Trẻ sơ sinh thở khò khè có nghiêm trọng không, khắc phục thế nào?

Hoàng Lan

23-10-2020

goole news
16

Ho, xổ mũi, thở khò khè,... là những triệu chứng bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp với trẻ trong những năm đầu sau sinh. Trong đó, trẻ thở khò khè được xếp vào dấu hiệu nguy hiểm hàng đầu mà cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm.

Dấu hiệu nhận biết bé thở khò khè 

Hẳn nhiều phụ huynh, đặc biệt những người lần đầu làm cha sẽ không khỏi băn khoăn rằng trẻ thở khò khè là thế nào? Thực ra, khò khè mô tả tiếng rít hay âm thanh phát ra giống tiếng ngáy khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Bằng cách áp tai vào miệng, ngực hoặc lưng con, cha mẹ có thể nghe rõ âm thanh này. Tình trạng thở khò khè khi trở nặng chỉ cần nghe và quan sát bình thường cũng thấy rõ trẻ thở ra kéo dài, gắng sức.  

Trẻ sơ sinh thở khò khè thường kèm theo thở gắng sức, khó thở.

Trẻ sơ sinh thở khò khè kèm theo thở gắng sức, khó thở là triệu chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên phật biệt thở khò khè với tiếng thở khụt khịt do bị nghẹt mũi, để xác định chính xác xem trẻ có thực sự gặp vấn đề về đường thở hay không?  Nếu do nghẹt mũi, cha mẹ chỉ cần vệ sinh mũi là trẻ sẽ thở bình thường trở lại nhưng nếu thấy trẻ thở rít, có tiếng khò khè thì cần được theo dõi sát sao. Đây có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp dưới nguy hiểm. 

Nguyên nhân bé sơ sinh thở khò khè

Theo thống kê, chứng thở khò khè dễ gặp ở trẻ 2 đến 3 tuổi do tầm này phế quản trẻ có kích thước khá nhỏ, dễ bị phù nề, co thắt, tiết dịch,... Và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị khò khè, có đờm, ho rít: 

Hen suyễn 

Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở ở trẻ có yếu tố gia đình hoặc trẻ từ mắc chứng viêm đường hô hấp cấp chuyển sang bị hen suyễn. Bệnh làm cho trẻ gặp khó khăn trong việc thở và dấu hiệu thường gặp nhất chính là những cơn khò khè. Trẻ bị hen suyễn, niêm mạc đường hô hấp rất nhạy cảm với các kích thích nên dễ bị viêm, kích ứng kéo theo tình trạng trẻ khó thở, khò khè, ho. Bệnh biểu hiện nặng vào ban đêm nên cha mẹ sẽ thấy trẻ ngủ thở khò khè nhiều. Hoặc khi thời tiết thay đổi, khói bụi,... cũng khiến những tiếng khò khè mạnh, rõ ràng hơn.

Viêm phổi 

Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, trẻ thường nghẹt mũi, thở khò khè. Điều này được lý giải do tình trạng nhiễm trùng nặng làm các mu mô phổi tổn thương, tiết nhiều dịch nhầy, mủ và vì thế trẻ thở khò khè, khó thở, thậm chí suy hô hấp. Cha mẹ không nên chủ quan vì viêm phổi có thể diễn biến xấu rất nhanh, hãy cho trẻ đi thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị đúng cách. 

Trẻ sơ sinh thở khò khè kèm theo ho đờm, sốt, khó thở có thể đang bị viêm phổi.

Trẻ sơ sinh thở khò khè kèm theo ho đờm, sốt, khó thở có thể đang bị bệnh viêm phổi.

Viêm tiểu phế quản 

Viêm tiểu phế quản (khác viêm phế quản) là tình trạng các cuống phổi nhỏ hay các tiểu phế quản bị viêm nhiễm cấp tính. Các tổ chức này khi bị viêm nhiễm nhanh chóng phù nề làm hẹp đường thở, gây tắc nghẽn quá trình không khí lưu thông của không khí và kết quả là trẻ khó thở, thở khò khè. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, trẻ có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.  

Các nguyên nhân khác 

Ngoài các nguyên nhân trên thì hiện tượng trẻ sơ sinh thở mạnh khò khè còn liên quan đến bệnh trào ngược thực quản hay do trẻ dị ứng với chất nào đó trong không khí hoặc do có dị vật đường thở, phế quản bị chèn ép,...  

Chẩn đoán bệnh lý khi bé thở khò khè như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị khò khè, không phải trường hợp nào cha mẹ cũng nhận biết được qua việc quan sát bình thường. Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện hơi khác lạ hoặc nghi ngờ bé gặp vấn đề về đường thở, cha mẹ cần: Nhẹ nhàng áp tai của mình vào mũi, ngực hoặc lưng bé để nghe rõ từng tiếng thở và đoán biết được tình trạng của con.

Một số trường hợp trẻ thở khò khè phải nhờ ống nghe chuyên dụng của bác sĩ để chẩn đoán.

Một số trường hợp trẻ thở khò khè phải nhờ ống nghe chuyên dụng của bác sĩ để chẩn đoán.

Nếu không chắc chắn về những điều con đang gặp phải, hãy đưa con đi thăm khám với bác sĩ. Bởi không ít trường hợp phải dùng ống nghe chuyên dụng nghe thật kỹ mới xác định được chính xác tình trạng trẻ thở khò khè hay không. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định trẻ phải chụp x-quang,... để chẩn đoán chính xác bệnh lý và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. 

Bé thở khò khè có quá nguy hiểm không? 

Trẻ sơ sinh thở khò khè có sao không là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh. Thực tế, để xác định xem thở khò khè của trẻ là bình thường hay là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm thì cha mẹ có thể dựa vào âm thanh tiếng thở và biểu hiện thở như thế nào. Nếu trẻ sơ sinh thở khò khè kèm theo các triệu chứng như: Thở dốc, thở gấp, thở không đều, trẻ thở rít, có đờm, quấy khóc,... cần đưa con đi gặp bác sĩ ngay. Bởi khả năng cao bé đang bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản… hoặc vấn đề nghiêm trọng nào đó ở đường hô hấp dưới.  

Ngược lại, với trường hợp trẻ bị khò khè mức độ nhẹ thì không cần quá lo lắng. Đa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hay thở thành tiếng lớn khi bị tắc mũi, khi thời tiết thay đổi mà trẻ thì chỉ thở bằng mũi nên gây ra tiếng khò khè nhẹ. Vả lại, tầm tuổi này, phế quản của trẻ còn nhỏ dễ co thắt, tiết dịch ngay khi viêm nhiễm nhẹ và kết quả là gây ra những tiếng thở như tiếng ngáy nhẹ. Bé vẫn ăn ngủ tốt, tăng cân bình thường là không sao cả. Cha mẹ cứ an tâm bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, thường xuyên vệ sinh hốc mũi cho con nhé. 

Ba mẹ cần làm gì khi trẻ thở khò khè 

Đầu tiên, cha mẹ cần phân biệt lại xem trẻ thở khò khè hay là thở khụt khịt do tắc mũi. Tiếp đó, hãy theo dõi sát sao để ý các biểu hiện khác của trẻ (nếu có). Nếu nghe thấy tiếng thở khó khăn kéo dài, dai dẳng thì đưa trẻ tới bệnh viện làm thêm các xét nghiệm chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con uống mà không có ý kiến chỉ định từ bác sĩ, kể cả thuốc kháng viêm, long đờm,...  

Khi nghi ngờ trẻ sơ sinh thở khò khè hãy nhỏ nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho trẻ.

Khi nghi ngờ trẻ sơ sinh thở khò khè, mẹ hãy nhỏ nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho trẻ.

Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho bé

Không phải cha mẹ nào cũng đủ kinh nghiệm để xác định tiếng thở khò khè nghiêm trọng hay tiếng khụt khịt do mũi trẻ tắc nghẽn nên tốt nhất, khi thấy con thở có tiếng lớn như vậy, hãy dùng nước muối sinh lý nhỏ hai bên mũi rồi hút sạch cho bé. Lưu ý trong những ngày mùa đông lạnh thì nên làm ấm chai nước muối rồi mới nhỏ mũi cho trẻ. Bên cạnh đó, mẹ có thể dùng dầu tràm bôi nhẹ vào chăn mền hoặc dùng máy xông cũng giúp con dễ chịu hơn. Nếu thấy tiếng khò khè giảm đi vài ngày sau đó, con vẫn vui chơi, ăn ngủ bình thường có nghĩa là con đã ổn, đường thở của con đã thông thoáng.

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ

Với trẻ sơ sinh vẫn đang bú mẹ, tiếp tục cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt giúp củng cố hệ miễn dịch. Trẻ đã ăn dặm thì mẹ đừng quên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C trong mỗi bữa ăn cho con. Đây là giai đoạn quan trọng mà hệ miễn dịch của con vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, nên việc sụt sịt, ho ốm cũng là một hình thức để hệ miễn dịch tập dượt và hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không được chủ quan.

Bú mẹ nhiều hơn sẽ giúp trẻ sơ sinh tăng đề kháng, hạn chế thở khò khè.

Bú mẹ nhiều hơn sẽ giúp trẻ sơ sinh tăng đề kháng, hạn chế tình trạng thở khò khè.

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ không gian sống 

Nghe tưởng chừng vô lý nhưng việc giữ gìn vệ sinh không gian sống cũng là yếu tố quan trọng giúp hạn chế các vấn đề hô hấp ở trẻ, trong đó có việc trẻ bị thở khò khè. Phòng của con nên gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát, tránh xa khói bụi, thuốc lá,...  

Khi nào cần cho bé đến khám bác sĩ?

Như đã nói ở trên, tùy từng trường hợp trẻ thở khò khè như thế nào mà phụ huynh nên đưa con đến khám bác sĩ. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, cha mẹ đừng chần chừ, cần đưa con đến bệnh viện thăm khám ngay bởi với lứa tuổi này đây là triệu chứng nặng và có thể diễn biến xấu rất nhanh. Nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn tới nguy hiểm cho trẻ.

Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh khó thở, thở rút lõm ngực, quấy khóc, sốt hoặc tím tái người thì phải đưa con đi bệnh viện gần nhất ngay lập tức. Để nghe thêm những tư vấn hoặc đặt lịch khám với chuyên gia Nhi khoa, cha mẹ vui lòng gọi ngay tới số hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

4,851

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Bé thở khò khè nhưng không có nước mũi là bệnh gì?

Bé thở khò khè nhưng không có nước mũi thường hay gặp phải ở trẻ sơ sinh trong khoảng 6 tháng đầu đời. Nhiều cha mẹ lo lắng mà chưa hiểu rõ căn nguyên gây...

19001806 Đặt lịch khám