Bệnh Gout(Gút): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Trần Hồng Nụ

18-06-2022

goole news
16

Bệnh goutbệnh lý xương khớp nguy hiểm có sự liên quan mật thiết đến quá trình chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh này đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nắm rõ được các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh bệnh gout sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình một cách chủ động nhất.

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout (bệnh gút), theo Y học cổ truyền còn có tên gọi là thống phong. Đây là một bệnh lý khởi phát do sự chuyển hóa nhân purin trong thận thành acid uric. Lượng axit uric tích trữ nhiều trong cơ thể sẽ hình thành tinh thể và tập trung tại các khớp, khiếp khớp bị viêm. sưng đỏ và gây đau đớn.

Gout là bệnh lý về xương khớp xuất hiện phổ biển
 Gout là bệnh lý về xương khớp xuất hiện phổ biển

Trước đây, nhiều người cho rằng bệnh gút là một “bệnh nhà giàu” và chỉ đàn ông mắc phải. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh này ngày càng phổ biến. Nhất là phụ nữ đã mãn kinh. Bên cạnh đó, khi đời sống ngày càng được nâng cao. Chất lượng bữa ăn được cải thiện kèm với chế độ ăn không lành mạnh đã khiến bệnh gút ngày càng phổ biến và trẻ hóa.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh gout

Bệnh gút bao gồm giai đoạn tiến triển sau:

Tăng acid uric máu không triệu chứng

Một người có thể bị tăng nồng độ acid uric trong máu mà không có bất kỳ dấu hiệu bên ngoài nào. Ở giai đoạn này, việc điều trị là chưa cần thiết. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại thói quen ăn uống và vận động cũng có thể đưa nồng độ acid uric trong máu về ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, việc xét nghiệm lại là cần thiết để xem nồng độ acid uric có tiếp tục tăng hay không. Trong trường hợp chỉ số này tăng lên thì người bệnh sẽ cần dùng thuốc phù hợp theo sự kê đơn của bác sĩ.

Bệnh gút cấp tính

Bệnh gút cấp tính là giai đoạn mà các tinh thể urat bị lắng đọng với cấu trúc nhỏ. Tuy nhiên, chúng lại rất cứng và sắc nhọn. Nên khi cọ xát vào lớp niêm mạc mềm của khớp sẽ gây nên triệu chứng sưng đau và viêm. Đây gọi là tình trạng gút cấp tính. Các đợt gút cấp tính có thể khởi phát sau khi người bệnh gặp căng thẳng, sử dụng rượu bia, ma túy, nhiễm lạnh, ăn nhiều hải sản.

Khớp bị sưng, viêm và đau là triệu chứng gout cấp tính
Khớp bị sưng, viêm và đau là triệu chứng gout cấp tính

Gút mạn tính ở giữa các đợt gút cấp tính

Đây là giai đoạn nằm ở giữa của các đợt gút cấp. Khoảng tái phát các đợt gút cấp thường không thể xác định rõ ràng. Có thể là vài tháng, hoặc vài năm. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc điều trị cũng như thói quen ăn uống, sinh hoạt của người bệnh.

Theo thống kê, có khoảng 62% bệnh nhân gút bị tái phát triệu chứng trong năm đầu tiên; 16% trong 1-2 năm; 11% trong 2-5 năm; và khoảng 7% không tái phát trong 10 năm trở lên. Trong suốt giai đoạn này, các tinh thể urat vẫn sẽ tiếp tục lắng đọng và tích tụ lại trong các mô cơ thể.

Gút mãn tính có biến chứng

Gút mãn tính có biến chứng là giai đoạn gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Lúc này những hạt tophi lớn tại khu vực các khớp, các mô cơ. Thậm chí là trong thận sẽ xuất hiện và gây tổn thương nghiêm trọng. Nếu không điều trị kịp thời trong giai đoạn này, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hại.

Bệnh gout có nguy hiểm không?

Bệnh gút khi không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Điều này thường xảy ra ở giai đoạn 3 của bệnh. Khi mà lượng axit uric trong máu đã tăng quá cao.

Bệnh gout có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời
Bệnh gout có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời

Các biến chứng của bệnh gout bao gồm:

Sỏi thận

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 20% bệnh nhân gout đều bị sỏi thận. Nguyên nhân là do sự tích tụ lâu ngày của các tinh thể urat và calci dã tạo thành sỏi trong thận. Từ đó mà hàng loạt chức năng của thận bị suy giảm.

Sụn bị bào mòn gây biến dạng và tàn phế khớp

Tinh thể urat bị lắng đọng nhiều quanh ổ khớp sẽ tạo thành các hạt Tophi. Đây chính là những cục u sần, nằm ẩn dưới da. Tophi không thường không gây đau đớn nhưng sẽ gây viêm, bào mòn mô sụn và xương dưới sụn. Theo thời gian, cấu trúc khớp sẽ bị phá hủy, dẫn đến tàn phế.

Mất xương

Người bị bệnh gout có nguy cơ cao bị loãng xương. Nhất là với những người đã tiềm ẩn sẵn các yếu tố làm giảm mật độ xương. Nghiên cứu từ Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Anh đã cho thấy; tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở những bệnh nhân gout là gần 23%. Con số này cao hơn hẳn so với những người không bị bệnh gout.

Tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Đại học Duke, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch có kèm cả bệnh gout cao hơn 15% so với những bệnh nhân không bị gout. Điều đáng buồn là hai bệnh lý này thường đi kèm với nhau.

Ngoài những biến chứng trên thì bệnh gout còn làm tăng nguy cơ đột quỵ và khiến nhiều vấn đề sức khỏe khác trở nên khó kiểm soát hơn. Như bệnh tiểu đường, đục thủy tinh thể. Ngoài ra, việc dùng thuốc điều trị gout trong thời gian dài cũng có thể gây ra những tác dụng phụ cho người bệnh.

Như vậy, bệnh gout là căn bệnh nguy hiểm. Cần được phát hiện sớm để can thiệp điều trị kịp thời. Hãy tới ngay bệnh viện uy tín để chẩn đoán bệnh này khi có những dấu hiệu nghi ngờ.

Nguyên nhân gây ra bệnh Gout (gút)

Purine là một chất tự nhiên có trong nhiều thực phẩm, nhất là thịt, cá, hải sản… Khi tiêu hóa chất này, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra acid uric. Như vậy, trường hợp tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa purine sẽ đồng nghĩa với việc bạn đã dư thừa acid uric.

Các tinh thể acid uric dư thửa bị lắng đọng lại các khớp gây ra bệnh gout
Các tinh thể acid uric dư thửa bị lắng đọng lại các khớp gây ra bệnh gout

Bình thường chỉ số acid uric trong máu sẽ được duy trì ổn định ở nam giới là từ 210 – 420 umol/L và nữ giới là 150 – 350 umol/L. Khi thận của chúng ta không đào thải hết được acid uric ra ngoài. Khiến chỉ số này vượt quá ngưỡng an toàn thì lâu dần sẽ gây ra bệnh gút.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh gout, chẳng hạn như:

  • Mắc các bệnh lý về thận. Chẳng hạn như viêm cầu thận, suy thận,... khiến cho chức năng đào thải acid uric của thận kém đi.
  • Ảnh hưởng của bệnh lý về tim mạch: Huyết áp cao, bạch cầu cấp, tim bẩm sinh,…
  • Thói quen sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích.
  • Ảnh hưởng của thuốc như aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế tế bào để điều trị ung thư hay thuốc điều trị cao huyết áp,… Các thuốc này thường có tác dụng phụ là làm tăng acid uric trong cơ thể.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh gout.
  • Thừa cân, béo phì cũng khiến nồng độ acid uric tăng cao.

Đối tượng nguy cơ bệnh Gout (gút)

Bất cứ ai đều có thể mắc bệnh Gout. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn, cụ thể:

Nam giới sau tuổi 40

Có đến hơn 80% người bệnh gout là nam trới có độ tuổi trên 40. Bên cạnh đó, họ cũng là đối tượng có chế độ sinh hoạt không lành mạnh; uống nhiều rượu bia; sử dụng chất kích thích và có thói quen ăn nhiều đạm.

Nam giới trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn những người trẻ tuổi
Nam giới trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn những người trẻ tuổi

Phụ nữ mãn kinh

Ở độ tuổi mãn kinh, phụ nữ thường phải đối mặt với tình trạng rối loạn nội tiết tố. Nhất là estrogen - loại hormon chính giúp thận bài tiết acid uric ra ngoài.

Có người thân bị gout

Nghiên cứu khoa học đã tìm ra có trên 5 loại gen di truyền có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh gout.

Người có thói quen ăn uống không lành mạnh

Những người lạm dụng rượu bia. Ăn nhiều đạm hay thực phẩm khác chứa nhiều purin có nguy cơ cao mắc bệnh gout.

Người đang sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc có chứa salicylate

Bởi các thuốc này có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu.

Thừa cân, béo phì

Lý do là bởi ở người béo phì có khả năng đào thải axit uric kém. Thay vào đó khả năng tổng hợp loại axit này lại nhiều hơn. Theo các thống kê gần đây, có tới 50% bệnh nhân gút thừa cân trên 20% trọng lượng cơ thể.

Các bệnh lý khác

Người gặp một số bệnh lý về thận, tiểu đường, cao huyết áp. Có thể bị giảm khả năng loại bỏ các chất thải ra ngoài cơ thể, dẫn đến nồng độ acid uric tăng cao.

Triệu chứng bệnh Gout (gút)

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có nồng độ acid uric trong máu tăng nhưng hoàn toàn không xuất hiện triệu chứng. Theo thời gian, khi bệnh không được kiểm soát tốt bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, vận động lành mạnh. Thì acid uric vẫn tiếp tục tăng cao dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể urat. Lúc này, người bệnh thường xuyên xuất hiện các cơn đau khớp âm ỉ đến dữ dội, nhất là vào ban đêm.

Các triệu chứng bệnh gout điển hình, dễ nhận biết
Các triệu chứng bệnh gout điển hình, dễ nhận biết

Các biểu hiện bệnh gout gao gồm:

  • Đau khớp dữ dội: Bệnh gút thường gây ra những tác động xấu đến khớp lớn của ngón chân cái. Bên cạnh đó, cũng có một số khớp ở vị trí khác bị ảnh hưởng bao gồm: Mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và cả khớp ngón tay. Cơn đau do bệnh gút gây ra có thể đặc biệt nghiêm trọng trong vòng 4 – 12 giờ đầu sau khi khởi phát.
  • Khó chịu kéo dài: Khi cơn đau dữ dội thuyên giảm dần sẽ là cảm giác khó chịu ở khớp kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các đợt bộc phát sau này khi mà bệnh đã trở nặng sẽ có khả năng kéo dài lâu hơn. Và ảnh hưởng đến nhiều khớp trên cơ thể hơn.
  • Viêm và tấy đỏ khớp: Các khớp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ có biểu hiện sưng, mềm, nóng và đỏ.
  • Hạn chế hoạt động của khớp: Khi bệnh gút tiến triển nặng, người bệnh thường không thể cử động khớp linh hoạt như bình thường.

Chú ý: Giả gút hay còn gọi là bệnh bệnh lắng đọng calcium pyrophosphate dihydrate rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh gút. Nguyên nhân là do các triệu chứng của hai bệnh này rất giống nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt chủ yếu của bệnh giả gút là:

  • Các khớp bị tổn thương bởi tinh thể canxi pyrophosphate.
  • Cách điều trị khác với bệnh gout.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh gút

Khám lâm sàng

Chẩn đoán bệnh gout thường tương đối dễ dàng. Đặc biệt khi người bệnh có triệu chứng điển hình của bệnh này là ngón chân cái bị sưng đỏ và viêm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể hỏi bạn một số thông tin về:

  • Mô tả về cơn đau khớp đã gặp phải.
  • Tần suất xuất hiện các cơn đau khớp.
  • Vị trí khớp bị đau, có xảy ra hiện tượng sưng viêm hay không.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh gout, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh gout, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán

Tuy rằng bệnh gout có những triệu chứng điển hình dễ nhận biết. Nhưng không phải lúc nào việc chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng cũng chính xác. Bởi vậy, các bác sĩ chuyên khoa Cơ - Xương - Khớp sẽ khuyến nghị người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm mục đích đo nồng độ acid uric máu từ đó chẩn đoán chính xác bệnh gút. Kết quả của phương pháp chẩn đoán này cần kết hợp cùng với các triệu chứng của người bệnh thì mới có giá trị cao. Bởi trên thực tế, nhiều người có thể có lượng uric cao, nhưng không lại hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh gout.

Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm và chụp CT là hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện ra các tổn thương khớp, tinh thể urat trong khớp cũng như những dấu hiệu ban đầu của bệnh gout. Chụp X-quang thường được bác sĩ áp dụng để xác định các tổn thương xương và khớp khi mà bệnh đã tiến triển trong thời gian dài.

Kiểm tra dịch khớp

Kiểm tra dịch khớp là phương pháp hiệu quả để có thể chẩn đoán bệnh gout. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu chất lỏng hoạt dịch thông qua một cây kim đưa vào một trong các khớp của người bệnh. Chất lỏng thu được sẽ kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm ra các tinh thể urat. Nếu người bệnh có hạt tophi, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu từ hạt này.

Chú ý: Khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào có liên quan đến bệnh gout thì bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn. Đây sẽ là biện pháp tốt nhất để điều trị bệnh kịp thời. Tránh gây biến chứng xấu cho xương khớp.

Phương pháp điều trị bệnh gout

Thông thường, bệnh nhân bị gout sẽ được điều trị bằng cách sử dụng thuốc, phẫu thuật. Áp dụng một số mẹo dân gian cùng với việc điều chỉnh lại thói quen ăn uống, vận động sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Phương pháp điều trị bệnh gout chủ yếu là dùng thuốc, ngoại trừ trường hợp bệnh đã gây ra biến chứng nặng
Phương pháp điều trị bệnh gout chủ yếu là dùng thuốc, ngoại trừ trường hợp bệnh đã gây ra biến chứng nặng

Nguyên tắc trong điều trị bệnh gout:

  • Khắc phục hoàn toàn tình trạng viêm trong cơn đau gút cấp tính.
  • Phòng ngừa tình trạng lắng đọng urat. Nguy cơ tái phát cơn gút và các biến chứng do bệnh gây ra.

Dùng thuốc

Dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh nhân bị gout. Tuy nhiên, khi người bệnh có hiện tượng bội nhiễm nốt tophi, viêm loét khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động thì phương pháp này không mang lại hiệu quả cao.

Các loại thuốc mà bác sĩ thường chỉ định để điều trị bệnh gút là:

  • Thuốc chống viêm: Gồm các thuốc chống viêm không steroid, Colchicin và thuốc có chứa Corticoid. Thuốc chống viêm cần được sử dụng trong giai đoạn xuất hiện cơn gout cấp. Loại thuốc này sở hữu khả năng giảm viêm và kiểm soát tốt triệu chứng bệnh. Tuy vậy, thuốc chống viêm cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy; suy tuyến thượng thận; đái tháo đường hoặc tăng huyết áp… Bởi vậy, người bệnh khi sử dụng chúng cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc làm giảm nồng độ acid uric máu: Gồm Allopurinol – Zyloric, Probenecid hoặc Febuxostat. Thuốc làm giảm acid uric máu thường được bác sĩ chỉ định trong giai đoạn gout mãn tính. Với mục đích phòng ngừa cơn gout cấp tái phát. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ được phép áp dụng khi người bệnh đã khỏi cơn viêm khớp cấp.

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi cần được áp dụng cho những bệnh nhân đang có triệu chứng:

  • Bội nhiễm nốt tophi.
  • Xuất hiện triệu chứng viêm, loét khớp.
  • Nốt tophi có kích thước lớn làm giảm tính thẩm mỹ, giảm khả năng vận động.

Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi cũng là một phương pháp điều trị gout hiện nay
Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi cũng là một phương pháp điều trị gout hiện nay

Khi tiến hành phẫu thuật điều trị bệnh gout cũng như khắc phục các biến chứng cả bệnh này. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc colchicin kết hợp với thuốc hạ acid uric máu. Mục đích của việc này là phòng ngừa khởi phát cơn gout cấp tính.

Mẹo dân gian điều trị bệnh gút

Chữa bệnh gout bằng mẹo dân gian với lá trầu, lá tía tô được rất nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Dùng lá trầu chữa bệnh gút

Trong lá trầu có chứa tinh dầu có các thành phần như Eugenol, Chavicol, Chavibetol, Estragol… Tất cả các hoạt chất này đều sở hữu tác dụng chống viêm, giảm đau cực tốt. Bởi vậy là lá trầu từ lâu đã được dân gian áp dụng để điều trị bệnh viêm khớp. Bên cạnh đó, lá trầu cũng giúp cơ thể con người dễ dàng hấp thụ vitamin và khoáng chất hơn. Đồng thời đào thải hiệu quả các chất cặn bã ra ngoài cơ thể.

Theo kinh nghiệm từ dân gian, sử dụng lá trầu kết hợp với nước dừa có thể chữa bệnh gout rất hiệu nghiệm. Bởi nước dừa đóng vai trò là chất hòa tan giúp làm tan tinh dầu từ lá trầu nhanh hơn đồng thời tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Bên cạnh đó, loại nước này cũng sở hữu khả năng kháng khuẩn, chống viêm, làm giảm sự hình thành axit lactic giúp đào thải nhanh chất axit uric trong cơ thể.

Cách dùng:

  • Chuẩn bị 1 quả dừa xiêm và 100g lá trầu tươi.
  • Vạt nắp gáo dừa xiêm rồi cho lá trầu tươi đã rửa sạch, thái nhuyễn vào ngâm khoảng 30 phút.
  • Sử dụng nước dừa ngâm trầu không để uống mới ngày trước khi ăn sáng. Chú ý, phải đợi cho nước dừa ngấm vào cơ thể và đào thải ra nước tiểu rồi mới ăn sáng. Áp dụng cách này trong vòng 1 tháng sẽ thuyên giảm triệu chứng gút.

Mẹo dân gian chữa bệnh gút bằng lá tía tô

Các hoạt chất trong lá tía tô có tác dụng ngăn chặn hoạt động của enzym xanthine oxidase. Đây là loại enzyme để nhanh sự hình thành acid uric, gián tiếp gây nên bệnh gút. Do đó việc dùng lá tía tô là cách chữa bệnh gút an toàn, tiết kiệm và vô cùng hiệu quả.

Lá tía tô từ lâu đã được dân gian áp dụng để điều trị bệnh gout
Lá tía tô từ lâu đã được dân gian áp dụng để điều trị bệnh gout

Cách dùng:

  • 2 nắm lá tía tô tươi đem đi rửa sạch rồi sắc cùng 2 lít nước.
  • Sử dụng nước tía tô để uống trong ngày liên tục trong 1 tháng. Cách này sẽ làm giảm nhanh cơn đau gút chỉ trong 30 phút mà không có tác dụng phụ. Ngoài ra để phòng bệnh ngừa cơn đau gout cấp tính tái phát, bạn nên ăn lá tía tô thường xuyên.

Thay đổi thói quen ăn uống

Để có thể điều trị dứt điểm và nhanh chóng bệnh gout. Ngoài việc dùng thuốc, phẫu thuật, mẹo dân gian thì người bệnh cũng cần thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt sao cho phù hợp với sức khỏe. Cụ thể:

  • Ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa hàm lượng purine cao. Đó là hải sản, nội tạng động vật, đậu, thịt đỏ,...
  • Uống nhiều nước để thúc đẩy cơ thể đào thải nhanh chất cặn bã, dịch dư thừa từ thận đồng thời làm giảm triệu chứng sưng và viêm do bệnh gout gây ra.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, kiêng hoàn toàn rượu bia và các chất kích thích khác, trong đó có cả cà phê.
  • Nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng hợp lý bằng việc luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, nhất là những người bệnh gout đang bị thừa cân, béo phì.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng hay stress đều có thể dẫn đến việc bùng phát cơn gout cấp tính. Bởi vậy mà người bệnh nên kiểm soát tốt tâm trạng, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, giải trí.
  • Thăm khám sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ để đó nồng độ acid uric máu định kỳ.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh gout hiệu quả?

Cách phòng ngừa bệnh gout tốt nhất và đơn giản nhất chính là chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt. Ngoài ra, nếu gia đình bạn có người từng bị gút, thì tốt nhất bạn nên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh định kỳ.

Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát tốt nồng độ acid uric trong máu
Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát tốt nồng độ acid uric trong máu

Các biện pháp giúp phòng tránh gout hiệu quả là:

  • Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành và phát triển của bệnh gout. Bởi vaajym việc duy trì thể trọng hợp lý sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tích tụ acid uric dư thừa và giảm sức ép lên các khớp.
  • Ăn uống lành mạnh, đủ chất: Thực hiện chế độ ăn đa dạng các dưỡng chất. Không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa purine. Bổ sung đủ nước và chất xơ, nguồn protein từ đậu, trứng, sữa. Hạn chế sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas, không dùng chất kích thích và thuốc lá.
  • Vận động mỗi ngày: Tập thể dục mỗi ngày là một việc lý tưởng vừa có thể nâng cao sức khỏe bản thân, vừa kiểm soát được cân nặng, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh gout.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kiểm soát tốt nồng độ acid uric trong máu.

[Giải đáp] Một số thắc mắc về bệnh gout

Bệnh Gout chữa khỏi được không?

Bệnh Gout có thể chữa khỏi nếu bạn tuân thủ đầy đủ chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc, cách ăn uống, sinh hoạt. Tùy vào mức độ bệnh mà thời gian điều trị có thể dài hoặc ngắn.

Ngược lại, nếu người bệnh không ăn uống kiêng khem, không vận động thể thao thường xuyên, hay không kiểm soát tốt cân nặng thì việc điều trị bệnh gout dứt điểm sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Bệnh Gout hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu tích cực điều trị
Bệnh Gout hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu tích cực điều trị

Người bị gout thường đau ở đâu?

Bác sĩ Thomas Sydenham (người Anh) từng mô tả bệnh gout như sau:

  • Các cơn đau do gout có thể xuất hiện một cách đột ngột và dữ dội. Trong đó, đa số bệnh nhân đều bị đau nhiều vào đầu sáng tại ngón chân cái, gót chân, mắt cá chân hoặc bắp chân.
  • Cơn đau do gout giống như cảm giác trật khớp, khiến người bệnh có cảm giác ớn lạnh, rùng mình và sốt nhẹ. Mỗi giờ trôi qua,cường độ đau sẽ trở nên dữ dội hơn kèm triệu chứng nóng đỏ, bỏng rát cực kỳ khó chịu.

Người bị Gout sống được bao lâu?

Người bị gout sống được bao lâu là thắc mắc của không ít người. Thời gian tái phát cơn đau do bệnh này phụ thuộc nhiều vào nồng độ acid uric trong máu,. Do đó, nếu như người bệnh kiểm soát tốt chỉ số này thì vẫn sống và sinh hoạt như người bình thường. Tuy nhiên, do gout là bệnh lý mãn tính bởi vậy mà người bệnh phải“sống chung” với nó trong nhiều năm, thậm chí trên 10 năm.

Bệnh gout gây ra triệu chứng sưng đau, viêm các khớp, thậm chí còn khiến khớp bị hoạt từ và mất dần chức năng. Bên cạnh đó nếu bệnh không được can thiệp điều trị có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như sỏi thận, suy thận… Ngoài ra, người bị gout cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, khiến tỉ lệ tử vong tăng lên đáng kể.

Gout là bệnh lý mãn tính, có thể kéo dài nhiều năm
Gout là bệnh lý mãn tính, có thể kéo dài nhiều năm

Thuốc có gây tác dụng phụ không?

Các loại thuốc điều trị bệnh gout có thể gây ra một số tác dụng phụ. Chẳng hạn như:

  • Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid NSAID: Gây đau, xuất huyết hoặc loét dạ dày.
  • Tác dụng phụ của thuốc colchicine: Buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
  • Tác dụng phụ của thuốc corticosteroid: Thay đổi tâm trạng, tăng chỉ số đường huyết và huyết áp.
  • Tác dụng phụ của thuốc Allopurinol: gây ra phản ứng dị ứng muộn sau 2-3 ngày uống thuốc.

Chú ý: Việc dùng thuốc điều trị gout đúng theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các tác dụng phụ trên.

Bệnh gout là căn bệnh phổ biến và ngày càng gia tăng số ca mắc. Bởi vậy, bạn hãy chủ động phòng ngừa bệnh này bằng cách thực hiện và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý, tránh xa rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện uy tín để kiểm soát nồng độ acid uric trong cơ thể luôn ở ngưỡng an toàn.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,454

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

PGS.TS. Bác sĩ

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

PGS.TS. Bác sĩ

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám