Tưa lưỡi trẻ em: 5 dấu hiệu nhận biết và 3 gợi ý chăm sóc tại nhà

Ngọc Anh

17-03-2025

goole news
16

Tưa lưỡi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, là tình trạng khá phổ biến khiến nhiều ba mẹ lo lắng. Những mảng trắng bám dày trên lưỡi, hơi thở có mùi hay bé quấy khóc, biếng bú đều có thể là dấu hiệu cảnh báo tưa lưỡi. Vậy nguyên nhân do đâu? Cách vệ sinh miệng cho bé thế nào để ngăn tưa lưỡi quay lại? Làm sao để điều trị đúng cách, an toàn, không làm bé đau? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Tưa lưỡi trẻ em là gì?

Tưa lưỡi trẻ em là tình trạng niêm mạc miệng, đặc biệt là vùng lưỡi, nướu và má trong xuất hiện những mảng trắng hoặc đốm trắng bám chặt. Đây thực chất là bệnh nấm miệng do nấm Candida albicans kí sinh trong miệng gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ngay từ những tuần đầu sau sinh và khá phổ biến ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, còn được biết đến với thuật ngữ “tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh”.

Tưa lưỡi trẻ sơ sinh lan ra toàn bộ khoang miệng

Tưa lưỡi trẻ sơ sinh lan ra toàn bộ khoang miệng

Mặc dù đây là bệnh lý phổ biến nhưng nó khiến trẻ cảm thấy đau rát, khó chịu, đặc biệt khi nhai nuốt, bú khiến lưỡi cọ xát với các vật thể khác. Đây cũng là lý do khiến trẻ bị tưa lưỡi thường biếng bú, lười ăn.  

Không ít mẹ lo lắng, liệu tình trạng tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm hay không? Về bản chất, bệnh không đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ của bé nhưng cũng không thể chủ quan vì nó có thể dẫn đến các biến chứng như sau:

  • Nấm lan xuống đường hô hấp dưới gây ho liên tục, viêm phổi, viêm phế quản, nấm phổi. Cá biệt có trường hợp tưa lưỡi trẻ em nặng, nấm lan xuống dạ dày khiến bé bị tiêu chảy
  • Nấm lan xuống họng gây khó nuốt, hay nôn trớ, tức ngực,...

Tưa lưỡi lan rộng có thể khiến bé bỏ bú, khó chịu, hay quấy khóc

Tưa lưỡi lan rộng có thể khiến bé bỏ bú, khó chịu, hay quấy khóc

Dấu hiệu của tưa lưỡi trẻ em

Để sớm phát hiện bệnh lý và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, bạn có thể tham khảo các triệu chứng của bệnh tưa lưỡi dưới đây:

Có đốm trắng trên lưỡi

Ban đầu, tưa lưỡi xuất hiện dưới dạng những đốm trắng nhỏ li ti rải rác trên bề mặt lưỡi, trông giống như sữa thừa sau khi bú. Đốm trắng không thể lau sạch dễ dàng. 

Mẹ cần phân biệt các đốm trắng này với cặn sữa, cụ thể, đốm tưa lưỡi bám chặt vào bề mặt lưỡi. Khi bạn dùng gạc ướt lau nhẹ, cặn sữa sẽ tan đi hoặc bong ra ngay, còn tưa lưỡi thì rất khó lau sạch. Nếu cố lau mạnh, niêm mạc bên dưới có thể bị đỏ hoặc chảy máu.

Xuất hiện mảng trắng dày trên lưỡi, lan ra khắp miệng

Nếu không xử lý sớm, các đốm trắng sẽ phát triển thành mảng dày phủ kín bề mặt lưỡi, má trong và vòm họng. Mảng trắng dính chặt, khi cố lau dễ làm bé đau hoặc chảy máu. Đặc biệt, khi tưa lan rộng, miệng bé trông như phủ một lớp bợn trắng dày, che lấp các gai lưỡi khiến bé mất vị giác và càng chán ăn hơn.

Tưa lưỡi diễn biến nặng có thể lan ra khắp lưỡi và toàn khoang miệng

Tưa lưỡi diễn biến nặng có thể lan ra khắp lưỡi và toàn khoang miệng

Đau rát, sưng đỏ

Khi tưa lưỡi tiến triển trong thời gian dài, lớp màng trắng không chỉ gây vướng víu mà còn làm tổn thương niêm mạc bên dưới, dẫn đến:

  • Đỏ rát toàn bộ vùng lưỡi và niêm mạc miệng, đặc biệt là vùng đầu lưỡi.
  • Bé quấy khóc nhiều hơn bình thường, đặc biệt khi bú mẹ hoặc bú bình.
  • Một số bé biếng bú, nhè sữa, hoặc chỉ ngậm đầu ti mà không chịu mút.

Xem thêm: Kinh nghiệm rèn bé bú bình thành công khi mẹ đi làm trở lại

Khô, nứt nẻ môi

Những triệu chứng của bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh về sau càng ngày càng khó chịu. Khi nấm Candida lan ra toàn khoang miệng sẽ dẫn đến tình trạng nấm miệng và các triệu chứng như:

  • Khô miệng hơn bình thường.
  • Khoé môi dễ bị nứt nhẹ, gây cảm giác đau xót cho bé
  • Bé hay chảy dãi, liếm môi liên tục vì cảm thấy khô trong khoang miệng

Bé có thể bị nứt nẻ và khô môi

Bé có thể bị nứt nẻ và khô môi

Hơi thở có mùi hôi

Miệng bé bị tưa lưỡi lâu ngày sẽ có mùi hôi nhẹ do nấm và vi khuẩn sinh sôi. Ngay cả khi ba mẹ vệ sinh miệng cho bé đều đặn, mùi hôi này không hết ngay, chỉ khi xử lý được tận gốc tưa lưỡi, hơi thở bé mới trở lại bình thường.

Với bé bú mẹ hoàn toàn, mùi hôi này dễ nhận ra hơn vì miệng trẻ sơ sinh thường thơm mùi sữa, nên khi có mùi hôi ba mẹ sẽ phát hiện nhanh. 

Bên cạnh các triệu chứng kể trên, nếu bé bị tưa lưỡi thì cơ thể mẹ cũng có các sự thay đổi bất thường như sau:

  • Núm vú đỏ, nứt đau và ngứa ngáy, mẹ cảm thấy đau hơn khi cho trẻ bú
  • Bị bong tróc vùng da xung quanh vú

Tại sao trẻ bị tưa lưỡi?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tưa lưỡi ở trẻ em 

Nấm và virus tấn công

Như đã nhắc đến ở trên, nguyên nhân trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi thường đến từ nấm Candida. Đây là loại nấm men tồn tại tự nhiên trong khoang miệng, đường ruột và da của con người.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi hệ miễn dịch còn yếu, chúng này dễ phát triển quá mức, tạo thành những mảng trắng đặc trưng gọi là tưa lưỡi.

Các bác sĩ Nhi khoa Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho hay, nguyên nhân khiến trả sơ sinh dễ bị tưa lưỡi hơn trẻ em là trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc bú bình liên tục khiến môi trường khoang miệng luôn ẩm vô tình trở thành điều kiện lý tưởng để nấm sinh sôi. Ngoài ra, các bé mới sinh hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ trong việc vệ sinh miệng, nếu vệ sinh không tốt, nguy cơ tưa rất cao.

Sau mỗi lần bú mẹ, bé cần được vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Sau mỗi lần bú mẹ, bé cần được vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Chăm sóc bé chưa đúng cách

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khiến cặn sữa, mảng bám tích tụ trên lưỡi tạo thành ổ chứa nấm và vi khuẩn:

  • Không lau lưỡi hoặc vệ sinh miệng cho bé sau mỗi cữ bú.
  • Sử dụng gạc rơ lưỡi không sạch, tái sử dụng nhiều lần.
  • Ti giả không được tiệt trùng kỹ sau mỗi lần dùng.
  • Bình sữa, núm ti rửa không sạch, vẫn còn cặn sữa bám dính.
  • Chuyền tay ti giả giữa các bé (ở nhà trẻ hoặc trong gia đình).
  • Trẻ sống trong môi trường kém vệ sinh, không khí ô nhiễm, độ ẩm cao

Mỗi lần dùng xong, mẹ cần vệ sinh ti giả cho bé cẩn thận

Mỗi lần dùng xong, mẹ cần vệ sinh ti giả cho bé cẩn thận

Lây bệnh từ mẹ

Đây là đường lây truyền nấm Candida khiến bé bị tưa lưỡi sau sinh thường gặp nhất. Nếu mẹ bị nấm âm đạo hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, trẻ có thể bị lây ngay từ khi sinh ra. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu mẹ bị nứt cổ gà, viêm đầu ti, nhiễm nấm đầu ti mà không biết, để bé bú mẹ cũng sẽ bị lây nấm miệng.

Cách trị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Bạn có thể thực hiẹn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ dưới đây theo nguyên tắc vệ sinh sạch, nhẹ nhàng, đúng thời điểm và duy trì hàng ngày:

Cách vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách 

Hãy chuẩn bị đầy đủ gạc rơ lưỡi y tế (loại mềm, tiệt trùng sẵn, ưu tiên chất liệu polyester), nước muối sinh lý (NaCl 0.9%), nước ấm sạch và dung dịch kháng nấm (như Nystatin) (theo đơn thuốc của bác sĩ (nếu có). Tiếp theo, bạn hãy thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Rửa tay sạch sẽ

  • Tay ba mẹ phải sạch trước khi tiếp xúc với miệng bé.
  • Cắt móng tay gọn gàng để tránh làm xước miệng bé.

Bước 2: Quấn gạc vào ngón tay trỏ

  • Thấm gạc vào nước muối sinh lý hoặc nước ấm.
  • Nếu bác sĩ kê thuốc chống nấm, thấm thuốc lên gạc theo đúng chỉ định.

Mẹ hãy rơ lưỡi cho bé đúng theo hướng dẫn

Mẹ hãy rơ lưỡi cho bé đúng theo hướng dẫn

Bước 3: Rơ lưỡi đúng kỹ thuật

  • Đặt bé nằm nghiêng hoặc bế bé sao cho đầu hơi ngả ra sau để dễ thao tác.
  • Nhẹ nhàng đưa ngón tay đã quấn gạc vào miệng bé.
  • Lau từ trong ra ngoài, từ giữa lưỡi ra hai bên.
  • Rơ cả phần nướu, mặt trong hai má để loại bỏ mảng bám nấm.

Bước 4: Thực hiện sau mỗi cữ bú (nếu bé tưa nặng)

  • Với bé chỉ có tưa nhẹ, có thể rơ 2 lần/ngày: sáng sau ngủ dậy và tối trước khi ngủ.
  • Nếu bé bị tưa nặng, rơ sau mỗi cữ bú để làm sạch sữa thừa và mảng nấm.

Bước 5: Vệ sinh núm ti, bình sữa, ti giả

  • Luộc ti giả, núm bình sau mỗi lần bé dùng.
  • Nếu bé bú mẹ, mẹ cần vệ sinh đầu ti sạch sẽ trước khi cho bé bú.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Dù tình trạng tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh hay tưa lưỡi ở trẻ em diễn ra thì ngoài cách vệ sinh răng miệng kể trên, mẹ cũng nên thay đổi chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với bé như sau:

Nếu bé bú mẹ hoàn toàn

  • Mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm để tăng chất lượng sữa.
  • Tăng cường thực phẩm giàu:
    • Kẽm (hải sản, trứng).
    • Vitamin C (cam, bưởi, ổi).
    • Probiotic (sữa chua, kim chi - nếu mẹ ăn được cay).
  • Hạn chế đồ ngọt nhiều đường – đường làm tăng nguy cơ nấm ở mẹ và bé.

Mẹ cũng cần thay đổi chế độ ăn để có nhiều chất dinh dưỡng hơn cho bé

Mẹ cũng cần thay đổi chế độ ăn để có nhiều chất dinh dưỡng hơn cho bé

Nếu bé uống sữa công thức

  • Chọn sữa phù hợp độ tuổi, ưu tiên loại có Probiotic và Prebiotic hỗ trợ hệ tiêu hoá.
  • Pha sữa đúng công thức, không pha quá ngọt.
  • Đảm bảo dụng cụ pha sữa luôn sạch, khô ráo.

Xem thêm: Cách chọn sữa công thức phù hợp với trẻ trong trường hợp cần thiết

Với bé ăn dặm (trên 6 tháng)

  • Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng đề kháng.
  • Bổ sung thêm:
    • Rau xanh, củ quả để tăng chất xơ.
    • Trái cây tươi (cam, táo, lê) để cung cấp vitamin C.
  • Hạn chế đồ ăn ngọt, bánh kẹo, nước trái cây đóng hộp nhiều đường.

Có thể nói, bệnh tưa lưỡi trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh là bệnh lý phổ biến nhưng hoàn toàn phòng tránh được nếu ba mẹ hiểu rõ nguyên nhân và thực hiện đúng các bước vệ sinh, chăm sóc cho bé. Khi phát hiện bé có các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị tưa lưỡi, bạn nên đưa bé đến Bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hướng dẫn điều trị, thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khoẻ đúng cách. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

135

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

PHI NGA

TRƯỞNG KHOA NHI
19001806 Đặt lịch khám