Răng sữa và những thông tin thú vị
Bắt đầu khi trẻ tập ăn dặm vào tháng thứ 6 thì đây cũng là thời điểm những chiếc răng sữa đầu tiên bắt đầu nhú lên khỏi lợi. Răng của trẻ sẽ mọc theo trình tự nhất định, có trẻ mọc sớm hơn thời gian dự kiến nhưng cũng có trẻ sẽ mọc muộn hơn nhưng chênh lệch không quá 1 năm.
Thứ tự mọc răng của bé đối với răng sữa
Lịch thay răng của bé như sau:
- 6-7 tháng tuổi: Mọc 2 răng cửa dưới.
- 8-12 tháng tuổi: Mọc 2 răng cửa trên.
- 9-13 tháng tuổi: Mọc 2 răng cửa bên hàm trên.
- 10-16 tháng tuổi: Mọc 2 răng cửa bên hàm dưới.
- 16-22 tháng tuổi: Mọc 2 răng nanh của hàm trên.
- 14-18 tháng tuổi: Mọc 2 răng hàm của hàm dưới, cách các răng cửa một vị trí.
- 17-23 tháng tuổi: Mọc 2 răng nanh của hàm dưới.
- 23-31 tháng tuổi: Mọc 2 răng hàm phía dưới tiếp theo.
- 25-33 tháng tuổi: Mọc 2 răng hàm trên.
Thứ tự mọc răng của bé đa số bắt đầu từ khi trẻ bắt đầu được 6 tháng tuổi và kết thúc khi hàm răng sữa đã hoàn thiện gồm 20 răng vào khoảng 33 tháng tuổi (khoảng 3 tuổi). Trường hợp trẻ mọc răng không đúng thứ tự gần như rất hiếm gặp.
Thứ tự mọc răng ở trẻ gồm cả răng sữa và răng vĩnh viễn
Vai trò của răng sữa
Răng sữa có những chức năng như tiêu hoá, kích thích xương hàm phát triển, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn, hỗ trợ trẻ phát âm, mang tính thẩm mỹ,... Nếu trẻ bị mất răng sữa quá sớm sẽ khiến chiều dài và chu vi cung răng bị giảm, các răng kế cận bị di lệch, thiếu chỗ cho răng hàm nhỏ, sai lệch khớp cắn, các răng đối diện bị trồi dài, ảnh hưởng đến thời gian và quá trình thay răng vĩnh viễn, tác động tới sức khỏe và khả năng nhai của trẻ, ảnh hưởng tới phát âm, bất thường cơ,...
Trẻ mọc răng sữa sớm hay muộn có ảnh hưởng gì không?
Một số trẻ 3 tháng tuổi đã bắt đầu nhú những chiếc răng sữa đầu tiên, thậm chí có trường hợp trẻ sinh ra đã có 2 răng cửa hàm dưới. Tuy nhiên có trẻ gần 1 tuổi thì răng mới bắt đầu mọc.
Trên thực tế, thứ tự mọc răng của bé sớm hay muộn không có ảnh hưởng đến sức khỏe cũng không thể hiện quá nhiều điều bởi quá trình này sẽ phụ thuộc vào yếu tố di truyền hoặc dinh dưỡng trong thời gian mang thai, chất lượng sữa mẹ. Thời gian mọc răng có sự dao động không quá 1 năm, do đó nhiều trẻ mọc răng muộn là vấn đề bình thường. Nếu cha mẹ lo lắng, có thể cho con đi khám bác sĩ để đánh giá tình trạng.
Hình ảnh lợi trẻ sắp mọc răng: Răng sữa thông thường sẽ bắt đầu mọc khi trẻ 6-7 tháng tuổi
Dấu hiệu trẻ mọc răng sữa
Cơ thể trẻ còn rất non nớt, bất cứ một thay đổi nào cũng có thể tác động đến sức khỏe. Khi trẻ mọc răng, đa phần các trẻ đều sẽ có các hiện tượng báo trước quá trình này tùy mức độ. Những dấu hiệu thường gặp đó là:
- Thân nhiệt tăng dẫn đến sốt nhẹ.
- Nước dãi chảy nhiều dẫn đến nổi ban quanh miệng, cổ.
- Ngứa, đau lợi gây khó chịu nên trẻ thích gặm tay hay gặm bất cứ đồ vật nào.
- Trẻ quấy khóc, bỏ ăn, khó ngủ.
Xem thêm: Sốt mọc răng: Dấu hiệu và cách chăm sóc phù hợp cha mẹ cần biết
Cách chăm sóc răng sữa cho trẻ
Vai trò của răng sữa rất quan trọng, do vậy việc chăm sóc sức khỏe răng miệng ngay từ trước khi răng mọc đã nên được phụ huynh lưu tâm. Cha mẹ nên lưu ý những cách chăm sóc răng miệng cho trẻ sau đây:
- Từ 0-6 tháng tuổi: Vệ sinh khoang miệng, nướu cho trẻ bằng cách dùng gạc rơ lưỡi chuyên dụng làm sạch khi trẻ thức dậy, sau khi ăn và trước khi ngủ.
- Từ 6-12 tháng tuổi: Mẹ dùng gạc rơ lưỡi làm sạch nướu, khoang miệng, cho trẻ uống nước sau khi uống sữa, ăn dặm. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, vật dụng quanh bé vì thời gian này trẻ đang mọc răng dẫn tới ngứa lợi nên rất hay gặm đồ vật. Nên dùng khăn mỏng quấn cổ để lau dãi và tránh chảy xuống cổ. Dùng kem trị hăm vào những vùng này cho trẻ. Nếu trẻ sốt không giảm, sụt cân, bỏ ăn kéo dài thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau, giảm sốt cho con.
- Từ 12 - 18 tháng tuổi: Khi này trẻ đã thuần thục kỹ năng cầm nắm đồ vật nên mẹ có thể cho con dùng bàn chải đánh răng. Lựa chọn loại bàn chải nhỏ, lông mềm, dùng kem đánh răng riêng cho trẻ nhỏ, cho trẻ đánh răng cùng mình hay cùng anh chị để trẻ có hứng thú khi đánh răng. Thay bàn chải cho con tối đa 3 tháng/lần, đánh 2 lần sáng tối và khám răng định kỳ kể từ khi bắt đầu mọc răng sữa để kiểm tra bất thường về sức khỏe răng miệng.
Vệ sinh răng miệng giúp hàm răng của trẻ khỏe mạnh và ít bị sâu
Lịch mọc răng vĩnh viễn của trẻ và thông tin liên quan
Đến khi 3 tuổi, hàm răng sữa của trẻ đã hoàn thiện, trẻ ăn nhai thành thạo và phát âm rõ ràng. Tiếp theo đó, những chiếc răng sữa này sẽ dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Vậy thứ tự mọc răng của bé tiếp theo diễn ra như thế nào?
Răng vĩnh viễn là răng gì?
Đây là loại răng thay thế cho răng sữa khi rụng, hàm răng vĩnh viễn sẽ tồn tại đến già (nếu không gặp tác động bên ngoài như hư răng, gãy răng,...). Răng vĩnh viễn không có răng thay thế, do đó nếu mất răng thì sẽ không thể mọc lại.
Thứ tự mọc răng vĩnh viễn ở trẻ
Lịch mọc răng vĩnh viễn như sau:
- Từ 6-7 tuổi: Thay 2 răng cửa trên và 2 răng cửa dưới.
- Từ 7-8 tuổi: Thay 2 răng cửa bên trên và 2 răng cửa bên dưới.
- Từ 9-10 tuổi: Thay 2 răng hàm cách răng cửa 1 vị trí.
- Từ 9-12 tuổi: Thay 2 răng nanh dưới.
- Từ 10-12 tuổi: Thay 2 răng nanh hàm trên.
- Từ 11-12 tuổi: Thay 2 răng hàm liền kề răng nanh.
- Thứ tự mọc răng của bé 11 tuổi: Thay 2 răng hàm dưới.
- 12 tuổi: Thay 2 răng hàm trên.
Quy trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ có thể sớm hoặc muộn chênh lệch vài năm tùy cơ địa của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ gái có xu hướng thay răng sữa sớm hơn bé trai và thay 2 răng cửa hàm dưới trước.
Răng vĩnh viễn bắt đầu thay khi trẻ được 6-7 tuổi
Có nên tự nhổ răng sữa cho bé tại nhà?
Răng sữa khi bị lung lay chính là dấu hiệu đầu tiên khi bắt đầu thay. Đa phần răng sữa rất dễ rụng nếu đã lung lay, chỉ cần một tác động nhẹ là răng đã có thể nhổ ra khỏi hàm. Tuy nhiên một số bé răng đã lung lay nhưng không rụng thì cha mẹ nên cho trẻ đến các phòng khám nha khoa. Bác sĩ sẽ tư vấn cần đợi thêm nếu răng vĩnh viễn chưa mọc, nhổ ngay hay mài bớt cạnh răng sữa nếu răng vĩnh viễn đã trồi lên. Bạn không nên nhổ răng bằng chỉ hay dùng tay không để nhổ răng cho trẻ, khi nhổ răng có dấu hiệu chảy máu nhiều, bạn nên dừng lại ngay và cho trẻ đến phòng khám nha khoa để tránh làm nhiễm trùng.
Ngoài ra, cha mẹ nên theo dõi thời điểm thay răng và thứ tự mọc răng của bé. Không nên nhổ quá sớm sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc của hàm, nướu không phát triển và khiến trẻ khó nhai thức ăn. Nhổ quá muộn khiến răng mọc không đúng vị trí, xô lệch gây mất thẩm mỹ. Nếu răng sữa rụng được một thời gian nhưng răng vĩnh viễn cũng cần cho trẻ đi khám.
Không nên tự nhổ răng tại nhà cho bé
Cách phân biệt được răng sữa và răng vĩnh viễn?
Nhận biết đâu là răng sữa, đâu là răng vĩnh viễn sẽ giúp cha mẹ theo dõi được tiến độ mọc răng của con và kiểm tra nếu có bất thường về thời gian mọc. Để phân biệt, bạn có thể dựa vào các yếu tố sau:
Về số lượng và kích thước răng
Răng sữa của trẻ hoàn thiện khi trẻ được 3 tuổi với số lượng tổng là 20 răng, cụ thể gồm:
- 4 chiếc răng cửa giữa.
- 4 chiếc răng cửa bên.
- 4 chiếc răng nanh.
- 8 chiếc răng hàm (răng cối).
Bắt đầu khi 6 tuổi, răng vĩnh viễn sẽ bắt đầu quá trình thay thế răng sữa rụng. Bởi vậy kể từ 8-12 tuổi, hai loại răng này sẽ mọc lẫn nhau. Tất cả các răng vĩnh viễn đều có kích thước lớn hơn răng sữa. Đến khi 12 tuổi, răng sữa đã rụng toàn bộ và được thay thế bằng răng trưởng thành với số lượng là 28-32 chiếc. Cụ thể gồm:
- 4 chiếc răng cửa giữa
- 4 chiếc răng cửa bên
- 4 chiếc răng nanh
- 8 chiếc răng hàm nhỏ
- 8 – 12 chiếc răng hàm lớn.
- Đến khoảng 18-25 tuổi, đa số chúng ta sẽ tiếp tục mọc răng khôn. Tuy nhiên cũng có người không mọc loại răng này nhưng sẽ không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay chức năng nhai của hàm.
Số lượng răng vĩnh viễn nhiều hơn so với răng sữa
Về men và ngà răng
Răng sữa có cấu trúc men và ngà trong suốt, mỏng (chỉ khoảng 1mm), buồng tủy lớn và không có dây thần kinh cảm giác nên răng sữa dễ bị sâu hơn. Với răng vĩnh viễn, lớp men răng dày tới 2-3mm, độ cứng tốt hơn và ít bị sâu hơn.
Về màu sắc răng
Răng sữa do có cấu tạo chủ yếu từ thành phần vô cơ ít hơn răng vĩnh viễn nên thường có màu trắng đục, răng trưởng thành sẽ có màu vàng hơn và trong hơn. Ngoài ra răng cửa vĩnh viễn khi mới mọc sẽ có các nụ nhỏ ở rìa cắn và dần bằng phẳng hơn trong quá trình ăn nhai.
Về hình dáng và chân răng
Răng sữa có thân răng thấp hơn so với răng trưởng thành, răng cửa và răng nanh sữa không thanh như răng vĩnh viễn. Bên cạnh đó, răng sữa thường có nhiều chân (2 chân với răng hàm dưới và 3 chân với răng hàm trên), chân dang rộng nên khi nhổ thường bị gãy và sót chân.
Răng vĩnh viễn thường to và thân răng cao hơn răng sữa
Mối liên hệ giữa răng sữa và răng vĩnh viễn
Răng sữa khi lung lay và rụng do chân răng bị tiêu dần và áp lực của răng vĩnh viễn bên dưới sẽ để lại vị trí để răng vĩnh viễn thay thế. Tuy nhiên cũng có trường hợp răng vĩnh viễn nằm cách xa so với răng sữa thì kể cả khi răng sữa chưa rụng thì răng trưởng thành đã dần mọc lên khỏi nướu. Cũng có trường hợp khác khi răng sữa đến tuổi nhưng chưa rụng, răng vĩnh viễn mọc sẽ bị lệch và chèn lên nhau.
Bởi vậy răng sữa và răng vĩnh viễn có sự liên quan rất mật thiết với nhau. Thứ tự mọc răng của bé, vị trí và sự tồn tại của răng sữa vừa đảm bảo chức năng ăn nhai, vừa mang tính thẩm mỹ nhưng cũng có vai trò định hướng để mọc răng vĩnh viễn sau này.
Răng sữa có vai trò định hướng vị trí và hướng mọc của răng trưởng thành
Thứ tự mọc răng của bé khá giống nhau ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn nhưng thời gian và khoảng cách tuổi là không giống nhau. Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu mọc, rụng của răng để có giải pháp chăm sóc, giúp con có một hàm răng khỏe mạnh và đều đẹp.