Viêm khớp bàn chân là bệnh lý khá phổ biến khiến cơ thể người bệnh đau nhức, khó chịu, làm ảnh hưởng đến vận động hàng ngày. Bệnh không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy nhận biết bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn nhiều. Để rõ hơn về tình trạng bệnh lý này, bạn đọc hãy cùng Bệnh viện Đa Khoa Phương Đông tìm hiểu xem ngay bài viết bên dưới.
Tìm hiểu về bệnh viêm khớp bàn chân
Viêm khớp bàn chân là tình trạng bệnh lý liên quan đến sưng, viêm, đau nhức các khớp trong cơ thể, các mô mềm bao quanh. Đây là tình trạng một hoặc nhiều khớp của bàn chân bị tổn thương dẫn đến viêm, sưng, đau nhức. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do các rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể. Từ đó khiến bàn chân bị biến dạng cơ học và dẫn đến thay đổi mô.
Viêm khớp bàn chân là bệnh lý khá phổ biến
Các yếu tố nào gây viêm khớp bàn chân?
Có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố gây nên bệnh lý viêm khớp bàn chân, có thể kể đến như sau:
- Tuổi tác càng cao khiến các khớp xương bị thoái hóa thúc đẩy nhanh chóng. Phần cấu trúc, mật độ xương lúc này không được đảm bảo sẽ dẫn đến tình trạng sưng, viêm, đau xảy ra.
- Do chấn thương khi lao động, chơi thể thao gặp ở chân. Nếu không điều trị dứt điểm các chấn thương này sẽ dẫn đến nhiễm trùng và khiến người bệnh đau nhức, có thể dẫn đến biến chứng về sau.
- Do vi khuẩn, nấm tấn công vào khớp bàn chân gây nhiễm khuẩn khớp.
- Béo phì, thừa cân gây áp lực lên đôi chân và khiến khớp bàn chân bị tổn thương nhiều hơn.
- Do hiện tượng chèn ép dây thần kinh ở chân như đứng hoặc ngồi quá lâu, đi giày quá chật tạo ra tác động tiêu cực gây đau đớn.
- Do các ảnh hưởng từ bệnh viêm khớp dạng thấp khiến khớp cổ chân, mũi chân, gót chân bị đau, sưng.
- Những người có bàn chân bẹt có nguy cơ bị viêm khớp nhiều hơn. Bởi hình dạng bàn chân này khiến việc di chuyển khó khăn hơn, rất dễ bị viêm nhiễm cơ xương bàn chân.
- Hiện tượng tích tụ acid uric trong máu của bệnh gout khiến cho vùng khớp xương đau nhức dữ dội, nhất là vùng mắt cá chân.
Đi giày chật làm tăng đau, viêm khớp ở bàn chân
Triệu chứng viêm khớp bàn chân
Tùy vào từng trường hợp đau khớp bàn chân trái hoặc bàn chân phải mà triệu chứng xuất hiện cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:
Đau khớp bàn chân bên trái
Với tình trạng viêm khớp bàn chân ở bên trái sẽ có các triệu chứng điển hình cụ thể như sau:
- Xuất hiện các cơn đau nhức âm ỉ hoặc nhất thời tại khu vực bàn chân trái.
- Khi vận động, đi lại cơn đau nhức sẽ tăng dần lên và nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục vận động.
- Vùng chân bên trái bị sưng đỏ, phù nề, cảm thấy đau nhức, buốt tê tái.
- Tê bì chân trái khiến người bệnh khó có thể đi lại hay đứng thẳng được.
Đau khớp bàn chân bên phải
Với tình trạng viêm khớp bàn chân ở bên phải sẽ có các triệu chứng điển hình cụ thể như sau:
- Xuất hiện các cơn đau ở khu vực bàn chân bên phải.
- Chân phải bị mất sức, yếu cơ và khiến áp lực vận động bị dồn vào chân bên trái.
- Chân luôn ở trong tình trạng buốt, đau nhức và các cơn đau có xu hướng lan dần lên phía trên.
- Chân bị sưng đỏ, phù nề khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đứng lên ngồi xuống, gặp khó khăn khi di chuyển.
Biến chứng của viêm khớp bàn chân
Bệnh viêm khớp bàn chân nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm sẽ chuyển dần sang bệnh mãn tính. Khi chuyển sang mãn tính bệnh sẽ khó điều trị hơn, chân lâu hồi phục hơn. Bệnh này thường bắt đầu từ những cơn đau đột ngột, mơ hồ, không rõ rệt. Lúc này viêm khớp cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến các cử động và sinh hoạt hàng ngày nên người bệnh khá chủ quan.
Viêm khớp có diễn biến phức tạp có thể làm biến dạng khớp vĩnh viễn
Viêm khớp bàn chân có tính chất diễn biến âm thầm, phức tạp nên khi trở nặng thì việc điều trị rất khó khăn. Nếu không được điều trị sớm, đúng cách bệnh sẽ làm giảm khả năng vận động và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó biến chứng điển hình nhất là làm biến dạng khớp vĩnh viễn và làm mất khả năng đi lại.
Bệnh có thẻ gây tàn phế nếu không điều trị kịp thời. Chính vì vậy nếu cảm thấy đau nhức, viêm sưng và kèm theo những biểu hiện bất thường người bệnh hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay. Khi đó bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán cụ thể và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Chẩn đoán bệnh viêm khớp bàn chân như thế nào?
Trước khi đưa ra phương pháp điều trị viêm khớp bàn chân phù hợp, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định một số kỹ thuật cụ thể. Có thể kể đến bao gồm:
- Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành khám, quan sát những biểu hiện ở khớp và yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số động tác để đánh giá khả năng vận động, mức độ tổn thương của khớp.
- Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra được các yếu tố dạng thấp, nồng độ axit uric trong máu,... Từ đó giúp góp phần vào việc chẩn đoán các dạng viêm khớp như: gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm trùng,...
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ phân loại, kiểm tra số lượng vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Chụp X-quang: Sử dụng các bức xạ thấp khi chụp X-quang sẽ giúp kiểm tra xương và xác định những tổn thương trong khớp như: gai xương, gãy xương, hao mòn đầu xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thông qua hình ảnh chụp của xương khớp, mô mềm ở nhiều góc độ sẽ giúp phát hiện những tổn thương tiềm ẩn có kích thước nhỏ. Điều đó sẽ giúp chẩn đoán các vấn đề đang xảy ra ở xương khớp một cách chính xác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI sẽ tạo ra hình ảnh cắt ngang của cấu tạo xương khớp và các mô mềm xung quanh để bác sĩ xác định bệnh cũng như xây dựng phác đồ điều trị thích hợp.
- Siêu âm khớp: Kỹ thuật này sẽ giúp phát hiện các tình trạng viêm nhiễm, tràn dịch khớp,...
Điều trị viêm khớp bàn chân hiệu quả
Tùy vào mỗi trường hợp mà sẽ có các phương pháp điều trị viêm khớp mu bàn chân khác nhau. Cụ thể:
Dùng thuốc trị viêm khớp bàn chân
Thuốc giảm đau sẽ được bác sĩ chỉ định dùng cho bệnh nhân viêm khớp để giảm nhanh các cơn đau và hiện tượng viêm sưng ở bàn chân. Một số loại thuốc giảm đau có thể dùng như:
- Acetaminophen: Đây là thuốc giảm đau giúp cải thiện các cơn đau từ thể nhẹ đến trung bình. Thuốc này được đánh giá khá an toàn, được sử dụng phổ biến nhưng người có vấn đề về gan, thận thì nên cân nhắc kỹ trước khi dùng.
- NSAIDs: Đây là loại thuốc chống viêm không steroid có tác dụng giảm viêm, cải thiện cơn đau nhức khá hiệu quả. Loại thuốc này được sử dụng khi cơn đau không đáp ứng sử dụng Acetaminophen. Tuy nhiên NSAIDs có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, lên cơn đau tim, đột quỵ,... Vì vậy người bệnh cần phải trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
- Opioids: Đây là loại thuốc giảm đau gây nghiện sẽ tác động đến hệ thống thần kinh để giảm các cơn đau từ mức độ trung bình đến nặng. Sử dụng loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
- Gel/ miếng dán giảm đau: Cách thức này sử dụng có độ an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ. Sử dụng gel, miếng dán giảm đau sẽ giúp làm giảm cơn đau tại chỗ ở khớp bàn chân.
Thuốc giảm đau hỗ trợ giảm viêm, đau nhanh chóng
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sẽ giúp hỗ trợ giảm đau, giảm viêm và giúp cải thiện khả năng vận động khá hiệu quả đang được áp dụng phổ biến. Những người bị viêm khớp bàn chân sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu đơn giản hoặc áp dụng liệu pháp nhiệt trị liệu, điện trị liệu,...
Massage nhẹ nhàng giúp khớp bớt tê cứng, giảm đau
Thông qua các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp làm dịu cảm giác đau nhức khớp ở bàn chân và hỗ trợ giảm viêm sưng khớp. Đồng thời phương pháp này cũng giúp hạn chế cứng khớp, cải thiện chức năng vận động của người bệnh. Bên cạnh đó phương pháp này còn giúp tăng cường sức cơ duy trì sức khỏe của hệ cơ xương khớp.
Các liệu pháp thay thế
Ngoài việc dùng thuốc giảm đau, áp dụng vật lý trị liệu thì còn một số liệu pháp thay thế khác để chữa đau khớp bàn chân. Cụ thể:
- Đối với trường hợp sưng viêm, đau khớp bàn chân người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để tránh vận động làm ảnh hưởng đến khớp. Khi nghỉ ngơi sẽ giúp xoa dịu cơn đau và hạn chế tối đa các tổn thương tiến triển.
- Sử dụng nẹp cố định khớp để hạn chế phát sinh các cơn đau khó chịu ở bàn chân.
- Thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng ở các ngón chân, lòng bàn chân để điều hòa khí huyết, giảm đau, cứng khớp, cứng cơ và tăng tính linh hoạt cho bàn chân.
- Thực hiện châm cứu để giảm đau nhức hiệu quả, phương pháp này cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn cao.
- Chườm đá lạnh.
- Massage bàn chân khoảng 2 - 4 lần/ngày.
- Đắp ngải cứu khoảng 15 - 20 phút ở khu vực bàn chân sưng đau.
Một số lưu ý khi bị viêm khớp bàn chân
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bị viêm khớp bàn chân cũng phải lưu ý một số điều sau để tăng hiệu quả điều trị. Cụ thể:
- Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.
- Ngủ đủ giấc, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
- Sử dụng nẹp khi cần để giảm đau, giảm tổn thương tiến triển.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, canxi để bổ sung dưỡng chất, duy trì xương khỏe mạnh như: rau xanh, trái cây, trứng, hạt, thịt, cá, đậu, sữa, chế phẩm của sữa,...
- Duy trì vận động nhẹ nhàng phù hợp với sức để tăng cường linh hoạt dẻo dai của khớp và giúp giảm đau.
Tập thể dục thể thao giúp duy trì xương khớp dẻo dai, linh hoạt
Viêm khớp bàn chân có nhiều mức độ và có diễn biến phức tạp. Vì vậy khi có những dấu hiệu sưng, đau khớp, viêm, nóng đỏ quanh khớp người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Nếu cần thêm tư vấn chi tiết về bệnh viêm khớp bàn chân, quý khách hàng có thể gọi ngay đến Hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin tại phần để đặt lịch khám tại bệnh viện đa khoa Phương Đông.