Trẻ bị cảm lạnh: Nguyên nhân - Dấu hiệu - Cách xử trí hiệu quả

Trần Hồng Nụ

07-09-2021

goole news
16

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị cảm lạnh. Đây là căn bệnh thường gặp và không quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ bị cảm lạnh, phụ huynh cũng cần tìm hiểu cách chăm sóc và điều trị cho bé sao cho đúng cách để ngăn chặn các biến chứng như viêm tai, viêm họng, viêm xoang hay viêm phổi.

Cảm lạnh ở trẻ em là gì?

Trẻ bị cảm lạnh thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, vào những thời điểm lạnh như mùa thu hoặc mùa đông. Đây là bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra với mức độ nhẹ, tuy nhiên các triệu chứng vẫn khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc học tập cũng như cuộc sống của trẻ.

Trẻ thường bị cảm lạnh vào mùa thu, mùa đông
Trẻ thường bị cảm lạnh vào mùa thu, mùa đông

Vì bệnh chưa có thuốc hay vaccine phòng ngừa đặc trị nên mỗi năm, trẻ nhỏ có thể nhiễm lạnh hơn 8 lần. Cha mẹ cần chủ động tăng cường sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch cho con, đồng thời quan sát triệu chứng cảm lạnh mỗi khi chuyển mùa để có phương án điều trị kịp thời.

Nguyên nhân khiến trẻ bị cảm lạnh

Các chuyên gia ước tính có hơn 200 chủng virus có khả năng khiến trẻ bị cảm lạnh, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là Rhinovirus. Chúng lây lan mạnh mẽ qua tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như:

  • Chạm tay vào giọt bắn chứa virus do người bệnh ho, hắt hơi,... sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng
  • Sử dụng chung đồ chơi, đồ dùng cá nhân với người nhiễm cảm lạnh

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ cảm lạnh ở trẻ:

  • Hệ miễn dịch của trẻ suy yếu do mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch
  • Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm thấp
  • Trẻ không được giữa ấm đúng cách, cẩn thận khi thời tiết chuyển lạnh
  • Trẻ bị dị ứng với thời tiết

Những địa điểm công cộng, đông người như nhà trẻ, khu vui chơi có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Vậy nên, cha mẹ cần đặc biệt chú ý, chủ động phòng ngừa sự lây nhiễm virus khi vào mùa dịch.

Nhiều yếu tố tăng nguy cơ trẻ bị cảm lạnh

Nhiều yếu tố tăng nguy cơ trẻ bị cảm lạnh

Biểu hiện của trẻ bị nhiễm lạnh

Cảm lạnh là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ, lưu hành quanh năm, cha mẹ có thể nhận biết bằng những dấu hiệu bị cảm lạnh đặc trưng như:

  • Chảy nước mũi
  • Hắt hơi
  • Mệt mỏi
  • Quấy khóc, lười vận động
  • Sốt
  • Nôn trớ
  • Ho

Theo các bác sĩ khoa Nhi của Bệnh viện Đa Khoa Phương Đông chia sẻ: Trẻ bị cảm lạnh có thể tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày nếu được cha mẹ chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ nôn nhiều, không thể ăn uống thì bệnh sẽ trở nặng và lâu khỏi hơn. Nếu trẻ có dấu hiệu nôn nhiều khiến mất nước, cơ thể nhợt nhạt và có dấu hiệu chuyển xấu thì cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tham khám. 

Những biến chứng có thể gặp khi trẻ bị cảm lạnh

Trẻ bị cảm lạnh nếu không được quan tâm chăm sóc đúng cách có thể phải đối mặt với hàng loạt các biến chứng như:

  • Viêm tai giữa: Viêm tai giữa thường là hậu quả của một hoặc nhiều bệnh lý, trong đó có cảm cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng... làm tắc nghẽn và gây phù nề đường mũi, họng và vòi nhĩ
  • Hen suyễn: Cảm lạnh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng thở khò khè, tức ngực. Đối với những trẻ có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử hen thì bệnh lý này rất dễ làm khởi phát cơn hen. Như vậy, với những trẻ mắc bệnh hen suyễn thì phụ huynh cần phải chú ý chăm sóc bé cẩn thận hơn trong mùa lạnh
  • Viêm họng: Viêm họng do cảm lạnh thường gặp ở những trẻ từ  6 tháng đến 15 tuổi. Một số dấu hiệu cảnh báo biến chứng này gồm đau họng, sưng họng, đỏ amidan, nổi nốt nhỏ màu đỏ vùng vòm họng,...
  • Viêm xoang: Bệnh cảm lạnh thông thường dù không đáng ngại tuy nhiên cũng có thể làm tắc nghẽn xoang mũi của trẻ. Từ đó virus có cơ hội được sinh sôi, phát triển trong dịch mũi và dẫn tới viêm xoang, nhiễm trùng xoang mũi
  • Viêm phổi: Trong trường hợp bé bị cảm lạnh gặp phải những triệu chứng như sốt cao, đổ mồ hôi, ớn lạnh,... phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi đó là những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phổi

Bé bị cảm lạnh sổ mũi có thể gặp biến chứng viêm phổi nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách
Bé bị cảm lạnh sổ mũi có thể gặp biến chứng viêm phổi nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách

Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì?

Nếu trẻ bị cảm lạnh có các triệu chứng nhẹ, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng các biện pháp sau:

  • Bù nước và điện giải: Trẻ bị cảm lạnh thường có triệu chứng nôn trớ, ra mồ hôi. Điều này khiến bé bị thiếu nước và điện giải. Do vậy, cha mẹ hãy cho trẻ uống nước hoặc uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Chú ý, chỉ nên cho bé uống từng ít một, vì việc uống nhiều cũng dễ khiến trẻ có cảm giác nôn
  • Hút dịch mũi cho trẻ: Nếu trẻ bị cảm lạnh có triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi với nhiều dịch thì việc hút mũi cho bé đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi điều này có thể giúp trẻ thở và ngủ một cách dễ dàng hơn đồng thời cũng cảm thấy thoải mái hơn. Bố mẹ nên dùng máy hút mũi chuyên dụng và thực hiện các động tác nhẹ nhàng để không làm trẻ bị đau
  • Vệ sinh mũi cho trẻ: Khi bé bị cảm lạnh sổ mũi, cha mẹ cần rửa mũi thường xuyên, đúng cách cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%
  • Cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi bé bị cảm lạnh sổ mũi, hãy để trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế tối đa các hoạt động thể lực và trí óc
  • Chia nhỏ các bữa ăn cho bé: Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu như cháo thịt băm, chuối, bánh mì mềm,... Đồng thời hạn đồ ăn có nhiều chất béo hay gia vị vì chúng rất dễ khiến trẻ nôn trớ nhiều hơn. Bên cạnh đó, các bữa ăn nên được chia nhỏ, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa tránh khiến trẻ nôn trớ
  • Cách giảm sốt: Trường hợp bé bị cảm lạnh có triệu chứng sốt, phụ huynh cần chườm ấm toàn thân liên tục để hạ nhiệt cho trẻ. Chú ý, bạn chỉ được dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C và có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ: Điều này sẽ giúp đẩy lùi các vi khuẩn gây hại khiến bệnh cảm lại ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn

Khi bé bị cảm lạnh sổ mũi, bạn cần hút dịch mũi cho bé thường xuyên bằng dụng cụ chuyên dụng
Khi bé bị cảm lạnh sổ mũi, bạn cần hút dịch mũi cho bé thường xuyên bằng dụng cụ chuyên dụng

Ngoài ra, khi bé bị cảm lạnh, phụ huynh cũng cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chăm sóc bé
  • Không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ
  • Chỉ cho bé ăn lại sau khoảng 20 đến 30 phút sau khi bé nôn

Phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ như thế nào?

Trẻ có thể bị cảm lạnh rất nhiều lần trong một năm, nhất là vào mùa lạnh và những khi thời tiết thay đổi. Ở những giai đoạn này, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Để phòng ngừa cảm lạnh, trẻ cần được vệ sinh cơ thể sạch sẽ
Để phòng ngừa cảm lạnh, trẻ cần được vệ sinh cơ thể sạch sẽ

Để phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ một cách hiệu quả nhất, các bậc phụ huynh nên áp dụng đồng thời các biện pháp sau:

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được vệ sinh cơ thể sạch sẽ để ngăn chặn các tác nhân có hại xâm nhập và gây bệnh. Với những trẻ lớn hơn, bạn nên nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay với xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi đi ra ngoài. 
  • Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người: Virus cảm lạnh có thể lây lan rất nhanh qua không khí. Do đó, việc hạn chế đưa trẻ đến nơi tập trung đông người sẽ giúp phòng ngừa bệnh cảm lạnh hiệu quả. Ngoài ra, virus gây bệnh này còn có khả năng lây lan qua vật trung gian và tồn tại ở đó trong vài tiếng. Vì vậy, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc những vật dụng đặt tại nơi công cộng như tay nắm cửa, lan can cầu thang,...
  • Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát: Trẻ không nên mặc quần áo quá dày, nhất là khi ngủ. Bởi việc mặc quần áo dày khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và dễ bị cảm lạnh.
  • Chú ý đến khả năng thông gió và độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ: Virus rất dễ thâm nhập vào cơ thể trẻ khi niêm mạc mũi của trẻ bị khô. Do đó, độ ẩm hợp lý của phòng ngủ cho bé cần duy trì là ở mức 60%. Đồng thời, phụ huynh cũng không nên quá lạm dụng máy điều hòa thường xuyên, sau 3 tiếng sử dụng nên mở cửa sổ để lưu thông không khí.
  • Chế độ dinh dưỡng: Để giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau xanh và các loại thực phẩm giàu vitamin C. Ngoài ra bạn cũng nên hạn chế tối đa việc cho trẻ uống hoặc ăn đồ để trong tủ lạnh. Xét nghiệm vi chất cho trẻ là cách để sớm phát hiện tình trạng thiếu chất của trẻ, nên tuân thủ hướng dẫn chăm sóc trẻ của bác sĩ.

Khi nào trẻ bị cảm lạnh cần đến bệnh viện?

Trường hợp đã áp dụng một số cách điều trị tại nhà, nhưng những triệu chứng cảm lạnh của trẻ không được cải thiện, thậm chí còn gia tăng. Nhất là khi bé vẫn sốt cao, ho khan, mệt mỏi, ớn lạnh,… thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ điều trị kịp thời.

Cha mẹ lưu ý những dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh nghiêm trọng cần đến bệnh viện:

  • Trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều, nôn trớ dữ dội, thường xuyên, liên tục
  • Bé nôn ra dịch mật, máu
  • Bé không thể ăn uống hay bú mẹ
  • Bé nôn trớ nhiều kèm triệu chứng sốt cao trên 38,5 độ C
  • Bé có biểu hiện của mất nước: Môi khô, thường xuyên khát nước, da khô, mắt trũng,...
  • Trẻ co giật hoặc ngủ li bì khó đánh thức, thở nhanh,...

Đối với những trường hợp trẻ mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn thì cha mẹ càng phải cẩn trọng hơn. Tốt nhất nếu không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cho bé khi bị cảm lạnh, gia đình nên cho con đi khám càng sớm càng tốt.

Khi trẻ bị cảm lạnh cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám

Khi trẻ bị cảm lạnh cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám

Trẻ bị cảm lạnh là tình trạng không quá lo ngại, phần lớn trẻ nhỏ đều mắc bệnh 8 - 10 lần/năm. Cha mẹ nên bình tĩnh xử lý triệu chứng của bệnh thay vì lo lắng, nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã được điều trị thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời trước khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết đã giúp các bậc phụ huynh tìm được câu trả lời cho câu hỏi trẻ bị cảm lạnh phải làm sao cùng các kiến thức khác về căn bệnh này. Nếu còn thắc mắc điều gì hãy liên hệ ngay với tư vấn viên của Bệnh viện Phương Đông để được giải đáp nhé!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,103

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám