Phẫu thuật thay van tim là gì?
Thay van tim là một phương pháp điều trị hiệu quả với những bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến van tim mà không đáp ứng thuốc. Nếu van tim bị tổn thương nặng nề như hẹp/hở van,... làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim. Phẫu thuật thay van tim sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa biến chứng và ngăn ngừa nguy cơ tử vong.
Thay van tim sẽ loại bỏ những mô bị tổn thương nặng và thay thế bằng van tim nhân tạo như van cơ học, van sinh học và van tự thân. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn loại phù hợp.
Phần lớn người bệnh sau khi thực hiện thay van, tình trạng sức khỏe sẽ có những chuyển biến tốt. Khả năng phục hồi của mỗi người bệnh là khác nhau nhưng vẫn có thể sinh hoạt cá nhân sau vài ngày đến vài tuần, trở lại công việc nhẹ nhàng sau 6-8 tuần.
Phuật thuật thay van tim là phương pháp điều trị khi người bệnh gặp các bệnh lý về van tim
Các loại van tim nhân tạo trong điều trị bệnh
Bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe,... để được tư vấn loại van thay thế phù hợp. Có 3 loại van thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về van tim, bao gồm: Van tim cơ học, van tim sinh học và van tim tự thân.
Van tim cơ học
Ưu điểm của van cơ học là có tuổi thọ cao, có thể lên đến 20 năm, người bệnh cần tuân thủ điều trị và luyện tập sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, chi phí thay van cơ học khá hợp lý, tiết kiệm hơn so với van sinh học. Chính vì vậy, những người trẻ tuổi thường được khuyến cáo sử dụng van cơ học để hạn chế thay lại van tim.
Mặc dù vậy, thay van tim cơ học, người bệnh phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn chặn hình thành các cục máu đông. Nếu không tuân thủ, các cục máu đông có thể gây tắc van hoặc di chuyển sang khu vực khác gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,... Với thai phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ, sử dụng thuốc chống đông có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
Van tim sinh học
Van tim sinh học được sản xuất từ van tim động vật như lớn hoặc bò và đã loại bỏ tác nhân dị ứng, thải ghép. Với ưu điểm của loại van sinh học này là người bệnh không cần sử dụng thuốc chống đông suốt đời, chỉ cần sử dụng từ 3-6 tháng sau phẫu thuật.
Van sinh học có cấu tạo giống van tự nhiên của người bệnh nhưng có thể bị thoái hóa van theo thời gian, gây hẹp hở van tim. Thông thường, mức độ thoái hóa van dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như độ tuổi, áp lực tại van,... Người trẻ và phụ nữ mang thai thường thoái hóa nhanh hơn. Do đó, van sinh học thường được chỉ định ở người bệnh trên 60 tuổi.
Van tim sinh học có cấu tạo giống van tự nhiên của con người
Van tim tự thân
Van tim tự thân được sử dụng màng ngoài tim hoặc van tim của người bệnh để tái tạo van cần sửa chữa, van tim tự thân gần như có tuổi thọ suốt đời. Thay van động mạch chủ tự thân có nguồn gốc từ phương pháp Ozaki (Nhật Bản), sử dụng màng tim của người bệnh để tái tạo van động mạch chủ.
Với phương pháp này, người bệnh không cần sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời, giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng. Tuy nhiên, với kỹ thuật này cần được thực hiện với những bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo kỹ lượng.
Các trường hợp chỉ định thay van tim
Tùy vào vị trí van tim bị tổn thương, mức độ tổn thương,... bác sĩ sẽ có những chỉ định thực hiện thay van tim khác nhau. Một số trường hợp cần phải phẫu thuật thay van tim, bao gồm:
Thay van động mạch chủ
Với người bệnh bị hẹp hoặc hở van động mạch nặng hoặc vừa hẹp vừa hở van động mạch chủ cần được thay van động mạch. Nguyên nhân gây ra bệnh thường do: Thấp tim, thoái hóa van tim, dị tật tim bẩm sinh,..
Van không thể mở ra hoàn toàn sẽ giảm và chặn quá trình lưu thông máu từ tim đến các bộ phận khác. Lúc này, tim phải hoạt động nhiều hơn để bù lượng máu thiếu hụt trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài gây phù đại cơ tim thất trái, suy tim, tăng nguy cơ đột tử.
Với trường hợp hẹp van động mạch chủ ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần điều trị bằng thuốc và theo dõi sự tiến triển của bệnh. Nếu bệnh chuyển sang mức độ nặng, người bệnh cần can thiệp bằng phẫu thuật thay van hoặc thay van động mạch chủ qua da.
Hẹp van động mạch chủ là một trong những trường hợp cần thực hiện thay van
Hở van động mạch chủ
Hở van động mạch chủ không đóng kín khiến máu bị chảy ngược từ động mạch về tâm thất trái. Thông thường, bệnh có tiến triển chậm, người bệnh không có những triệu chứng rõ ràng trong nhiều năm. Đến khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, có nguy cơ suy tiêm, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng,... thậm chí là tử vong.
Dựa vào mức độ hở van, các triệu chứng của người bệnh, đường kính gốc động mạch chủ, phân suất tống máu thất trái,... bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Nếu van động mạch chủ hở nhẹ và vừa, bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc và theo dõi sự tiến triển của bệnh. Nếu van động mạch chủ hở nặng, kèm các triệu chứng (khó thở, đau ngực,...) thì cần chỉ định phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.
Thay van hai lá
Người bệnh cần phẫu thuật thay van tim hai lá trong trường hợp sau:
- Hẹp khít van hai lá: Van hai lá bị hẹp khít hoàn toàn khiến máu bị ứ đọng ở nhĩ trái. Nếu hẹp van hai lá bình thường, có thể điều trị bằng nong van hai lá bằng bóng da. Tuy nhiên, hẹp khít van hai lá hoàn toàn hoặc van quá dày, vôi hóa thì người bệnh cần thay van.
- Hở van hai lá: Bác sĩ sẽ chỉ định sửa van tim hoặc thay van hai lá dựa vào mức độ tổn thương van và hệ thống dây chằng, cột cơ. Người bệnh bị hở van hai lá kèm nhiều triệu chứng nguy hiểm thì bác sĩ có thể chỉ định sửa van hoặc thay van tim.
Cần phẫu thuật thay van tim hai lá nếu chúng bị hẹp hoặc hở nặng
Quý khách có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc tại Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông để được thăm khám và chữa trị bệnh.
Các phương pháp thay van tim
Phương pháp phẫu thuật thay van tim phổ biến thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý van tim. Bao gồm
Thay van bị hẹp
Thay van bị hẹp là một trong những phương pháp điều trị bệnh phổ biến nhất trong điều trị hẹp khít van hai lá và hẹp van động mạch chủ.
Thay thế van tim bị hở
Van tim bị hở sẽ khiến dòng máu chảy ngược chiều, nếu tình trạng này kéo có thể gây suy tim, viêm nội tâm mạc, rối loạn nhịp tim, nguy hiểm hơn là gây tử vong. Khi đó, người bệnh cần thay van tim để hạn chế biến chứng.
Nếu người bệnh bị hở van hai lá, kèm những triệu chứng khó thở, rối loạn nhịp tim, đau ngực,... thì cũng cần sửa hoặc thay thế van hai lá.
Thay thế van bị hở là một trong những phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật Ross
Là thủ thuật lấy van động phổi ghép sang vị trí van động mạch chủ, được gọi là ghép van tự thân. Tuy nhiên, van động mạch phổi khi ghép vào van động mạch chủ sẽ có nguy cơ suy van sớm do kỹ thuật hoặc do dãn gốc động mạch chủ. Van động mạch phổi sau một vài năm cũng có thể bị hở hoặc hẹp. Phương pháp này nên thực hiện ở người bệnh bị van động mạch chủ 2 mảnh và co giãn gốc động mạch chủ.
Thủ thuật TAVI/TAVR
Thủ thuật TAVI (ghép van động mạch chủ qua ống thông) và TACR (thay van động mạch chủ qua ống thông, đây là thủ thuật ít xâm lấn giúp thay van động mạch chủ bằng ống thông nhỏ qua da mà không can thiệp phẫu thuật.
Đây là thủ thuật hiện đại, khó và cần trình độ và kỹ năng cao, thường chỉ định đối với người bệnh hẹp mạch chủ nặng. Phương pháp này giúp thời gian phục hồi bệnh được rút ngắn, giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tái nhập viện, đảm bảo thẩm mỹ và giảm tỷ lệ tử vong.
Xem thêm:
Quy trình phẫu thuật thay van tim
Thay van tim là một cuộc đại phẫu, do đó cần đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt để an toàn và có hiệu quả tốt nhất. Quy trình thực hiện thay van tim diễn ra như sau:
Chuẩn bị
Trước khi phẫu thuật thay van tim, người bệnh cần thực hiện những xét nghiệm tiền phẫu mổ tim như: Siêu âm tim, chụp MRI, chụp CT cắt lớp vi tính, chụp động mạch vành tim,... Từ đó, các bác sĩ sẽ hội chẩn hội đồng chuyên môn trước khi quyết định phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh cần xét nghiệm máu cơ bản như: Điện tâm đồ, X-quang tim phổi, tình trạng đông máu, xét nghiệm chức năng gan, thận,...
Bệnh nhân cũng cần kiểm tra tai mũi họng và răng hàm mặt để đảm bảo không có ổ nhiễm trùng nào gây nhiễm trùng sau phẫu thuật. Buổi tối trước khi phẫu thuật, người bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn để giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng.
Trong khi phẫu thuật
Quy trình phẫu thuật thay van tim bao gồm:
- Đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, huyết áp xâm lấn theo dõi huyết động, huyết áp xâm lấn theo dõi huyết động, máy đo độ bão hòa oxy não trong suốt thời gian mổ.
- Người bệnh được gây tê mặt phẳng cơ dựng sống để giảm đau.
- Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ ngủ sâu và không đau vì đã được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật
- Quy trình thay van tim cần được thực hiện với ekip chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao để đảm bảo an toàn.
- Trong phẫu thuật, sẽ sử dụng hệ thống máy tim phổi nhân tạo để thay thế, cho tim phổi tạm ngừng hoạt động để thực hiện thay van tim. Quy trình này kéo dài 45-120 phút cho một van tim.
- Sau khi thay xong, bác sĩ sẽ cho tim đập lại và ngừng sử dụng tim phổi nhân tạo.
- Phẫu thuật thay van tim có thể kéo dài 2-4 tiếng, quá trình trước mổ và chuyển người bệnh ra phòng hồi sức sẽ kéo dài thêm 2-3 tiếng.
Quy trình thực hiện phẫu thuật diễn ra cần đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt
Sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được di chuyển đến phòng hồi sức để theo dõi chặt chẽ. Lúc này, người bệnh được hướng dẫn tập thở để rút ống nội khí quản. Sau đó, người bệnh được hướng dẫn vật lý trị liệu tại giường, vận động trị liệu hô hấp, tập ho nhẹ,... để giảm đờm nhớt, ứ đọng máu trong phổi, giảm nguy cơ viêm phổi. Người bệnh nên nằm ở nhiều tư thế khác nhau, xoay trở mình thường xuyên. Sau 2 ngày, người bệnh có thể tập đi bộ quãng ngắn.
Khi được xuất viện, người bệnh cần lưu ý:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm muối, không ăn có loại thực phẩm ủ chua, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp,...
- Vận động và tập thể dục đều đặn với cường độ phù hợp, không gắng sức.
- Uống thuốc đúng và đủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Thay băng vết mổ tại các cơ sở y tế.
- Tái khám theo lịch hẹn và định kỳ để theo dõi khả năng phục hồi và phát hiện sớm những bất thường.
Thay van tim có nguy hiểm không?
Người bệnh cần thực hiện phẫu thuật thay van tim có nguy hiểm không luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào đều có những rủi ro tiềm ẩn, thay van tim cũng không phải ngoại lệ, đây là cuộc đại phẫu ở cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Người bệnh có thể đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, sau khi phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ điều trị và cần có lối sống khoa học để không ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của van tim, tim.
Thăm khám định kỳ giúp hạn chế tối đa những biến chứng gây nguy hiểm
Một số biến chứng sau thay van tim
Sau khi thay van tim, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như sau:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Hình thành huyết khối
- Chảy máu khi sử dụng thuốc chống đông quá liều
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim
- Tái hẹp, hở van nhân tạo
- Bóc tách động mạch
- Thuyên tắc huyết khối
- Suy tim sau mổ
- Tổn thương gan thận cấp
Một số câu hỏi thường gặp về thay van tim
Thay van tim có sinh con được không?
Phụ nữ sau thay van tim có thể mang thai tự nhiên nếu thay van sinh học hoặc van tim tự thân. Tuy nhiên, khi mang thai và sinh con cần theo dõi sát sao với bác sĩ chuyên khoa tim mạch và sản phụ khoa để đảm bảo an toàn.
Tỷ lệ thay van tim thành công là bao nhiêu?
Với sự phát triển của y học hiện đại, tỷ lệ thành công của phẫu thuật thay van tim đơn thuần lên tới 92-95%. Tuy nhiên, kết quả phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như sức khỏe của người bệnh, mức độ tổn thương của van tim,...
Thay van tim sống được bao lâu?
Thay van tim sống được bao lâu sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại van tim, phương pháp điều trị, biến sức sau thay van,... Theo những nghiên cứu gần đây, phẫu thuật thay van động mạch chủ có tỷ lệ sống sau 5 năm là 94% và 91% đối với van 2 lá.
Thay van tim hết bao nhiêu tiền?
Chi phí thay van tim còn dựa vào giá của từng loại van. Van cơ học được nhiều người trẻ lựa chọn vì có giá thành hợp lý, có thể sử dụng lâu dài. Van sinh học có giá cao hơn và chỉ cần sử dụng thuốc chống đông khoảng 3 tháng đầu tiên sau phẫu thuật. Tuy nhiên, van đắt tiền không phải luôn là tốt nhất, bác sĩ sẽ tư vấn loại van phù hợp với thể trạng, tuổi tác và sức khỏe của mỗi người bệnh.
Ở Hà Nội nên thay van tim ở đâu?
Trước khi can thiệp điều trị bằng phương pháp thay van tim, người bệnh cần tìm hiểu và lựa chọn nơi khám chữa bệnh uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn và kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại để thực hiện thay van tim. Hiện nay, Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông là một địa chỉ nhiều người lựa chọn khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu và lồng ngực.
Thực hiện phẫu thuật thay van tim tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
Thay van tim là phương pháp điều trị bệnh lý về van tim đem đến hiệu quả lâu dài cho người bệnh. Chính vì vậy, nên tìm hiểu rõ về loại van, phương pháp phẫu thuật, quy trình và các biến chứng,... Sau phẫu thuật, người bệnh cần sử dụng thuốc, thăm khám theo lịch hẹn, thay đổi lối sống, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh để duy trì hiệu quả sau phẫu thuật.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về phẫu thuật thay van tim. Việc điều trị bệnh là cách duy nhất giúp người bệnh cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.