát do bất kể nguyên nhân nào thì bạn cũng tuyệt đối không được chủ quan. Hãy tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị khi có bất cứ triệu chứng nào liên quan tới chứng bệnh này.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,360

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám