Những điều cần biết trước khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Trần Hồng Nụ

25-05-2021

goole news
16

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp giúp phụ nữ bảo vệ sức khỏe của mình. Bởi vậy, chị em nên chủ động tìm hiểu và nắm rõ những kiến thức cơ bản về vấn đề này. Bài viết dưới đây sẽ có rất nhiều thông tin hữu ích mà bạn có thể tham khảo.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm khởi phát ở tế bào gai hoặc biểu mô của tuyến cổ tử cung. Nguyên nhân của bệnh được xác định là do các các tế bào ở cổ tử cung phát triển một cách bất thường, tạo ra khối u. Theo thời gian, khối u sẽ nhân lên nhanh chóng và xâm lấn sang cả các khu vực xung quanh và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm cần phải tiêm vắc xin phòng ngừa
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm cần phải tiêm vắc xin phòng ngừa

Theo thống kê của Bộ y tế, tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ độ tuổi 15 – 44. Chỉ riêng trong năm 2018, nước ta đã có gần 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và hơn 2.000 trường hợp tử vong vì bệnh này.

Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung là virus HPV. Cụ thể, 90% các trường hợp bệnh đều có sự xuất hiện của loại virus này. Đây là loại virus tồn tại và phát triển một cách âm thầm trong cơ thể con người mà không có bất cứ triệu chứng nào. 

Có nên tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung?

Virus HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung có thể lây truyền qua rất nhiều con đường, chẳng hạn như đường tình dục, nước bọt hay từ mẹ sang con. Cũng bởi vậy mà có tới 80% phụ nữ Việt bị nhiễm virus này ít nhất một lần trong đời.

Cho đến nay, tiêm phòng ung thư cổ tử cung chính là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý này. Đáng chú ý, tỷ lệ thành công của cách phòng bệnh này lên tới 90% nếu như bạn được tiêm trong độ tuổi từ 9-26 tuổi. Bên cạnh đó, tầm soát ung thư cổ tử cung cũng là việc làm quan trọng để phát hiện sớm bệnh và kịp thời can thiệp điều trị.

Hai biện pháp nêu trên cần kết hợp với nhau thì mới đạt hiệu quả cao. Chị em cũng nên tránh tình trạng chỉ chích ngừa ung thư cổ tử cung mà không đến bệnh viện để để sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.

Theo các báo cáo y khoa được công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới WHO thì những phụ nữ áp dụng đầy đủ hai phương pháp: Tiêm vắc xin và tầm soát ung thư định kỳ thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung là rất thấp. Đáng chú ý, khi bệnh được phát hiện kịp thời thì việc điều trị sẽ diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Chích ngừa ung thư cổ tử cung là việc làm cần thiết của mọi phụ nữ
Chích ngừa ung thư cổ tử cung là việc làm cần thiết của mọi phụ nữ

Nếu không tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung, bạn có nguy cơ cao nhiễm virus HPV trong các trường hợp sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn (Không sử dụng bao cao su khi quan hệ).
  • Quan hệ tình dục cùng giới tính.
  • Quan hệ cùng lúc với nhiều người.
  • Tiếp xúc với mụn cóc của người bị nhiễm virus HPV.
  • Hệ miễn dịch suy giảm.
  • Cơ thể thiếu chất, sức đề kháng kèm.

Đối tượng tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Những đối tượng tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần phải là nữ giới và đảm bảo đầy đủ các yếu tố sau:

  • Khỏe mạnh, cơ thể không phơi nhiễm với virus HPV.
  • Chưa tiêm bất cứ loại vắc xin nào khác trong 1 tháng trước khi chích ngừa ung thư cổ tử cung.
  • Không sử dụng thuốc có khả năng ức chế khả năng miễn dịch. Trong trường hợp có dùng thì phải báo với bác sĩ trước khi tiêm vacxin ung thư cổ tử cung

Vắc xin ung thư cổ tử cung mang lại hiệu quả cao nhất đối với nữ giới ở độ tuổi từ 9 - 26 tuổi và chưa từng bị nhiễm virus HPV. Bên cạnh đó, hầu hết các bác sĩ đều khuyến khích thực hiện tiêm phòng ung thư cổ tử cung này trước khi bắt đầu quan hệ tình dục. Có như vậy sức khỏe sinh sản của chị em mới được bảo vệ tốt nhất.

Tuy nhiên, yếu tố quan hệ tình dục hay chưa cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến tác dụng của vắc xin. Nếu đã từng quan hệ, lập gia đình hoặc đã từng sinh con thì vẫn có thể áp dụng biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Phụ nữ trên 40 tuổi vẫn có thể tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Thế nhưng lúc này thuốc sẽ thường không thể phát huy được 100% dược tính.

Đối tượng tiêm phòng ung thư cổ tử cung tốt nhất là phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi
Đối tượng tiêm phòng ung thư cổ tử cung tốt nhất là phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi

Đối tượng không nên chích ngừa ung thư cổ tử cung:

  • Nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của vacxin ngừa ung thư cổ tử cung.
  • Người đang bị sốt cao, nhiễm trùng.
  • Người bệnh rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc làm loãng máu.
  • Phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú.
  • Người đã nhiễm vi khuẩn HPV.

Lựa chọn loại vắc-xin tiêm chủng

Hiện đang có 2 loại vắc xin phòng ung thư cổ tử cung được sử dụng tại Việt Nam là:

  • Gardasil (Mỹ).
  • Cervarix (Bỉ).

Hai loại vắc xin ngừa trên đã được Bộ y tế chứng nhận an toàn, hiệu quả và chấp thuận lưu hành trên toàn quốc khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Chúng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này ở nữ giới trên 90% và làm giảm các tổn thương do bệnh này 60%.

Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil của Mỹ

Chủng ngừa: Gardasil áp dụng để phòng ngừa 4 loại virus HPV là HPV type 6, 11, 16 và 18.

Đối tượng tiêm: Nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26.

Tác dụng: Phòng ngừa hiệu quả bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn và cả chứng mụn cóc sinh dục.

Cách dùng:

  • Gardasil dùng để tiêm trực tiếp vào bắp cánh tay hoặc trên đùi. Vắc xin này tuyệt đối không được tiêm vào mạch máu dù trong bất cứ trường hợp nào.
  • Vắc xin Gardasil được dùng nguyên dạng, không pha chế với liều lượng là 0,5ml.
    Lắc kỹ lọ vắc xin trước khi tiêm để có được dung dịch màu trắng đục.
  • Tiêm vắc xin ngay sau khi lấy ra khỏi lọ.

Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil của Mỹ được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam
Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil của Mỹ được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam

Lịch tiêm:

  • Mũi 1: Chính là mũi tiêm vắc xin Gardasil đầu tiên.
  • Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 tròn 2 tháng.
  • Mũi 3: Tiêm cách mũi đầu tiên 6 tháng.

Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung Cervarix

Chủng ngừa: Cervarix dùng để ngừa chủng HPV type 16 và 18.

Đối tượng sử dụng: Nữ giới trong độ tuổi từ 10 – 25.

Tác dụng: Phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung (bao gồm cả ung thư biểu mô vảy biểu mô tuyến cổ tử cung).

Cách dùng: Vắc xin Cervarix sử dụng tương tự như Gardasil.

Lịch tiêm:

  • Mũi 1: Là mũi tiêm vắc xin Cervarix đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi tiêm đầu tiên 1 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi tiêm thứ thứ nhất 6 tháng.

Tác dụng phụ của vắc xin phòng HPV

Đa số người khi chích ngừa ung thư cổ tử cung đều không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp gặp phải một số phản ứng từ nhẹ đến nặng như:

  • Chỗ tiêm hiện quầng đỏ, bị đau hoặc sưng.
  • Sốt nhẹ.
  • Da bị nổi mề đay.
  • Đau đầu, mệt mỏi.
  • Đau nhức cơ và khớp.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy.

Chú ý: Nếu gặp một trong những triệu chứng bất thường thường trên sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung thì bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ phụ trách.

Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung thường không gây ra tác dụng phụ
Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung thường không gây ra tác dụng phụ

Lưu ý khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Một số lưu ý dành cho bạn khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung là:

  • Không cần phải thực hiện bất cứ xét nghiệm nào trước khi tiêm vắc xin phòng HPV.
  • Phác đồ tiêm vắc xin phòng bệnh HPV là 3 liều. Hết 3 liều này, bạn không cần tiêm nhắc lại.
  • Vắc xin phòng HPV được áp dụng tại Việt Nam có độ an toàn tuyệt đối, không gây phát dục sớm.
  • Trên thực tế, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy, tiêm phòng ung thư cổ tử cung ảnh hưởng xấu đến việc thụ thai và thai nhi trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu đang mang thai thì bạn cũng nên hoãn tiêm phòng bệnh này. Trong trường hợp đã tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin rồi mới biết mình có thai thì bạn vẫn nên ngừng lại cho tới khi sinh xong.
  • Vắc xin phòng ngừa HPV có thể dùng cho cả các mẹ đang cho con bú.
  • Việc chích ngừa ung thư cổ tử cung không thể ngăn ngừa bệnh này 100%.
  • Tiêm phòng HPV không thể thay thế cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Những phụ nữ sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh này vẫn được các bác khuyến khích thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung.
  • Nếu không may bị muộn lich tiêm phòng ung thư cổ tử cung thì bổ sung trong thời gian sớm nhất có thể, không cần tiêm lại từ đầu.

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung là việc làm quan trọng mà bất cứ phụ nữ nào cũng nên thực hiện để bảo vệ sức khỏe của mình. Tuy nhiên, chị em cũng cần lưu ý, biện pháp phòng bệnh này không thể thay thế được vai trò của việc sàng lọc ung thư. Do vậy bạn hãy tới bệnh viện uy tín để thực hiện công việc này tối thiểu 1 năm/lần để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và can thiệp điều trị.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,146

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám