Bệnh ung thư nội mạc tử cung có nguy hiểm không? Tầm soát và điều trị

Lê Thảo

20-01-2022

goole news
16

Ung thư nội mạc tử cung đang ngày càng gia tăng và trở thành bệnh ung thư phụ khoa phổ biến. Ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh chỉ khoảng 9%. Do đó, ung thư niêm mạc tử cung đã và đang là nỗi lo sợ của rất nhiều phụ nữ. Vậy làm thế nào để tầm soát cũng như điều trị bệnh có được hiệu quả nhất. Mời bạn đọc cùng xem bài viết dưới đây để rõ.

Tìm hiểu bệnh ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung (hay ung thư tử cung hay Carcinom nội mạc tử cung) là u biểu mô ác tính nguyên phát từ biểu mô tuyến nội mạc tử cung, thường biệt hóa dạng tuyến, có khả năng xâm nhập lớp cơ và lan đến những bộ phận khác trong cơ thể. 

Bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh với biểu hiện điển hình là xuất huyết âm đạo sau mãn kinh và được chẩn đoán bằng sinh thiết.

Ung thư nội mạc tử cung là nỗi lo sợ của phụ nữUng thư nội mạc tử cung là nỗi lo sợ của phụ nữ

Bệnh được phân thành các giai đoạn như sau:

  • Ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 0: các thế bào ung thư vẫn ở nơi khởi điểm, tức là trên bề mặt niêm mạc tử cung
  • Ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1: tế bào ung thư đã lan qua lớp nội mạc tử cung và đến cơ tử cung
  • Ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 2: khối u lan đến cổ tử cung
  • Ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 3: khối u lan qua tử cung đến các mô gần đó, bao gồm âm đạo hoặc hạch bạch huyết
  • Giai đoạn 4: tế bào ung thư lan đến các cơ quan trong khoang bụng như bàng quang, ruột, thậm chí là xương, gan, phổi.

Khi tế bào ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể, chẳng hạn như có một khối u mới hình thành trong gan thì khối u đó không phải ung thư gan mà được gọi là ung thư nội mạc tử cung di căn.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư nội mạc tử cung là gì?

Các nguyên nhân gây bệnh khá quen thuộc, chính vì thế mà đa phần chị em đều tỏ ra chủ quan.

  • Mất cân bằng nội tiết tố: tình trạng mất cân bằng nội tiết tố có thể gây tích trữ mỡ thừa trong cơ thể dẫn đến lượng estrogen gia tăng. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh mà nhiều chị em thường chủ quan xem thường.
  • Kinh nguyệt không đều: rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt lần đầu đến quá sớm hoặc cũng muộn là một trong những căn nguyên gây ung thư niêm mạc tử cung.

Béo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnhBéo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnh

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: những người có sở thích, thói quen ăn nhiều dầu mỡ sẽ có nguy cơ mắc carcinom nội mạc tử cung cao hơn người ăn uống lành mạnh, chú trọng bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả trong khẩu phần ăn hàng ngày. Lý do là bởi chất béo xấu có thể gây tích trữ hormone estrogen dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung gây ra ung thư.
  • Mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp: những người mắc phải 2 bệnh này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến yên, làm tăng nồng độ estrogen dẫn đến nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung, mắc hội chứng buồng trứng đa nang,... mà đây chính là nguyên nhân gây ung thư nội mạc tử cung.
  • Do yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có người mắc ung thư tử cung thì khả năng bạn cũng mắc bệnh là khá cao. Do đó, trong trường hợp này bạn cần thực hiện kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư ngày từ sớm và định kỳ để sớm phát hiện, điều trị bệnh nhằm tăng tối đa cơ hội sống.

Ung thư nội mạc tử cung thường gặp ở những ai?

Bất kỳ nữ giới ở độ tuổi nào cũng có khả năng bị bệnh nhưng nếu có những yếu tố sau thì nguy cơ mắc sẽ càng cao hơn:

  • Độ tuổi: phụ nữ ở độ tuổi từ 50- 70, trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc đã bước vào giai đoạn mãn kinh, đặc biệt là ở những phụ nữ mãn kinh muộn (sau tuổi 55).

Bệnh thường gặp ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinhBệnh thường gặp ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

  • Từng mắc các bệnh liên quan như: tăng sản nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại tràng,… 
  • Béo phì: số cân nặng vượt mức 25kg so với trọng lượng bình thường sẽ có nguy cơ tích trữ estrogen trong mỡ dẫn đến dư thừa và tăng sản nội mạc tử cung, từ đó phát triển thành ung thư nội mạc tử cung.
  • Phụ nữ chưa từng sinh nở, sinh ít con.
  • Dùng thuốc bổ sung estrogen đơn thuần: loại thuốc này sử dụng trong thời gian dài có thể làm mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, trong đó có ung thư phụ khoa.
  • Mắc bệnh lý nền: đái tháo đường, cao huyết áp,…
  • Di truyền: gia đình có người từng mắc bệnh liên quan đến tử cung.

Dấu hiệu, triệu chứng ung thư nội mạc tử cung

  • Xuất huyết âm đạo bất thường: đây là dấu hiệu thường gặp của bệnh. Tình trạng âm đạo xuất huyết thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh. Do đó, chị em cần cảnh giác với triệu chứng bất thường như kinh nguyệt ra nhiều, thời gian hành kinh kéo dài, ra máu giữa các kỳ kinh nguyệt,... bởi đây có thể là triệu chứng của bệnh ung thư nội mạc tử cung.
  • Ra khí hư bất thường: âm đạo tiết dịch là điều bình thường với mỗi phụ nữ, thế nhưng nếu lượng dịch ra nhiều, có màu sắc bất thường, mùi hôi, đặc biệt là sau mãn kinh thì hãy đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư lớp nội mạc tử cung.

Ra khí hư bất thường là một trong những dấu hiệu của bệnhRa khí hư bất thường là một trong những dấu hiệu của bệnh

  • Đau vùng chậu thường xuyên: một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư tử cung đó là đau vùng chậu. Khi các tế bào ung thư phát triển thì khối u sẽ to hơn khiến người bệnh thường xuyên bị đau, chuột rút.
  • Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện: sự xuất hiện khối u ở nội mạc tử cung gây chèn ép lên bàng quang khiến người bệnh gặp các vấn đề trong việc tiểu tiện. Lúc này, áp lực tác động lên xương chậu khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn, quá trình tiểu tiện cũng bị đau và gặp khó khăn. Nhiều trường hợp, bệnh nhân tiểu buốt, bí tiểu, có máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân.
  • Giảm cân không rõ lý do: giảm cân bất thường, không rõ lý do là triệu chứng thường xảy ra ở những người mắc bệnh ung thư niêm mạc tử cung. Đi kèm với triệu chứng sụt cân nghiêm trọng theo thời gian thì người bệnh còn có các thêm triệu chứng phụ khoa khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, nếu không thực hiện chế độ giảm cân mà thấy cân nặng sụt giảm thì cần đi khám sức khỏe ngay để tìm nguyên nhân.

Ung thư nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Câu trả lời là: CÓ!

Người ta vẫn thường nói ung thư là bản án tử hình. Các u biểu mô ác tính xâm nhập vào tế bào, gây khó khăn cho việc điều trị. Ở giai đoạn sớm tỷ lệ chữa khỏi là 1/3 còn ở giai đoạn muộn, tỷ lệ kéo dài cuộc sống là 1/3.

Nếu phát hiện sớm, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị để ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, xâm lấn sang các cơ quan khác của cơ thể. Tuy nhiên nó vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, khiến cơ thể bị đảo lộn sự cân bằng hóa học, tăng khả năng mắc các biến chứng nghiêm trọng.

Ung thư tử cung đe dọa đến tính mạng người bệnhUng thư tử cung đe dọa đến tính mạng người bệnh

Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì khả năng di căn sang các cơ quan khác là rất lớn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, thậm chí là tính mạng.

Hiện nay, hầu hết các ca mắc ung thư nội mạc tử cung ở Việt Nam đều phát hiện ở giai đoạn muộn, do đó nó là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, là nỗi sợ hãi của chị em.

Ung thư nội mạc tử cung sống được bao lâu?

Khi được chẩn đoán bệnh, câu hỏi mà đa số mọi người thường lo lắng muốn biết đó là thời gian sống của người bệnh. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, tỷ lệ sống thêm của người mắc trung bình 5 năm là khoảng 81,3%. Nếu vào thời điểm phát bệnh, các tế bào ung thư chưa lây lan thì có đến 95% trường hợp có cơ hội sống sót trên 5 năm. Tuy nhiên, nếu các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 25%, tức là tiên lượng sống của người bệnh trở nên xấu đi.

Như vậy, người bị bệnh ung thư nội mạc tử cung sống được bao lâu tùy vào thời điểm chữa trị. Do đó mà các bác sĩ luôn khuyên phụ nữ nên khám sức khỏe và tầm soát để sớm phát hiện bệnh nếu có, điều này quyết định tỷ lệ sống còn của người bệnh.

Ung thư nội mạc tử cung có chữa được không?

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi các tế bào ung thư chưa di căn thì có thể điều trị khỏi. Hiện nay, với sự phát triển của y học, nhiều phương pháp điều trị ung thư được áp dụng với sự tân tiến và hiện đại, mang lại hiệu quả cao, dù không thể chữa khỏi hoàn toàn thì cũng làm chậm sự tiến triển của bệnh, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Tầm soát và điều trị ung thư nội mạc tử cung

Tầm soát ung thư nội mạc tử cung

Các chuyên gia khuyến cáo, chị em phụ nữ, nhất là những người đã quan hệ tình dục, từng bị viêm nhiễm phụ khoa, có yếu tố nguy cơ mắc bệnh thì nên thăm khám phụ khoa để có thể phát hiện và tầm soát bệnh. Dưới đây là 3 phương pháp phổ biến giúp phát hiện bệnh:

  1. Xét nghiệm PAP Smear

Xét nghiệm tầm soát bệnhXét nghiệm tầm soát bệnh

Còn gọi là phết tế bào tử cung, xét nghiệm này khá đơn giản, thực hiện bằng cách lấy tế bào bong ra từ niêm mạc tử cung, tiến hành nhuộm rồi soi dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường, loạn sản, tế bào tiền ung thư và ung thư,... Nếu kết quả bình thường tức là chị em không bị ung thư nội mạc tử cung còn bất thường thì có thể bị viêm hoặc ung thư ở tử cung, khi đó bác sĩ sẽ chỉ định soi hoặc sinh thiết nội mạc tử cung để chẩn đoán xác định.

Thời gian đầu, nên làm xét nghiệm PAP smear 6 tháng đến 1 năm mỗi lần, sau 3 năm nếu kết quả đều âm tính thì tiếp tục test 2 năm 1 lần cho tới khi 60 tuổi.

  1. Soi tử cung

Đây là phương pháp được dùng để phát hiện sớm ung thư tử cung, được bác sĩ chỉ định khi thấy tử cung có những tổn thương bất thường hoặc đối tượng ngoài 40 tuổi có nguy cơ cao.

Soi tử cung tìm tế bào ung thưSoi tử cung tìm tế bào ung thư

Phương pháp soi sử dụng máy soi với độ phóng đại lên đến 10- 30 lần, được kết nối với màn hình máy tính để hiển thị hình ảnh, lưu và in ra làm bằng chứng cận lâm sàng, tiện cho việc theo dõi sau này.

  1. Sinh thiết nội mạc tử cung

Đây là phương pháp tầm soát carcinom nội mạc tử cung cho kết quả có độ chính xác cao, tiến hành bằng cách tách lấy phần mô nghi ngờ có tổn thương rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.

  1. ThinPrep Pap Test

Đây thực chất là xét nghiệm phết tế bào tử cung (PAP smear) được cải tiến. Nếu phương pháp xét nghiệm PAP smear trước đây cho độ nhạy và đặc hiệu chừng 70% thì ThinPrep Pap Test lên đến 100%.

Xét nghiệm ThinPrep Pap Test cho độ nhạy 100%Xét nghiệm ThinPrep Pap Test cho độ nhạy 100%

Phương pháp này, các mô bệnh học thu được từ nội mạc tử cung sẽ không phết vào lam kính để làm tiêu bản mà được rửa hoàn toàn bằng chất lỏng trong lọ ThinPrep rồi chuyển đến phòng thí nghiệm để xử lý bằng máy ThinPrep. Lúc này, tiêu bản được hoàn thành một cách tự động.

Phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung

Hiện nay, với sự phát triển của y học thì các biện pháp điều trị ung thư tử cung cũng nhiều hơn, hiệu quả cao hơn. Tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh, giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa là phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, tia xạ (còn gọi là xạ trị), nội tiết tố hay có trường hợp phối hợp các phương pháp này. Bác sĩ sẽ trực tiếp trao đổi với bệnh nhân về chi tiết phương pháp điều trị và kết quả sẽ đạt được.

  1. Xạ trị

Là phương pháp sử dụng chùm tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, giống với phẫu thuật thì đây là phương pháp điều trị tại chỗ, nghĩa là chỉ tác động đến những tế bào trong vùng điều trị. Xạ trị ung thư nội mạc tử cung có 2 hình thức gồm:

Điều trị bệnh bằng xạ trịĐiều trị bệnh bằng xạ trị

  • Xạ ngoài: sử dụng máy phát tia lớn ở ngoài cơ thể để chiếu vào vùng điều trị. Thời gian điều trị thường là 5 ngày mỗi tuần và kéo dài trong vài tháng. Bệnh nhân có thể không cần nằm viện mà lựa chọn điều trị ngoại trú.
  • Xạ trong: dùng một ống nhỏ chứa chất phóng xạ rồi đưa vào âm đạo và lưu ở đó trong vài ngày. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân sẽ phải nằm viện và hạn chế sự thăm nom.
  1. Điều trị nội tiết

Phương pháp này sử dụng thuốc để ngăn chặn tế bào ung thư tiếp xúc với các nội tiết tố mà chúng cần có để phát triển. Trước khi điều trị bằng phương pháp này, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm về nội tiết để xem người bệnh có khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị này không.

Điều trị nội tiết là phương pháp điều trị toàn thân, thuốc thường được dùng là progesterone dạng viên. Và chỉ định cho bệnh nhân không mổ được, đã di căn hoặc tái phát sau điều trị.

  1. Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị ung thư tử cungPhẫu thuật điều trị ung thư tử cung

Phương pháp này gồm cắt bỏ tử cung, buồng trứng và vòi trứng 2 bên, lấy các hạch bạch huyết để kiểm tra xem tế bào ung thư đã lan đến hạch bạch huyết chưa. Nếu ung thư chỉ giới hạn ở lớp nội mạc tử cung thì bệnh nhân không cần điều trị thêm, ngược lại nếu đã di căn thì cần kết hợp thêm các phương pháp khác.

Các biện pháp giúp ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung

Ung thư tử cung nếu phát hiện ở giai đoạn càng muộn thì tỷ lệ xuất hiện di chứng và tử vong càng cao. Do đó, để phát hiện sớm bệnh và có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì cần đến ngay cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần thực hiện những biện pháp nhằm ngăn ngừa, phòng tránh bệnh như:

  • Tầm soát ung thư: kiểm tra sức khỏe kết hợp tầm soát ung thư định kỳ, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường.
  • Kiên trì điều trị bệnh: với những người mắc bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường,... thì cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của bác sĩ, kiên trì với việc điều trị, tránh bỏ giữa chừng vì có thể kiến tình trạng bệnh nặng hơn mà còn có thể dẫn đến những bệnh lý khác như ung thư tử cung.
  • Lưu ý trong việc dùng thuốc: mỗi người có cơ địa và giai đoạn bệnh có mức đáp ứng thuốc khác nhau. Chỉ những bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm mới có thể xem xét và cân nhắc loại thuốc, liều dùng. Do đó, bạn không nên tự ý dùng thuốc hay dùng đơn của người khác.
  • Kiểm soát cân nặng: xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế chất béo từ đồ ăn nhiều dầu mỡ như cá rán, khoai tây chiên, đồ đóng hộp, thịt mỡ,... tăng cường chất xơ và vitamin từ rau xanh và trái cây tươi. Tránh dùng chất kích thích như thuốc lá, shisha,... đồ uống có cồn như rượu bia…
  • Tập luyện thể thao đều đặn: những bài tập thích hợp sẽ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, tăng cường sự dẻo dai của cơ bắp và nâng cao sức đề kháng ngay từ bên trong, giúp phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có ung thư tử cung hiệu quả.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh ung thư nội mạc tử cung như nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết, tiên lượng sống cho người bệnh cũng như phương pháp tầm soát và điều trị. Mong rằng bài viết sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích đến người đọc trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Liên hệ ngay tới số Hotline BVĐK Phương Đông 1900 1806 để được đặt lịch khám và tầm soát ung thư.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,540

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám