Rạn xương bàn chân là chấn thương nhẹ, có thể bị bỏ qua do các triệu chứng ban đầu khá thoáng qua. Tình trạng này thường gặp ở một số bệnh nhân có thói quen tập thể thao và chạy đường dài. Để tìm hiểu kỹ hơn về bất thường này, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của đội ngũ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông!
Nguyên nhân khiến bệnh nhân bị rạn xương bàn chân
Rạn xương bàn chân là tình trạng một hoặc nhiều xương bàn chân bị rạn, hình thành các vết nứt nhỏ, có di chuyển về vị trí hoặc không. Đây là chấn thương được tạo ra từ các va đập ngoại lực từ ngoại lực. Các nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như:
- Chạy nhảy, tập thể thao, đạp xe,... với cường độ liên tục và sai kỹ thuật
- Thay đổi bề mặt tập luyện, ví dụ như chuyển từ chạy trên bề mặt mềm sang bề mặt cứng
- Tham gia các môn thể thao như leo núi, đi bộ đường dài,... trên bề mặt gập ghềnh hoặc đường dốc
- Đeo giày dép có hình dáng, kích cỡ không phù hợp
- Bị chấn thương như va đập, trẹo chân,... khi tập các môn thể thao như chạy đường dài, quần vợt, bỏng rổ, khiêu vũ
- Cơ thể thiếu vitamin D, canxi và protein làm xương kém chắc khỏe
- Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ calo cho hoạt động thể lực và thể thao thường xuyên

Có rất nhiều nguyên nhân khiến xương bàn chân bị rạn
Ngoài ra, các nhân tố sau có thể trở thành nhân tố thúc đẩy các chấn thương ở bàn chân như:
- Người cao tuổi thường gặp các vấn đề mật độ xương thấp, loãng xương, xương yếu dẻo nên dễ gặp các chấn thương về xương hơn
- Những người thừa cân, có chỉ số BMI cao với áp lực lớn lên xương có nguy cơ cao bị rạn, nứt xương hơn
- Bệnh nhân có tiền sử viêm gân, chiều cao vòm chân bất thường (chân lõm, chân bẹt) hay yếu cơ bắp cũng dễ gặp chấn thương về xương hơn
- Phụ nữ mãn kinh dễ gặp chấn thương về xương hơn nam giới
Triệu chứng rạn xương bàn chân
Bạn nên cảnh giác nếu cơ thể xuất hiện một trong các dấu hiệu bị rạn xương như sau:
- Đau nhức, sưng tại vùng xương bị rạn. Cơn đau càng tăng khi bạn chạy, đi bộ và chỉ thuyên giảm khi bạn nghỉ ngơi
- Vùng mu bàn chân sưng nề, đôi khi có vết bầm, chạm vào thấy đau
- Khó khăn khi đi lại, chạy nhảy
Việc điều trị nên được thực hiện khi các triệu chứng mới xuất hiện. Nếu không, bạn có thể bị gãy xương do di lệch, tức xương bị nứt và chuyển ra khỏi vị trí bình thường.
Điều trị rạn xương bàn chân như thế nào?
Tuỳ vào tình trạng chấn thương, mỗi người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị theo các phương pháp khác nhau. Đối với trường hợp chỉ rạn hoặc xuất hiện vết nứt nhẹ, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động gây áp lực lên bàn chân như chạy, nhảy, tập thể thao,... trong 6 - 8 tuần để xương có thời gian phục hồi.
Một số trường hợp rạn nhiều hoặc xuất hiện tình trạng di lệch, bệnh nhân sẽ được bó bột hoặc nẹp ở các vị trí cụ thể để cố định xương. Đồng thời, khi đi lại bạn nên dùng nạng để di chuyển, giảm áp lực lên bàn chân.
Chỉ định phẫu thuật hiếm khi được đưa ra, chỉ thực hiện khi rạn xương không đáp ứng với các cách điều trị kể trên. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành điều chỉnh vị trí xương và cố định lại bằng đinh, ốc vít.

Bạn có thể sẽ phải bó bột để điều trị rạn xương
Các biện pháp phòng ngừa rạn xương bàn chân
Mặc dù chấn thương do gãy xương ở bàn chân là một trong số các chấn thương nghiêm trọng nhưng các tổn thương này có thể phòng tránh được. Để giảm nguy cơ rạn xương bàn chân, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khoẻ như sau:
- Tập luyện đúng cách nhưng tăng cường độ dần dần, tránh hoạt động quá sức
- Kết hợp chơi nhiều môn thể thao, ví dụ như chạy bộ và tập đạp xe vào các ngày khác nhau trong tuần
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên bổ sung canxi và vitamin D vào bữa ăn
- Chọn giày dép vừa chân, đúng kích cỡ và thay giày định kỳ. Không sử dụng giày quá cũ hoặc quá mòn
- Dừng tập luyện ngay trong vài ngày nếu cảm thấy sưng và đau. Nếu các biểu hiện vẫn không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị rạn xương bàn chân
Để quá trình lành thương diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khoẻ như sau:
- Tạm dừng các hoạt động lặp đi lặp lại trong quá trình tập luyện, tránh các vận động cường độ mạnh như khuân vác, bưng bê,...
- Dành thời gian nghỉ ngơi trong vòng 2 - 8 tuần
- Tập các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia để hạn chế cứng khớp và teo cơ
- Kê cao khu vực tổn thương khi nằm ngửa, đặc biệt với người bị thương ở chân, mắt cá chân và bàn chân
- Uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
- Đeo giày bảo hộ để hạn chế áp lực lên bàn chân, cẳng chân khi bị gãy xương, thậm chí là giày đế cứng hay dếp đế gỗ
- Dùng nạng khi đi lại để giảm tải trọng lượng của bàn chân, cẳng chân

Khi đi ra ngoài bạn nên đeo nạng để hạn chế trọng lượng lên chân
Câu hỏi thường gặp
Rạn xương bàn chân có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của rạn xương bàn chân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm:
- Vị trí rạn xương: Rạn ở phần trên của xương bàn chân có thể khiến bệnh nhân đau đớn và gặp khó khăn trong di chuyển nhiều hơn rạn phần xương dưới bàn chân
- Mức độ chấn thương: Cường độ và tác động của va chạm cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của rạn xương. Đối với rạn xương mức độ nhỏ thì không đáng lo ngại nhưng đối với rạn nguy cơ cao thì bạn sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi cấu trúc và các mô xung quanh hơn.
- Tình trạng sức khoẻ: Nếu sức khoẻ tổng thể của bạn không ổn định thì thời gian người bệnh sẽ dài hơn
- Thời gian và cách điều trị: Bạn nên điều trị và chẩn đoán kịp thời để hạn chế nguy cơ biến chứng và tăng cơ hội phục hồi đầy đủ.
Xương bàn chân bị rạn bao lâu thì lành?
Đây là chấn thương có thể lành trong 4 - 6 tuần. Với các chấn thương rạn xương, người bệnh có thể cần bó bột và nẹp cố định để hạn chế di lệch vị trí xương, thông qua bó bột hoặc phẫu thuật.
Tuy nhiên, để đi lại bình thường, bạn phải đợi ít nhất 6 tuần. Đồng thời, một số người cần 2 - 3 tháng tập luyện để trở lại các hoạt động sinh hoạt.
Có thể nói, rạn xương bàn chân tuy không đe doạ trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nhưng bạn cũng nên chủ quan. Để hạn chế các nguy cơ biến dạng bàn chân, đau đớn kéo dài hay khó khăn trong đi lại, hãy đến Bệnh viện ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở chân!