Hạch cổ xuất hiện bất thường có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như ung thư, lao hạch,... Chính vì thế, sinh thiết hạch cổ đóng vai trò quan trọng việc tìm ra nguồn gốc và cách điều trị bệnh. Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu về quy trình thực hiện sinh thiết hạch cổ qua bài viết này.
1. Sinh thiết hạch cổ là gì?
Trên cơ thể con người có chứa khoảng 500-600 hạch, trải dài khắp. Hạch có khả năng sản sinh ra tế bào lympho, giúp phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, hạch có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Khi mắc bệnh, hạch sẽ sản xuất ra nhiều tế bào lympho hơn để bảo vệ cơ thể.
Vì vậy, hạch cổ nổi lên, sưng to ra,... đều có thể là những dấu hiệu của một số bệnh lý. Khi này, bệnh nhân cần được thăm khám, theo dõi, hoặc bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết hạch cổ.
Sinh thiết hạch cổ là phương pháp lấy một hoặc nhiều hạch tại cổ để đem làm giải phẫu bệnh trong phòng thí nghiệm. Qua đây, bác sĩ có thể hiểu được cấu trúc của hạch, hình dạng và phân bố của các tế bào trong hạch.
Sinh thiết hạch ở cổ nhằm tìm ra nguyên nhân xuất hiện hạch
2. Vì sao xuất hiện hạch cổ?
Hạch cổ nổi to bất thường là bắt nguồn của một số các bệnh lý như nhiễm trùng, lao hạch, ung thư,...Cụ thể, nguyên nhân gây ra xuất hiện hạch cổ gồm có:
- Nhiễm trùng: Hạch cổ có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị nhiễm trùng. Điển hình như: ổ nhiễm trùng tại vùng tai mũi họng, loét ở khoang miệng và lưỡi, viêm họng,... Khi sờ mạnh vào hạch cảm thấy đau, hạch di chuyển, không dính vào các mô xung quanh. Hạch này sẽ biến mất sau khi điều trị kháng viêm, kháng sinh hoặc tự khỏi.
- Hạch cổ do lao: Hạch do lao thường có kích thước nhỏ, không đều nhau, không gây đau, xếp thành chuỗi. Một số trường hợp bệnh nhân còn kèm theo các biểu hiện: gầy sút cân, sốt về chiều,... Một số nơi khác như màng phổi, màng bụng, phổi có thể có những tổn thương lao.
- Ung thư hạch: Kích thước của hạch có thể thay đổi, rắn, di chuyển kém, có thể dính vào nhau hoặc riêng lẻ. Bên cạnh đó, người bệnh có những triệu chứng như phù to xung quanh hạch, dây thần kinh bị chèn ép. Qua việc thực hiện sinh thiết hạch cổ, bác sĩ có thể tìm ra tế bào ung thư di căn.
- Bệnh bạch cầu cấp: Với bệnh bạch cầu cấp, hạch sẽ xuất hiện ở hầu hết các vị trí có thể nổi hạch như cổ, nách, bẹn,... Hạch di động, mềm, kích thước hạch to. Kèm theo một vài triệu chứng khác như: Sốt cao, chảy máu dưới da, xuất hiện những tổn thương loét niêm mạc trong miệng và họng.
- Bệnh bạch cầu mạn thể lympho: Người mắc bệnh có thể xuất hiện nhiều hạch nhỏ, phát triển nhanh. Qua kiểm tra thấy dòng lympho tăng nhiều, hồng cầu và tiểu cầu giảm,...
- Nổi hạch cổ khi mắc bệnh hoa liễu: Đây là dấu hiệu điển hình trong giai đoạn đầu của giang mai, hạch sẽ nổi to gần nơi xoắn trùng xâm nhập. Thường có khoảng 4-5 hạch nhỏ xuất hiện ở vùng bẹn, không gây cảm giác đau, di động dễ dàng, hơi rắn. Khi ở giai đoạn 2 của bệnh, hạch sẽ to hơn và xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể.
- Bệnh hodgkin: Bệnh lý này thường gặp nhiều ở nam hơn nữ. Hạch có đặc điểm chắc, không dính da, không gây đau hay mủ,...Người bệnh thường gặp những triệu chứng như sốt từng đợt. Sau mỗi lần sốt, hạch sẽ phát triển to thêm hoặc xuất hiện thêm nhiều hạch mới.
Những bệnh lý có thể gây xuất hiện hạch ở cổ
3. Khi nào cần thực hiện sinh thiết hạch cổ?
Với các trường hợp hạch cổ nổi bất thường hoặc có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ung thư hạch, lao hạch, ung thư di căn hạch,...Lúc này bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện sinh thiết hạch cổ. Qua kết quả sinh thiết, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh, từ đó đưa ra được phương án điều trị bệnh phù hợp, tối ưu nhất.
Sinh thiết hạch cổ chống chỉ định với những người bệnh bị rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu,...
4. Quy trình thực hiện sinh thiết cổ
Kỹ thuật thực hiện sinh thiết hạch cổ khá đơn giản, bệnh nhân nên làm theo những chỉ dẫn của bác sĩ để quy trình diễn ra thuận lợi, an toàn, đảm bảo kết quả tối ưu. Các bước thực hiện sinh thiết cơ bản gồm:
4.1. Chuẩn bị trước khi thực hiện sinh thiết
Để chuẩn bị thực hiện sinh thiết hạch cổ, người bệnh cần chuẩn bị một số vấn đề như sau:
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về những loại thống đang sử dụng, gồm: Thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng,...đặc biệt là thuốc chống đông máu, aspirin,...
- Nếu có tiền sử bị dị ứng với latex, dị ứng thuốc, mắc chứng rối loạn chảy máu,... cũng phải thông báo cho bác sĩ.
- Đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai hãy thông báo với bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu.
- Bệnh nhân có thể được yêu cầu dừng sử dụng thuốc loãng máu theo toa hoặc không theo toa ít nhất là 5 ngày trước khi thực hiện sinh thiết.
- Trước khi sinh thiết hạch ở cổ, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm đông máu.
4.2. Quy trình thực hiện sinh thiết
Quy trình thực hiện sinh thiết hạch cổ sẽ diễn ra như sau:
- Người bệnh được yêu cầu thay áo choàng của cơ sở y tế, sau đó di chuyển đến phòng thực hiện sinh thiết.
- Khi bệnh nhân đã nằm đúng vị trí, bác sĩ sẽ sử dụng gel trơn lạnh lên vùng da có hạch cổ. Nhờ gel, đầu dò di chuyển dễ dàng hơn, giúp bác sĩ xác định đúng vị trí hạch cổ.
- Kế tiếp, bác sĩ sát trùng và gây tê cục bộ nơi chứa hạch. Lúc này, bác sĩ dùng kim sinh thiết đưa qua da và lấy một phần của hạch ra ngoài. Hoặc trong vài trường hợp, bác sĩ có thể rạch da để lấy toàn bộ hạch ra ngoài.
- Sau khi lấy đủ mẫu sinh thiết, bác sĩ từ từ rút kim ra và dùng băng cố định lại vết thương.
Sử dụng kim sinh thiết để chọc hút lấy mẫu bệnh phẩm
4.3. Sau khi thực hiện sinh thiết
Sau khi thực hiện sinh thiết hạch cổ, người bệnh sẽ có một số vấn đề cần lưu ý như:
- Khi hoàn tất sinh thiết, mẫu bệnh phẩm sẽ được mang đi giải phẫu, phân tích và đánh giá. Kết quả sinh thiết sẽ có sau khoảng từ 5-7 ngày. Trong một số trường hợp cần nhuộm hóa mô, kết quả có thể sẽ mất thêm thời gian.
- Sau khi thực hiện sinh thiết, vết thương cần được giữ khô ráo, sạch sẽ, thay băng mỗi ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi tắm, hãy tránh để nước làm ướt vết thương.
5. Những rủi ro có thể gặp khi thực hiện sinh thiết hạch cổ
Sinh thiết hạch ở cổ là một thủ thuật nhỏ, ít tiềm ẩn rủi ro nhưng bệnh nhân cũng vẫn nên thận trọng vì có thể bắt gặp một vài những biến chứng sau:
- Tình trạng chảy máu, tụ máu dễ xảy ra tại vị trí sinh thiết gần các mạch máu.
- Vị trí sinh thiết có thể bị sưng đỏ, chạm vào thấy đau hoặc nhiễm trùng. Triệu chứng kèm theo lúc này là sốt, có những cơn ớn lạnh,...
- Lấy sinh thiết hạch ở cổ có thể làm tổn thương các dây thần kinh dẫn đến cảm giác tê,...
Khi gặp các biến chứng hoắc các triệu chứng nhiễm trùng như vết thương sưng tấy, đau nhức, chảy máu, tiết dịch lạ, sốt,....người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để chữa trị kịp thời. Các tình trạng nhiễm trùng ít khi xảy ra và được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Cảm giác tê do bị tổn thương dây thần kinh thường sẽ mất khoảng vài tháng để khỏi hẳn.
6. Kết luận
Sinh thiết hạch cổ là một trong những bước đầu tiên để xác định chính xác những hạch nổi lên bất thường tại cổ. Chính vì vậy, người bệnh cần lựa chọn thực hiện quy trình xét nghiệm này ở một cơ sở uy tín, có chuyên môn cao để đảm bảo được sự an toàn, kết quả chính xác và lên phương án điều trị bệnh phù hợp.
Sinh thiết hạch cổ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tự hào có thể đáp ứng được những tiêu chí của bệnh nhân như:
- Là Bệnh viện - Khách sạn uy tín, chất lượng. Đảm bảo quy trình xét nghiệm sinh thiết nghiêm ngặt.
- Với sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực thần kinh, giải phẫu bệnh.
- Trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến, phục vụ tốt cho quá trình thực hiện xét nghiệm sinh thiết.
Để Đặt lịch khám và sinh thiết hạch ở cổ, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!