Buồng trứng: Khái niệm, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Thao Tran

19-06-2024

goole news
16

Buồng trứng có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nhưng không phải ai cũng biết buồng trứng có cấu tạo như thế nào hay các bệnh lý thường gặp… Vậy nên đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để tìm hiểu chi tiết về buồng trứng.

Tìm hiểu chung về buồng trứng

Buồng trứng là gì?

Buồng trứng là cơ quan sinh dục nữ, chúng có cấu tạo hình bầu dục và nằm ở hai bên tử cung của phụ nữ. Chúng là nơi sản xuất, lữu trữ và giải phóng trứng. Ngoài ra, đây cũng là cơ quan sản xuất ra hormone estrogen và progesterone để kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và khi mang thai. 

Hơn nữa, hai loại hormone góp phần quan trọng trong quá trình phát triển đặc điểm giới tính khi dậy thì như: Cơ thể thay đổi, phát triển các nang lông,...

Vị trí của buồng trứng 

Trong cơ thể của mỗi người phụ nữ đều có hai buồng trứng nằm hai bên tử cung, phía sau vòi tử cung, trên thành chậu hông bé, dưới eo chậu trên khoảng 10mm. Tuy nhiên, vị trí của chúng có thể thay đổi tùy vào số lần sinh nở của người phụ nữ. Đối với người chưa từng sinh nở thì buồng trứng ở tư thế đứng, trục dọc nằm thẳng đứng.

Vị trí của buồng trứngVị trí của buồng trứng

Thông thường, bề mặt thường nhẵn nhụi và có màu hồng nhạt cho đến tuổi dậy thì. Sau tuổi dậy thì, việc rụng trứng hàng tháng ở người phụ nữ làm rách vỏ buồng trứng, để lại sẹo nên làm bề mặt bị sần sùi. Khi tới thời kỳ mãn kinh, không còn quá trình rụng trứng nên bề mặt sẽ nhẵn nhụi trở lại.

Xem thêm: 10 dấu hiệu sắp rụng trứng rõ nhất và dễ dàng dự đoán

Cấu tạo của buồng trứng 

Buồng trứng có hình hạt đậu dẹt với chiều dài khoảng 3cm, rộng 1,5cm và dày 1cm. Bao gồm hai mặt, hai bờ và hai đầu.

Cấu tạo của buồng trứngCấu tạo của buồng trứng

Buồng trứng không có phúc mạc che phủ mà được bao bọc bởi lớp áo trắng. Dưới lớp áo trắng này là lớp vỏ, dưới lớp vỏ là tủy. 

  • Lớp áo trắng: Là lớp tế bào phủ ngoài buồng trứng, ở phụ nữ trẻ tuổi sẽ thấy rõ. Theo độ tuổi, lớp tế bào này sẽ dẹt và có màu xám đục.
  • Vỏ buồng trứng: Chứa các nang và thể vàng. Lớp mô đệm của vỏ buồng trứng có các tế bào cơ trơn, tế bào hình thoi và các sợi mô liên kết lưới.
  • Tủy buồng trứng: Bao gồm mô đệm được cấu tạo bởi tế bào cơ trơn, mô liên kết có nhiều sợi chun cùng các mạch máu, đặc biệt là tĩnh mạch. 
  • Nang trứng: Từ khi chào đời, trong lớp vỏ buồng trứng của bé gái đã hình thành nhiều nang trứng nguyên thủy. Tế bào trung tâm của mỗi nang trứng là noãn, được bao quanh bởi một lớp tế bào dẹt hoặc tế bào trụ nhỏ gọi là các tế bào nang. Sau dậy thì, nang trứng thủy nguyên sẽ phát triển tạo thành nang trứng chín.

Kích thước của buồng trứng

Theo các bác sĩ chuyên môn chia sẻ, ngay từ khi bé gái chào đời, cơ thể đã có hai buồng trứng. Mỗi buồng có đường kính khoảng 1cm và nặng khoàng 250-350mg. Cho đến khi dậy thì, kích thước sẽ tăng dần do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. 

Kích thước trung bình của người trưởng thành khoàng 4cm. Gần như trong suốt cuộc đời, kích thước sẽ có một số sự thay đổi nhất định, đặc biệt là khi mang thai (kích thước gấp đôi so với bình thường). Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi phụ nữ bước vào tuổi 30, kích thước sẽ giảm dần. 

Thông thường, kích thước của buồng trứng có mối liên hệ chặt chẽ với lượng trứng trong độ tuổi sinh sản. Nếu kích thước nhỏ đồng nghĩa với việc lượng trứng được lưu trữ thấp, có thể khó khăn khi mang thai. 

Mặc dù vậy, kích thước lớn không có nghĩa là dễ dàng thụ thai và mang thai. Đây có thể là dấu hiểu cảnh báo các vấn đề như: u nang, đa nang buồng trứng,... Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và khó khăn khi mang thai. 

Chức năng của buồng trứng

Có 03 chức năng quan trọng sau: 

  • Bảo vệ trứng: Chúng có nhiệm vụ “che chở” và "bảo vệ” trứng trong suốt quá trình phát triển nhằm đảm bảo sự thụ tinh thành công.
  • Sản xuất các hormone: Là nơi tiết ra 2 loại hormone sinh dục quan trọng là estrogen và progesteron. Estrogen gồm có 3 loại: estradiol, estron và estriol. 
  • Giải phóng trứng: Buồng trứng có chức năng giải phóng trứng để thụ thai trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt

Một số căn bệnh thường gặp liên quan đến buồng trứng

Dưới đây là một số bệnh thường gặp mà chị em cần phải đặc biệt quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản: 

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là khối u hình thành từ các loại mô của buồng trứng hay từ mô của các cơ quan khác. U được bao bọc bên ngoài bởi lớp vỏ và bên trong chứa dịch lỏng. Đây là loại u phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là trong độ tuổi sinh đẻ với tỷ lệ mắc lên tới 3.65 trong số các bệnh phụ khoa.

U nang buồng trứngHình ảnh u nang buồng trứng

Giai đoạn đầu, bệnh phát triển âm thầm nên chủ yếu chủ được phát hiện tình cờ qua thăm khám phụ khoa. Tuy nhiên, khối u ác tình thì tiến triển rất nhanh và có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh mà chị em cần lưu ý:

  • Vùng bụng dưới cảm thấy đau, nặng tức.
  • Vùng thắt lưng, chậu hay đùi có cảm giác đau mơ hồ.
  • Bị đau khi quan hệ hay vào thời gian kinh nguyệt.
  • Âm đạo chảy máu bất thường.
  • Đi tiểu nhiều lần hay tiểu khó.
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau nhức vú và căng tức ngực.
  • Cảm thấy buồn nôn và nôn.

Thì tùy theo từng loại u (tính chất, kích thước…) và nguyên nhân xuất hiện của u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Phần lớn u nang ở phụ nữ trẻ là u nang cơ (không phải ung thư) nên sau khoảng 8-12 tuần chúng sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Còn một số ít trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật mổ hở hay mổ nội soi để cắt bỏ toàn bộ buồng trứng hay chỉ bóc tách khối u.

Buồng trứng đa nang

Đây là bệnh thường xảy ra ở người phụ nữ có lượng hormone sinh dục nữ quá ít nhưng lại có quá nhiều hormone sinh dục nam trong cơ thể khiến quá trình rụng trứng diễn ra không bình thường. Đây là bệnh phụ khoa thường gặp gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống của chị em, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản.

đa nang buồng trứngBuồng trứng đa nang

Bệnh nhân khi mắc bệnh thường có các dấu hiệu nhận biết như: gặp các vấn đề về da, rối loạn kinh nguyệt, tặng hoạt động của nội tiết tố nam, đau lưng, bụng, vùng xương chậu, tâm trạng thất thường, khó có con…

Bệnh này không thể tự khỏi mà tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. 

  • Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt như giảm cân, ăn kiêng, tập thể dục…
  • Sử dụng thuốc để điều trị đa nang buồng trứng như thuốc tránh thai, Metformin (Glucophage, Fortamet), Clomiphene (Clomid),... Theo chỉ định của bác sĩ để tránh gặp các biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.
  • Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ tiến hành nội soi ổ bụng và cắt góc buồng trứng nhằm làm bề mặt mở rộng thuận lợi cho rụng trứng hoặc tạo ra lỗ nhỏ ở buồng trứng để giảm nồng độ hormone nam giới, kích thích trứng rụng.
  • Làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với các trường hợp mong muốn có thai.

Suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm là tình trạng các chức năng của buồng trứng không còn hoạt động và ngừng sản xuất trứng trước 40 tuổi. Khi này, người phụ nữ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe chung và sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, khi cơ thể không còn sản xuất ra hormone estrogen và progesterone dẫn đến kinh nguyệt bị rối loạn và ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.

Suy buồng trứng sớmSuy buồng trứng sớm

Căn bệnh này chính là một trong nguyên nhân dẫn đến vô sinh - hiếm muộn nữ. Vậy nên chị em cần lắng nghe cơ thể, nhận biết sớm những dấu hiệu để có hướng điều trị kịp thời:

  • Rối loạn kinh nguyệt: lượng kinh nguyệt không đều, màu sắc kinh nguyệt có sự thay đổi…
  • Thường xuyên chóng mặt, buồn nôn và bị mất ngủ giữa đêm.
  • Ngực nhão, xệ, da có dấu hiệu nhăn nheo, tóc mỏng và dễ gãy rụng.
  • Trí nhớ suy giảm, cảm thấy lo âu…
  • Âm đạo khô, không tiết đủ chất nhờn để bôi trơn, cảm thấy đau rát khi quan hệ tình dục.
  • Giảm nhu cầu ham muốn tình dục, né tránh chuyện giường chiếu.

Hiện nay, bệnh này chưa có phương pháp khoa học điều trị triệt để mà chỉ có phương pháp điều trị một số triệu chứng.

  • Sử dụng hormone: Nhằm hạn chế ảnh hưởng của các triệu chứng mãn kinh, rối loạn chức năng tình dục…
  • Điều trị hiếm muộn: Sử dụng thuốc để hồi phục chức năng buồng trứng hoặc các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là tình trạng buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường, phát triển thành khối u ác tính, tấn công phá hủy các mô, cơ quan bộ phận trong cơ thể. Các khối u ác tính thường gặp bao gồm:

  • Ung thư biểu mô: Là dạng ung thư buồng trứng phổ biến nhất, các tế bào ung thư phát triển từ tế bào trên bề mặt buồng trứng.
  • Ung thư tế bào mầm: Là thể ung thư xuất phát từ tế bào sản xuất ra trứng.
  • Các loại khác: Ung thư có nguồn gốc từ trung mô, ung thư bắt nguồn từ mô đệm sinh dục, ung thư di căn đến buồng trứng.

Ung thư buồng trứngUng thư buồng trứng

Thông thường, bệnh có các triệu chứng ban đầu không rõ ràng nên dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thường gặp khác. Do đó, chị em nên khám phụ khoa định kỳ và đặc biệt là khi có những thay đổi lạ thường và dai dẳng sau:

  • Cảm thấy đầy bụng, đau bụng ở vùng xương chậu.
  • Ăn uống không được ngon miệng.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn và táo bón.
  • Ợ nóng, đau lưng, cảm thấy mệt mỏi, hay cáu gắt.
  • Đi tiểu nhiều lần.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh.
  • Khi quan hệ bị đau, rát.

Sau khi được chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ đánh giai đoạn bệnh để đưa ra pháp đồ điều trị phù hợp. Ung thư buồng trứng gồm 04 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn 1: Ung thư tại chỗ

  • Giai đoạn 1A: Tế bào ung thư chỉ nằm trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, bị giới hạn bên trong buồng trứng.
  • Giai đoạn 1B: Tế bào ung thư xuất hiện ở cả bề mặt ngoài của buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
  • Giai đoạn 1C: Các mô xung quanh khối u bị phá vỡ, tạo điều kiện cho các tế bào ung thư lan tới các cơ quan vùng bụng hay vùng chậu.

Giai đoạn 2: Ung thư đã di căn đến khu vực ngoài vùng chậu. 

  • Giai đoạn 2A: Tế bào ung thư lan tới tử cung hoặc ống dẫn trứng nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết và các vị trí xa hơn.
  • Giai đoạn 2B: Ung thư di căn tới hệ tiêu hóa như trực tràng, đại tràng hoặc bàng quang.

Giai đoạn 3: Ung thư có di căn phúc mạc ngoài tiểu khung hoặc di căn hạch sau phúc mạc.

  • Giai đoạn 3A1: Các tế bào ung thư có ở trong 1 hoặc cả 2 bên, ống dẫn trứng và lan tới các hạch bạch huyết vùng chậu.
  • Giai đoạn 3A2: Ung thư di căn tới các cơ quan trong khoang bụng.
  • Giai đoạn 3B: Ung thư đã có kích thước dưới 2cm, nhưng đã đủ lớn để quan sát bằng mắt thường.
  • Giai đoạn 3C: Khối u đã có kích thước lớn hơn 2cm và lan tới lách hoặc gan.

Giai đoạn 4: Còn được gọi là ung thư giai đoạn cuối.

  • Giai đoạn 4A: Các tế bào ung thư hiện diện ở màng dịch của phổi.
  • Giai đoạn 4B: Ung thư lan đến gan, lá lách, ruột, xương và các hạch bạch huyết xa hơn.

Viêm buồng trứng

Đây là tình trạng mà buồng trứng bị viêm nhiễm. Thông thường, chị em sẽ bị viêm cả hai bên thay vì chỉ viêm một bên. 

Dấu hiệu của viêm buồng trứngDấu hiệu của viêm buồng trứng

Viêm buồng trứng gồm 2 loại là viêm cấp tính và viêm mãn tính; mỗi loại sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau:

  • Dấu hiệu của viêm buồng trứng cấp tính: Đau khu vực hạ vị, mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt; cơ thể có nhiệt độ cao hơn mức bình thường; người bệnh có thể cảm thấy đau ngực phải và hai bên sườn trong trường hợp đang bị bệnh thận, gan; hậu môn có cảm giác ẩm ướt, sưng nóng và đau khi đi ngoài.
  • Dấu hiệu của viêm buồng trứng mãn tính: Đau ở vùng hạ vị, mức độ đau ngày càng cao khi làm việc nặng, làm việc quá sức; rong kinh, dịch âm đạo ra nhiều; mệt mỏi, thậm chí là sốt cao kèm co giật; bụng dưới bị đau, căng trướng; chán ăn và sút cân…

Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị tình trạng viêm là nội khoa và ngoại khoa.

  • Phương pháp nội khoa: Sử dụng kháng sinh điều trị nhằm khắc phục tình trạng bệnh, giảm các triệu chứng bên ngoài và ngăn chặn sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, hạn chế sự lây nhiễm sang các bộ phận lân cận ở giai đoạn mãn tính.
  • Phương pháp ngoại khoa: Sử dụng tiểu phẫu, nội soi ổ bụng trong trường hợp bị dính ống dẫn trứng, dính buồng trứng.

Cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của buồng trứng

Bảo vệ buồng trứng là việc làm giúp chị em tránh xa các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm như u nang, ung thư,… và duy trì khả năng khả năng sinh sản. Dưới đây là một lưu ý để giúp chị em có buồng trứng khỏe mạnh: 

Chế độ ăn uống hợp lý 

Chị em nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất đạm và chất béo có lợi cho sức khỏe như thịt gà, thịt cá, quả óc chó, đậu nành, các loại hạt, dầu oliu, dầu dừa, trứng,... Nhằm cân bằng nội tiết đố và bảo vệ sức khỏe buồng trứng. Bên cạnh đó, chị em hãy tăng cường ăn trái cây, các loại rau giàu chất xơ, khoáng chất và vitamin giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh các bệnh phụ khoa khác. 

Chế độ ăn tốt cho sức khỏe buồng trứngChế độ ăn tốt cho sức khỏe buồng trứng

Ngoài ra, chị em nên giảm thiểu các thực phẩm có quá nhiều đường và tinh bột có nguy cơ làm tăng đường huyết, cân nặng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh liên quan đến buồng trứng. Nói không với các chất có cồn hoặc chất gây nghiện vì có ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.

Xây dựng lối sống lành mạnh, có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

Để duy trì sức khỏe buồng trứng thì nên thường xuyên vận động, rèn luyện cơ thể. Chị em có thể lựa chọn các hoạt động như chạy bộ, đi bộ, bơi lội hoặc các bài tập nhẹ nhàng. Điều này giúp tăng sức đề kháng, tăng cường tuần hoàn máu và cung cấp dưỡng chất đến các cơ quan phụ khoa cũng như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. 

tăng cường vận động tốt cho sức khỏeLựa chọn những bài tập phù hợp với bản thân

Ngủ cũng là cách bảo vệ sức khỏe buồng trứng và duy trì ổn định lượng nội tiết tố. Nếu một người thường xuyên thức khuya nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy nên, chị em hãy chú ý ngủ đúng giờ, đủ giấc và hạn chế thức khuya.

“Yêu” lành mạnh và vệ sinh vùng kín đúng cách

Khi quan hệ, chị em nên “yêu” an toàn để tránh các bệnh lây qua đường tình dục và lưu ý các ngày trong thời kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt là hãy nhớ sử dụng các biện pháp thai nếu chưa sẵn sàng làm mẹ. Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi lần phá thai sẽ làm cho thành buồng trứng mỏng đi và chất lượng trứng suy giảm theo.

quan hệ lành mạnhHãy “yêu” một cách an toàn!

Vệ sinh “cô bé” đúng cách giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập và tránh nguy cơ viêm nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe buồng trứng. Chị em nên dùng nước ấm và sạch để vệ rửa vùng kín “từ trước ra sau”. Rửa âm hộ trước rồi đến hậu môn, nếu không vi khuẩn từ hậu môn có thể lây sang âm đạo gây nhiễm trùng.

Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần

Một số bệnh liên quan đến buồng trứng thường diễn biến âm thầm và không có các triệu chứng rõ ràng. Vậy nên, khám phụ khoa định kỳ giúp chị em hiểu rõ tình hình sức khỏe và phát hiện sớm các nguy cơ bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời.

Khám phụ khoa

Khám phụ khoa cùng bác sĩ giàu kinh nghiệm tại BVĐK Phương Đông

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một trong những địa chỉ khám phụ khoa uy tín. Gói khám phụ khoa được xây dựng bởi các chuyên gia Phụ sản với đầy đủ các danh mục: khám chẩn đoán, siêu âm, soi tươi âm đạo, Pap's mear, xét nghiệm máu yếu tố chuyên biệt sàng lọc ung thư. Một lần thăm khám tầm soát nhiều bệnh lý phụ khoa và đặc biệt bệnh viện đang có ưu đãi cực hấp dẫn. Vui lòng liên hệ đến hotline 19001806 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch.

Hy vọng với những chia sẻ trên về chủ đề buồng trứng, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã mang đến những thông tin hữu ích. Chị em hãy chủ động bảo vệ sức khỏe buồng trứng, sức khỏe sinh sản của chính bản thân trước khi quá muộn!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,387

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám