Ung thư buồng trứng giai đoạn 2: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Bích Ngọc

30-09-2024

goole news
16

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 là giai đoạn sớm của bệnh, có tiên lượng sống trên 5 năm lên tới hơn 70%. Chính vì vậy, việc phát hiện từ giai đoạn sớm giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, tăng khả năng sống sót. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 19% trường hợp được phát hiện trong giai đoạn này. Vậy ung thư buồng trứng giai đoạn 2 thường có những triệu chứng như thế nào? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 là gì?

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 là giai đoạn tế bào ung thư đã phát triển ra bên ngoài của buồng trứng, bắt đầu xâm lấn ở khu vực gần buồng trứng ở vùng xương chậu. Một số trường hợp phát hiện tế bào ung thư trong ổ bụng. 

Ung thư buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm đang được ghi nhận nhiều và có nguy cơ tử vong cao. Hiện nay ghi nhận 600.000 người đang sống chung với bệnh ung thư buồng trứng. Dự đoán đến năm 2035, thế giới tăng thêm 55% ca mắc ung thư buồng trứng mới và 67% bệnh nhân ung thư tử vong. 

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 được chia thành 3 nhóm: 

  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 2A: Tế bào ung thư xuất hiện trên bề mặt buồng trứng, phát triển trên thanh ống dẫn trứng hoặc tử cung. 
  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 2B: Tế bào ung thư lan tới mô xương chậu và các cơ quan khác như trực tràng, bàng quang,... 
  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 2C: Tế bào ung thư được tìm thấy trong dịch ổ bụng, chưa lan đến các hạch bạch huyết gần và xa. 

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 là giai đoạn tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn ra bên ngoàiUng thư buồng trứng giai đoạn 2 là giai đoạn tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn ra bên ngoài

Phân đoạn T, N và M trong ung thư buồng trứng giai đoạn 2

Hệ thống phân loại các giai đoạn ung thư buồng trứng được dựa trên 3 yếu tố theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Quốc tế và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ như sau: 

  • Kích thước khối u (T): Kích thước và mức độ ảnh hưởng của khối u. Khối u khu trú trong buồng trứng, ống dẫn trứng hay đã xâm lấn và lan rộng ra các cơ quan khác. 
  • Hạch bạch huyết (N): Xác định các tế bào ung thư đã lan tới hạch bạch huyết hay chưa. 
  • Di căn (M): Các tế bào ung thư lan rộng ở vị trí xa, các cơ quan khác trong cơ thế như xương, phổi, trực tràng,... 

Ung thư buồng trứng ở giai đoạn II thường xác định tế bào ung thư có ở một hoặc hai bên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, xâm lấn các khu vực xung quanh. 

Các triệu chứng của ung thư buồng trứng giai đoạn II

Bệnh ung thư khi được phát hiện từ sớm giúp đạt hiệu quả cao trong điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, ung thư buồng trứng cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, những dấu hiệu của ung thư buồng trứng ở những giai đoạn đầu thường bị không quá rõ ràng và thường bị bỏ qua. 

Một số triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng giai đoạn 2 bao gồm: 

  • Đau bụng vùng chậu: Xuất hiện những cơn đau nhói ở vùng bụng và vùng chậu nhiều hơn giai đoạn I. Nếu người bệnh đã mãn kinh, dấu hiệu đau bụng vùng chậu chính là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất. 
  • Đau vùng dưới thắt lưng: Nếu không mắc các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, viêm khớp, giãn dây chằng,... thì chị em cảm thấy đau vùng thắt lưng cần đến bệnh viện để kiểm tra từ sớm. 
  • Đầy hơi và khó tiêu: Triệu chứng này thường xuyên xảy ra ngay cả khi chưa ăn gì. Các triệu chứng này thường liên quan đến rối loạn đường tiêu hóa, tuy nhiên nếu diễn ra thường xuyên cần đến bệnh viện vì có thể khối u đã phát triển và chèn ép lên các cơ quan vùng bụng. 
  • Cảm thấy chán ăn, ăn nhanh no: Người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn không ngon và nhanh no. 
  • Táo bón: Tình trạng táo bón thường kèm các cơn đau vùng bụng chậu, đau thắt lưng vì khối u có kích thước lớn tạo áp lực lên các cơ quan dạ dày và ruột. 
  • Sụt cân nhanh chóng: Đây là một dấu hiệu điển hình của bệnh nhân ung thư, cân nặng liên tục giảm dù không áp dụng chế độ ăn kiêng hay hoạt động thể chất nhiều. 
  • Cơ thể suy nhược: Sức khỏe suy giảm, cảm thấy mệt dù không làm việc hoặc hoạt động quá sức. 
  • Tiểu nhiều và tiểu rắt: Đi tiểu thường xuyên do không kiếm chế được cơn buồn tiểu do khối u làm ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang. 
  • Chảy máu âm đạo bất thường: Nếu âm đạo chảy máu bất thường dù không trong thời gian hành kinh hoặc chảy máu âm đạo đối với phụ nữ mãn kinh cần đến bệnh viện để tìm ra nguyên nhân. 
  • Cảm thấy đau rát khi quan hệ tình dục: Xuất hiện cơn đau vùng khung chậu và đau rát, có thể chảy máu khi quan hệ tình dục. 

Chảy máu âm đạo bất thường gặp đối với người bệnh nhân ung thư buồng trứngChảy máu âm đạo bất thường gặp đối với người bệnh nhân ung thư buồng trứng

Tiên lượng của bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn 2

Khi chẩn đoán mắc bệnh, nhiều người đặt ra câu hỏi “Liệu ung thư buồng trứng giai đoạn 2 có thể sống được bao lâu?”

Tiên lượng của bệnh nhân ung thư giai đoạn II khá cao, tỷ lệ sống trên 5 năm khoảng hơn 70%. Người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 được xem là sớm nên đạt hiệu quả điều trị khá cao. Tuy nhiên, kết quả điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh, khả năng đáp ứng thuốc, tinh thần và cách chăm sóc của người bệnh,... Trên thực tế, có nhiều nhiều trường hợp thời gian sống lâu hơn dự đoán của bác sĩ. 

  • Giai đoạn 2 có tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 70%
  • Giai đoạn 2A có tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 78%
  • Giai đoạn 2B có tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 73%
  • Giai đoạn 2C có tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 57%

Xem thêm:

Phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng

Để phát bệnh ở giai đoạn sớm nên thường xuyên khám tầm soát ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, có một số người bệnh chỉ đến khám khi có những những triệu chứng rõ ràng. Một số phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng

Khám vùng bụng và khung chậu

Khám âm đạo, trực tràng, bàng quang và khung xương để phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vùng bụng và xương chậu. Nếu có dịch vùng bùng nhiêu hoặc những dấu hiệu khác thì có thể đã di căn ra các cơ quan khác. 

Siêu âm

Dựa vào sóng âm thu nhận các cơ quan trong cơ thể, gồm các mô, nang khí, túi nước, khối u,... qua hình ảnh cụ thể. Từ đó, bác sĩ xác định mật độ, cấu trúc, kích thước và những dấu hiệu bất thường của buồng trứng. Khi siêu âm có thể thấy các mạch máu, u nang,... 

Có thể sử dụng siêu âm đầu dò, tiếp cận tử cung và buồng trứng thông ngả âm đạo. Ngoài ra, siêu âm bụng giúp bác sĩ quan sát và đánh giá tình trạng của cơ quan sinh sản và các bộ phận khác. 

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán giúp bác sĩ phát hiện ra khối u bất thườngSiêu âm là phương pháp chẩn đoán giúp bác sĩ phát hiện ra khối u bất thường

Xét nghiệm máu đo CA-125

Xét nghiệm máu đo chỉ số CA-125 là phương pháp phổ biến giúp phát hiện ung thư buồng trứng. Theo nghiên cứu, phụ nữ mắc ung thư buồng trường thường có chỉ số CA-125 trong máu cao. Ngoài ra, nếu chỉ số này cao thì có nguy cơ các bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm phụ khoa. 

Chụp cắt lớp CT và chụp MRI

Chụp CT và chụp MRI giúp xác định khu vực ung thư xâm lấn và di căn như trực tràng, gan, mật,... Đây là phương pháp thường được áp dụng đối với trường hợp phát hiện ung thư giai đoạn muộn, giúp đưa phương pháp điều trị và tiên lượng phù hợp với người bệnh. 

Sinh thiết mẫu bệnh phẩm

Sinh thiết mẫu bệnh phẩm là phương pháp thường được dùng để xác định tế bào ung thư. Sau khi thu thập mẫu mô, tiến hành tách chiết và quan sát trong phòng thí nghiệm để xác định đây là khối u ác tính hay lành tinh. Căn cứ vào mẫu bệnh phẩm này là quyết định thực hiện phẫu thuật hay không. 

Sinh thiết mẫu bệnh phẩm giúp đánh giá tính chất của khối uSinh thiết mẫu bệnh phẩm giúp đánh giá tính chất của khối u

Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 2

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 đã bắt đầu có sự xâm lấn của các tế bào ung thư đến các cơ quan xung quanh. Trong giai đoạn này thường được chỉ định điều trị theo 2 phương pháp là phẫu thuật và hóa trị. 

Phương pháp phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư

Đối với trường hợp ung thư ở giai đoạn 2, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung và ống dẫn trứng của người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, việc loại bỏ càng nhiều khối u và mô bị tổn thương càng tốt. Đồng thời, các tế bào ung thư được loại bỏ sẽ được sinh thiết để xác định đây là khối u ác tính hay lành tính, mức độ xâm lấn của tế bào. 

Ung thư buồng trứng tái phát được ghi nhận theo thống kê như sau: 

  • Khoảng 30-40% bệnh nhân tái phát sau phẫu thuật ở giai đoạn IIA. 
  • Khoảng 60-80% bệnh nhân tái phát sau phẫu thuật ở giai đoạn IIB. 

Có thể thấy rằng, ở giai đoạn tiến triển, nguy cơ tái phát càng cao vì các tế bào ung thư đã xâm lấn đến các cơ quan xung quanh như bàng quang, trực tràng,... nhưng không thể loại bỏ được hết qua phương pháp phẫu thuật. Chính vì vậy, phát hiện bệnh ở giai đoạn khởi phát có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, hạn chế khả năng tái phát. 

Thực hiện phẫu thuật loại bỏ thế bào ung thư buồng trứngThực hiện phẫu thuật loại bỏ thế bào ung thư buồng trứng

Phương pháp hóa trị

Sau phẫu thuật, phương pháp hóa trị bổ trợ sẽ được chỉ định thực hiện giúp bệnh nhân phục hồi sau cuộc phẫu thuật. Phương pháp này giúp giảm kích thước và mức độ ảnh hưởng của tế bào còn sót lại, đồng thời ức chế khả năng tăng sinh của tế bào ung thư. Có thể hiểu đơn giản là tìm diệt các tế bào ung thư lây lan đến cơ quan khác mà bác sĩ không thể loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. 

Trong hóa trị ung thư buồng trứng thường được chỉ định sử dụng Carboplatin và Paclitaxel với chu kỳ ít nhất 6 lần. Một số trường hợp được chỉ định điều trị hóa trị trong phúc mạc (IP) thay vì tiêm truyền tĩnh mạch. 

Hiện nay, có các thử nghiệm lâm sàng  phương pháp điều trị truyền thống: Hóa trị dẫn đầu - phẫu thuật - hóa trị bổ trợ. Tuy nhiên, chưa ghi nhận được sự hiệu quả rõ ràng của phương pháp này so với phẫu thuật - hóa trị bổ sung. Trong một số trường hợp, người bệnh cần mổ thêm lần nữa để loại bỏ khối u. 

Ngoài ra, trong quá trình điều trị cần lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Thăm khám và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. 
  • Uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng, không tự ý chấm dứt. 
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhiều rau củ quả và ngũ cốc. 
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo. 
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác. 
  • Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải, duy trì cân nặng ở mức ổn định. 
  • Nếu xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. 

Chăm sóc bệnh nhân ung thư buồng trứng giúp quá trình điều trị và phục hồi hiệu quảChăm sóc bệnh nhân ung thư buồng trứng giúp quá trình điều trị và phục hồi hiệu quả

Ung thư buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chị em phụ nữ. Việc phát hiện và điều trị từ sớm giúp người bệnh đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị, kéo dài thời gian sống sót. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 2. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Nếu Quý khách quan tâm và có nhu cầu Khám tầm soát ung thư buồng trứng tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, có thể liên hệ hotline 1900 1806 hoặc cung cấp thông tin tại  để được nhân viên liên lạc và tư vấn nhanh chóng nhất. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
127

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám