Cảnh báo những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh và cách điều trị

Nguyễn Thu Hà

18-06-2022

goole news
16

Trầm cảm sau sinh là một loại rối loạn cảm xúc xảy ra ở người phụ nữ sau sinh. Bệnh lý này có thể dẫn đến những sự tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần và thể chất của người mẹ. Đây là giai đoạn nhạy cảm của người mẹ cần được chú ý và có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Theo số liệu thống kê, trầm cảm sau sinh là bệnh lý thường gặp đối với nhóm phụ nữ sau sinh, chiếm tỉ lệ 10% đến 20%. Con số này cho thấy trầm cảm đối với sản phụ ngày càng được quan tâm. Vậy trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau khi sinh - bệnh lý thường gặp

Trầm cảm sau khi sinh - bệnh lý thường gặp

Theo các nhà chuyên gia tâm lý học, trầm cảm sau sinh được hiểu là tình trạng rối loạn cảm xúc của người mẹ sau quá trình sinh con. Người mẹ thường có những cảm xúc tiêu cực như: mệt mỏi, buồn chán, đau khổ, tức giận…. Mức độ biểu hiện nặng nhất của người bệnh là không thể kiểm soát được những suy nghĩ của mình, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần của người mẹ.

Trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến hành động tiêu cực vì mẹ không kiểm soát được cảm xúc

Trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến hành động tiêu cực vì mẹ không kiểm soát được cảm xúc

Triệu chứng bệnh trầm cảm nếu nhẹ, người mẹ có thể tự vượt qua được và khỏi bệnh, nhưng nếu bệnh diễn tiến nặng cần được điều trị sớm với chuyên gia tâm lý phù hợp.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

Đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân dẫn đến trầm cảm - rối loạn cảm xúc sau khi sinh. Vì đây là căn bệnh tâm lý, nên thường mỗi bệnh nhân sẽ có những tác động khác nhau, tạo nên các mức độ bệnh khác nhau. Những yếu tố có thể tác động cả về khách quan - môi trường sống và chủ quan - sự thay đổi, yếu tố bên trong cơ thể. Về tỷ lệ trầm cảm sau sinh tại Việt Nam, sau đây là năm nhóm thường gặp:

  • Sự thay đổi hormone trong cơ thể: Bạn cũng biết khi cơ thể người phụ nữ mang thai thì hormone trong cơ thể cũng thay đổi theo. Đặc biệt sau những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, sự thay đổi này có thể kéo theo sự chuyển biến tiêu cực của cảm xúc, kéo theo dấu hiệu trầm cảm. Điều này khá tương tự với tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi do hormone cơ thể nữ giới thay đổi nhẹ trước mỗi kỳ kinh nguyệt, nhưng sự thay đổi này có khả năng cao hơn sau quá trình sinh nở và là một trong các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.
  • Có tiền sử trầm cảm: Những người có tiền sử bệnh trầm cảm có khả năng mắc trầm cảm sau khi sinh cao hơn các nhóm phụ nữ khác.

Có thể do nội tiết tố thay đổi đột ngột là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm

Có thể do nội tiết tố thay đổi đột ngột là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm

  • Yếu tố cảm xúc: Những cảm xúc tiêu cực của người mẹ trong quá trình mang thai có thể tác động tới bản thân trong quá trình sau sinh. Ví dụ như một số bà mẹ mang thai ngoài ý muốn, khác với kế hoạch của họ, dễ dàng xuất hiện các cảm xúc không chấp nhận, tiêu cực với quá trình mang thai của mình. Những trường hợp này này thường sẽ có những cảm xúc buồn, giận, có lỗi,... Điều này sẽ tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần, gia tăng áp lực lên cơ thể người mẹ.
  • Sự mệt mỏi: Cơ thể người mẹ khi mang thai sẽ luôn cần thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sau quá trình sinh con. Người mẹ sẽ cần rất nhiều thời gian để lấy lại năng lượng và sức khỏe. Đặc biệt nếu sản phụ sử dụng phương pháp mổ lấy thai sẽ cần nhiều thời gian hơn để thực sự phục hồi.
  • Yếu tố bên ngoài: Trải qua quá trình sinh đẻ người phụ nữ sẽ luôn gặp khó khăn với bản thân cũng như việc làm quen - chăm sóc con cái. Nhưng nếu thiếu sự giúp đỡ của người thân, áp lực lên cơ thể người mẹ sẽ gia tăng. Đặc biệt nếu người mẹ còn gặp các biến cố khác trong cuộc sống (người thân mất, mắc bệnh,...) áp lực nhân đôi dễ tăng nguy cơ trầm cảm thêm nặng.

Tìm ra đúng nguyên nhân để chữa trị bệnh hiệu quả

Tìm ra đúng nguyên nhân để chữa trị bệnh hiệu quả

Đối tượng có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh

Những đối tượng có nguy cơ cao được liệt kê như sau:

  • Người có tiền sử bệnh trầm cảm sau khi sinh, tiền sử bệnh trầm cảm trước đây.
  • Trẻ vị thành niên mang thai (dưới 18 tuổi).
  • Trải qua quá trình khó khăn, căng thẳng trước thời gian mang thai.
  • Thiếu sự san sẻ từ người chồng và gia đình.
  • Người sống trong môi trường tiêu cực, nhiều mâu thuẫn.
  • Người mang thai ngoài ý muốn.
  • Người có những biến cố trong thai kỳ: thai chết lưu, sảy thai.

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh con

Có những dấu hiệu bệnh trầm cảm thường thấy ở phụ nữ sau sinh như sau:

  • Những thay đổi cảm xúc bất thường, mất kiểm soát, giận dữ.
  • Tâm trạng buồn và không hiểu lý do, tuyệt vọng, vô vọng hoặc thấy quá căng thẳng với mọi chuyện xảy ra xung quanh.
  • Khóc rất nhiều và không hiểu được lý do mình khóc.
  • Luôn sợ hãi, lo lắng, áp lực lên chính mình.
  • Giấc ngủ không ổn định, đôi khi không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Không quan tâm đến bản thân.
  • Không muốn ăn, ăn rất ít hoặc có trường hợp lại ăn rất nhiều.
  • Ngại tiếp xúc với mọi người, không muốn gần gũi với con, xa lánh bạn bè, người thân.
  • Xuất hiện những suy nghĩ tự làm tổn thương chính bản thân mình.

Các dấu hiệu thường gặp khi bị trầm cảm sau sinh

Các dấu hiệu thường gặp khi bị trầm cảm sau sinh

Các loại trầm cảm sau sinh thường gặp

Trầm cảm có 4 loại thường gặp như sau:

Baby blues

Đây là hội chứng người mẹ có những biểu hiện lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã kéo dài trong vòng 2 tuần. Nếu kéo dài hơn thì người mẹ có khả năng cao mắc chứng trầm cảm.

Hội chứng trầm cảm sau sinh

Hội chứng này thường gặp ở 10% bà mẹ sau sinh với các biểu hiện hay thiếu tự tin, chán nản, chán ghét bản thân, thiếu tập trung, gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định.

Trầm cảm có thể xuất hiện khi đang mang thai hoặc sau sinh

Trầm cảm có thể xuất hiện khi đang mang thai hoặc sau sinh

Rối loạn tâm thần sau sinh

Đây là hội chứng thường xảy ra với những người mẹ có tiền sử bệnh hoặc tiền sử bệnh trong gia đình về rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt.

Sản phụ sẽ có các dấu hiệu như cáu gắt, lo lắng, mất ngủ, suy giảm trí nhớ và dễ kích động. Nếu kéo dài có thể dẫn đến ảo giác, hoang tưởng thậm chí là có ý định tự tử.

Trầm cảm ở người bố

Đây là một hội chứng thường ít được nhiều người để ý. Người bố có con nhỏ cũng có khả năng gặp các vấn đề về tâm lý vì phải đối mặt với nhiều sự thay đổi khi có con. Đặc biệt, nếu người vợ bị trầm cảm thì sẽ gia tăng khả năng người chồng cũng mắc bệnh.

Người bố có con nhỏ cũng có khả năng gặp các vấn đề về tâm lý

Người bố có con nhỏ cũng có khả năng gặp các vấn đề về tâm lý

Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?

Đây là căn bệnh đã được cảnh báo và lưu ý trong nhiều thập kỷ nay vì sự tác động xấu tới sức khỏe của mẹ và trẻ em, kéo theo đó là những ảnh hưởng tiêu cực đối với các thành viên trong gia đình.

Đối với phụ nữ

Người mẹ nếu kéo dài tình trạng trầm cảm sẽ có thể phát triển thành các bệnh tâm thần nếu không được chữa trị kịp thời. Đồng thời, nếu cơ thể người mẹ không ổn định sẽ không thể đảm bảo được sức khỏe đầy đủ, để chăm sóc con cái. Hơn thế nữa, căn bệnh này có thể dẫn đến gia tăng tình trạng tử tự.

Đối với những đứa trẻ có mẹ mắc bệnh trầm cảm

Trẻ có mẹ mắc bệnh trầm cảm sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi và cảm xúc:

  • Trẻ có những hành vi dễ kích động và bất thường.
  • Trẻ khó thích nghi với môi trường, căng thẳng và khó hòa nhập với cộng đồng,...

Đối với gia đình có người thân bị trầm cảm sau sinh

Với các thành viên trong gia đình của người mẹ bị trầm cảm, sẽ có những tác động tiêu cực tới cảm xúc của các thành viên, đặc biệt là người bố. Hơn thế nữa, hành vi của người mẹ cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của các thành viên trong nhà. Vì vậy, nếu không được điều trị sớm, sẽ có tác động xấu đến cả gia đình.

Cách điều trị trầm cảm sau sinh

Để vượt qua trầm cảm sau sinh, mẹ có thể tham khảo các cách điều trị sau đây:

Nhờ sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý

Khi mẹ có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, hãy nhờ tới sự hỗ trợ, tham vấn từ bác sĩ tâm lý để có thể giúp đỡ thông qua các phương pháp phù hợp và điều chỉnh kịp thời những cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Điều trị bằng thuốc

Cần theo dõi những triệu chứng bất thường của trẻ để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Thuốc bác sĩ kê đơn thường là thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc an thần. Thuốc có tác dụng điều chỉnh tâm trạng, kiểm soát não bộ.

Vai trò của bản thân người bệnh và người thân

Người bệnh và người thân trong gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Việc hỗ trợ, san sẻ gánh nặng và áp lực từ người thân, đặc biệt là người chồng, sẽ là sự đồng hành tốt nhất trong quá trình vượt qua căn bệnh này.

Người bệnh cũng cần lắng nghe cơ thể mình, thư giãn, tránh những trường hợp quá mệt mỏi, căng thẳng.

Hãy đồng cảm và chia sẻ với phụ nữ bị trầm cảm sau sinh

Hãy đồng cảm và chia sẻ với phụ nữ bị trầm cảm sau sinh

Phòng ngừa trầm cảm sau sinh

Trầm cảm có thể được phòng ngừa từ sớm, ngay từ khi mang thai. Mẹ bầu có thể thực hiện những việc như sau:

  • Tham gia khóa học tiền sản: Hiểu biết quá trình mang thai và phục hồi sau khi sinh bằng cách tham gia các khóa học tiền sản sẽ giúp người mẹ có những biện pháp phòng tránh và chuẩn bị hiệu quả, tránh những chuyển biến tâm lý tiêu cực.
  • Thực hành thai giáo và thư giãn trước sinh: Thai giáo cũng là một cách để mẹ bầu giải tỏa stress, căng thẳng và có suy nghĩ tích cực trong quá trình mang thai. Chuẩn bị những hành trang tốt nhất khi sinh bé.

Một số lưu ý giúp phụ nữ ngăn ngừa chứng trầm cảm, rối loạn cảm xúc sau khi sinh bé

  • Tham vấn từ bác sĩ: Người mẹ có thể nói chuyện riêng với bác sĩ tâm lý hoặc sử dụng thuốc nếu có những triệu chứng bất thường.
  • Yêu cầu giúp đỡ từ người thân: Hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người chồng, người thân trong gia đình trong quá trình sau sinh vì đây là giai đoạn khó khăn và cần thời gian để thích nghi.
  • Không quá áp lực việc chăm con: Đừng quá áp lực đối với vấn đề chăm sóc con cái vì mọi người mẹ đều cần thời gian để hai mẹ con có thể hiểu nhau và có phương pháp chăm sóc phù hợp. Tuyệt đối không sử dụng những từ ngữ gây kích động trong quá trình chăm con với những người mẹ, đặc biệt là với người mẹ vừa sinh con sau 1-2 tuần đầu.

Trầm cảm sau khi sinh thường diễn ra đối với các thai phụ vì có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động lên tinh thần của người mẹ. Vậy trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? Bệnh này có chữa khỏi không? Xin trả lời là có, nhưng phải bằng sự quan tâm hỗ trợ, chăm sóc từ cả người thân lẫn bác sĩ. Thay vì giữ những thói quen hay môi trường cũ, gia đình cần linh động hơn để có thể tạo điều kiện tích cực cho mẹ, tránh các hội chứng của trầm cảm sau sinh.

Có thể thấy trầm cảm sau sinh là căn bệnh tâm lý nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và can thiệp từ sớm. Sự quan tâm, hỗ trợ của người thân trong gia đình là "cầu nối" quan trọng giúp phòng tránh và điều trị chứng bệnh này. Bên cạnh đó, nên đưa sản phụ đi khám khi có những dấu hiệu tâm lý bất thường tại cơ sở uy tín nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Liên hệ ngay tổng đài 1900 1806 để được hỗ trợ và đặt lịch khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,679

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám