Trẻ sơ sinh bú ít khiến nhiều bà mẹ lo lắng, băn khoăn không biết liệu sức khỏe bé yêu có ổn định. Mẹ nên nắm bắt được nguyên nhân trẻ sơ sinh bú ít và có biện pháp xử lý để nhanh chóng vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” này.
Trẻ sơ sinh bú ít khiến nhiều bà mẹ lo lắng, băn khoăn không biết liệu sức khỏe bé yêu có ổn định. Mẹ nên nắm bắt được nguyên nhân trẻ sơ sinh bú ít và có biện pháp xử lý để nhanh chóng vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” này.
Trong các loại sữa thì sữa mẹ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và giúp ngăn ngừa bệnh tật, không những thế mà người mẹ cũng nhận được những lợi ích nhất định. Do đó, quyết định cho con bú luôn là một quyết định tuyệt vời cho cả mẹ và bé yêu.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường là điều mà mọi ông bố bà mẹ đều lo lắng. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến bé bị thiếu chất dinh dưỡng, chậm tăng cân… Mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cách giải quyết kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu.
Trẻ sẽ quấy khóc, khó chịu khi không được bú đủ lượng sữa cần thiết
Dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, do vậy mỗi lần bú bé chỉ cần khoảng 5 - 7ml sữa là đủ. Sau 2 tuần đầu, trẻ có thể bú trung bình từ 60ml - 90ml sữa/lần. Khoảng 1 - 6 tháng tuổi, dạ dày của trẻ mở rộng và khi đã quen dần với việc bú mẹ, trẻ có thể bú khoảng 90 - 150ml sữa/ lần.
Mặc dù nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bé là khác nhau, nhưng nhìn chung, trẻ sơ sinh cần bú từ 8 - 12 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 2 tiếng nếu bú mẹ và 3 tiếng nếu mẹ cho trẻ dùng sữa công thức. Sau khi bú sữa mẹ, bé không quấy khóc, ngủ ngon và lên cân đầy đủ, đi tiểu trên 6 lần/ ngày là bé đã nhận đủ sữa.
Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bú ít mà vẫn tăng cân và phát triển một cách đều đặn và bình thường thì điều này cũng không có gì đáng lo ngại, trừ khi bé gặp vấn đề khó tăng cân, mất nước hoặc tình trạng sức khỏe nào khác thì cha mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Có một số trẻ bú chừng 1 - 2 phút rồi nghỉ và bú tiếp, nhưng cũng có trẻ bú một hơi trong 2 phút và no trong nhiều giờ. Điều này còn tùy thuộc vào lượng sữa của mẹ, dạ dày của trẻ.
Trẻ lười bú xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau
Nếu bé đang bú ngoan, bú nhiều, bỗng dưng bú ít lại và hay khóc thì mẹ nên kiểm tra xem bé có vấn đề bệnh lý hoặc những dấu hiệu bất thường trên cơ thể không. Thông thường trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường có thể do các vấn đề về đường tiêu hoá, các bệnh về nhiệt miệng, đau họng, có đờm, sau đó là viêm tai, ngạt mũi, thân nhiệt cao, hoặc do bé mọc răng. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng biếng ăn, bú ít ở trẻ nhỏ.
Nếu bé nhà bạn có tình trạng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón… thì rất có thể đây là dấu hiệu khi trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột hay rối loạn sự co bóp dạ dày. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng biếng ăn, lười bú ở trẻ sơ sinh.
Nấm lưỡi gây đau đớn, khó chịu khiến bé lười bú, thường xuyên quấy khóc
Bệnh nấm lưỡi do nấm Candida Albicans gây nên thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị nấm lưỡi sẽ có nhiều vết loét nhỏ, trú ngụ dưới những lớp màng trắng. Nếu để lâu, nấm sẽ loang rộng ra khắp lưỡi, gây mất vị giác, đau đớn và khiến bé lười bú, khó bú, thậm chí là bỏ bú.
Theo các chuyên gia khoa Nhi, các gai vị giác của trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn, do đó bé sẽ rất nhạy cảm và dễ nhận ra sự khác biệt của sữa mẹ. Do đó, một trong những nguyên nhân làm bé bú ít hơn bình thường đến từ chế độ ăn uống của mẹ. Chế độ ăn uống của mẹ có thể làm thay đổi mùi vị sữa mẹ: ăn thức ăn nhiều gia vị, nặng mùi, cay hay quá chua, uống rượu bia hay uống cà phê cũng ảnh hưởng đến mùi vị sữa bé bú. Sữa mẹ bảo quản trong tủ lạnh không đúng cách, làm thay đổi chất lượng và mùi vị của sữa cũng là nguyên nhân khiến trẻ lười bú.
Ngoài ra, trẻ sẽ sợ bú mẹ khi bầu ngực của mẹ có mùi vị lạ khi mẹ dùng nước hoa, thoa kem dưỡng da, kem thoa ngực….
Trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường có thể đến từ chính mẹ. Đôi khi, do công việc quá bận rộn nên mẹ không có nhiều thời gian ở cạnh cho bé bú. Nếu lâu ngày sẽ khiến bé không có thói quen bú mẹ, khi gặp ti mẹ dễ lạ lẫm, cáu gắt, quấy khóc. Điều này có thể làm cho bé mệt mỏi thậm chí kiệt sức bởi không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ.
Mẹ ít sữa khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, bỏ bú
Khi sữa mẹ về chậm, về ít và nguồn sữa không dồi dào như bình thường là nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ sơ sinh bú ít. Lúc này việc bú mẹ không đáp ứng được nhu cầu của một số bé. Tuy mẹ vắt ra nhiều sữa nhưng thời gian vắt sữa lâu, chứng tỏ lượng sữa mẹ ít hơn bình thường. Khi trẻ phải chờ đợi sữa từ mẹ, bé có thể sinh ra biểu hiện cáu gắt, quấy khóc, bỏ bú hoặc bú ít.
Khi bé bị bệnh, nhiều cha mẹ thường sử dụng kháng sinh để điều trị nhanh cho con mau khỏi. Việc làm dụng thuốc kháng sinh như này đã trở thành nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường. Nếu bất đắc dĩ phải dùng kháng sinh để điều trị, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc và cho bé sử dụng.
Ngoài ra, mẹ cần nhớ tuyệt đối không hòa thuốc vào sữa cho trẻ bú bới nó có thể gây ám ảnh, khiến trẻ sợ bú.
Với những mẹ lần đầu sinh con sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ trong cách cho bé bú. Nhất là khi tư thế bú không đúng hoặc sữa mẹ không đều cũng sẽ làm cho bé khó chịu và bú ít hơn.
Cần cho trẻ bú đúng tư thế khi bú mẹ
Để giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường, trước tiên mẹ cần tìm ra chính xác nguyên nhân vì sao trẻ lười bú để từ đó có biện pháp giải quyết hiệu quả và nhanh chóng.
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến bé: Để tránh tình trạng trẻ sơ sinh bú ít, các mẹ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm và ăn nhiều hơn lúc bình thường để đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cả hai mẹ con. Chế độ ăn hàng ngày của mẹ luôn phải đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất và hạn chế các thức ăn có mùi nồng, chiên rán để đảm bảo nguồn sữa mẹ vừa đủ chất, vừa đủ lượng.
- Tạo thói quen bú cho bé: Để cho trẻ bú thường xuyên, mẹ nên chia nhỏ thành nhiều cữ bú trong ngày, các cữ bú cách nhau khoảng 3 tiếng và nên cho bé ti mẹ trực tiếp. Tránh để bé quá đói rồi mới cho bú. Hoặc mẹ không nên cố ép bé khi bé đã bú đủ bởi sẽ dễ gây nôn trớ.
- Cho bé bú đúng tư thế: Khi mẹ cho bé bú đúng tư thế vừa tạo cảm giác thoải mái cho trẻ, vừa để sữa mẹ ra đều hơn.
- Điều trị bệnh kịp thời cho bé: Trẻ sơ sinh bú ít bao gồm cả những biểu hiện khó chịu hay cơ thể có những triệu chứng bất thường thì mẹ cần theo dõi, kiểm tra để tìm ra bệnh lý và có biện pháp xử lý kịp thời để bé không bị mệt mỏi. Nếu nghi ngờ bé bị nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, mẹ cần cho bé đi kiểm tra để tìm chính xác nguyên nhân. Nếu phát hiện bé bị tưa lưỡi, mẹ hãy dùng nước muối sinh lý 0,9% và dùng miếng gạc nhỏ quấn vào ngón tay út, thấm vào nước muối và vệ sinh nhẹ nhàng lưỡi và vùng khoang miệng cho bé.
Khi mẹ cho trẻ bú sữa công thức bởi sữa mẹ ít hoặc mẹ bị mất sữa, mẹ nên theo dõi và chọn loại sữa phù hợp với khẩu vị của bé nhưng vẫn cần đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé ở những tháng đầu đời.
Ngoài ra, mẹ cần chọn bình bú có chất liệu và kích cỡ đầu vú phù hợp với con để con tập làm quen dần với sữa công thức. Thêm vào đó, mẹ cần chú ý khoảng cách giữa các cữ bú và liều lượng bú của bé để điều chỉnh cho phù hợp.
Trên đây là những chia sẻ về vấn đề trẻ sơ sinh bú ít. Nếu như các mẹ lo lắng về việc trẻ sơ sinh bú ít, có thể dựa vào những kiến thức và thông tin được cung cấp trên đây để nhận biết các dấu hiệu trẻ đang bú mẹ và phát triển một cách bình thường. Hoặc có những điều chỉnh để từ đó giúp trẻ bú mẹ hiệu quả và tăng cân tốt hơn cũng như ổn định lượng sữa cho mẹ.
Nếu vẫn còn thắc mắc nào khác, cha mẹ có thể liên hệ đến hotline 19001806 để được tư vấn miễn phí.
Xem thêm: Gói khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em (dành cho đối tượng dưới 16 tuổi)
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG
Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.