Rối loạn nhịp tim ở trẻ được hiểu như thế nào?

Nguyễn Thu Hà

22-04-2021

goole news
16

Rối loạn nhịp tim ở trẻ em là bệnh lý ngày càng phổ biến. Đáng chú ý, căn bệnh này rất khó phát hiện, cha mẹ cần theo dõi để phát hiện bệnh từ sớm để có phương pháp điều trị kịp thời. 

Rối loạn nhịp tim ở trẻ là hiện tượng gì?

Nhịp tim được hiểu là số lần tim đập trong mỗi phút. Bình thường, nhịp tim của trẻ sơ sinh dao động 100 – 160 lần/phút, trẻ trên 1 tuổi là 80 – 130 lần/phút và trẻ trên 6 tuổi là khoảng 70 – 110 lần/phút.

Bảng nhịp tim bình thường của trẻ theo từng độ tuổi
Bảng nhịp tim bình thường của trẻ theo từng độ tuổi

Rối loạn nhịp tim ở trẻ em là hiện tượng trái tim của bé đập quá nhanh, quá chậm hoặc lúc nhanh lúc chậm. Đây thường là kết quả của tổn thương thực thể tại tim, chẳng hạn như khuyết tật tim bẩm sinh.

Trái tim của con người vốn dĩ có thể hoạt động nhịp nhàng là do có một hệ thống các xung điện chạy dọc bên trong các buồng tim. Khi hệ thống này làm việc một cách hiệu quả, trái tim sẽ đập đều đặn và trơn tru. Ngược lại, khi có một yếu tố nào đó tác động thì hệ thống này bị xáo trộn, tim ngay lập tức đập không đều và gây ra tình trạng rối loạn nhịp.

Vậy rối loạn nhịp tim ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hầu hết các rối loạn nhịp tim đều vô hại, chẳng hạn như nhịp tim nhanh khi trẻ vận động mạnh, khi trẻ bị sốt cao hay lúc lo âu, giận dữ. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thậm chí là đe dọa đến tính mạng của trẻ. Khi trẻ bị nhịp tim nhanh hoặc chậm đều tác động xấu tới khả năng bơm máu của tim. Điều này đã làm cho máu không được cung cấp đầy đủ tới các bộ phận của cơ thể để hoạt động bao gồm gan, thận, tim và não. 

Các chuyên gia lưu ý, tình trạng rối loạn nhịp tim ở trẻ nếu xuất hiện thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài, kể cả khi trẻ nghỉ ngơi là dấu hiệu nguy hiểm. Lúc này cha mẹ nên đưa con đi khám để có có hướng điều trị phù hợp.

Nguyên nhân rối loạn nhịp tim ở trẻ

Đa số các trường hợp rối loạn nhịp tim ở trẻ em đều là nhịp nhanh sinh lý và chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định khi trẻ bị ốm sốt, sợ hãi… Các trường hợp còn lại có thẻ xuất phát do một số nguyên nhân khác như:

  • Rối loạn nhịp tim di truyền.
  • Rối loạn điện giải.
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Bệnh rối loạn nhịp tim.
  • Trẻ đang mắc các bệnh lý về tim mạch, phổ biến nhất là hở van tim, dày thất, tăng áp động mạch phổi .
  • Nhiễm trùng.

Khi trẻ lo lắng, căng thẳng, sợ hãi có thể bị rối loạn nhịp tim
Khi trẻ lo lắng, căng thẳng, sợ hãi có thể bị rối loạn nhịp tim

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhịp tim ở trẻ

Loạn nhịp tim ở người lớn đã rất khó phát hiện, ở một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn lại càng không dễ dàng gì. Nhưng khó không đồng nghĩa với việc chủ quan, các bậc phụ huynh cần theo dõi, quan tâm đến những biểu hiện bất thường của con nhiều hơn nữa để phát hiện sớm bệnh từ đó có các phương pháp điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia trong ngành, dấu hiệu rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào độ tuổi và sự trưởng thành của trẻ. Đối với những trẻ sơ sinh và mới biết đi, cha mẹ có thể nhận ra những thay đổi của bé khi gặp phải chứng bệnh này như hay quấy khóc, không chịu ăn, xanh xao… Với những trẻ lớn hơn thì dấu hiệu rối loạn nhịp tim thường rõ rệt hơn. Cụ thể:

  • Khó thở từng cơn.
  • Thở ngắn. 
  • Choáng váng, chóng mặt, có cảm giác mất cân bằng. 
  • Đánh trống ngực, tim đập mạnh bên trong lồng ngực nhưng hụt hẫng, không đều.
  • Hồi hộp, lo lắng. 
  • Trẻ có cảm giác tim mình ngừng đập một vài giây rồi mới đập mạnh trở lại. 
  • Đau tức ngực, có cảm giác ngực đang bị đè nén. 
  • Mệt mỏi, mất sức do hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả. 
  • Ngất xỉu.

Khó thở từng cơn là dấu hiệu rối loạn nhịp tim ở trẻ
Khó thở từng cơn là dấu hiệu rối loạn nhịp tim ở trẻ

Triệu chứng nguy hiểm nhất của loạn nhịp tim ở trẻ là ngất xỉu (mất ý thức hoàn toàn). Khi trẻ có một hoặc nhiều các dấu hiệu kể trên, tốt nhất nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời từ đó có phác đồ điều trị phù hợp để hạn chế biến chứng có thể xảy ra như đột quỵ, huyết khối, ngưng tim…

Các loại loạn nhịp tim thường gặp ở trẻ

Theo các bác sĩ khoa Tim mạch, ở trẻ thường chia thành 3 loại rối loạn nhịp tim chính: rối loạn nhịp trên thất, rối loạn nhịp thất và nhịp tim chậm

Rối loạn nhịp trên thất ở trẻ

Rối loạn nhịp trên thất bao gồm các loại:

  • Ngoại tâm thu nhĩ: Ngoại tâm thu nhĩ (APB/PAC) là dạng rối loạn nhịp thường gặp có thể xuất hiện ở người bình thường, nhất là những ngườ uống nhiều cà phê, chè, rượu, giả ephedrine. Loại rối loạn nhịp trên thất này cũng có thể là một biểu hiện của bệnh lý tim phổi và thường xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân COPD được đặc trưng bởi triệu chứng đánh trống ngực.
  • Nhịp nhanh trên thất: Đây cũng là loại rối loạn nhịp tim thường gặp gây nên tình trạng nhịp tim nhanh bất thường. Khi xuất hiện cơn nhịp tim nhanh trên thất thì nhịp tim của người bệnh không còn đập theo sự kiểm soát của nút xoang. Thay vào đó, một nhịp khác với tần số nhanh hơn sẽ xuất phát từ một vị trí khác để thay thế cho nhịp xoang. Nơi xuất phát xung nhịp mới này sẽ nằm ở phía trên tâm thất rồi lan truyền xuống.
  • Rung nhĩ: Là hiện tượng tâm nhĩ đập nhanh và hỗn loạn, thậm chí có thể lên đến 300 – 600 nhịp/phút. Loại bệnh này chiếm khoảng 1/3 các trường hợp bệnh loạn nhịp tim. Hiện tượng tâm nhĩ chỉ rung chứ không đập được khiến máu không thể di chuyển xuống buồng tim dưới (buồng thất) từ đó hình thành nên các cục máu đông. Cục máu đông này có thể vỡ bất cứ lúc nào và gây tắc động mạch phổi, đột quỵ não. 
  • Cuồng động nhĩ: Cuồng động nhĩ  (atrial flutter) là loại nhịp tim nhanh trên thất thường gặp và thường không tồn tại lâu dài vì chúng có xu hướng chuyển về nhịp xoang hoặc chuyển sang rung nhĩ. Tình này gây ra bởi một hoặc nhiều mạch nhanh ở tâm nhĩ. Các triệu chứng bệnh bao gồm đánh trống ngực, mệt mỏi, không thể  gắng sức, khó thở và thoáng ngất. Đáng chú ý, cuồng nhĩ có thể làm hình thành huyết khối trong buồng nhĩ và gây tắc nghẽn mạch.
  • Hội chứng WPW: Là bệnh lý rối loạn nhịp tim xảy ra khi xuất hiện thêm một đường dẫn điện phụ theo chiều xuôi từ tâm nhĩ xuống tâm thất và gây ra hiện tượng rung thất (nhịp tim nhanh). Đây được đánh giá là một bệnh lý tim mạch thường gặp nhất hiện nay nhưng chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân.
  • Nhịp nhanh nút nhĩ thất: Là hiện tượng ổ phát nhịp nằm ở nút nhĩ thất.

Khó thở từng cơn là dấu hiệu rối loạn nhịp tim ở trẻ
Sự khác biệt giữa tim bình thường và tim bị rung nhĩ

Rối loạn nhịp thất ở trẻ

Rối loạn nhịp thất ở trẻ bao gồm các trường hợp bệnh sau:

  • Ngoại tâm thu thất: Là loại rối loạn nhịp thất thường gặp nhất với biểu hiện đặc trưng trưng là tim nhát đập nhát bỏ. Tình trạng này có thể xảy ra trên những người có hoặc không có bệnh tim. 
  • Nhịp nhanh thất: Loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Khi bị nhịp nhanh thất, tín hiệu điện sẽ bắt đầu phát ra từ tâm thất với một tốc độ nhanh nhưng không đều.
  • Rung thất: Là một rối loạn nhịp tim bất thường cần phải điều trị sớm, nhất là với những đứa trẻ đã mắc các bệnh tim nặng. Bệnh lý này khiến nhịp tim tăng lên, xung điện phát ra bất thường khiến tâm thất rung động không mục đích, nên không thể bơm máu đến các cơ quan khác. Chính vì vậy, rung tâm thất sẽ khiến huyết áp của người bệnh giảm một cách đột ngột, bên cạnh đó nguồn máu đi nuôi dưỡng cơ thể cũng bị cắt giảm rất nhiều.

Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm bao gồm các loại sau đây:

  • Nhịp xoang chậm: Nút xoang là nơi phát xung động đầu tiên trong hệ thống dẫn truyền của tim, nhịp xoang có tần số dưới 50 chu kỳ/phút được gọi là nhịp xoang chậm.   Nhịp xoang chậm thường gây khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, cơ thể mệt mỏi, mất sức do máu nuôi từ tim đi chậm, không đáp ứng cho cơ thể. Nhịp xoang nhanh thường gây tình trạng chóng mặt, đánh trống ngực, đau ngực,… hoặc đột tử.
  • Block tim: Block tim là hiện tượng tim đập không đều hoặc chậm hơn bình thường do dẫn truyền xung động qua nút nhĩ - thất bởi một nguyên nhân nào đó mà bị tắc nghẽn 1 phần hay toàn bộ. Loại rối loạn nhịp tim này thường chuyển biến thành rung nhĩ, nhịp chậm xoang gây ra biến chứng ngừng tim, suy tuần hoàn và nặng nhất là khiến người bệnh đột tử gây tử vong trong vòng 1 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng.

Hình ảnh mô tả tình trạng block tim nhánh phải và block tim nhánh trái
Hình ảnh mô tả tình trạng block tim nhánh phải và block tim nhánh trái

Chẩn đoán rối loạn nhịp tim ở trẻ em

Bước đầu tiên trong việc chẩn đoán bệnh rối loạn nhịp tim ở trẻ em là khai thác triệu chứng, bên cạnh đó, trẻ có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Cụ thể là:

  • Xét nghiệm máu: việc này giúp bác sĩ loại trừ nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim ở trẻ em do nhiễm trùng hoặc do thuốc.
  • Điện tâm đồ ECG: đây là công cụ chẩn đoán chính xác nhất rối loạn nhịp tim, giúp đánh giá hoạt động của tim.
  • Gắn thiết bị theo dõi điện tim: thiết bị này sẽ truyền tín hiệu đến thiết bị di động và cha mẹ hoàn toàn có thể gửi cho bác sĩ để nhờ họ đánh giá tình trạng của con bạn mà không cần thiết đưa trẻ đến bệnh viện. Chúng có thể được sử dụng trong khoảng thời gian từ vài tháng thậm chí hàng năm. 
  • Thử nghiệm điện sinh lý: một ống nhỏ sẽ được chèn vào tĩnh mạch ở chân hoặc cánh tay tới các buồng tim để đánh giá sự dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất. 

Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện thường xuyên bị choáng, ngất, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng để đánh giá nhịp tim và huyết áp đáp ứng như thế nào khi con bạn thay đổi tư thế đứng lên hoặc ngồi xuống. 

Rối loạn nhịp tim ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Thông thường, triệu chứng rối loạn nhịp tim ở trẻ em là vô hại và không cần phải điều trị, chẳng hạn như khi trẻ vận động mạnh, khi trẻ bị sốt cao hay lúc lo lắng, giận dữ, lúc đó tim sẽ đập nhanh để đáp ứng với tình trạng sinh lý của cơ thể. 

Tuy nhiên, nếu rối loạn nhịp tim xuất hiện thường xuyên, trong một thời gian dài, kể cả khi trẻ nghỉ ngơi, cha mẹ nên đưa con đi khám, có hướng điều trị phù hợp cho bệnh lý rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc vào tình trạng rối loạn và nguyên nhân mà trẻ có thể được chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:

  • Sử dụng thuốc: Có thể bác sĩ cho trẻ sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc điều trị các bệnh lý nền gây rối loạn nhịp tim. Việc sử dụng thuốc phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ vì nó có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim ở trẻ em đáp ứng tốt với thuốc và có thể không cần áp dụng thêm các biện pháp khác. 
  • Đốt điện sinh lý (hay sử dụng sóng cao tần): Phương pháp này sử dụng năng lượng của sóng vô tuyến triệt đốt các ổ phát sinh nhịp bất thường trong buồng tim, áp dụng khi dùng thuốc không chữa được nhịp tim nhanh. 
  • Sốc điện tim: Đây là phương pháp thường áp dụng trong trường hợp cấp cứu. Áp dụng bằng cách dùng dòng điện một chiều chạy qua cơ tim để tác động đến các xung điện trong tim và khôi phục lại nhịp điệu bình thường của tim.
  • Các thiết bị cấy ghép: một số thiết bị cấy ghép được sử dụng như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim (ICD). 
  • Phẫu thuật Maze: Thường được sử dụng để điều trị chứng rung nhĩ, các bác sĩ có thể rạch các đường ở tâm nhĩ trái và phải để ngăn chặn các xung động điện gây ra rung nhĩ. 

Phẫu thuật Maze thường được áp dụng trong các trường hợp trẻ bị rung nhĩ
Phẫu thuật Maze thường được áp dụng trong các trường hợp trẻ bị rung nhĩ

Trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, do đó khi sử dụng các thuốc Tây y để điều trị rối loạn nhịp tim cần hết sức thận trọng bởi các tác dụng ngoài ý muốn có thể gặp phải. 

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị rối loạn nhịp tim

Khi trẻ được chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim, cha mẹ cùng người thân cần quan tâm, chăm sóc đến các triệu chứng từ cơ thể trẻ bởi trẻ em khó có thể tự lập như người lớn. Cụ thể là:

  • Tìm hiểu tình trạng bệnh của con bằng cách tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc đọc thêm sách báo, tin tức trên mạng từ đó giúp cha mẹ an tâm và có kiến thức để chăm sóc con tốt hơn. 
  • Khi trẻ đột ngột ngất xỉu, hãy la lớn để yêu cầu giúp đỡ và gọi ngay cấp cứu 115. Để đề phòng trường hợp này có thể xảy ra, cha mẹ có thể hỏi trước ý kiến của bác sĩ. 
  • Đưa trẻ tái khám sức khỏe định kỳ thường xuyên 3 - 6 tháng/lần để đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tình trạng sức khỏe của con. 
  • Tìm hiểu kỹ về các loại thuốc mà con bạn đang sử dụng. Tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ như liều dùng, thời gian. Tuyệt đối không được tự ý bỏ liều hoặc thay thế thuốc khác. 
  • Nên biết cách tự đo nhịp tim của con bạn bằng cách bắt mạch hoặc sử dụng ống nghe.
  • Chế độ ăn uống của trẻ cần đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế các đồ ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ… Đồng thời, rèn luyện sức khỏe hàng ngày cho trẻ bằng các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội… Tránh vận động mạnh khiến tim hoạt động quá sức, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ. 
  • Khi trẻ đã lớn hơn, hãy giáo dục cho trẻ biết cách bảo vệ và chăm sóc bản thân để giúp con có một trái tim khỏe mạnh. 

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề rối loạn nhịp tim ở trẻ em. Hầu hết các bé đều từng trải qua cảm giác tim đập rối loạn trong một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên sự xuất hiện đó nhanh chóng qua đi và không ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng cũng có những rối loạn nhịp tim tồn tại, ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm đến cuộc sống do đó căn bệnh này cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hãy liên hệ hotline 19001806 của bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn thêm. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,342

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Chuyên gia tư vấn: Nhịp tim nhanh nên ăn gì?

Nhiều người bệnh không biết nhịp tim nhanh nên ăn gì mới tốt. Nếu biết chọn thực phẩm phù hợp, bệnh sẽ giảm ngược lại sẽ vô tình kích hoạt cơn tim đập nhanh.

12-03-2021
19001806 Đặt lịch khám