Người bệnh thủy đậu thường xuất hiện các triệu chứng phát ban kèm mụn nước, nếu không được điều trị và chăm sóc các mụn này sẽ vỡ dẫn tới tổn thương, nhiễm trùng. Từ đó hình thành nên sẹo thủy đậu, nếu không muốn chúng tồn tại vĩnh viễn, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt khoa học.
Sẹo thủy đậu là gì?
Sẹo thủy đậu hay sẹo phỏng dạ là sẹo hình thành sau khi mắc bệnh thủy đậu, có thể thuyên giảm trong 6 - 12 tháng. Trong thời gian này, người bệnh cần kiêng khem cẩn thận, chăm sóc da kỹ lưỡng nhằm phòng tránh các vết thâm trên khắp cơ thể.
(Sẹo thủy đậu còn được gọi là sẹo phỏng dạ)
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan dễ dàng qua đường hô hấp và dịch tiết người bệnh. Dù chỉ giọt bắn do hắt hơi, ho từ người bệnh cũng có thể truyền nhiễm cho người xung quanh.
Căn bệnh cấp tính này không chỉ để lại sẹo mà còn gây các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản.
- Sảy thai, dị tật bẩm sinh với phụ nữ mang bầu.
Tùy theo cơ địa mỗi người, tuổi tác và tình trạng nhiễm bệnh mà số lượng, mức độ sẹo thủy đậu sẽ khác nhau. Nếu sẹo nằm ở vị trí dễ nhìn thấy như mặt, cổ, tay chân thì sẽ làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh.
Vì sao bệnh thủy đậu gây mụn nước trên da?
Virus Varicella Zoster thuộc họ Herpes gây bệnh thủy đậu, là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi. Khởi phát mạnh ở các vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm như thời điểm cuối đông đầu xuân của Việt Nam.
Loại virus này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm da và tạo các mụn nước nhỏ, đỏ, ngứa ngáy. Mặt, đầu, cổ, ngực là những vị trí xuất hiện mụn nước đầu tiên, sau đó lan rộng ra toàn thân.
(Virus Varicella Zoster là tác nhân gây bệnh thủy đậu)
Thông thường một tuần sau khi phát ban, mụn nước trên da sẽ tự khô, kết vảy và bong sau 5 - 7 ngày. Giai đoạn này nếu không chăm sóc da, chú ý dinh dưỡng, sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ để lại các vết sẹo thâm.
Thủy đậu có để lại sẹo không?
Mắc bệnh thủy đậu có thể để lại sẹo, điển hình với trường hợp không chăm sóc, vệ sinh hay kiêng khem kỹ. Thông thường, sẹo chỉ hình thành khi người bệnh gãi hoặc cào mụn nước, khiến da bị tổn thương và tăng khả năng nhiễm trùng.
Ngoài yếu tố vừa nêu, sẹo thủy đậu còn phụ thuộc vào cơ địa, tuổi tác, thời gian hồi phục của mỗi người. Trong thời gian nhiễm bệnh, bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ chỉ định điều trị.
Phân loại sẹo thủy đậu
Sẹo thủy đậu được phân thành ba loại, gồm:
- Sẹo lõm là loại sẹo thường gặp nhất, hình thành các lỗ nhỏ từ 2 - 4mm trên vùng da mỏng, mềm như mặt, cổ và ngực.
- Sẹo lồi là loại sẹo nhô cao trên da, thường có màu đỏ hoặc hồng. Khác với sẹo lõm, sẹo lồi xuất hiện ở vùng da dày như vai, lưng và mông.
- Sẹo thâm là loại sẹo làm thay đổi màu sắc da, có màu đen, nâu hoặc đỏ, rõ hơn trên nền da sáng. Bất kỳ ai sau khi khỏi bệnh thủy đậu đều có khả năng xuất hiện sẹo thâm.
Cách trị sẹo thủy đậu hiệu quả nhất
Bệnh thủy đậu có bản chất lành tính nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ diễn tiếng nặng, sẹo là cấp độ cơ bản nhất. Tuy nhiên, sẹo thường xuất hiện ở các vùng da dễ nhìn thấy như mặt, cổ, lưng gây mất thẩm mỹ.
(Một số phương pháp điều trị sẹo phỏng dạ)
Từ xa xưa đã có nhiều cách chữa sẹo phỏng dạ, ghi nhận kết quả điều trị hiệu quả, giúp hồi phục da. Song với những trường hợp nặng như sẹo lõm, sẹo lồi cần can thiệp sâu bằng kỹ thuật y học hiện đại như can thiệp thẩm mỹ.
Cách chữa tự nhiên
Nếu tình trạng bệnh không quá nặng, bạn có thể áp dụng các cách chữa sẹo phỏng dạ bằng các phương pháp dân gian như:
- Nha đam là thực vật có tính mát, có khả năng làm dịu và chữa lành vết thương. Dùng một lát nha đam đã tách vỏ, sử dụng phần gel bên trong và thoa trực tiếp lên vùng sẹo.
- Bơ ca cao chứa nhiều chất béo, vitamin, khoáng chất có thể cung cấp độ ẩm, làm mềm, tăng đàn hồi và làm mờ sẹo.
- Dầu tầm xuân chứa nhiều axit thiết yếu, vitamin, chất chống viêm, ngăn khả năng nhiễm trùng, làm dịu da, kích thích tuần hoàn máu và làm mờ sẹo.
Ngoài ra, các thực phẩm chứa lượng vitamin E dồi dào trong hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bơ, bí, quả kiwi,... Loại vitamin này có khả năng bảo vệ da khỏi vi khuẩn gây hại, kích thích tái tạo da và làm mờ sẹo.
*Tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng, tránh kích ứng da.
Cách chữa bằng thuốc không kê đơn
Ngoài các bài thuốc dân gian, người bệnh thủy đậu có thể trị sẹo bằng các loại thuốc không kê đơn:
- Kem retinol là loại kem chứa chất retinol, dẫn xuất của vitamin A có công dụng kích thích tái tạo tế bào da, làm mịn, giảm sắc tố và mờ sẹo.
- Kem xóa sẹo là những loại kem chứa thành phần mờ sẹo như silicone, allantoin, onion, extract,...
- Tẩy tế bào chết là sản phẩm giúp làm sạch da, loại bỏ các tế bào chết, bụi bẩn và bã nhờn trên da, giúp làm giảm mụn và bít tắc lỗ chân lông.
*Tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng, tránh kích ứng da.
Phương pháp thẩm mỹ và y tế
Những trường hợp tổn thương sâu, nặng không được can thiệp sớm sẽ rất khó điều trị bằng phương pháp dân gian, thuốc không kê đơn. Bệnh nhân có thể tham khảo một số phương pháp can thiệp thẩm mỹ như:
- Cắt bỏ sẹo là phương pháp cắt bỏ phần da bị sẹo, áp dụng với loại sẹo lõm sâu hoặc sẹo lồi lớn.
- Mài mòn da vi điểm sử dụng các hạt nhỏ để mài mòn lớp da bị sẹo, làm mịn bề mặt da và kích thích tái tạo tế bào da mới. Áp dụng với sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo thâm do mụn nước thủy đậu.
- Sử dụng chất làm đầy mô là phương pháp tiêm chất làm đầy vùng da bị sẹo, làm đầy và nâng cao bề mặt da, áp dụng với các loại sẹo lõm và sẹo lồi.
- Lăn kim vi điểm sử dụng thiết bị có nhiều kim để tạo lỗ nhỏ trên vùng da bị sẹo, kích thích sản sinh collagen và elastin. Áp dụng với cả 3 loại sẹo thủy đậu, sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo thâm.
- Ghép da là phương pháp cắt bỏ phần da bị sẹo, thay thế bằng da khỏe mạnh. Phương pháp này khuyến cáo sử dụng với loại sẹo lõm sâu và rộng.
- Lột da bằng hóa chất là kỹ thuật sử dụng một loại hóa chất để bào mòn lớp da bị sẹo, giúp làm lộ lớp da mới bên dưới. Khuyến khích thực hiện với sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo thâm.
- Điều trị bằng laser là phương pháp sử dụng tia laser để phá hủy lớp da bị sẹo, giúp làm mờ sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo thâm.
*Các phương pháp cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, da liễu.
Làm sao để không bị sẹo khi bị thủy đậu?
Phần lớn sẹo thủy đậu hình thành và tồn tại là do không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Sau đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng trong thời gian mắc bệnh, giúp làn da giữ được vẻ đẹp như ban đầu.
(Biện pháp phòng tránh sẹo phỏng dạ khi bị thủy đậu)
- Uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây rau củ để thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
- Bổ sung các loại rau xanh, trái cây chứa vitamin A, vitamin C, canxi, kẽm, magie để tăng sức đề kháng.
- Luôn giữ cho da sạch sẽ, đều đặn tắm hàng ngày, thao tác nhẹ nhàng để tránh cọ xát hoặc làm vỡ mụn nước.
- Không gãi hay cào xước các nốt thủy đậu, mặc quần áo thoáng mát, đeo bao tay cho trẻ.
- Che chắn các nốt thủy đậu khỏi ánh nắng, khói bụi vì có thể sẽ làm da bị khô và thâm.
- Không nặn hoặc bóc các mụn nước, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo trên da.
- Tham vấn ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc kháng virus, thuốc mỡ kháng khuẩn, thuốc giảm ngứa.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên đồ ăn dạng lỏng, thực phẩm gây dị ứng, gia vị cay nóng.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng hay buồn bã, hạn chế hoạt động ra nhiều mồ hôi.
Sẹo thâm thủy đậu bao lâu thì hết?
Các nốt sẹo thâm thủy đậu thường hết sau 3 - 6 tháng, tùy theo cơ địa, tình trạng và phương pháp điều trị. Nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt khoa học, làn da người bệnh có thể hồi phục sớm hơn thời gian nêu trên.
Bài viết trên đã lý giải sẹo thủy đậu là những loại sẹo xuất hiện sau khi mắc bệnh thủy đậu, gồm sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo thâm. Bên cạnh đó là thông tin về nguyên nhân, cách điều trị, biện pháp giúp người bệnh giảm tối đa nguy cơ để lại sẹo trên da.