Trẻ sơ sinh khó ngủ không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn khiến cha mẹ lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi. Vậy trẻ khó ngủ do đâu và làm cách nào để khắc phục?
Trẻ sơ sinh khó ngủ không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn khiến cha mẹ lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi. Vậy trẻ khó ngủ do đâu và làm cách nào để khắc phục?
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp trẻ sơ sinh phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ. Khoa học đã chứng minh với trẻ ngủ sâu giấc vào thời điểm 11 giờ đêm, các hormone tăng trưởng sẽ được phóng thích giúp trẻ phát triển chiều cao. Trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ ít, ngủ muộn có nguy cơ chậm lớn, hay quấy khóc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về nhiều mặt. Bởi vậy, cha mẹ cần đảm bảo thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn 0 đến 1 tháng tuổi, trẻ gần như ngủ suốt ngày đêm, trung bình 15-18 tiếng/ngày, mỗi giấc kéo dài 2-4 tiếng. Lúc này trẻ vẫn chưa hình thành nên đồng hồ sinh học, không phân biệt được ngày đêm nên có thể ngủ nhiều vào ban ngày và thức giấc vào ban đêm.
Trẻ từ 1 đến 4 tháng tuổi cần ngủ 14-15 tiếng/ngày. Từ 6 tuần tuổi trở đi, trẻ ngủ nhiều hơn vào buổi tối, mỗi giấc kéo dài từ 4-6 giờ.
Từ 4 tháng tới 1 tuổi, trẻ cần ngủ 15 tiếng/ngày. Đây là giai đoạn quan trọng giúp trẻ tập thói quen ngủ và hình thành chu kỳ ngủ giống với người lớn.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi ngủ 3 lần vào ban ngày và giảm còn 2 lần khi được 6 tháng tuổi. Buổi sáng, trẻ thường ngủ từ khoảng 9 giờ đến 10 giờ. Từ giữa trưa tới 2 giờ chiều, giấc ngủ kéo dài khoảng 1-2 tiếng. Buổi chiều, trẻ có thể bắt đầu ngủ từ 3-5 giờ. Trẻ từ 6 tháng tuổi có khả năng ngủ xuyên đêm.
Trẻ từ 1-3 tuổi cần ngủ đủ 12-14 tiếng/ngày. Lúc này trẻ sẽ dần không ngủ buổi sáng nữa mà thay vào đó là ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa. Trẻ biết đi cần 14 tiếng ngủ/ngày. Hầu hết trẻ từ 21-36 tháng cần ngủ trưa từ 30-60 phút. Buổi tối từ 7-9 giờ trẻ bắt đầu ngủ và sẽ thức dậy vào 6-8 giờ sáng.
Trẻ sơ sinh cần ngủ từ 15-18 tiếng/ngày
Giấc ngủ của trẻ nhỏ chia làm hai giai đoạn giống như người lớn, bao gồm: giấc ngủ nhanh REM (rapid eye movement: cử động mắt nhanh) và giấc ngủ chậm Non-REM (Non-rapid eye movement: không cử động mắt nhanh).
Ở người lớn, Non-REM chiếm 75% thời gian ngủ và REM chiếm 25%. Trong khi đó ở trẻ em, REM chiếm đến 50%. Giai đoạn REM, não và hô hấp vẫn tăng hoạt động ngay cả khi ngủ khiến trẻ thở nhanh, nhịp tim cũng nhanh dẫn đến ngủ không sâu, dễ giật mình tỉnh giấc khi có tác động bên ngoài.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu cũng có thể do bú không đủ no hoặc quá no, trẻ đang mọc răng, vận động ban ngày tăng gây khó ngủ vào ban đêm.
Trẻ sơ sinh khó ngủ có thể do nhiều nguyên nhân, từ sinh lý đến bệnh lý hoặc do chế độ sinh hoạt
Bên cạnh các nguyên nhân sinh lý, trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu giấc còn có thể do:
- Thiếu chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, magie, canxi.
- Trẻ khó thở, phải mở miệng khi ngủ do viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi…
- Các bệnh lý nội khoa như trào ngược dạ dày, viêm tai giữa... cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
- Bé bị mộng du khiến ngủ không sâu, hay vặn mình, quấy khóc.
- Trẻ bị béo phì, đường hô hấp phì đại gây khó thở, phải thở miệng nên khó vào giấc ngủ.
Trẻ quen được cha mẹ bế bồng, đung đưa nôi trước khi ngủ, lâu dần sẽ bị phụ thuộc và không ngủ được nếu không được bế hay đưa nôi.
Trẻ không tập thói quen ngủ lành mạnh, ngủ ngày quá nhiều.
Chỗ ngủ của bé quá nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn hoặc bé bị thay đổi chỗ ngủ thường xuyên gây cảm giác thiếu an toàn.
Trẻ tiếp xúc với các thiết bị phát ánh sáng như TV, điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ.
Quần áo, tã bỉm, nệm, giường, chiếu không sạch làm trẻ ngứa ngáy, khó ngủ.
Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen đi ngủ sớm vào đúng giờ đã định. Việc này cũng giúp hình thành nếp ngủ tốt cho trẻ khi đến tuổi đi học.
Dạy trẻ phân biệt giữa ngày và đêm bằng cách tăng cường nói chuyện với trẻ, cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hoạt động nhiều vào ban ngày, không cần loại bỏ tiếng ồn. Về đêm cần giữ yên lặng, đi nhẹ, nói khẽ, giữ phòng tối và yên tĩnh.
Nơi ngủ của bé phải đảm bảo yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Sắp xếp giường với chăn gối êm để bé được ngủ ở nơi mềm mại, êm ái, có cảm giác an toàn, đồng thời giúp giữ ấm, tránh bé vặn mình, xoay chuyển trong lúc ngủ.
Tránh cho trẻ ăn/bú quá no hoặc để bé quá đói trước khi ngủ. Đảm bảo vệ sinh thân thể và giường ngủ cho bé, cho bé mặc quần áo thoải mái, không bó chật.
Bé sơ sinh cần được ngủ nơi yên tĩnh, êm ái
Khi bé 6-8 tuần tuổi, cha mẹ có thể tập cho con tự ngủ bằng cách đặt bé vào nôi hay giường khi buồn ngủ, hát ru dỗ trẻ hoặc cho trẻ nghe nhạc êm dịu, du dương. Không nên cho trẻ ngủ trên tay rồi mới đặt xuống giường vì sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ.
Trường hợp trẻ bị rối loạn giấc ngủ như mộng du, cần đưa bé đi khám với bác sĩ để có lời khuyên phù hợp. Nếu cần tư vấn thêm về các cách chăm sóc trẻ sơ sinh khó ngủ, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cùng chuyên gia nhi khoa giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 19001806 hoặc TẠI ĐÂY.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG
Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.